TÔNG HUẤN “C’EST LA CONFIANCE” CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Written by lcd on Tháng Mười 20th, 2023. Posted in Lm Lê Công Đức, Sự thánh thiện Kitô giáo, Tâm linh, Thiên Phong, Tông huấn, Truyền giáo

TÔNG HUẤN C’EST LA CONFIANCE

CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

VỀ LÒNG TÍN THÁC VÀO TÌNH YÊU THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

NHÂN KỶ NIỆM 150 NĂM SINH NHẬT CỦA THÁNH TÊRÊSA CHÚA GIÊSU HÀI ĐỒNG VÀ THÁNH NHAN

[Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS, dịch]

1. “C’est la confiance et rien que la confiance qui doit nous conduire à l’Amour”. ”Chính lòng tín thác và không gì ngoài lòng tín thác phải dẫn chúng ta đến với Tình Yêu” [1]

2. Những lời vang dội này của thánh Têrêsa Chúa Giêsu Hài Đồng và Thánh Nhan nói lên tất cả. Đây là những lời tóm tắt thiên tài linh đạo của ngài, và đủ để giải thích tại sao ngài được vinh danh là Tiến sĩ Hội Thánh. Lòng tín thác, “không gì ngoài lòng tín thác”, là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến với Tình Yêu trao ban mọi sự. Với lòng tín thác, nguồn ân sủng sẽ chảy tràn vào đời sống chúng ta, Tin Mừng sẽ thâm nhập chúng ta và làm cho chúng ta trở thành những kênh chuyển thông lòng thương xót cho anh chị em mình.

3. Chính lòng tín thác nâng đỡ chúng ta hàng ngày và sẽ giúp ta đứng trước mặt Chúa trong ngày Người gọi ta đến với Người: “Vào buổi chiều của cuộc đời này, con sẽ trình diện Chúa với hai bàn tay trắng, vì con không xin Chúa kiểm đếm những công việc mình làm. Tất cả sự công chính của chúng con đều mang tì vết trước mặt Chúa. Vì thế con ước ao được mặc lấy sự Công chính của Chúa, và nhờ Tình Yêu của Chúa mà con vĩnh viễn sở đắc được chính Chúa”. [2]

4. Thánh Têrêsa là một trong những vị thánh được biết đến và được yêu mến nhất trong thế giới chúng ta. Giống như thánh Phanxicô Assisi, ngài cũng được yêu mến bởi cả những người ngoài Kitô giáo và những người vô tín ngưỡng. Ngoài ra, ngài còn được UNESCO nhìn nhận là một trong những nhân vật có ý nghĩa nhất đối với nhân loại hiện nay. [3] Chúng ta sẽ suy ngẫm sâu hơn sứ điệp của ngài khi chúng ta kỷ niệm 150 năm ngày ngài chào đời tại Alençon (2 tháng 1 năm 1873) và kỷ niệm 100 năm ngày ngài được tuyên chân phước. [4] Tuy nhiên, tôi đã không chọn ban hành Tông huấn này vào một trong hai ngày đó, cũng không chọn ngày Lễ Nhớ ngài trong phụng vụ, nhằm để cho sứ điệp này có thể vượt quá những cuộc cử hành ấy, và được coi như một phần kho tàng thiêng liêng của Giáo hội. Việc ban hành Tông huấn vào ngày Lễ thánh Têrêsa Avila là một cách trình bày thánh Têrêsa Chúa Giêsu Hài Đồng và Thánh Nhan như hoa trái chín muồi từ cuộc cải cách Dòng Cát minh và từ linh đạo của vị thánh vĩ đại người Tây Ban Nha.

5. Cuộc đời trần thế của Têrêsa rất ngắn ngủi, chỉ hai mươi bốn năm, và hoàn toàn bình thường, đầu tiên là trong gia đình và sau đó là ở Dòng Cát minh Lisieux. Sự bùng nổ phi thường của ánh sáng và tình yêu mà ngài chiếu tỏa đã được biết đến rất sớm sau khi ngài qua đời, với việc xuất bản các văn liệu của ngài và nhờ vô số ân ban mà các tín hữu nhận được nhờ kêu xin ngài chuyển cầu.

6. Giáo hội nhanh chóng nhận ra tầm vóc to lớn và nét đặc sắc trong linh đạo Tin Mừng của ngài. Têrêsa gặp Giáo hoàng Lêô XIII trong một chuyến hành hương đến Rôma vào năm 1887 và xin phép gia nhập Dòng Cát minh khi mới mười lăm tuổi. Không lâu sau khi ngài qua đời, thánh Piô X, cảm nhận được tầm vóc linh đạo của ngài, đã tuyên bố rằng ngài sẽ trở thành vị thánh vĩ đại nhất của thời hiện đại. Têrêsa được tuyên là Đấng Đáng Kính vào năm 1921 bởi Giáo hoàng Bênêđíctô XV; khi ca ngợi các nhân đức của Têrêsa, vị giáo hoàng này nhìn thấy các nhân đức ấy thể hiện trong “con đường nhỏ” tức con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ. [5] Ngài được tuyên chân phước cách đây một thế kỷ, và rồi được tuyên thánh vào ngày 17 tháng 5 năm 1925 bởi Giáo hoàng Piô XI, vị giáo hoàng này đã tạ ơn Chúa vì được vinh dự đưa Têrêsa là vị Chân phước đầu tiên lên bàn thờ, cũng là vị thánh đầu tiên được ngài tuyên thánh. [6] Năm 1927, cũng chính Đức Piô XI đã tuyên bố thánh Têrêsa là Bổn mạng của các vùng đất Sứ mạng Thừa sai. [7] Năm 1944, thánh Têrêsa được công bố là một trong những vị bổn mạng của nước Pháp bởi Đấng Đáng Kính Piô XII, [8] vị giáo hoàng này đã nhiều lần khai triển chủ đề về con đường thơ ấu thiêng liêng. [9] Thánh Phaolô VI thích nhắc nhớ rằng mình lãnh Phép Rửa vào ngày 30 tháng 9 năm 1897, đúng ngày vị thánh nữ qua đời; và vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thánh Têrêsa, vị giáo hoàng đã gửi Thư cho Giám mục của Bayeux và Lisieux, viết về giáo huấn của thánh nữ. [10] Vào ngày 2 tháng 6 năm 1980, trong chuyến tông du đầu tiên đến Pháp, thánh Gioan Phaolô II đã thăm Vương cung Thánh đường dâng kính thánh Têrêsa, và vào năm 1997 đã tuyên bố ngài là Tiến sĩ Giáo hội. [11] Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng gọi thánh Têrêsa là “một chuyên gia về khoa học tình yêu”. [12] Đức Bênêđíctô XVI trở lại với chủ đề “khoa học tình yêu” của thánh nữ, và nêu chủ đề này như “một hướng dẫn cho mọi người, đặc biệt là những ai trong dân Thiên Chúa thi hành sứ vụ của mình trong tư cách những nhà thần học”. [13] Cuối cùng, vào năm 2015, tôi đã hân hạnh tuyên thánh song thân của thánh Têrêsa, là Louis và Zelie, trong thời gian Thượng Hội đồng về Gia đình. Gần đây hơn, tôi đã dành một trong những buổi Tiếp kiến ​​Chung hàng tuần của mình để nói về thánh Têrêsa, như một phần của loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ. [14]

I. CHÚA GIÊSU CHO THA NHÂN

7. Trong tên dòng mà Têrêsa chọn, Chúa Giêsu nổi bật như “Hài Nhi” biểu lộ mầu nhiệm Nhập Thể, và như “Thánh Nhan” của Đấng hoàn toàn hiến mình trên Thập Giá. Têrêsa là “thánh Têrêsa Chúa Giêsu Hài Đồng và Thánh Nhan”.

