CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO VÌ HÒA BÌNH : ĐỨC PHANXICÔ KHUYẾN CÁO « MỘT NỀN VĂN HÓA CỦA NHỮNG KHUÔN MẶT » & “NỀN VĂN HÓA GẶP GỠ”

Written by xbvn on Tháng Chín 5th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

« Các nhà lãnh đạo tận tụy vì hòa bình » được hướng dẫn bởi Jean-Pierre Raffarin, chủ tịch của ủy ban ngoại vụ, của lực lượng phòng vệ và vũ trang của Thượng viện Pháp, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến tại Vatican, ngày 4/9/2021.

Đó là một phái đoàn quốc tế của Tổ chức « các Nhà lãnh đạo vì hòa bình », Tổ chức này định nghĩa mình như sau : « Tổ chức của chúng tôi có ơn gọi đề nghị một sự khôn ngoan chính trị để phục vụ hòa bình và lợi ích chung : giảm thiểu các cuộc xung đột thông qua cảnh báo».

Đức Thánh Cha khuyến cáo các chính trị gia hãy hành động, trước những thách đố của đại dịch, « đồng thời trên hai bình diện : văn hóa và thể chế ».

Và giải thích tầm quan trọng của chủ thuyết nhân vị : « Ở bình diện đầu tiên, điều quan trọng là thăng tiến một nền văn hóa của những khuôn mặt, đặt ở trọng tâm phẩm giá con người, lòng tôn trọng lịch sử của họ cách đặc biết về những vết thương và sự loại trừ của họ. Và cả một nền văn hóa gặp gỡ trong đó chúng ta lắng nghe và đón nhận nhau như anh chị em ».

Đức Thánh Cha cũng khuyến cáo ở bình diện thứ hai « thúc đẩy đối  thoại và hợp tác đa phương, bởi vì những thỏa thuận đa phương bảo đảm tốt hơn những thỏa thuận song phương, « bảo vệ một công ích thực sự phổ quát và bảo vệ các Nhà nước yếu kém nhất » ».

Phái đoàn cũng đã gặp gỡ các nhân vật khác nhau ở Vatican, đặc biệt Đức cha Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Bộ ngoại giao, và ĐHY Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ phục vụ sứ phát triển con người toàn diện.

Dưới đây là diễn văn của Đức Thánh Cha :

Thưa quý Bà, quý Ông,

Tôi vui mừng được nói với quý ông bà, những Nhà lãnh đạo đáng kính tận tụy vì hòa bình, đến từ nhiều nơi trên thế giới. Tôi cảm ơn ngài Jean-Pierre Raffarin về những lời tử tế của ngài.

Chúng ta biết, cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra vào một thời điểm lịch sử đặc biệt cấp bách. Đại dịch, thật không may, vẫn chưa kết thúc, và những hậu quả kinh tế và xã hội của nó, đặc biệt đối với cuộc sống của người nghèo, là rất nặng nề. Nó không chỉ làm nghèo gia đình nhân loại nơi nhiều cuộc đời, mỗi cuộc đời đều quý báu và bất khả thay thế, nhưng nó cũng rắc gieo cảnh hoang tàn và gia tăng những căng thẳng. Đối diện với sự gia tăng ngày càng nghiêm trọng của nhiều cuộc khủng hoảng, chính trị và môi trường – nạn đói, khí hậu, hạt nhân…, sự dấn thân của quý ông bà vì hòa bình chưa bao giờ cần thiết và cấp bách như thế.

Thách đố, đó là giúp đỡ các nhà lãnh đạo và các công dân đương đầu với những vấn đề cấp bách này như là những cơ hội. Chẳng hạn : một số hoàn cảnh khủng hoảng môi trường, thật không may bị đại dịch làm nghiêm trọng hơn, có thể và phải khơi lên một ý thức trách nhiệm lớn hơn, trước tiên từ phía các nhà lãnh đạo cao cấp nhất, nhưng còn ở các cấp trung gian và của toàn bộ công dân. Trên thực tế, chúng ta thường thấy rằng những yêu cầu và đề xuất đến « từ dưới ». Đây là một điều rất tốt, cho dù thông thường những sáng kiến như thế đã được dụng cụ hóa vì những lợi ích khác của các nhóm ý thức hệ. Luôn có nguy cơ ý thức hệ hóa. Trong sự năng động xã hội chính trị này, quý ông bà có thể đóng một vai trò xây dựng, chủ yếu thúc đẩy một sự hiểu biết đúng đắn về các vấn đề và các nguyên nhân sâu xa của chúng. Điều đó là một phần của việc giáo dục về hòa bình này, vốn rất tha thiết với quý ông bà.

Vả lại, đại dịch, với thời gian cô lập và « chứng tăng huyết áp » xã hội lâu dài của nó, chắc chắn đã làm cho chính hoạt động chính trị rơi vào khủng hoảng, chính chính trị. Thế nhưng, điều này có thể trở thành một cơ hội, để thăng tiến một « nền chính trị tốt hơn », mà không có nó « sự phát triển một cộng đồng thế giới, có khả năng thực hiện tình huynh đệ từ các dân tộc và quốc gia sống tình bạn xã hội » sẽ trở nên bất khả (Fratelli tutti, số 154). Một nền chính trị – tôi đặt mình trong viễn cảnh của quý ông bà – được xây dựng như là « kiến trúc và tầng lớp thủ công của hòa bình » (x., số 228-235). Để xây dựng hòa bình, cần phải có hai điều : « kiến trúc », « nơi các thể chế khác nhau trong xã hội can thiệp » (số 231), và « tầng lớp thủ công » vốn phải bao gồm mọi người, cả những lĩnh vực thường bị loại trừ hay không được nhìn thấy (x. ibid.).

Vì thế, vấn đề là làm việc đồng thời trên hai bình diện : văn hóa và thể thế. Ở bình diện đầu tiên, điều quan trọng là thăng tiến một nền văn hóa của những khuôn mặt, đặt ở trọng tâm phẩm giá con người, lòng tôn trọng lịch sử của họ cách đặc biết về những vết thương và sự loại trừ của họ. Và cả một nền văn hóa gặp gỡ trong đó chúng ta lắng nghe và đón nhận nhau như anh chị em, với « niềm tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong tâm hồn con người » (số 196).  Ở bình diện thứ hai, điều cấp bách là thúc đẩy đối  thoại và hợp tác đa phương, bởi vì những thỏa thuận đa phương bảo đảm tốt hơn những thỏa thuận song phương, « bảo vệ một công ích thực sự phổ quát và bảo vệ các Nhà nước yếu kém nhất »  (số 174). Trong mọi trường hợp, « chúng ta đừng dừng lại ở những cuộc thảo luận lý thuyết, chúng ta hãy chạm đến những vết thương, chạm đến da thịt của những người bị ảnh hưởng » (số 261).

Thưa quý Bà và quý Ông, tôi cảm ơn quý ông bà về chuyến viếng thăm của ông bà và tôi khích lệ sự dấn thân của ông bà cho hòa bình và cho một xã hội công bằng và huynh đệ hơn. Xin Thiên Chúa ban cho quý ông bà cảm nghiệm được, trong cuộc sống của quý ông bà, niềm vui mà chính Ngài đã hứa ban cho những người kiến tạo hòa bình. Xin cảm ơn.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Zenit và Vatican.va)

« Leaders pour la paix « : le pape recommande « une culture des visages » (texte complet)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31