CÁC CHUẨN MỰC THỦ TỤC ĐỂ PHÂN ĐỊNH CÁC HIỆN TƯỢNG ĐƯỢC CHO LÀ SIÊU NHIÊN : BÀI GIỚI THIỆU CỦA ĐHY FERNANDEZ
Lắng nghe Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi dân trung thành của Thiên Chúa
Thiên Chúa hiện diện và hành động trong lịch sử của chúng ta. Chúa Thánh Thần, Đấng xuất phát từ trái tim của Chúa Kitô phục sinh, đang hoạt động trong Giáo hội với sự tự do của Thiên Chúa và ban cho chúng ta vô số ân huệ quý giá giúp chúng ta trên hành trình cuộc đời và kích thích sự trưởng thành tâm linh của chúng ta trong sự trung thành với Tin Mừng. Hoạt động này của Chúa Thánh Thần cũng bao gồm khả năng chạm đến trái tim chúng ta thông qua một số sự kiện siêu nhiên, chẳng hạn như những cuộc hiện ra hoặc các cuộc linh diện của Chúa Kitô hoặc Đức Trinh Nữ và các hiện tượng khác.
Những cuộc linh hiện này thường mang lại rất nhiều hoa trái thiêng liêng, sự phát triển trong đức tin, lòng sùng kính, tình huynh đệ và sự phục vụ, và trong một số trường hợp đã tạo ra nhiều đền thánh khác nhau, rải rác trên khắp thế giới mà ngày nay là một phần ở trung tâm của lòng đạo đức bình dân của nhiều dân tộc. Có rất nhiều sự sống và vẻ đẹp mà Chúa gieo vượt trên những sơ đồ và thủ tục trí tuệ của chúng ta! Đây là lý do tại sao văn kiện Các chuẩn mực thủ tục để phân định các hiện tượng được cho là siêu nhiên mà chúng tôi giới thiệu hôm nay không nhất thiết nhằm mục đích kiểm soát, hoặc thậm chí ít ra là một mưu toan dập tắt Thánh Thần. Thật vậy, trong những trường hợp tích cực nhất của các sự kiện được cho là có nguồn gốc siêu nhiên, “Giám mục giáo phận được khuyến khích đánh giá cao giá trị mục vụ và cổ vũ việc phổ biến lời đề nghị thiêng liêng này” (I, số 17).
Thánh Gioan Thánh Giá đã nhận xét rằng “những thuật ngữ và lời nói mà chúng ta dùng để diễn tả những sự thuộc về Thiên Chúa trong cuộc sống này thật là thấp hèn, thiếu hụt và cách nào đó là không thích đáng.”[1] Không ai có thể diễn tả đầy đủ những đường lối khôn dò của Thiên Chúa nơi con người: “Các thánh tiến sĩ, dù họ nói gì đi nữa, cũng không bao giờ hoàn toàn diễn tả hết đường lối đó bằng lời nói, cũng như không thể nói lên được bằng một đường lối như thế”.[2] Vì “con đường đến với Thiên Chúa là con đường bí mật và ẩn giấu đối với giác quan của linh hồn cũng như, đối với giác quan của thân xác, con đường đi băng qua biển cũng thể, không để lại dấu chân hay dấu vết nào” [3] Trên thực tế, “Thiên Chúa là nghệ nhân siêu nhiên: Ngài sẽ xây dựng trong mỗi tâm hồn một cách siêu nhiên tòa nhà Ngài muốn”.[4]
Đồng thời, phải thừa nhận rằng trong một số trường hợp các sự kiện được cho là có nguồn gốc siêu nhiên, có những vấn đề rất nghiêm trọng gây thiệt hại cho các tín hữu và trong những trường hợp này, Giáo hội phải hành động với tất cả sự quan tâm mục vụ của mình. Chẳng hạn, tôi dựa vào việc sử dụng những hiện tượng như vậy để đạt được “lợi nhuận, quyền lực, danh vọng, tiếng tăm xã hội, lợi ích cá nhân” (II, khoản 15.4), vốn có thể đi xa đến mức có thể thực hiện những hành vi phi đạo đức nghiêm trọng (xem II, khoản 15.5) hoặc thậm chí “như một phương tiện hoặc cái cớ để thực hiện sự thống trị đối với người ta hoặc để thực hiện các hành vi lạm dụng” (II, khoản 16).