8. Thánh Danh Chúa Giêsu thường xuyên ở trên môi Têrêsa, như một lời Kinh Kính Mến, cho đến tận hơi thở cuối cùng. Têrêsa đã viết lời này trong gian phòng của mình: “Chúa Giêsu là tình yêu duy nhất của tôi”. Đó là cách diễn dịch của ngài về tuyên bố tối thượng của Tân Ước: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16).

Tâm hồn sứ mạng thừa sai

9. Như mọi cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô, cảm nghiệm đức tin này đã thúc đẩy Têrêsa vào sứ mạng. Têrêsa có thể xác định sứ mạng của mình bằng lời này: “Trên thiên đàng, tôi sẽ khao khát điều tương tự như tôi đang khao khát trên trần gian: đó là yêu mến Chúa Giêsu và làm cho Người được yêu mến”. [15] Têrêsa viết rằng mình vào Dòng Cát minh “để cứu các linh hồn”. [16] Nói tóm, ngài không coi việc thánh hiến của mình cho Thiên Chúa như tách rời khỏi việc theo đuổi thiện ích cho anh chị em mình. Ngài chia sẻ tình yêu thương xót của Chúa Cha cho con cái tội lỗi, và tình yêu của Vị Mục Tử Tốt Lành cho những con chiên lầm lạc và bị thương tích. Vì thế, Têrêsa là vị Bổn mạng của các vùng đất sứ mạng thừa sai và là một kiểu mẫu loan báo Tin Mừng.

10. Những trang cuối cùng trong Chuyện Một Tâm Hồn [17] của Têrêsa là một chúc thư sứ mạng. Những trang ấy diễn tả tâm đắc của Têrêsa rằng việc loan báo Tin Mừng diễn ra bằng sự thu hút [18], chứ không phải bằng áp lực hay chiêu dụ. Rất nên đọc những lời của chính Têrêsa về vấn đề này: “Hãy lôi kéo con, lạy Chúa Giêsu, chúng con sẽ bám theo hương dầu thơm của Chúa. Thậm chí không cần phải nói điều hiển nhiên rằng khi Chúa lôi kéo con, Chúa lôi kéo cả những linh hồn mà con yêu thương! Đơn giản chỉ cần kêu xin ‘Hãy lôi kéo con’ là đủ. Lạy Chúa, con hiểu rằng khi một linh hồn để mình bị quyến rũ bởi hương dầu thơm của Chúa, nó sẽ không thể theo đuổi Chúa một mình; tất cả những linh hồn mà nó yêu thương đều sẽ theo đường đi của nó; điều này xảy ra không do áp chế, không do cố sức, mà đó là hệ quả tự nhiên của việc linh hồn ấy được Chúa thu hút. Giống như một dòng nước mạnh lao vào đại dương, kéo theo mọi thứ nó gặp trên đường, cũng vậy, ôi Chúa Giêsu, linh hồn lao vào đại dương Yêu Thương không bờ bến của Chúa, cũng lôi kéo theo mình mọi kho báu mà mình có. Lạy Chúa, Chúa biết đó, con không có kho báu nào khác ngoài các linh hồn mà Chúa đã vui lòng liên kết với con”. [19]

11. Trong đoạn văn này, Têrêsa trích dẫn những lời của tình nương nói với tình quân trong sách Diễm ca (1,3-4), theo cách giải thích sâu sắc được tìm thấy trong tác phẩm của các vị Tiến sĩ Cát minh là thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá. Tình quân là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã kết hiệp với nhân tính của chúng ta trong mầu nhiệm Nhập Thể và đã cứu chuộc nhân loại trên Thánh Giá. Ở đó, từ cạnh sườn mở toang của mình, Người đã sinh ra Giáo hội, hiền thê yêu dấu của Người, Giáo hội mà Người đã hiến mạng sống mình (x. Ep 5,25). Điều ấn tượng là Têrêsa, trong khi ý thức về cái chết đang đến gần của mình, đã không tiếp cận mầu nhiệm này chỉ như một nguồn an ủi cá nhân, nhưng với một nhiệt tâm tông đồ.

Ân sủng giải phóng chúng ta khỏi thói qui ngã

12. Chúng ta nhận thấy điều tương tự khi Têrêsa nói về hoạt động của Chúa Thánh Thần, vốn hiển hiện ngay bản sắc sứ mạng: “Đây là lời cầu nguyện của tôi. Tôi xin Chúa Giêsu lôi kéo tôi đến với ngọn lửa tình yêu của Người, gắn kết tôi mật thiết với Người đến mức Người sống và hành động trong tôi. Tôi cảm thấy rằng ngọn lửa tình yêu càng bừng cháy trong trái tim mình, thì tôi càng xin Chúa ‘Hãy lôi kéo con’, và sẽ càng có nhiều linh hồn đến với tôi (mảnh sắt nhỏ tội nghiệp, vô dụng nếu tôi rút khỏi lò lửa thần linh), và những linh hồn này sẽ càng lao theo hương dầu thơm của Đấng mình yêu dấu, vì khi một linh hồn cháy bỏng tình yêu, nó không thể nào ở trạng thái bất động”. [20]

13. Trong trái tim Têrêsa, ân sủng của Phép Rửa trở thành dòng thác mạnh mẽ tuôn chảy vào đại dương tình yêu của Chúa Kitô và kéo theo vô số anh chị em khác. Đó là điều đã xảy ra, nhất là sau khi ngài từ trần. Đó là “cơn mưa hoa hồng” mà ngài đã hứa. [21]

II. CON ĐƯỜNG NHỎ CỦA TIN TƯỞNG VÀ YÊU THƯƠNG

14. Một trong những nhận thức quan trọng nhất của thánh Têrêsa giúp ích cho toàn thể Dân Chúa, đó là “con đường nhỏ” của ngài, con đường tin tưởng và yêu thương, còn được gọi là con đường thơ ấu thiêng liêng. Ai cũng có thể đi theo con đường này, bất kể tuổi tác hay tình trạng sống. Đây là con đường mà Cha trên trời mặc khải cho những kẻ bé mọn (x. Mt 11,25).

15. Trong Chuyện Một Tâm Hồn, [22] Têrêsa kể về việc mình đã khám phá ra con đường nhỏ: “Vậy, dù nhỏ bé, tôi vẫn có thể khao khát nên thánh. Tôi không thể làm cho mình lớn lên được, vì thế tôi phải chấp nhận thực tế của chính mình, với tất cả những bất toàn của mình. Nhưng tôi muốn tìm phương cách để lên thiên đàng bằng một con đường nhỏ, một con đường rất thẳng, rất ngắn và hoàn toàn mới mẻ”. [23]

16. Để mô tả con đường đó, Têrêsa dùng hình ảnh một thang máy: “Cái thang nâng con lên thiên đàng chính là cánh tay của Chúa, Ôi Chúa Giêsu! Và để được vậy, con không cần phải lớn lên, mà đúng hơn con cứ phải nhỏ bé và ngày càng trở nên nhỏ bé”. [24] Nhỏ bé, không thể tự tin nơi chính mình, nhưng vững tin vào sức mạnh yêu thương nơi cánh tay của Chúa.

