CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU KITÔ HỮU, HAY LÀM THẾ NÀO DUNG HÒA KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN

Written by xbvn on Tháng Sáu 4th, 2023. Posted in Thế Giới, Tý Linh, Đức tin & lý trí

Nhân dịp khánh thành Trung tâm Teilhard-de-Chardin (centreteilharddechardin.fr) từ ngày 2 đến 4/6/2023 trên cao nguyên Saclay (Essonne), nhật báo La Croix đã phỏng vấn các nhà khoa học Kitô hữu về cách thức họ cố gắng liên kết nghiên cứu và đức tin của mình.

Noëlle Favet, nhà sinh vật học, vào tập viện các nữ tu Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu khi kết thúc học trình tiến sĩ của mình, cho biết : « Mối quan tâm của tôi đối với sự sống đã dẫn tôi đến với Đấng Hằng Sống, như Chúa Kitô được gọi. Tôi đã nghiên cứu cơ chế bảo vệ thực vật để chống lại bệnh tật. Khi chúng ta nghiên cứu về tế bào, chúng ta trải qua thời gian để ngạc nhiên trước tự nhiên « được tạo dựng tốt đẹp », ngay cả khi nó thỉnh thoảng gặp trục trặc. Điều đó có lẽ mở ra câu hỏi về sự siêu việt, về nguồn gốc và cứu cánh ». Cô giáo kiêm nhà nghiên cứu này không cho thấy có sự mâu thuẫn nào giữa hai ơn gọi, nhưng đúng hơn là sự bổ túc. Cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin này hệ tại điều gì ? Nó kêu gọi những nhà nghiên cứu có lòng tin phải cảnh giác như thế nào ?

Cha Thierry Magnin, nhà vật lý học, nhà thần học, và là thành viên của hội đồng khoa học của Trung tâm Teilhard-de-Chardin, giải thích : « Tôi đã học biết tôn trọng quyền tự trị và sự phân biệt của các lãnh vực này để cố gắng liên kết chúng ». Cha nói tiếp : « Các khoa học cứng có mục tiêu tìm ra các nguyên nhân tự nhiên cho các hiện tượng tự nhiên. Vì thế, chúng không quan tâm đến Thiên Chúa. Cũng thế, trong lãnh vực Thánh Kinh và thần học, chúng ta không tìm cách giải các phương trình toán học, nhưng tìm cách hiểu hành động của Thiên Chúa đối với vận mệnh cuộc đời chúng ta và ý nghĩa của vũ trụ này ».

Nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của mình, Kitô hữu ở nhà thờ ?

Do đó, tìm kiếm một bằng chứng khoa học về sự tồn tại của Thiên Chúa – những gì người ta gọi là thuyết tương phù (concordisme) – sẽ là một ngõ cụt đối với nhà nghiên cứu có đức tin. Đối với Bertrand Thirion, giám đốc nghiên cứu ở Viện nghiên cứu quốc gia về khoa học và công nghệ kỹ thuật số (Inria) ở Saclay, một lối tiếp cận như thế tóm lại là « bắt Thiên Chúa phải phục tùng các lý luận khoa học của chúng ta. Thế nhưng, những lý luận này không nắm giữ chân lý. Chúng tạo ra sự hiểu biết về thế giới tương hợp với các quan sát của chúng ta ».

 Trong phòng thí nghiệm của mình, nhà nghiên cứu thực sự đang mò mẫm. Sơ Noëlle Favet lưu ý : Phương pháp khoa học dựa vào một giả thuyết xuất phát, một sự xác thực, và trong chừng mực kết quả phù hợp với giả thuyết, nhà nghiên cứu tin rằng ông có thể đi xa hơn trong phương pháp của mình. Nhưng những sự kiện về sau có thể dẫn đến việc đặt vấn đề về giả thuyết. « Cách nào đó, chúng ta không bao giờ chắc chắn tuyệt đối ».

Tuy nhiên, đó có phải là phân tách các lãnh vực bằng một vách ngăn hoàn toàn kín, nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, Kitô hữu ở nhà thờ ? Các nhà nghiên cứu này trả lời : chắc chắn là không. Nhưng vấn đề là phải cảnh giác, cả về phía khoa học lẫn đức tin hay thần học : nói cách khác, lưu ý ai nói, từ chuyên môn nào, đồng thời giữ mình khỏi mọi chủ nghĩa chuyên chế. Cha Thierry Magnin tuyên bố : « Lấy ví dụ về việc tạo dựng thế giới. Vụ nổ lớn cho chúng ta thấy rằng thế giới có một lịch sử từ khi vũ trụ có thể bắt đầu ».

