BẢO VỆ VÀ PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI: PHỎNG VẤN TIẾN SĨ O’DONNELL

Written by xbvn on Tháng Mười 30th, 2013. Posted in Gia đình, Thế Giới, Xuân Tịnh

Roma, 29-10-2013. Quảng trường Thánh Phêrô tràn đầy trẻ em và cha mẹ chúng vào dịp cuối tuần để mừng lễ kết thúc Đại Hội năm nầy của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình, với chủ đề “Gia Đình: Sống Niềm Vui Đức Tin”.

Những người tham dự cuộc họp năm nay, trùng hợp với sự kiện gia đình của Năm Đức tin, đã nhận được một nhiệm vụ đặc biệt từ Đức Thánh Cha Phanxicô: soạn ra một tài liệu sẽ được các giám mục dùng đến trong Thượng Hội Đồng về Hôn Nhân và Gia Đình vào năm tới.

Thượng Hội Đồng, sẽ xem xét về chủ đề “Những Thách Thức Mục Vụ Về Gia Đình Trong Bối Cảnh Phúc Âm Hóa”, sẽ được diễn ra từ 5 đến 18-10-2014.

Đại Hội năm nầy cũng trùng khớp với lễ kỷ niệm 30 năm Hiến Chương về Quyền Gia Đình, một văn kiện được trình lên Tòa Thánh vào ngày 22-10-1983.

Một tham dự viên trong nhóm nói tiếng Anh của Đại Hội năm nầy là Tiến sĩ Timothy O’Donnell, Giám đốc Đại Học Kitô giáo ở Front Royal, Virginia.

Trong một cuộc phỏng vấn với ZENIT, ông đã đề cập đến mục tiêu của Đại Hội, cũng như một số đe dọa cho gia đình trong nền văn hóa ngày nay.

ZENIT: Mục tiêu của Đại Hội nầy là gì, ngoài nhiệm vụ thu thập một tài liệu cho Thượng Hội Đồng sắp tới?

O’Donnell: Điểm tập chú khác, vốn là mối quan tâm chủ yếu đầu tiên, là Hiến Chương về Quyền Gia Đình. Đây là một văn kiện mà Hội Đồng Tòa Thánh đã ban hành một số năm trước đây, và nó đã có tác động. Tuy nhiên, với những thách đố cho hôn nhân và gia đình mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay… [chúng ta phải] thực sự nhìn vào việc làm thế nào để trao gởi văn kiện nầy, cách hữu hiệu, vào tay các chính phủ và các nhà lãnh đạo để họ nhận ra rằng Nhà Nước không thể xâm phạm vào các lãnh vực nầy: hôn nhân và gia đình tồn tại trước Nhà Nước. Thực vậy, như Đức Leo XIII từng nói, quốc gia thực sự được làm nên bởi các gia đình. Gia đình là cơ bản, là cộng đoàn nền tảng, và do đó có những quyền lợi mà Nhà nước không thể tước đoạt.

ZENIT: Ông có thể nói về một số đe dọa đối với gia đình, đặc biệt là trong thế giới ngày nay?

O’Donnell: Có những thách đố nhất định đã thực sự xảy ra trong thế giới hiện đại của chúng ta, nơi có quá nhiều sự tấn công vào đời sống hôn nhân. [Một ví dụ là] ly dị không qui lỗi (no-fault divorce). Rất nhiều quốc gia trong thời hiện đại, phương Tây giàu có chấp nhận ly dị không qui lỗi, và không còn xem ly dị là một vấn đề nữa. Tuy nhiên, có vẻ như ngày càng có nhiều hơn các số liệu thống kê cho thấy rằng trẻ em đã bị thương tổn trầm trọng do nạn ly dị. Nhiều lần những nghiên cứu nầy được thực hiện do những người vốn không có ý định lấy đó là kết quả, nhưng do nhìn vào tác động, họ thấy rằng trẻ em đã bị hủy hoại kinh khiếp vì nạn ly dị nầy. [Từ những nghiên cứu nầy,] dường như cũng chỉ ra rất rõ rằng một đứa trẻ cần một người mẹ và một người cha.