17. Đó là “con đường ngọt ngào của tình yêu” [25] mà Chúa Giêsu mở ra cho những người bé nhỏ, cho người nghèo, cho mọi người. Đó là con đường hạnh phúc đích thực. Thay vì một quan niệm có hơi hướng Pelagiô về sự thánh thiện, [26] mang tính cá nhân và tinh hoa, thiên về khổ hạnh hơn thần bí, chủ yếu nhấn mạnh đến nỗ lực của con người, thì Têrêsa luôn thượng tôn hành động của Thiên Chúa, sự trao ban ân sủng của Ngài. Do đó, Têrêsa có thể nói: “Tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy dám tin tưởng mạnh mẽ về việc trở thành một vị thánh vĩ đại, bởi tôi không dựa vào công trạng của mình, vì tôi đâu có công trạng gì, nhưng tôi tin tưởng vào Đấng Nhân đức và Thánh thiện”. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng vui lòng với những cố gắng yếu ớt của tôi, mới nâng tôi lên với Ngài và làm cho tôi nên thánh, phủ lên người tôi công nghiệp vô biên của Ngài”. [27]

Vượt quá mọi công trạng

18. Cách nói này không hề trái ngược với giáo huấn truyền thống của Công giáo về sự gia tăng ân sủng, nghĩa là, một khi được công chính hóa cách nhưng không, bởi ơn thánh hóa, chúng ta được biến đổi và có khả năng hợp tác bằng các việc lành của mình trong tiến trình tăng trưởng trong sự thánh thiện. Nhờ sự “nâng lên” này, chúng ta có thể sở đắc những công trạng thực sự nhờ sự phát triển của ân sủng mình đã lãnh nhận.

19. Về phần mình, Têrêsa muốn nêu bật tầm quan trọng hàng đầu của hành động Thiên Chúa; ngài khuyến khích chúng ta tín thác hoàn toàn khi chiêm ngắm tình yêu của Chúa Kitô tuôn đổ cho đến cùng. Cốt lõi giáo huấn của Têrêsa, đó là nhận thức rằng vì chúng ta không thể nắm chắc về chính mình, [28] nên chúng ta không thể chắc chắn về công trạng của mình. Do đó, ta không thể tin tưởng vào các nỗ lực hay thành tích của mình. Sách Giáo Lý đã chọn trích dẫn những lời thánh Têrêsa thưa với Chúa: “Con sẽ trình diện trước nhan Chúa với hai bàn tay trắng”, [29] nhằm diễn tả rằng “các thánh luôn ý thức sống động rằng công nghiệp của các ngài thuần túy là ân sủng” . [30] Xác tín này làm nảy sinh lòng biết ơn đầy hân hoan và trìu mến.

20. Vì vậy, điều xứng hợp nhất là chúng ta nên đặt niềm tin tưởng chân thành không phải nơi chính mình, mà là nơi lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta vô điều kiện và đã trao ban tất cả cho chúng ta nơi Thập Giá Chúa Giêsu Kitô. [31] Vì lý do này, Têrêsa không bao giờ sử dụng cách diễn đạt khá phổ biến vào thời ấy rằng “Tôi sẽ làm thánh”.

21. Dù vậy, niềm tín thác vô bờ bến của Têrêsa khuyến khích tất cả những ai cảm thấy mình yếu đuối, giới hạn và tội lỗi hãy để mình được nâng lên và được biến đổi, nhằm đạt đến những tầm cao hơn. “Nếu tất cả những linh hồn yếu đuối và bất toàn đều cảm nhận được điều mà linh hồn hèn mọn nhất cảm nhận được, tức là tâm hồn của Têrêsa bé nhỏ của Chúa, thì không một ai sẽ chán nản việc đạt đến đỉnh cao của tình yêu. Chúa Giêsu không đòi hỏi chúng ta phải làm những việc lớn lao, nhưng Người chỉ cần ta phó thác và biết ơn”. [32]

22. Mối thâm tín này của Têrêsa về sáng kiến chủ động ​​của Thiên Chúa đã thúc đẩy ngài – khi nói về Bí tích Thánh Thể – không đặt lên hàng đầu khát khao được rước Chúa Giêsu Thánh Thể, mà thay vào đó ngài nêu trước hết niềm khát khao của Chúa Giêsu muốn kết hiệp với chúng ta và cư ngụ trong cõi lòng của chúng ta. [33] Trong Kinh Dâng Hiến cho Tình yêu Thương xót, Têrêsa buồn vì không thể rước lễ mỗi ngày, đã nói với Chúa Giêsu: “Chúa hãy ở lại trong con như ở trong nhà tạm”. [34] Cái nhìn của Têrêsa không dán chặt nơi chính mình và những nhu cầu của mình, nhưng là dán chặt vào Chúa Kitô, Đấng yêu thương, tìm kiếm, khao khát và đến ngự trong lòng.

Sự buông bỏ hằng ngày

23. Niềm tín thác mà Têrêsa cổ võ không chỉ liên quan đến sự thánh hóa và cứu rỗi cá nhân chúng ta. Nó có một ý nghĩa toàn diện, bao trùm toàn bộ cuộc sống cụ thể và đi vào đời sống hằng ngày của chúng ta, nơi chúng ta thường bị áp chế bởi những nỗi sợ hãi, bởi ước muốn an ổn của con người, bởi nhu cầu kiểm soát mọi thứ. Ở đây chúng ta thấy tầm quan trọng của lời mời gọi “buông bỏ” rất thánh thiện của Têrêsa.

24. Niềm tín thác trọn vẹn trở thành một sự buông bỏ trong Tình Yêu sẽ giải phóng chúng ta khỏi những tính toán đầy ám ảnh, khỏi sự thường xuyên lo lắng về tương lai, và khỏi những nỗi sợ hãi làm chúng ta mất bình an. Trong những ngày cuối đời, Têrêsa đã nhấn mạnh điều này: “Chúng ta, những người theo đuổi con đường yêu thương, không nên nghĩ đến những đau khổ có thể xảy ra trong tương lai; vì như vậy là thiếu lòng tín thác”. [35] Nếu chúng ta ở trong tay của một Người Cha yêu thương mình vô hạn, thì ắt hẳn chúng ta sẽ vượt qua được bất cứ điều gì có thể xảy đến với mình, và cách này hay cách khác, kế hoạch yêu thương và viên mãn của Ngài sẽ hoàn thành trong đời sống chúng ta.

Lửa cháy trong đêm tối

25. Têrêsa kinh nghiệm đức tin mạnh mẽ và chắc chắn nhất giữa đêm tối, và nhất là giữa bóng tối Can-vê. Chứng tá của ngài lên đến đỉnh điểm trong những tháng cuối đời, trong “cuộc thử thách đức tin” khủng khiếp [36] bắt đầu vào Lễ Phục sinh năm 1896. Trong lời tường thuật của mình, [37] Têrêsa liên hệ trực tiếp giai đoạn thử thách này với thực tế đau lòng của chủ nghĩa vô thần trong thời của mình. Những năm cuối thế kỷ 19 là “thời hoàng kim” của chủ nghĩa vô thần hiện đại xét như là một hệ thống triết học và ý thức hệ. Khi Têrêsa viết rằng Chúa Giêsu đã để cho tâm hồn mình “bị bóng tối dày đặc nhất xâm chiếm”, [38] ngài đang gợi lên bóng tối của chủ nghĩa vô thần và sự khước từ đức tin Kitô giáo. Trong sự kết hiệp với Chúa Giêsu, Đấng đã gánh lấy tất cả bóng tối tội lỗi của thế gian khi Người sẵn lòng uống chén Thương Khó, Têrêsa đã dần hiểu được cảm giác tuyệt vọng và sự trống rỗng tột cùng tiềm ẩn trong đó. [39]