Nhà khoa học sẽ nghĩ về sự khởi đầu trong thời gian và không gian từ một điểm không khả dĩ, trong khi nhà Thánh Kinh sẽ nói rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của thế giới, « ở đây và bây giờ ». Nghĩa là « Thiên Chúa luôn làm cho thế giới tồn tại qua việc tạo dựng bằng tình yêu. Thiên Chúa Tạo Hóa không phải là nhà sản xuất theo nghĩa ngày nay chúng ta sản xuất máy móc hay thậm chí là sự sống nhân tạo ».

Do đó, liên kết khoa học và đức tin, khoa học và thần học hệ tại lưu tâm đến những tính đặc thù và lập trường rất khác nhau. Và nhà nghiên cứu càng tiến bộ trong sự hiểu biết của mình về thế giới, thì người tín hữu càng đào sâu đức tin của mình, họ càng có thể tìm thấy một hình thức gắn kết giữa các lãnh vực này. Noëlle Favet cho biết : « Khoa học làm đảo lộn, làm nảy sinh điều gì đó mới mẻ, đặt câu hỏi một cách khác. Nó buộc tôi đào sâu một sự hiểu biết nào đó về đức tin. Và đức tin cho tôi khả năng tiếp cận, một cách khác, với những gì có thể không thể tiếp cận được bởi chỉ khoa học mà thôi ».

Một tổng hợp như thế đã từng được đề nghị bởi cha Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955). Cha Thierry Magnin nhắc nhớ, nhà cổ sinh vật học Dòng Tên này đã nhìn thấy trong sự tiến hóa « một sự biến đổi sáng tạo tuyệt vời vào thời kỳ thuyết Darwin gây sợ hãi nhiều ». Cha Teilhard de Chardin đã đề nghị sự gắn kết giữa cái nhìn về Chúa Kitô vũ trụ của các thư của thánh Phaolô và các thư của thánh Gioan và những gì ngài nhận thức về sự tiến hóa này với tư cách là một nhà cổ sinh vật học.

Tổng hợp của Teilhard de Chardin

« Cha Teilhard đã có lời mạnh mẽ này, « Thiên Chúa tạo dựng thế giới tự tạo dựng », nghĩa là Ngài ban cho nó những điều kiện tồn tại. Nhưng thế giới này được tiến triển, về mặt sinh vật học hay vật lý học mà nói, theo những quy luật của tự nhiên. Và nếu những quy luật này bao gồm một phần ngẫu nhiên, thì điều đó không hoàn toàn mâu thuẫn với Thiên Chúa Tạo Hóa như Thánh Kinh trình bày cho chúng ta ».  Một vị Thiên Chúa mà trong Ngài luôn luôn « chúng ta sống, cử động và hiện hữu » (Cv 17, 28).

Trong sự tạo dựng « liên lỉ » này, cha Teilhard trao cho con người vị trí đồng sáng tạo. « Tất cả các trực giác của ngài đến với ngài từ những năm tháng chiến tranh. Là người khiên cáng trong các chiến hào, ngài đã thấy ý nghĩa của việc phủ nhận sự tiến hóa và ý nghĩa của sự hợp nhất. Cơ sở tư tưởng của ngài là nguyên tắc hợp nhất, mà ngài coi là dấu vết của hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa, chứ không phải là bằng chứng ».

Một kinh nghiệm thiêng liêng về sự đồng-sáng-tạo

Bertrand Thirion thổ lộ : « Tôi không muốn đặt Thiên Chúa ở đầu kính thiên văn. Nhưng tôi xem Ngài như một người bạn đồng hành ». Trong công trình của mình, nhà nghiên cứu này đặc biệt cộng tác với các nhà phát triển phần mềm tự do. Đối với ông, một số trao đổi thông minh, một cách dấn thân cùng nhau, đều thuộc về kinh nghiệm thiêng liêng và đồng sáng tạo. Ông nói thêm : « Chúng ta ở đó để cố gắng xây dựng một thế giới tốt hơn ».

Ngày nay, hơn bao giờ hết nền sinh thái mời gọi phát triển cuộc đối thoại giữa đức tin và khoa học. Dấn thân vào nhóm làm việc về nền sinh thái toàn diện ở Trung tâm Teilhard-de-Chardin, sơ Noëlle Favet nhìn nhận những mâu thuẫn rõ ràng của một cuộc đối thoại như vậy : các dấu hiệu khoa học tiêu cực buộc sơ phải nhìn thẳng vào thực tế, trong khi đức tin của sơ giữ sơ trong niềm hy vọng về một bước chuyển khả thi và thúc đẩy sơ tìm kiếm xa hơn.

Trong mắt sơ, các nhà khoa học và những người tìm kiếm Thiên Chúa liên kết với nhau « trong cùng một ước muốn đào sâu một mầu nhiệm » – một điều mà chúng ta không bao giờ hiểu hết và thúc đẩy tiếp tục suy tư – nhằm hành động có trách nhiệm.

Tý Linh

(theo Florence Chatel, nhật báo La Croix)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31