Trong những trường hợp như vậy, cũng không được bỏ qua khả năng về những sai lầm về giáo thuyết, về thái độ giản lược quá đáng trong việc đề nghị sứ điệp Tin Mừng, về việc lan truyền óc bè phái, v.v. Cuối cùng, cũng có khả năng các tín hữu bị lôi kéo vào một sự kiện, được gán cho một sáng kiến thần linh, nhưng đó chỉ là kết quả của sự tưởng tượng, của việc ham muốn sự mới lạ, của sự bịa chuyện hoặc xu hướng xuyên tạc của ai đó.
Do đó, về việc phân định của mình trong lĩnh vực này, Giáo hội cần có những thủ tục rõ ràng. Văn kiện Các Chuẩn mực thủ tục để phân định các cuộc hiện ra hoặc các cuộc mặc khải giả định có hiệu lực cho đến ngày nay, đã được thánh Phaolô VI phê chuẩn vào năm 1978, hơn bốn mươi năm trước, dưới hình thức kín và chỉ được công bố chính thức 33 năm sau, vào năm 2011.
Bản sửa đổi gần đây
Tuy nhiên, với việc áp dụng Các Chuẩn mực năm 1978, người ta nhận thấy rằng các quyết định mất nhiều thời gian, thậm chí nhiều thập niên, và sự phân định cần thiết của Giáo hội đã đến quá muộn.
Việc sửa đổi chúng bắt đầu vào năm 2019, thông qua các cuộc tham vấn khác nhau do Bộ Giáo lý Đức tin trước đây dự kiến (Congresso, Consulta, Feria IV e Plenaria). Trong 5 năm này, một số đề xuất sửa đổi đã được soạn thảo, nhưng tất cả đều được coi là chưa đầy đủ.
Trong Congresso (Hội nghị) của Bộ vào ngày 16 tháng 11 năm 2023, nhu cầu sửa đổi toàn bộ và triệt để dự án được chuẩn bị cho đến lúc đó cuối cùng đã được công nhận, và một tài liệu dự thảo khác đã được biên soan, được suy nghĩ lại hoàn toàn theo hướng làm rõ hơn về vai trò của Giám mục giáo phận và của Bộ.
Phiên bản mới đã được đệ trình lên Consulta ristretta (Hội đồng tư vấn hạn chế), được tổ chức vào ngày 4 tháng 3 năm 2024, trong đó ý kiến chung là tích cực, mặc dù một số nhận xét cải thiện đã được đưa ra và đưa vào phiên bản sau của tài liệu.
Tiếp đến, văn bản này đã được nghiên cứu trong phiên họp thường lệ (Feria IV) của Bộ, được tổ chức vào ngày 17 tháng 4 năm 2024, trong đó các Hồng y và Giám mục thành viên đã phê chuẩn. Cuối cùng, vào ngày 4 tháng 5 năm 2024, Các Chuẩn mực mới đã được trình lên Đức Thánh Cha, ngài đã phê chuẩn và ra lệnh công bố chúng, ấn định chúng có hiệu lực vào ngày 19 tháng 5 năm 2024, vào ngày lễ trọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Lý do tu chỉnh các Chuẩn mực
Trong Lời tựa cho việc công bố Các Chuẩn mực năm 1978 được xuất bản năm 2011, Tổng trưởng thời đó, Đức Hồng y William Levada, đã nêu rõ rằng chính Bộ này có thẩm quyền xem xét các trường hợp về “các cuộc hiện ra, các thị kiến và thông điệp được cho là có nguồn gốc siêu nhiên”. Quả thế, Các Chuẩn mực này quy định rằng “Thánh Bộ sẽ có nhiệm vụ đánh giá cách hành động của Bản quyền và phê chuẩn nó” hoặc “tiến hành một cuộc kiểm tra mới” (IV, 2).