26. Tuy nhiên, bóng tối không thể thắng được ánh sáng: Têrêsa đã được chinh phục bởi Đấng xuất hiện như ánh sáng đi vào thế gian (x. Ga 12,46). [40] Trình thuật của Têrêsa cho thấy bản chất anh hùng nơi đức tin của ngài, và chiến thắng của ngài trong cuộc chiến tâm linh với những cám dỗ dữ dội nhất. Têrêsa cảm thấy mình là chị em của những người vô thần, ngồi cùng bàn với họ, giống như Chúa Giêsu ngồi với những người tội lỗi (x. Mt 9,10-13). Têrêsa chuyển cầu cho họ, luôn lặp lại Kinh Tin của mình, trong sự hiệp thông yêu thương liên lỉ với Chúa: “Tôi chạy đến với Chúa Giêsu của tôi. Tôi nói với Người rằng mình sẵn sàng đổ máu đến giọt cuối cùng để tuyên xưng niềm tin vào sự tồn tại của thiên đàng. Tôi cũng nói với Người rằng tôi rất vui lòng không được tận hưởng thiên đàng tươi đẹp trên dương thế này, để Người sẽ mở thiên đàng ra mãi mãi cho những người vô tín khốn khổ”. [41]

27. Cùng với đức tin, Têrêsa kinh nghiệm niềm tin tưởng sâu xa vô hạn vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa: “Lòng tín thác sẽ dẫn chúng ta đến Tình Yêu”. [42] Ngay cả trong bóng tối của mình, ngài cảm nghiệm niềm tin tưởng hoàn toàn của một đứa trẻ tìm được nơi nương tựa, không sợ hãi, trong vòng tay của cha mẹ nó. Đối với Têrêsa, Thiên Chúa duy nhất được mặc khải trước hết nơi lòng thương xót của Ngài, đó là chìa khóa để hiểu mọi điều khác có thể được nói về Thiên Chúa: “Chúa đã ban cho tôi lòng thương xót vô biên, và qua đó tôi chiêm ngưỡng và tôn thờ những sự hoàn hảo khác của Thiên Chúa! Tất cả những sự hoàn hảo này được thấy chói ngời tình yêu; đối với tôi, ngay cả Công lý của Thiên Chúa (có lẽ ở đây còn hơn cả những điều khác) dường như cũng được bao phủ trong tình yêu”. [43] Đây là một trong những nhận thức sâu sắc nhất của Têrêsa, một trong những đóng góp chính yếu của ngài cho toàn thể Dân Chúa. Một cách phi thường, ngài đã thăm dò chiều sâu của lòng Chúa thương xót và rút ra từ đó ánh sáng của niềm hy vọng bất tuyệt cho mình.

Niềm trông cậy vững vàng nhất

28. Trước khi vào Dòng Cát minh, Têrêsa đã cảm nhận một sự gần gũi thiêng liêng đặc biệt với một trong những người bất hạnh nhất, đó là Henri Pranzini, kẻ tội phạm bị kết án tử hình vì tội sát hại ba người mà anh ta không hề ăn năn. [44] Bằng việc dâng các Thánh lễ cầu nguyện cho ơn cứu độ của anh ta với trọn lòng tín thác, Têrêsa xác tín rằng ngài đang lôi kéo anh ta đến gần với máu Chúa Giêsu hơn, và Têrêsa thưa với Chúa rằng mình tin chắc vào giây phút cuối cùng Chúa sẽ tha thứ cho anh ta “cho dẫu anh ta đi đến cái chết mà không hề có dấu hiệu ăn năn”. Về lý do cho sự chắc chắn của mình, Têrêsa nói: “Tôi hoàn toàn tín thác vào lòng thương xót của Chúa Giêsu”. [45] Têrêsa đã hết sức cảm kích khi biết rằng Pranzini, sau khi bước lên đoạn đầu đài, “đột nhiên, anh cảm thấy được thúc bách quay lại, nắm lấy cây thánh giá mà vị linh mục đang đưa cho mình, và anh hôn lên những thương tích thánh ba lần!” [46] Cảm nghiệm hy vọng mãnh liệt này, hơn mọi niềm hy vọng, đã trở thành nền tảng đối với Têrêsa: “Sau ân sủng độc đáo này, ước muốn cứu các linh hồn của tôi ngày càng lớn thêm”. [47]

29. Ý thức thực tại bi thảm của tội lỗi, nhưng Têrêsa luôn đắm chìm trong mầu nhiệm Chúa Kitô, tin chắc rằng “ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan” (Rm 5:20). Tội lỗi của thế gian rất to lớn nhưng không phải là vô hạn, trong khi tình yêu thương xót của Đấng Cứu Chuộc thực sự là vô hạn. Têrêsa đoan chắc chiến thắng chung cuộc của Chúa Giêsu trên mọi quyền lực sự dữ, xuyên qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh của Người. Tràn đầy lòng tín thác, ngài dám giải thích: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cứu được rất nhiều linh hồn; xin đừng để linh hồn nào bị hư mất hôm nay… Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho con nếu con nói điều gì không nên nói. Con chỉ muốn đem lại cho Chúa niềm vui và an ủi Chúa”. [48] Giờ đây điều này thúc đẩy chúng ta xem xét một khía cạnh khác của hơi thở trong lành, đó là sứ điệp của thánh Têrêsa Chúa Giêsu Hài Đồng và Thánh Nhan.

III. CON SẼ LÀ TÌNH YÊU

30. Vì “cao trọng hơn” đức tin và đức cậy, đức ái sẽ không bao giờ qua đi (x. 1 Cr 13,8-13). Đó là ân ban tối thượng của Chúa Thánh Thần, là “mẹ và cội nguồn của mọi nhân đức”. [49]

Đức ái xét như một thái độ yêu thương cá vị

31. Chuyện Một Tâm Hồn là một chứng từ về đức ái, trong đó Têrêsa cung cấp cho chúng ta một chú giải về điều răn mới của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). [50] Chúa Giêsu khao khát sự đáp trả này đối với tình yêu của Người. Thật vậy, Người “không ngại xin người đàn bà Samari một ít nước. Người khát. Nhưng khi Người nói ‘Cho tôi nước uống’, thì đó là Đấng Tạo Thành vũ trụ đang tìm kiếm tình yêu từ thụ tạo tội nghiệp của Ngài. Người khát tình yêu”. [51] Têrêsa muốn đáp lại tình yêu của Chúa Giêsu, muốn dâng hiến cho Người tình yêu để đáp trả tình yêu. [52]

32. Biểu tượng tình yêu phu phụ nhấn mạnh đến sự tự hiến cho nhau của tình quân và tình nương. Vì thế, nhận cảm hứng từ sách Diễm ca (2,16), Têrêsa viết, “Tôi nghĩ rằng Trái tim Người Bạn Đời của tôi là của riêng tôi, cũng như trái tim tôi là của riêng người ấy, và tôi chuyện trò với người ấy trong sự cô tịch ấm áp của lòng kề lòng, trong khi chờ đợi một ngày được chiêm ngưỡng Người mặt đối mặt”. [53] Mặc dù Chúa yêu thương chúng ta như một đoàn dân, nhưng đồng thời đức ái cũng hoạt động một cách rất cá vị: “lòng kề lòng”.

