CÁC NHÀ CHÚ GIẢI HỒI GIÁO VỀ KINH CORAN NHÌN ĐỨC MARIA NHƯ THẾ NÀO?

Written by xbvn on Tháng Hai 11th, 2023. Posted in Thế Giới, Tý Linh, Đức Maria

Nhân cuộc hội thảo chuyên đề được tổ chức vào ngày 11/2/2023 tại Học viện Công giáo Paris (ICP), các nhà nghiên cứu đã suy tư về hình ảnh của Đức Maria nơi các nhà tư tưởng đương đại, giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Nhà xã hội học Omero Marongiu-Perria phân tích: nơi các nhà chú giải Hồi giáo về Kinh Coran, Đức Maria được mô tả là một nhân vật phi thường, đến độ cắt đứt Mẹ khỏi thực tại lịch sử của Mẹ.

Bức tranh khảm mô tả Đức Maria Mẹ Thiên Chúa với Chúa Giêsu Hài Nhi giữa các ký tự Hồi giáo ở vương cung thánh đường Sainte Sophie, Istanbul.

Đâu là khuôn mặt của Đức Maria được nổi bật nơi các bài viết của các nhà chú giải Hồi giáo về Kinh Coran của thế kỷ XX và XXI? Đó là câu hỏi được khai triển bởi nhà xã hội học Omero trong cuộc hội thảo chuyên đề “Đức Maria nơi các nhà tư tưởng và nhà văn đương thời”, được tổ chức ở ICP, bởi Viện khoa học và thần học tôn giáo (ISTR) và phong trao “Cùng với Đức Maria”.

Nếu Đức Maria là trung tâm trong Kitô giáo, thì Mẹ cũng xuất hiện trong Kinh Coran 34 lần. Mẹ được phú ban những thuộc tính quan trọng: Thiên thần nói với Mẹ: “Ôi Maria, quả thật Thiên Chúa đã chọn bà; Ngài đã thanh tẩy bà; Ngài đã yêu thích bà hơn mọi người phụ nữ trong vũ trụ” (Sourate 3, 42). Hình ảnh của Mẹ đã không ngừng trở thành chủ đề suy tư nơi các nhà chú giải sách thánh của Hồi giáo, cho đến ngày nay.

Khi phân tích 5 tác phẩm của các nhà chú giải Hồi giáo, Omero Marongiu-Perria nhận thấy xuất hiện một Maria “phổ quát” nhưng “thoát xác”, đến độ bị cắt đứt “khỏi thực tại lịch sử của Mẹ” và dòng dõi Thánh Kinh của Mẹ.

Theo Omero Marongio-Perria , nơi Maurice Gloton (1926-2017), dịch giả Kinh Coran và là tác giả của cuốn “Jésus fils de Marie dans le Qur’an et selon l’enseignement d’Ibn Arabi” (« Đức Giêsu Con của Đức Maria trong Qur’an và theo giáo huấn của Ibn Arabi”), Chúa Giêsu có một vị trí đặc biệt: Ngài vừa là người vừa là “Lời của Thiên Chúa được chiếu tỏa trong Đức Maria”. Do đó, Mẹ của Chúa Giêsu có một địa vị đặc biệt: “Thiên Chúa chúc lành cho Mẹ, thanh tẩy Mẹ và chọn Mẹ giữa toàn thể các phụ nữ trên thế giới”. Như thế, Kitô hữu và người Hồi giáo đồng ý về sự đồng  trinh của Đức Maria, biểu tượng của sự trong trắng. Nhà xã hội học lưu ý: “Kinh Coran nhắc lại sự thu thai trong trắng của Chúa Kitô mà không có sự can thiệp của một tình phụ tử, khi xác nhận sự trong trắng nguyên thủy của Đức Maria”.

“Đấng chứa đựng Lời của Thiên Chúa”

Một ý tưởng tương tự được khai triển trong cuốn “Marie en Islam” (“Đức Maria trong Hồi giáo”) của Charles-André Gilis, trong đó Đức Maria, “Đấng chứa đựng Lời của Thiên Chúa”, sẽ là “nhân vật phổ quát phản ảnh thần linh trong thế giới” cách tuyệt vời.

Đức Maria trong Hồi giáo

Tuy nhiên, Omero Marongio-Perria  nhận xét, để làm nổi bật chiều kích phi thường của Mẹ, các nhà chú giải Hồi giáo sẽ bỏ qua một bên thực tại lịch sử của Mẹ. Ông lưu ý: “Những dữ kiện lịch sử không được khai thác trên bình diện thần học”. Ngược lại, các tác giả nhấn mạnh các chi tiết siêu nhiên, như để chứng minh đặc tính ngoại thường của Đức Mẹ.

Một tình tiết đặc biệt hùng hồn: trong Kinh Coran, ông Dacaria, chồng bà Êlisabeth, hằng ngày đến thăm Đức Maria, Đấng đang lớn lên trong Đền Thờ. Trong những lần đến thăm, ông nhận thấy rằng thức ăn được đặt gần Mẹ cách có hệ thống. Khi ông hỏi Mẹ thức ăn đến từ đâu, Mẹ trả lời rằng Thiên Chúa cung cấp cho nhu cầu của các tôi tớ của Ngài. Nhà nghiên cứu phân tích : « Các nhà chú giải coi đó là một phép lạ và nhấn mạnh sự kiện rằng lương thực đến từ Trời ». Tuy nhiên, một cách biểu tượng, tình tiết này đặc biệt nói lên “mối tương quan mà Đức Maria duy trì với Thiên Chúa trong sự mật thiết của Mẹ”.

Hậu duệ của một dòng dõi phụ nữ

Trong các tác phẩm này, nhà nghiên cứu cũng nhận xét Mẹ của Chúa Giêsu tách biệt với cả một dòng các nhân vật nữ giới trong Thánh Kinh, những người  mà, giống như Mẹ, đã có một người con trong một bối cảnh đặc biệt. Chẳng hạn như bà Sara, cũng có mặt trong Kinh Coran, nghĩ mình là son sẻ, và đã có một người con sau chuyến viếng thăm của thiên thần.

Nhà nghiên cứu phân tích: “Các nhà chú giải cảm thấy khó dung hòa sự kiện rằng những nhân vật có một mối liên hệ đặc ân với Thiên Chúa cũng sống một lịch sử tầm thường của con người”. Đối diện với nhận xét này, Omero Marongiu-Perria đề nghị coi tính lịch sử của các nhân vật trong Kinh Coran như một sợi chỉ xuyên suốt để đọc bản văn. Và đặt câu hỏi: “Tại sao luôn tìm kiếm phép lạ và điều siêu nhiên trong mối tương quan với Thiên Chúa?

Tý Linh

(theo Marguerite de Lasa, nhật báo La Croix)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31