Trong quá khứ, Tòa Thánh dường như chấp nhận việc các Giám mục đưa ra những tuyên bố như thế này: “Các tín hữu có lý do để tin nó là không thể nghi ngờ và chắc chắn” (sắc lệnh của Giám mục giáo phận Grenoble, ngày 19 tháng 9 năm 1851), “Thực tại của việc chảy nước mắt không thể được nghi ngờ” (Giám mục giáo phận Sicile, ngày 12 tháng 12 năm 1953). Nhưng những cách diễn đạt này mâu thuẫn với niềm xác tín của Giáo hội rằng các tín hữu không bị buộc phải chấp nhận tính xác thực của những sự kiện này. Đây là lý do tại sao, một vài tháng sau trường hợp cuối cùng này, Thánh Bộ Đức Tin thời đó đã nói rõ rằng “vẫn chưa đưa ra quyết định liên quan đến Madonnina delle Lacrime (Đức Mẹ Chảy Nước Mắt) [Syracuse, Sicile]” (ngày 2 tháng 10 năm 1954). Hơn nữa, gần đây hơn, khi đề cập đến trường hợp của Fatima, Bộ Giáo lý Đức tin thời đó đã giải thích rằng sự chấp thuận của Giáo hội đối với một mặc khải tư chỉ ra rõ ràng rằng “thông điệp liên quan đến nó không chứa đựng điều gì trái ngược với đức tin và phong hóa.” (26 tháng 6 năm 2000).
Bất chấp quan điểm rõ ràng này, các thủ tục trên thực tế được Bộ theo đuổi, thậm chí gần đây, đã hướng tới việc tuyên bố về “tính chất siêu nhiên” hoặc “không có tính chất siêu nhiên” từ phía Giám mục, đến mức một số Giám mục nhấn mạnh đến khả năng đưa ra một tuyên bố tích cực như vậy. Thậm chí gần đây, một số Giám mục còn muốn bày tỏ quan điểm của mình như: “Tôi ghi nhận chân lý tuyệt đối của các sự kiện”, “các tín hữu phải coi là thật một cách không thể chối cãi…”, v.v. Thực ra, những cách diễn đạt này khiến các tín hữu nghĩ rằng họ buộc phải tin vào những cuộc hiện ra này, đôi khi còn được đánh giá cao hơn cả chính Tin Mừng.
Để giải quyết những trường hợp như vậy, và đặc biệt để soạn thảo một sự bày tỏ lập trường, thực hành mà một số Giám mục tuân theo là trước tiên phải xin Bộ cấp phép cần thiết. Tuy nhiên, khi được cho phép, các Giám mục được yêu cầu không nêu tên Bộ trong tuyên bố của mình. Chẳng hạn, đây là trường hợp trong những vụ việc rất hiếm hoi đã thành công trong những thập niên gần đây: “Không bao hàm Bộ của chúng tôi” (Thư gửi Giám mục giáo phận Gap, ngày 3 tháng 8 năm 2007); “Bộ không nên được bao hàm trong một tuyên bố như vậy” (Hội nghị ngày 11 tháng 5 năm 2001, liên quan đến Giám mục giáo phận Gikongoro). Nói cách khác, Đức Giám mục thậm chí không thể đề cập đến việc đã có sự chấp thuận của Bộ. Đồng thời, các Giám mục khác, những các giáo phận của mình cũng bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng này, đã yêu cầu Bộ đưa ra ý kiến để rõ ràng hơn.
Cách thức tiến hành cụ thể này, vốn đã gây ra một sự nhầm lẫn nào đó, giúp chúng ta hiểu rằng Các Chuẩn mực năm 1978 không còn đầy đủ và thích đáng để hướng dẫn công việc của các Giám mục và Bộ, điều này ngày nay càng trở nên rắc rối hơn, bởi vì rất khó để có được một hiện tượng vẫn bị giới hạn trong chỉ một thành phố hoặc một giáo phận duy nhất. Nhận xét này đã được Bộ Giáo lý Đức tin đưa ra trong Phiên họp toàn thể năm 1974, khi các thành viên thừa nhận rằng một sự kiện được cho là có nguồn gốc siêu nhiên thường “chắc chắn vượt quá giới hạn của một Giáo phận và thậm chí của một Quốc gia và [ …] trường hợp tự động đạt đến mức độ có thể biện minh cho sự can thiệp của Thẩm quyền tối cao của Giáo hội”. Đồng thời, Các Chuẩn mực năm 1978 thừa nhận rằng đã trở nên “khó khăn hơn, nếu không nói là gần như không thể, đạt được, với tốc độ cần thiết, những phán đoán mà trước đây đã kết thúc các cuộc điều tra về vấn đề này (constat de supernaturalitate, non constat de supernaturalitate / tuyên bố về tính chất siêu nhiên, không tuyên bố về tính chất siêu nhiên)” (Các Chuẩn mực năm 1978, chú thích mở đầu)
Việc chờ đợi một tuyên bố về tính chất siêu nhiên của một sự kiện chỉ đạt đến một quyết định rõ ràng trong rất ít trường hợp. Trên thực tế, sau năm 1950, không quá sáu trường hợp được chính thức giải quyết, mặc dù các hiện tượng thường phát triển không có định hướng rõ ràng và với sự tham gia của người dân từ nhiều Giáo phận. Do đó, phải giả định rằng nhiều trường hợp khác đã được xử lý theo cách khác hoặc hoàn toàn không được xử lý.