33. Têrêsa hoàn toàn chắc chắn rằng Chúa Giêsu yêu thương mình và biết rõ mình khi Người chịu Khổ nạn: “Người yêu tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cơn hấp hối, Têrêsa nói với Người: “Chúa đã nhìn thấy con”. [54] Cũng vậy, Têrêsa nói với Hài Nhi Giêsu trong vòng tay của Đức Mẹ: “Với chính bàn tay nhỏ bé Chúa vuốt ve Mẹ Maria, Chúa đã nâng đỡ thế giới và ban cho nó sự sống, và Chúa đã nghĩ đến con”. [55] Cũng thế, ở đầu Chuyện Một Tâm Hồn, Têrêsa đã chiêm ngưỡng tình yêu của Chúa Giêsu đối với toàn thể nhân loại và đối với mỗi cá nhân, như thể mỗi cá nhân là người duy nhất trên đời. [56]

34. Kinh Kính Mến lặp đi lặp lại câu “lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa” – vốn trở thành tự nhiên đối với Têrêsa như hơi thở – là chìa khóa giúp Têrêsa hiểu Tin Mừng. Với tình yêu đó, Têrêsa đắm mình trong tất cả các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô, làm cho Têrêsa trở thành người đương thời của Chúa, đặt mình trong Tin Mừng cùng với Đức Maria và thánh Giuse, với Maria Mađalêna và các tông đồ. Cùng với các vị ấy, Têrêsa thâm nhập vào chiều sâu tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu. Chúng ta hãy lấy một ví dụ: “Khi tôi nhìn thấy Mađalêna bước tới trước nhiều quan khách, lấy nước mắt rửa chân cho Thầy kính yêu của mình, người mà chị ấy chạm vào lần đầu tiên, tôi cảm nhận trái tim chị ấy đã hiểu được sự thẳm sâu của tình yêu và lòng thương xót nơi Trái Tim Chúa Giêsu, và dù chị là người tội lỗi, Trái Tim yêu thương này không chỉ sẵn lòng tha thứ cho chị, mà còn ban cho chị ân phúc được mật thiết với Chúa, nâng chị lên những đỉnh cao nhất của chiêm niệm”. [57]

Tình yêu lớn nhất trong tính giản dị nhất

35. Ở cuối Chuyện Một Tâm Hồn, Têrêsa giới thiệu cho chúng ta Kinh Dâng Hiến cho Tình yêu Thương xót. [58] Khi Têrêsa hoàn toàn buông mình cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, ngài đã nhận được, cách âm thầm và kín đáo, một dòng nước hằng sống dồi dào: “Những dòng sông, hay đúng hơn, những đại dương ân sủng tràn ngập linh hồn tôi”. [59] Đây là đời sống thần bí, chẳng liên quan gì đến những hiện tượng ngoại thường, đời sống này được ban cho mọi tín hữu như một kinh nghiệm yêu thương hằng ngày.

36. Têrêsa thực hành đức ái trong sự nhỏ bé, trong những điều đơn giản nhất của cuộc sống thường ngày, và ngài đã làm như vậy cùng với Đức Trinh Nữ Maria, đấng đã dạy Têrêsa rằng “yêu thương là cho đi tất cả, là hiến dâng chính mình”. [60] Trong khi các nhà giảng thuyết thời đó thường tôn vinh sự cao cả của Đức Maria theo những cách làm cho Đức Mẹ dường như rất xa cách chúng ta, thì khởi đi từ Tin Mừng, Têrêsa cho thấy rằng Đức Maria là người cao trọng nhất trong Nước Trời vì Mẹ là người bé mọn nhất (x. Mt 18,4), Mẹ là người gần gũi nhất với Chúa Giêsu trong sự hạ mình. Têrêsa nhận thấy rằng trong khi ngụy thư đầy rẫy những việc lẫy lừng và đáng kinh ngạc, thì Tin Mừng cho chúng ta thấy một cuộc sống thấp hèn và nghèo khó trong đức tin đơn sơ. Chính Chúa Giêsu muốn Đức Maria trở thành mẫu gương của một tâm hồn tìm kiếm Người với đức tin đơn sơ. [61] Đức Maria là người đầu tiên kinh nghiệm “con đường nhỏ” trong đức tin thuần khiết và trong sự khiêm nhường. Vì vậy, Têrêsa đã không ngần ngại viết:

“Lạy Mẹ đầy ân sủng, con biết rằng ở Nadarét

Mẹ sống trong nghèo khó, và không đòi gì hơn.

Không có trạng thái ngây ngất, phép lạ hay sự xuất thần nào

tô điểm đời sống của Mẹ, lạy Nữ Hoàng của những người được tuyển chọn!

Thế giới này thật đông đảo những người bé mọn,

họ có thể ngước nhìn lên Mẹ mà không run rẩy.

Lạy Mẹ khôn sánh, Mẹ muốn bước đi theo cách bình thường

để dẫn dắt họ về thiên quốc”. [62]

37. Đành rằng Têrêsa có kể cho chúng ta về một số khoảnh khắc ân sủng được kinh nghiệm giữa cái đơn sơ của cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn nhận thức bất ngờ mà ngài có được khi đồng hành với một nữ tu đau ốm và có phần dở hơi. Tuy nhiên, những kinh nghiệm bác ái thâm sâu đó vẫn diễn ra theo những cách bình thường nhất. “Một đêm mùa đông, tôi đang làm bổn phận nhỏ bé của mình như thường lệ; trời lạnh, và đã về đêm. Đột nhiên tôi nghe thấy từ xa âm thanh du dương của một nhạc cụ. Thế rồi, tôi hình dung một phòng khách rực sáng ánh đèn, bài trí lộng lẫy, đầy những quí nương ăn mặc sang trọng đang trò chuyện và đẩy đưa qua lại đủ mọi lời khen tặng và những bình phẩm phàm trần khác. Rồi tôi liếc nhìn chị bệnh nhân tội nghiệp mà mình đang giúp đỡ. Thay vì những dòng nhạc du dương, tôi chỉ thỉnh thoảng nghe thấy những lời phàn nàn của chị ấy, và thay vì những trang trí mạ vàng sang trọng, tôi chỉ nhìn thấy những viên gạch của khu nội vi khắc khổ của chúng tôi, khó nhìn thấy rõ trong ánh sáng nhập nhòe. Tôi không thể diễn tả bằng lời điều gì đã xảy ra trong tôi; chỉ biết rằng Chúa đã soi sáng tâm hồn tôi bằng những tia sáng của sự thật, những tia sáng ấy vượt xa cái rực rỡ tăm tối của những hội hè trần tục đến nỗi tôi không thể tin niềm hạnh phúc của mình. Ơ! Tôi sẽ không đánh đổi mười phút làm công việc bác ái khiêm tốn của mình để hưởng những cuộc vui thế gian trong cả ngàn năm”. [63]

Giữa lòng Hội Thánh

38. Thánh Têrêsa Lisieux kế thừa từ thánh Têrêsa Avila một tình yêu lớn lao đối với Hội Thánh, và ngài có thể đào sâu vào mầu nhiệm này. Chúng ta thấy điều này trong khám phá của ngài về “trái tim của Hội Thánh”. Trong một lời cầu nguyện dài với Chúa Giêsu, [64] được viết vào ngày 8 tháng 9 năm 1896, nhân kỷ niệm sáu năm khấn dòng, thánh nữ đã tâm sự với Chúa rằng ngài cảm nhận được thúc đẩy bởi một ước muốn mãnh liệt, một niềm say mê Tin Mừng mà không ơn gọi nào tự thân nó có thể thỏa mãn. Và vì thế, khi tìm kiếm “chỗ” của mình trong Hội Thánh, ngài đã mở tới các Chương 12 và 13 của Thư Thứ Nhất thánh Phaolô gửi các tín hữu Côrintô.