Chúng ta cũng đã hạ thấp vai trò của người nam. Chúng ta có tình trạng nầy bây giờ, khi người phụ nữ đang dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo và thụ thai một đứa con. Rất nhiều những trẻ em nầy, khi chúng đến tuổi, đã thực sự tức giận, và không ổn về mặt tình cảm… Bạn có một người phụ nữ, cô muốn thai nghén một đứa con, nhưng cô ấy muốn có mối liên hệ sinh học với con mình, tuy nhiên đứa trẻ bị từ chối một mối quan hệ sinh học với người cha, bởi vì bạn không thể tìm kiếm ra ai là cha của bạn. Có sự mâu thuẩn nội tại nầy mà tôi nghĩ đã gây ra nhiều sự rối loạn.

Rất nhiều các loại vấn đề và thách đố nầy mà chúng ta đang tìm thấy ở Châu Âu và Hoa Kỳ là những điều cần phải được xem xét, [như là] tầm quan trọng của vai trò người cha.

Chúng ta đang nhận ra điều nầy ngay cả về mặt xã hội học, với sự gia tăng các tội phạm bạo hành mà chúng ta đang nhìn thấy, số lượng những người trẻ trong các nhà tù của chúng ta, và tỷ lệ cao không thể tưởng tượng của những em không có người cha trong gia đình. Bây giờ chúng ta đang nhận ra rằng có một cái giá phải trả, khi chúng ta không đi theo kế hoạch của Thiên Chúa, vốn được đưa ra trong công trình tạo dựng.

Quan trọng hơn nữa, chứng tá của Giáo Hội về vẻ đẹp của Bí tích, và tình yêu của Đức Kitô dành cho Giáo Hội, được biểu tượng hóa trong mối hôn nhân nầy. Đây là lý do tại sao Giáo Hội cần phải duy trì tính bất khả phân ly của hôn nhân, và tại sao chúng ta không thể nói đồng ý với sự ly dị.

ZENIT: Trong đại hội có giải pháp nào được đưa ra không?

O’Connell: [Về với một điều], Thông điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) đã bị hoàn toàn lãng quên, và dường như không có gì nhiều cho một kế hoạch mục vụ nhằm thực hành Thông điệp đó. Nhưng khi bạn thực hiện khía cạnh phối hợp và sinh sản của hôn nhân, bạn làm nên một cuộc cách mạng, và chúng ta đang nhìn thấy hoa trái của cuộc cách mạng đó. [Thường người ta nghĩ rằng] chúng ta có thể tách rời sự sinh sản ra khỏi sự phối hợp, nhưng khi bạn đánh mất chiều kích sinh sản, thì sự phối hợp cũng bắt đầu tan vỡ. Con người bị trở thành các vật thể. Phụ nữ có thể trở thành vật thể; đàn ông có thể trở thành vật thể. Và sự kết hợp nầy bị phá vỡ. Tôi nghĩ một giáo lý sâu sắc về giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt như nó được tìm thấy trong Thông điệp Sự Sống Con Người, sẽ rất quan trọng.

Chúng ta cũng cần nhận ra rằng chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh mục vụ mới. Những việc cần thiết không chỉ là tiền-Cana, nhưng có thể là một cái gì đó sau khi kết hôn, khi mà những vấn đề bắt đầu xuất hiện: một khóa học mới về việc làm sao để sống chung với nhau, làm thế nào để trình bày sự khác biệt, làm sao để giao tiếp, trên một mức độ tâm lý căn bản.

Rồi quan trọng hơn: chúng ta thường nói rằng chúng ta cần dạy giáo lý cho các đôi vợ chồng, nhưng trong nhiều trường hợp thì vấn đề không phải là việc dạy giáo lý. Vấn đề là Phúc âm hóa. Những người nầy không biết về Chúa Giêsu. Họ hoàn toàn không có một mối liên hệ nào với Chúa Kitô cả. Vì vậy nếu bạn bắt đầu dạy giáo lý, thì nó không có ý nghĩa gì đối với họ.

Cần phải có một sự tiếp cận căn bản hơn để đem Đức Kitô và chân lý cứu độ của Ngài, và tình yêu của Ngài, đến với người ta rất sớm trong đời sống, trong khi nhấn mạnh rằng Kitô giáo không chỉ là một bộ luật về luân lý. Nó là về một mối quan hệ với một con người. Luật luân lý chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh của một mối liên hệ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Tôi nghĩ đây là một trong những cái nhìn sâu sắc mà Đức Thánh Cha Phanxicô có được –tất nhiên Đức Bênêđictô cũng đã nói điều tương tự, Đức Gioan-Phaolô II cũng thế- nhưng tôi nghĩ đây là điều gì đó mà chúng ta cần đem trở lại lên hàng đầu.

XT (theo ZENIT)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31