Để không trì hoãn thêm việc giải quyết một trường hợp cụ thể liên quan đến một sự kiện được cho là có nguồn gốc siêu nhiên, Bộ gần đây đã đề xuất với Đức Thánh Cha chấm dứt việc phân định vấn mặt này không phải bằng một tuyên bố về tính chất siêu nhiên, nhưng bằng một Nihil obstat, điều này sẽ cho phép Giám mục rút ra được lợi ích mục vụ từ hiện tượng tâm linh này. Tuyên bố này được đưa ra sau khi đánh giá các hoa trái thiêng liêng và mục vụ khác nhau và sự vắng mặt của tính chất nghiêm trọng to lớn của sự kiện. Đức Thánh Cha coi đề xuất này là một “giải pháp đúng đắn”.
Những khía cạnh mới
Các yếu tố được trình bày trên đây đã khiến chúng tôi đề xuất, với Các Chuẩn mực mới, một thủ tục khác với thủ tục trong quá khứ, nhưng cũng phong phú hơn, với sáu quyết định thận trọng khả thể, có thể hướng dẫn việc mục vụ xung quanh các sự kiện được cho là có nguồn gốc siêu nhiên (x. I, các số 17-22). Đề xuất về sáu quyết định cuối cùng này cho phép Bộ và các Giám mục giải quyết thỏa đáng các vấn đề của những trường hợp rất đa dạng mà họ nhận thức được.
Những kết luận khả thể này thường không bao gồm một tuyên bố về tính chất siêu nhiên của hiện tượng được phân định, nghĩa là về khả năng khẳng định một cách chắc chắn về mặt luân lý rằng nó xuất phát từ một quyết định của Thiên Chúa, Đấng đã trực tiếp muốn nó. Trái lại, việc nhượng bộ một Nihil obstat chỉ đơn giản cho thấy, như Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã giải thích trước đây, rằng đối với hiện tượng này, các tín hữu “được phép tuân thủ nó một cách thận trọng”. Vì nó không phải là một tuyên bố về tính chất siêu nhiên của các sự kiện, nên nó còn rõ ràng hơn, như Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cũng đã nói, rằng đó chỉ là một sự trợ giúp “nhưng không bắt buộc phải sử dụng nó.”[5 ] Mặt khác, sự can thiệp này đương nhiên để ngỏ khả năng rằng, khi chú ý đến sự tiến triển của lòng sùng mộ, một sự can thiệp khác có thể cần thiết trong tương lai.
Cũng nên lưu ý rằng việc tuyên bố về “tính chất siêu nhiên”, do bởi chính bản chất của nó, không chỉ cần có thời gian phân tích thích đáng, mà còn có thể dẫn đến một phán quyết về “tính chất siêu nhiên” hôm nay và một phán quyết về “không có tính chất siêu nhiên” nhiều năm sau đó. Đây thực sự là những gì đã xảy ra. Nên nhắc lại một trường hợp về các cuộc hiện ra giả định từ những năm 1950, trường hợp mà Giám mục đã đưa ra phán quyết dứt khoát là “không có tính chất siêu nhiên” vào năm 1956. Năm sau đó, Thánh Bộ Đức Tin thời đó đã phê chuẩn các biện pháp do Giám mục đưa ra. Sau đó, sự chấp thuận việc tôn kính này một lần nữa lại được yêu cầu. Nhưng vào năm 1974, cũng chính Bộ Giáo lý Đức tin đã tuyên bố một ghi nhận không có tính chất siêu nhiên (constat de non supernaturalitate) liên quan đến cùng chính những cuộc hiện ra giả định này. Sau đó, vào năm 1996, Giám mục địa phương đã công nhận lòng sùng kính này, và một Giám mục khác ở cùng địa điểm, vào năm 2002, đã công nhận “nguồn gốc siêu nhiên” của các cuộc hiện ra, và lòng sùng kính này đã lan rộng sang các quốc gia khác. Cuối cùng, theo yêu cầu của Bộ Giáo lý Đức tin thời đó, vào năm 2020, một tân Giám mục đã nhắc lại “phán quyết tiêu cực” do cùng Bộ này ban hành trước đó, áp đặt việc chấm dứt mọi tiết lộ liên quan đến các cuộc hiện ra và mặc khải giả định. Do đó, phải mất khoảng bảy mươi năm sóng gió mới đi đến hồi kết của toàn bộ vụ việc này.