39. Ở Chương 12, vị tông đồ sử dụng ẩn dụ về thân thể với các chi thể để giải thích rằng Hội Thánh bao trùm rất nhiều đặc sủng được sắp xếp theo thứ bậc. Tuy nhiên, mô tả này vẫn chưa đủ đối với Têrêsa. Têrêsa tiếp tục tìm kiếm và đọc “bài ca đức ái” ở Chương 13. Ở đó, ngài gặp thấy câu trả lời tuyệt vời cho câu hỏi của mình, và đã viết ra trang đáng nhớ này: “Xem xét Hội Thánh như thân thể mầu nhiệm, tôi đã không nhận thấy mình nơi bất kỳ chi thể nào được thánh Phaolô mô tả, hay đúng hơn là tôi mong muốn nhìn thấy chính mình nơi tất cả các chi thể. Đức ái đã cho tôi chìa khóa để hiểu ơn gọi của mình. Tôi hiểu rằng nếu Hội Thánh là một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì không thể thiếu cái cần thiết nhất và cao quý nhất, và vì thế tôi hiểu rằng Hội Thánh có một Trái tim, và Trái tim này đang cháy bỏng tình yêu. Tôi hiểu rằng chỉ tình yêu mới làm cho các chi thể của Hội Thánh vận động, rằng nếu như Tình Yêu không còn nữa thì các tông đồ sẽ không rao giảng Tin Mừng và các vị tuẫn đạo sẽ không đổ máu. Tôi hiểu rằng Tình Yêu bao phủ mọi ơn gọi, tình yêu là tất cả, và nó ôm lấy mọi nơi và mọi thời; tóm lại: tình yêu là vĩnh cửu! Thế rồi, trong niềm vui sướng tột độ, tôi đã kêu lên: Ôi Chúa Giêsu, Tình Yêu của con… ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy nó… ơn gọi của con là Tình Yêu! Vâng, con đã tìm được chỗ của mình trong Hội Thánh, và lạy Thiên Chúa của con, chính Chúa đã ban cho con chỗ này; ở giữa lòng Hội Thánh, Mẹ của con, con sẽ là Tình yêu. Như vậy con sẽ là tất cả, và như vậy giấc mơ của con sẽ thành hiện thực”. [65]

40. Trái tim này không phải là trái tim của một Giáo hội chiến thắng, mà là một Giáo hội yêu thương, khiêm tốn và đầy thương xót. Têrêsa không bao giờ đặt mình lên trên người khác, nhưng đi xuống chỗ thấp nhất cùng với Con Thiên Chúa, Đấng đã trở thành nô lệ và tự hạ, trở thành vâng phục cho đến chết trên thập giá (x. Pl 2,7-8).

41. Việc khám phá trái tim của Giáo hội này cũng là một nguồn ánh sáng lớn lao cho chúng ta ngày nay. Nó bảo vệ chúng ta khỏi nên cớ vấp phạm bởi những hạn chế và yếu đuối của cơ chế Giáo hội cùng với những bóng tối và tội lỗi của cơ chế ấy, đồng thời giúp chúng ta đi vào “trái tim cháy bỏng tình yêu” của Giáo hội, trái tim bùng cháy vào Lễ Hiện Xuống nhờ ân ban Thánh Thần. Trái tim ấy có ngọn lửa được thắp sáng lại nơi mỗi hành động bác ái của chúng ta. “Tôi sẽ là tình yêu”. Đây là lựa chọn triệt để của Têrêsa, là sự tổng hợp dứt khoát và là căn tính linh đạo sâu xa nhất của ngài.

Cơn mưa hoa hồng

42. Sau nhiều thế kỷ trong đó vô số các vị thánh đã bày tỏ cách tha thiết và hùng hồn ước muốn “lên thiên đàng”, thánh Têrêsa không ngần ngại nhìn nhận hết sức chân thành rằng: “Vào thời điểm đó, tôi đang phải chịu đựng đủ loại thử thách nội tâm, đến mức tôi tự hỏi liệu thiên đàng có thực sự tồn tại hay không”. [66] Vào một lúc khác, ngài nói: “Khi tôi hát về hạnh phúc thiên đàng và về việc đạt được Thiên Chúa vĩnh viễn, tôi không cảm thấy vui mừng gì cả, vì tôi chỉ hát những gì tôi muốn tin”. [67] Chuyện gì đã xảy ra vậy? Têrêsa đang nghe tiếng Chúa mời gọi thổi lửa vào trái tim Giáo hội hơn là nghĩ về hạnh phúc riêng của mình.

43. Sự biến đổi đang diễn ra ấy đã giúp Têrêsa chuyển từ khát vọng thiên đàng tha thiết sang khát vọng liên lỉ và cháy bỏng về lợi ích của mọi người, mà tột đỉnh là giấc mơ sẽ tiếp tục trên thiên đàng sứ mệnh yêu mến Chúa Giêsu và làm cho Người được yêu mến. Như Têrêsa viết trong một lá thư cuối đời: “Tôi thực sự tin rằng mình vẫn hoạt động trên thiên đàng. Mong muốn của tôi là vẫn tiếp tục làm việc cho Giáo hội và cho các linh hồn”. [68] Và trong những ngày đó, ngài đã nói, thậm chí còn trực tiếp hơn: “Thiên đàng của tôi sẽ dành cho trái đất cho đến ngày tận thế. Vâng, tôi muốn dành thiên đàng của mình để làm những điều tốt đẹp trên trái đất”. [69]

44. Trong những lời đó, Têrêsa đã bày tỏ sự đáp trả xác quyết nhất của mình trước món quà độc đáo mà Chúa ban cho mình, đáp trả ánh sáng đặc biệt mà Thiên Chúa chiếu rọi trên mình. Bằng cách này, Têrêsa đạt được sự tổng hợp Tin Mừng cuối cùng cho mình, một sự tổng hợp bắt đầu bằng niềm tin tưởng trọn vẹn, và kết thúc bằng sự từ bỏ hoàn toàn vì lợi ích của người khác. Têrêsa không nghi ngờ gì về hoa trái của sự từ bỏ này: “Tôi nghĩ đến tất cả những điều tốt đẹp mà tôi muốn làm sau khi chết”. [70] “Hẳn Chúa đã không ban cho tôi ước muốn làm điều tốt lành trên trái đất sau khi qua đời, nếu như Ngài không sẵn lòng thực hiện điều đó”. [71] “Nó sẽ giống như một cơn mưa hoa hồng”. [72]

45. Têrêsa đã đi trọn một vòng. “C’est la confiance”. Chính sự tin tưởng đưa chúng ta đến tình yêu và do đó giải phóng chúng ta khỏi sợ hãi. Chính sự tin tưởng giúp chúng ta ngừng nhìn vào chính mình, và giúp chúng ta phó thác vào bàn tay Thiên Chúa những gì chỉ có Ngài mới hoàn thành được. Làm như vậy sẽ mang lại cho chúng ta một nguồn tình yêu và năng lượng lớn lao để tìm kiếm lợi ích cho anh chị em mình. Và vì thế, giữa nỗi đau khổ của những ngày cuối đời, Têrêsa đã có thể nói: “Tôi chỉ trông cậy vào tình yêu”. [73] Cuối cùng, chỉ tình yêu mới đáng kể. Niềm tin tưởng sẽ làm cho những bông hồng nở rộ và tuôn đổ như sự tràn ngập tình yêu chan chứa của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy cầu xin cho được niềm tin tưởng ấy, như một ân ban quí giá và miễn phí, để những nẻo đường Tin Mừng sẽ mở ra trong đời sống chúng ta.

IV. Ở TÂM ĐIỂM CỦA TIN MỪNG

 46. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, tôi đã kêu gọi phải quay trở về với nguồn mạch tinh nguyên, để nhấn mạnh điều gì là thiết yếu và không thể thiếu được. Giờ đây tôi thấy thật phù hợp để nhắc lại lời kêu gọi đó và đề xuất nó một lần nữa.

