« BẦU KHÍ HOÀN TOÀN KHÁC » : ĐỨC PHANXICÔ XÁC ĐỊNH LẠI VAI TRÒ CỦA GIÁO TRIỀU NHƯ THẾ NÀO

Written by xbvn on Tháng Ba 22nd, 2022. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Trong Tông hiến mới « Praedicate Evangelium » (Hãy rao giảng Tin Mừng), Đức Phanxicô đã biến Giáo triều thành một công cụ hướng đến thế giới, và có nhiệm vụ mang lại từ thực địa những sáng kiến tốt nhất của người Công giáo. Một sự thay đổi văn hóa triệt để.

ĐHY Marcello Semeraro và Đức cha Mellino

Phải chăng Đức Phanxicô đang đặt dấu chấm hết cho sự toàn năng của Giáo triều ? Bằng cách công bố, hôm 19/3/2022, Tông hiến mới này, ngài đã xác định lại chu vi và vai trò của bộ máy quản trị của Giáo hội.

Một sự thay đổi văn hóa đã được tiến hành

Trên thực tế, khi khẳng định rằng Giáo triều Rôma không còn chỉ là một cơ quan hành chính phục vụ Giáo hoàng nhưng là một hình thức sứ mạng nhằm phục vụ các Giám mục, Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng những ai làm việc trong các Bộ khác nhau trước tiên có sứ mạng trợ giúp Giáo hội, và không còn chỉ kiểm soát. Thực ra, văn kiện mới này nhằm giải thích một sự thay đổi văn hóa đã dần dần được được thực hiện kể từ đầu triều đại giáo hoàng của ngài.

« Nhiều năm trước, khi chúng tôi đến, chúng tôi có ấn tượng như đứng trước các thanh tra », một Giám mục người Pháp cho biết như thế vào mùa Thu vừa qua, trong chuyến viếng thăm ad limina. « Giờ đây, chúng tôi có ấn tượng được lắng nghe nhiều hơn. Những người đối thoại với chúng tôi đặt ra những câu hỏi, lắng nghe chúng tôi. Bầu khí hoàn toàn khác ».

Một công cụ để kết nối với thế giới

Vai trò của Giáo triều như một công cụ cho phép Vatican kết nối với thế giới – chẳng hạn qua những cuộc tham khảo ý kiến của các Hội đồng Giám mục trước khi soạn thảo một văn kiện quan trọng – được diễn tả cách rõ ràng trong Tông hiến mới.

Đức cha Marco Mellino, thư ký  của Hội đồng Hồng y, trong cuộc họp báo hôm 21/3/2022, đã khẳng định : « Vì là một công cụ phục vụ cho sự hiệp thông, nên Giáo triều Rôma, bằng vào sự hiểu biết mà nó rút ra được từ việc phục vụ Giáo hội hoàn vũ, có thể thu thập và soạn thảo sự phong phú của các sáng kiến tốt nhất và những đề nghị sáng tạo cho việc loan báo Tin Mừng được xúc tiến bởi các Giáo hội địa phương khác nhau ».

Vai trò của Thượng hội đồng Giám mục

Một sự mới mẻ khác được Đức Cha cho biết : Giờ đây, rõ ràng Giáo triều không còn là công cụ duy nhất do Đức Thánh Cha sử dụng để dẫn dắt Giáo hội hoàn vũ. Ở đây một lần nữa, việc thực hành đã được thực hiện rồi, vì Đức Thánh Cha Phanxicô có thói quen giao phó những công việc suy tư cho những người thân cận hay các chuyên gia không thuộc bất kỳ Bộ nào.

Lần này, Đức cha Mellino nhấn mạnh, vấn đề là đi xa hơn nữa. « Điều quan trọng là nhấn mạnh rằng Giáo triều Rôma và Thượng hội đồng Giám mục (…) là những thể chế mà Đức Thánh Cha thông thường sử dụng trong việc thực thi chức năng mục tử tối cao và sứ mạng hoàn vũ của mình trên thế giới ». Như thế, Giáo triều Rôma và Thượng hội đồng Giám mục dường như bình đẳng với nhau : « Đó là hai thể chế mà Đức Giáo hoàng dựa vào ».

Bên cạnh hai thể chế này, môt cơ chế thứ ba sẽ được tiếp tục, vì Đức Thánh Cha có ý định tiếp tục nhóm họp cách đều đặn Hội đồng Hồng y của mình, ban đầu được đặt ra để suy nghĩ về việc cải cách Giáo triều. Đức Phanxicô dự định dựa vào cơ chế này để đưa ra những quyết định. Cuộc nhóm họp sắp đến được dự kiến vào ngày 25/4.

Củng cố quyền bính cá nhân của Đức Giáo hoàng

Nhưng bên cạnh những gì mà, trong văn kiện mới, Đức Thánh Cha gọi là một « sự phân quyền lành mạnh », thì « Praedicate Evangelium » cũng củng cố đáng kể quyền bính cá nhân của Đức Giáo hoàng. Nhiều điều khoản nói rõ ràng rằng ngoài các cuộc bổ nhiệm, mà ngài thực hiện cách cá nhân, Đức Giáo hoàng từ nay không thể tránh khỏi việc đưa ra cả một loạt những quyết định.

Chẳng hạn, đó là trường hợp về việc thành lập một ủy ban làm việc giữa hai Bộ, hay về tất cả « các quyết định và các nghị quyết liên quan đến những vấn đề quan trọng to lớn ». Văn kiện cũng xác định rằng « trong những vấn đề quan trọng hay ngoại thường, không nên làm gì trước khi người đứng đầu một cơ chế của Giáo triều đã thông báo điều đó cho Đức Giáo hoàng ».

Đây là sự kiên định trong cách làm việc đã từng được Đức Thánh Cha thực hiện, người đã có thói quen, sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi, theo mọi hướng, đưa ra quyết định một mình. « Không ái có thể nói khi nào ngài sẽ chấm dứt triều đại giáo hoàng. Nhưng có một điều chắc chắn : không thể phủ nhận là quyền bính cá nhân của Đức Giáo hoàng sẽ được củng cố », một trong những cộng tác viên của ngài cho biết cách đây vài tuần.

—————–

Hình thức ngoại thường, « lỗi thiếu chú ý » của các biên tập viên

Ngay sau khi được phổ biến, Tông hiến mới đã gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát khi họ cho thấy ở khoản 93, việc đề cập đến « hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma ».

Thế nhưng, kiểu nói này đã được bãi bỏ bởi tự sắc Traditionis custodes. Tự sắc này đã hạn chế rất mạnh mẽ khả năng cử hành thánh lễ theo công đồng Trentô. Được hỏi về điểm này trong cuộc họp báo hôm 21/3/2022, Đức cha Mellino đã thừa nhận rằng đây là một « lỗi thiếu chú ý ». Ngài cho biết rằng đó là một « sai lầm của con người », và « điều này sẽ được sửa chữa ».

Tý Linh

(theo Loup Besmond de Senneville, nhật báo La Croix)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30