Ngày nay, chúng tôi xác tín rằng phải luôn tránh những hoàn cảnh phức tạp này, vốn tạo ra sự nhầm lẫn nơi các tín hữu, bằng cách đảm nhận sự tham gia nhanh chóng và rõ ràng hơn của Bộ này và tránh việc phân định hướng tới một tuyên bố về “tính chất siêu nhiên”, với những kỳ vọng lớn lao, những lo lắng và thậm chí những áp lực về vấn đề này. Một tuyên bố về “tính chất siêu nhiên” như vậy, theo quy tắc chung, được thay thế bằng một Nihil obstat, cho phép thực hiện công việc mục vụ tích cực, hoặc bằng một quyết định khác phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
Các thủ tục do Các Chuẩn mực mới dự kiến, với việc đề xuất sáu quyết định thận trọng khả thể, cho phép đi đến một quyết định trong một thời hạn hợp lý hơn, vốn sẽ có thể giúp Giám mục quản lý tình hình các sự kiện được cho là có nguồn gốc siêu nhiên, trước khi chúng mang lấy những chiều kích rất rắc rối, nếu không có sự phân định cần thiết của Giáo hội.
Tuy nhiên, vẫn có khả năng Đức Thánh Cha can thiệp bằng cách cho phép, một cách hoàn toàn ngoại lệ, một thủ tục có thể tuyên bố về tính chất siêu nhiên của các sự kiện: đây thực sự là một ngoại lệ, chỉ xảy ra trong những trường hợp rất hiếm trong những thế kỷ gần đây.
Trái lại, như được dự kiến trong Các Chuẩn mực mới, vẫn còn khả năng tuyên bố là “không có tính chất siêu nhiên”, chỉ khi các dấu hiệu khách quan xuất hiện cho thấy rõ ràng có sự thao túng hiện tại dựa trên cơ sở của hiện tượng này, chẳng hạn như khi một người được cho là thị nhân khẳng định đã nói dối, hoặc khi có bằng chứng cho thấy máu trên cây thánh giá thuộc về người được cho là thị nhân, v.v.
Nhận ra hành động của Chúa Thánh Thần
Hầu hết các đền thánh, ngày nay là những nơi ưu việt của lòng đạo đức bình dân của Dân Thiên Chúa, chưa bao giờ biết đến, trong quá trình sùng kính được diễn tả ở đó, một tuyên bố về tính chất siêu nhiên của những sự kiện đã làm nảy sinh lòng sùng kính này. Cảm thức đức tin đã cảm thấy rằng có một hành động của Chúa Thánh Thần ở đó, và không có điểm nghiêm trọng nào xuất hiện, đòi hỏi sự can thiệp của các Mục tử.
Trong nhiều trường hợp, sự hiện diện của Giám mục và các linh mục vào một số thời điểm, chẳng hạn như các cuộc hành hương hoặc cử hành một số Thánh lễ, đã là một cách mặc nhiên thừa nhận rằng không có sự phản đối nghiêm trọng nào và kinh nghiệm thiêng liêng này đã có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của các tín hữu.
Dù sao, một Nihil obstat cho phép các Mục tử hành động mà không nghi ngờ hay do dự để ở bên cạnh Dân Thiên Chúa trong việc đón nhận các ân huệ của Chúa Thánh Thần vốn có thể nảy sinh giữa những sự kiện này. Kiểu nói “giữa”, được sử dụng trong Các Chuẩn mực mới, cho phép chúng ta hiểu rằng, ngay cả khi chúng ta không tuyên bố tính chất siêu nhiên về chính sự kiện đó, chúng ta vẫn nhận ra rõ ràng những dấu hiệu của một hành động siêu nhiên của Chúa Thánh Thần trong bối cảnh của những gì đang xảy ra.