Vị Tiến sĩ của tổng hợp

47. Tông huấn này về Thánh Têrêsa cho phép tôi ghi nhận rằng trong một Giáo hội mang tính sứ mạng thừa sai, “sứ điệp phải tập trung vào những điều thiết yếu, những gì đẹp nhất, cao cả nhất, lôi cuốn nhất và đồng thời cần thiết nhất. Sứ điệp được đơn giản hóa nhưng không mất đi chiều sâu và tính chân thực của nó, và do đó càng trở nên mạnh mẽ và thuyết phục”. [74] Điểm cốt lõi sáng chói của sứ điệp đó là “vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại từ cõi chết”. [75]

48. Không phải mọi thứ đều có vai trò trung tâm như nhau, bởi vì có một trật tự hay thứ bậc giữa các chân lý của Giáo hội, và “điều này đúng đối với các tín điều đức tin cũng như đối với toàn bộ giáo huấn của Giáo hội, bao gồm cả giáo huấn luân lý”. [76] Trọng tâm của luân lý Kitô giáo là bác ái, như sự đáp trả của chúng ta trước tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Do đó, “những việc làm của tình yêu hướng tới người lân cận là biểu hiện hoàn hảo nhất của ân sủng bên trong của Chúa Thánh Thần”. [77] Cuối cùng, chỉ tình yêu mới đáng kể.

49. Sự đóng góp chuyên biệt mà thánh Têrêsa cống hiến cho chúng ta trong tư cách là một vị thánh và một Tiến sĩ Giáo hội không mang tính phân tích, như kiểu của thánh Tôma Aquino. Sự đóng góp của Têrêsa mang tính tổng hợp hơn, vì thiên tài của ngài hệ tại ở việc dẫn dắt chúng ta đến cái gì là cốt lõi, thiết yếu và không thể thiếu được. Bằng lời nói và kinh nghiệm riêng của mình, Têrêsa cho thấy rằng mặc dù đúng là tất cả các giáo huấn và qui tắc của Giáo hội đều có tầm quan trọng, giá trị, sự rõ ràng của chúng, song một số trong đó có tính khẩn thiết hơn và nền tảng hơn cho đời sống Kitô hữu. Đó là nơi Têrêsa tập chú đôi mắt và trái tim của mình.

50. Với tư cách là những nhà thần học, những nhà luân lý và tác giả linh đạo, những mục tử và những tín hữu, ở bất cứ nơi đâu, chúng ta cần phải liên tục vận dụng cái nhìn sâu sắc này của thánh Têrêsa và rút ra từ đó những hệ quả cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, về giáo lý lẫn mục vụ, cho cá nhân lẫn cộng đồng. Chúng ta cần sự can đảm và tự do nội tâm để làm điều đó.

51. Đôi khi, những câu trích dẫn mà chúng ta thấy được lấy từ vị thánh này chỉ là thứ yếu so với sứ điệp của ngài, hoặc chỉ là những điểm chung của ngài với bất kỳ vị thánh nào khác, chẳng hạn như về cầu nguyện, hy sinh, lòng sùng mộ Thánh Thể, và nhiều chứng từ đẹp đẽ khác. Tuy nhiên, theo cách đó, có thể chúng ta đang tước mất của mình điều đặc sắc nhất trong món quà của ngài dành cho Giáo hội. Chúng ta quên rằng “mỗi vị thánh là một sứ mạng, được Chúa Cha hoạch định để phản ánh và thể hiện, vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử, một khía cạnh nào đó của Tin Mừng”. [78] Thật vậy, “để nhận ra lời Chúa muốn nói với chúng ta qua một trong các vị thánh của Người, chúng ta không cần phải chú ý vào các chi tiết… Điều chúng ta cần là chiêm ngưỡng toàn bộ đời sống của các vị, toàn bộ hành trình nên thánh của các vị, sự phản ánh Chúa Giêsu Kitô hiện lộ khi chúng ta nắm bắt ý nghĩa toàn bộ của các vị trong tư cách là một con người”. [79] Điều này càng đúng trong trường hợp của thánh Têrêsa, vì chúng ta đang nói đến một “Tiến sĩ tổng hợp”.

52.Từ trên trời cho đến dưới đất, chứng tá hợp thời điểm của thánh Têrêsa Chúa Giêsu Hài Đồng và Thánh Nhan vẫn còn hiệu lực mãi trong tất cả tầm vóc lớn lao của con đường nhỏ của ngài.

   Trong một thời đại lôi cuốn chúng ta tập chú vào chính mình và những mối quan tâm của mình, Têrêsa cho ta thấy vẻ đẹp của việc trao hiến đời sống mình như một quà tặng.

   Trong một thời đại mà những nhu cầu và những khát mong hời hợt nhất được người ta ca ngợi, thì Têrêsa chứng thực cho tính triệt để của Tin Mừng.

   Trong một thời đại của cá nhân chủ nghĩa, Têrêsa thúc đẩy ta khám phá giá trị của một tình yêu trở thành lời chuyển cầu cho người khác.

   Trong một thời đại mà người ta bị ám ảnh về sự to lớn và những dạng quyền lực mới, Têrêsa chỉ cho chúng ta con đường nhỏ.

   Trong một thời đại rất nhiều anh chị em chúng ta bị gạt qua bên lề, Têrêsa dạy chúng ta vẻ đẹp của lòng quan tâm và trách nhiệm đối với nhau.

   Trong một thời đại đầy tính phức tạp, Têrêsa giúp chúng ta khám phá lại tầm quan trọng của sự đơn giản, tính tối thượng tuyệt đối của tình yêu, sự tin tưởng và sự buông bỏ, và nhờ đó vượt qua một tâm thức nệ luật hay nệ luân lý vốn làm cho đời sống đạo đầy ứ những luật lệ và qui tắc, làm cho niềm vui Tin Mừng trở thành nguội lạnh.

   Trong một thời đại của sự thờ ơ và qui ngã, Têrêsa trao cho ta cảm hứng trở thành những môn đệ thừa sai, được chinh phục bởi sức hấp dẫn của Chúa Giêsu và của Tin Mừng.

53. Một thế kỷ rưỡi sau khi chào đời, Têrêsa sống động như chưa bao giờ trong Giáo hội lữ hành, trong trái tim của Dân Thiên Chúa. Ngài đồng hành với chúng ta trên đường hành hương, ngài làm những việc tốt lành cho trần gian này, như ngài từng hết sức ước ao. Những dấu hiệu đáng yêu nhất về hoạt động thiêng liêng của Têrêsa, đó là ngài tiếp tục tuôn đổ vô số ‘hoa hồng’: là ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta nhờ sự chuyển cầu ân cần của ngài, để nâng đỡ hành trình đời sống chúng ta.

Ôi thánh Têrêsa dấu yêu,

Giáo hội cần phản chiếu ánh sáng, hương thơm và niềm vui của Tin Mừng.

Xin đổ hoa hồng của ngài trên chúng con!

Xin giúp chúng con – giống như ngài – luôn tín thác vào tình yêu bao la của Thiên Chúa,

để mỗi ngày chúng con biết bắt chước ngài, nên thánh trên “con đường nhỏ”.

Amen.

 

Ban hành tại Rôma, Vương cung Thánh đường Gioan Laterano, ngày 15.10, lễ nhớ thánh Têrêsa Avila, năm 2023, năm thứ mười một triều giáo hoàng của tôi.

PHANXICÔ

Lm. Giuse Lê Công Đức dịch

————————————————————–

[1] SAINT THERESE OF THE CHILD JESUS AND THE HOLY FACE, Letter 197 to Sister Marie of the Sacred Heart (17 September 1896): Letters II, p. 1000. The English citations of the Saint’s writings are taken from the translations of her works published by the Institute of Carmelite Studies (ICS), Washington, D.C.: Story of a Soul (1996); Letters I: 1877-1890 (1996); Letters II: 1890-1897 (1988); Prayers (1997); Poetry (1996); Her Last Conversations (1977).