Trong các trường hợp khác, song song với sự nhìn nhận này, cần phải thực hiện một số làm sáng tỏ hoặc thanh lọc. Quả thế, đôi khi những hành động thực sự của Chúa Thánh Thần trong một hoàn cảnh cụ thể, vốn có thể được đánh giá một cách đúng đắn, lại xuất hiện lẫn lộn với những yếu tố thuần túy con người, chẳng hạn như những ước muốn cá nhân, những kỷ niệm, đôi khi là những ý tưởng ám ảnh, hoặc “một sai lầm nào đó thuộc trật tự tự nhiên vốn không phải do ý đồ xấu mà do nhận thức chủ quan về hiện tượng” (II, khoản 15.2). Hơn nữa, “chúng ta không thể đặt một kinh nghiệm về thị kiến, mà không có sự cân nhắc khác, trước thế đôi ngã tuyệt đối, hoặc là đúng ở mọi khía cạnh, hoặc là phải được coi hoàn toàn như là ảo ảnh của con người hoặc ma quỷ.”[6]
Sự tham gia và đồng hành của Bộ
Điều quan trọng là phải hiểu rằng Các Chuẩn mực mới nêu rõ quan điểm rõ ràng về thẩm quyền của Bộ này. Một mặt, vẫn chắc chắn rằng việc phân định là nhiệm vụ của Giám mục giáo phận. Mặt khác, thừa nhận rằng ngày nay hơn bao giờ hết những hiện tượng này liên quan đến nhiều người thuộc các Giáo phận khác và đang lan rộng nhanh chóng ở các khu vực và quốc gia khác nhau, Các Chuẩn mực mới quy định rằng Bộ phải luôn được tham vấn và phải can thiệp để đưa ra phê chuẩn cuối cùng cho quyết định của Giám mục, trước khi ngài công khai tuyên bố về một sự kiện được cho là có nguồn gốc siêu nhiên. Trong khi trước đó Bộ đã can thiệp, nhưng Giám mục được yêu cầu không nêu tên Bộ thì hôm nay Bộ công khai biểu lộ sự tham gia của mình và đồng hành với Giám mục trong quyết định cuối cùng. Do đó, bằng cách công khai những gì đã được quyết định, ngài sẽ được cho là “đồng thuận với Bộ Giáo lý Đức tin”.
Tuy nhiên, như đã được quy định trong Các Chuẩn mực năm 1978 (IV, 1 b), Các Chuẩn mực mới cũng dự kiến rằng, trong một số trường hợp, Bộ có thể tự ý can thiệp (II, khoản 26). Thật vậy, sau khi đi đến một quyết định rõ ràng, Các Chuẩn mực mới dự kiến rằng “Bộ có quyền, trong mọi trường hợp, can thiệp một lần nữa tùy theo sự tiến triển của hiện tượng” (II, khoản 22, § 3) và yêu cầu Giám mục “tiếp tục canh chừng” (II, khoản 24) vì lợi ích của các tín hữu.
Thiên Chúa luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại và không ngừng gửi cho chúng ta những ân sủng của Ngài qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, để hằng ngày canh tân đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ thế giới. Nhiệm vụ của các Mục tử trong Giáo hội là làm cho các tín hữu của mình luôn chú ý đến sự hiện diện yêu thương này của Chúa Ba Ngôi ở giữa chúng ta, cũng như nhiệm vụ của các ngài là bảo vệ các tín hữu khỏi mọi sự lừa dối. Các Chuẩn mực mới này không gì khác hơn là một phương tiện cụ thể mà Bộ Giáo lý Đức tin đặt mình phục vụ các Mục tử trong việc ngoan ngoãn lắng nghe Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi Dân trung thành của Thiên Chúa.
Hồng y Victor Manuel Fernández
Tổng trưởng
———————————–
[1] Saint Jean de la Croix, Nuit obscure II, 17, 6, Id., Œuvres complètes. Được dịch từ tiếng Tây Ban Nha bởi cha Cyprien Sinh Nhật Đức Trinh Nữ, Dòng Cát Minh chân trần, nxb. Desclée de Brouwer, 19896, tr. 471-472.
[2] Id., Cantique Spirituel, prol., in op. cit., tr. 525-526.
[3] Id., Nuit obscure II, 17, in op. cit., tr. 472.
[4] Id., Vive flamme d’amour, III, 3, in op. cit., tr. 782-783.
[5] Bênêđíctô XVI, Tông huấn Verbum Domini (30-9-2010), số 14: AAS 102 (2010), tr. 696.
[6] K. Rahner, Visioni e profezie. Mistica ed esperienza della trascendenza, Vita e Pensiero, Milano 19952, tr. 95-96.
————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