[2] Prayer 6, Act of Oblation to Merciful Love (9 June 1895): Prayers, p. 54; Story of a Soul, pp. 276-277.

[3] For the two-year period 2022-2023, UNESCO recognized Saint Therese as a person to be celebrated on the 150th anniversary of her birth.

[4] 29 April 1923.

[5] Cf. Decretum super Virtutibus (14 August 1921): AAS 13 (1921), 449-452.

[6] Homily for the Canonization (17 May 1925): AAS 17 (1925), 211.

[7] Cf. AAS 20 (1928), 147-148.

[8] Cf. AAS 36 (1944), 329-330.

[9] Cf. PIUS XII, Letter to Mgr François-Marie Picaud, Bishop of Bayeux and Lisieux (7 August 1947); Radio Message for the Consecration of the Basilica of Lisieux (11 July 1954): AAS 46 (1954), 404-407.

[10] Cf. Letter to Mgr Jean-Marie-Clément Badré, Bishop of Bayeux and Lisieux on the occasion of the Centenary of the Birth of Saint Therese of the Child Jesus (2 January 1973): AAS 65 (1973), 12-15.

[11] Cf. AAS 90 (1998), 409-413, 930-944.

[12] Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 42: AAS 93 (2001), 296.

[13] Catechesis (6 April 2011), L’Osservatore Romano (7 April 2011), 8.

[14] Catechesis (7 June 2023): L’Osservatore Romano (7 June 2023), 2-3.

[15] Letter 220 to l’Abbé Bellière (24 February 1897), Letters II, p. 1060.

[16] Ms A, 69v: Story of a Soul, p. 149.

[17] Cf. Ms C, 33v-37r: Story of a Soul, pp. 253-259.

[18] Cf. Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium (24 November 2013), 14, 264: AAS 105 (2013), 1025-1026.

[19] Ms C, 34r: Story of a Soul, p. 254.

[20] Ibid., 36r:, Story of a Soul, p. 257.

[21] Last Conversations, Yellow Notebook (9 June 1897, 3), p. 62.

[22] Cf. Ms C, 2v-3r: Story of a Soul, pp. 207-208.

[23] Ibid., 2v: p. 207.

[24] Ibid., 3r: p. 208.

[25] Cf. Ms A, 84v: p. 181.

[26] Cf. Apostolic Exhortation Gaudete et Exsultate (19 March 2018), 47-62: AAS 110 (2018), 1124-1129.

[27] Ms A, 32r: Story of a Soul, p. 72.

[28] This was explained by the Council of Trent: “Whoever considers himself, his personal weakness, and his lack of disposition may fear and tremble about his own grace” ( Decree on Justification, IX: DS 1534). It is taken up by the Catechism of the Catholic Church, which teaches that it is not possible to have certitude by looking to ourselves or our own actions (cf. No. 2005). The certitude born of trust does not come from ourselves, nor can our own consciousness ground that security, which is not based on introspection. In the words of Saint Paul: “I do not judge myself. I am not aware of anything against myself, but I am not thereby acquitted. It is the Lord who judges me” ( 1 Cor 4:3-4). Saint Thomas Aquinas explains it in the following way: since grace “does not perfectly heal man” (ST I-II, q. 109, art. 9, ad 1), “in the intellect there remains the darkness of ignorance” ( ibid., resp.)

[29] Prayer 6 (9 June 1895): Prayers, p. 54.

[30] Catechism of the Catholic Church, No. 2011.

[31] This was also clearly stated by the Council of Trent: “No devout man should doubt God’s mercy” ( Decree on Justification, IX: DS 1534); “All should place their firmest hope in God’s help” ( ibid., XIII: DS 1541).

[32] Ms B, 1v: Story of a Soul, p. 188.

[33] Cf. Ms A, 48v: Story of a Soul, pp. 104-105; Letter 92 to Marie Guérin (30 May 1889): Letters I, pp. 567-569.

[34] Prayer 6 (9 June 1895): Story of a Soul, p. 276.

[35] Last Conversations, Yellow Notebook (23 July 1897, 3): p. 106.

[36] Ms C, 31r: Story of a Soul, p. 250.

[37] Cf. Ms C, 5r-7v: Story of a Soul, pp. 211-214.

[38] Cf. ibid, 5v: Story of a Soul, p. 211.

[39] Cf. ibid., 6v: Story of a Soul, p. 213.

[40] Cf. Encyclical Letter Lumen Fidei (29 June 2013), 17: AAS 105 (2013), 564-565.

[41] Ms C, 7r: Story of a Soul, pp. 213-214.

[42] Cf. Letter 197 to Sister Marie of the Sacred Heart (17 September 1896): Letters II, p. 1000.

[43] Ms A, 83v: Story of a Soul, p. 180.

[44] Cf. Ms A, 45v-46v: Story of a Soul, pp. 98-101.

[45] Ibid., 46r: Story of a Soul, p. 100.

[46] Ibid.

[47] Ibid., 46v: Story of a Soul, p. 100.

[48] Prayer 2 (8 September 1890): Prayers, p. 38.

[49] Summa Theologiae, I-II, q. 62, art. 4.

[50] Cf. Ms C, 11v-31r: Story of a Soul, pp. 219-250.

[51] Ms B, 1v: Story of a Soul, p. 189.

[52] Cf. Ms B, 4r: Story of a Soul, p. 195.

[53] Letter 122 to Céline (14 October 1890): Letters II, p. 709.

[54] PN 24, 21: Poetry, p. 128.

[55] PN 24, 6: ibid., p. 124.

[56] Cf. Ms A, 3r: Story of a Soul, pp. 14-15.

[57] Letter 247 to l’Abbé Bellière (21 June 1897): Letters II, p. 1133.

[58] Cf. Prayer 6 (9 June 1895): Prayers, pp. 53-55; Story of a Soul, pp. 276-277.

[59] Ms A, 84r: Story of a Soul, p. 181.

[60] PN 54, 22: Poetry, p. 219.

[61] PN 54, 15: ibid., p. 218.

[62] PN 54, 17: ibid., p. 218.

[63] Ms C, 29v-30r: Story of a Soul, pp. 248-249.

[64] Cf. Ms B, 2r-5v: Story of a Soul, pp. 190-200.

[65] Ms B, 3v: ibid., p. 194.

[66] Ms A, 80v: Story of a Soul, p. 173. This was not a lack of faith. Saint Thomas Aquinas taught that in faith, both the intelligence and the will are operative. The adherence of the will can be very solid and well rooted, while the intelligence can be darkened. Cf. De Veritate 14,1.

[67] Ms C, 7v: Story of a Soul, p. 214.

[68] Letter 254 to Père Adolphe Roulland (14 July 1897): Letters II, p. 1142.

[69] Last Conversations, Yellow Notebook (17 July 1897), p. 102.

[70] Ibid. (13 July 1897, 17), p. 102.

[71] Ibid. (18 July 1897, 1), p. 102.

[72] Last Conversations, Yellow Notebook (9 June 1897, 3), p. 62.

[73] Letter 242 to Sister Marie of the Trinity (6 June 1897): Letters II, p. 1121.

[74] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium (24 November 2013), 35: AAS 105 (2013), 1034.

[75] Ibid., 36: AAS 105 (2013), 1035.

[76] Ibid.

[77] Ibid., 37: AAS 105 (2013), 1035.

[78] Apostolic Exhortation Gaudete et Exsultate (19 March 2018), 19: AAS 110 (2018), 1117.

[79] Ibid., 22: AAS 110 (2018), 1117.

 

Copyright © Dicastero per la Comunicazione – Libreria Editrice Vaticana

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30