CÁC NHÀ SỬ HỌC NÓI GÌ VỀ SỰ TỒN TẠI CỦA CHÚA GIÊSU?
Chúa Giêsu có thực sự tồn tại không? Triết gia Michel Onfray lập luận rằng không trong cuốn Lý thuyết về Chúa Giêsu của ông, được xuất bản vào tháng 11/2023. Luận đề về huyền thoại này có cơ sở không? Các sử gia nói gì về Chúa Giêsu?
Luận đề về huyền thoại là gì và nó đến từ đâu?
Luận đề về huyền thoại cho rằng Chúa Giêsu không tồn tại dựa trên hai lập luận. Một mặt, văn học phi Kitô giáo đương thời sẽ giữ im lặng về Chúa Giêsu. Mặt khác, Tân Ước do có nhiều điểm không ăn nhịp nên không thể coi là nguồn lịch sử đáng tin cậy. Nếu nó được một số nhà tư tưởng tự do vào cuối thế kỷ XVIII ủng hộ, chẳng hạn như Charles-François Dupuis, thì luận đề này thực sự đã thành công vào thế kỷ XIX, khi các nhà thần học và nhà chú giải – chủ yếu thuộc Tin Lành Đức – nghiên cứu về Chúa Giêsu lịch sử. Kể từ thế kỷ XX, luận đề này đã bị toàn bộ cộng đồng các nhà sử học bỏ rơi. Tuy nhiên, nó đã xuất hiện trở lại một cách thời sự với cuốn Lý thuyết về Chúa Giêsu gần đây, được xuất bản vào tháng 11 năm 2023 bởi nhà triết học Michel Onfray, người ủng hộ ý tưởng này như ông đã từng làm với cuốn Traité d’athéologie (2005) và Décadence (2017).
Tuy nhiên, Bart Ehrman, một nhà sử học vô thần được Matthieu Lavagna trích dẫn rộng rãi trong cuốn Libre réponse à Michel Onfray của ông (Phản hồi tự do đối với Michel Onfray) (xem dưới đây), giải thích rằng những người ủng hộ luận đề về huyền thoại sẽ có rất ít cơ hội tìm được một chỗ tại trường đại học như một người bênh vực chủ thuyết sáng tạo Trái đất Trẻ. Daniel Marguerat, nhà chú giải và học giả Thánh Kinh người Thụy Sĩ, tác giả cuốn Vie et destin de Jésus de Nazareth (2019), tóm tắt: “Đó là một luận đề cũ rích mà Onfray đã dựa vào những tài liệu cực kỳ tồi và không vững chắc về mặt lịch sử.” Quả thực, không thiếu nguồn tài liệu để cung cấp tư liệu cho sự tồn tại của Chúa Giêsu.
Đâu là những nguồn cung cấp tư liệu về Chúa Giêsu lịch sử ?
Có chín nguồn bên ngoài Kitô giáo đề cập đến sự tồn tại của Chúa Giêsu. Matthew Lavagna liệt kê : “Flavius Josèphe, Tacite, Suétone, Pline le Jeune, Lucien de Samosate, Galien, Mara bar Sérapion, Celse, và le Talmud de Babylone”. Đối với nhiều nguồn của Kitô giáo – theo Matthew Lavagna, có mười nguồn ngoài Tân Ước, theo Tân Ước – Michel Onfray không tín nhiệm chút nào đối với chúng với lý do chúng là một phần của hồ sơ. Lập luận này có thích đáng không? Matthieu Lavagna kể lại sự so sánh của Bart Ehrman: “Những ghi chép đương thời về George Washington, ngay cả khi chúng được viết bởi những người theo ông tận tụy, vẫn luôn có giá trị như những nguồn lịch sử. Từ chối sử dụng chúng có nghĩa là hy sinh những con đường quan trọng nhất mà chúng ta có để tiếp cận quá khứ, và điều này là vì những lý do thuần túy ý thức hệ.”
Daniel Marguerat tóm tắt: “Chúa Giêsu là nhân vật của thời Cổ đại mà chúng ta có được tư liệu rõ ràng nhất cả về số lượng và chất lượng”. Ông giải thích : “Nguồn đầu tiên được thánh Phaolô viết từ năm 50, chỉ hai mươi năm sau cái chết của nhân vật. Một khoảng cách chỉ được tìm thấy đối với một nhân vật khác của thời Cổ đại là Alexandre Đại đế, người mà không ai nghi ngờ về sự tồn tại của ông”. Nhà chú giải kết luận : “Câu hỏi về sự tồn tại của Chúa Giêsu là không thích đáng, đúng hơn cần phải tự hỏi: người bị đóng đinh này là ai? ”.
Chúng ta biết gì về tính lịch sử của các sách Tin Mừng?
Daniel Marguerat giải thích: các sách Tin Mừng đều được viết sớm nhất từ năm 65 (Mác-cô) đến muộn nhất là năm 95 (Gioan): “Chúng đến từ thế hệ Kitô hữu thứ ba”. Theo ông, các sách Tin Mừng là một phân chi của tiểu sử Hy Lạp-Rôma: “Đây là những tiểu sử thuộc niềm tin, khởi đi từ giả định rằng Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến, điều này không ngăn cản chúng tràn đầy các yếu tố lịch sử.” Một số sách Tin Mừng làm chứng cho một kế hoạch biên soạn lịch sử rõ ràng: Luca nói rằng ngài viết “sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” (Lc 1, 3); Tin Mừng theo thánh Gioan được trình bày như là văn bản của một nhân chứng (Ga 21, 24). Tuy nhiên, các sách Tin Mừng đưa ra nhiều mâu thuẫn vốn có thể hủy hoại giá trị lịch sử của chúng.
Làm thế nào để giải thích chúng? Daniel Marguerat giải thích: một mặt, “các tác giả có cách tiếp cận khác nhau đối với truyền thống truyền khẩu và tài liệu của họ khác nhau”. Luca tường thuật các dụ ngôn vốn không có nơi một thánh sử nào khác. Những khác biệt này chỉ liên quan đến những điểm nhỏ, thậm chí còn góp phần tạo nên tính hiện thực bằng cách đảm bảo rằng bốn lời chứng tương đối độc lập. Mặt khác, mỗi thánh sử đều đưa ra “một cách giải thích thần học về tiểu sử của Chúa Giêsu theo cách riêng của mình”. Tương tự như vậy, đối với cha Renaud Silly dòng Đa Minh, người đã biên tập cuốn Dictionnaire Jésus (Bouquins, 2021), “các tác giả gắn bó với các cộng đồng cụ thể sẽ chọn những yếu tố quan trọng nhất đối với họ”. Chẳng hạn, thánh sử Luca, người viết cho những người không phải là người Do Thái, tường thuật việc chữa lành con trai của một đội trưởng Rôma trong khi thánh Gioan, người viết trong môi trường Do Thái, thay vào đó lại đề cập đến con trai của một quan chức hoàng gia, do đó là người Do Thái.
Chúa Kitô của đức tin có ăn khớp với Chúa Giêsu của lịch sử không?
Với sự phát triển của khoa chú giải phê bình lịch sử vào thế kỷ XIX, vốn nghiên cứu các bản văn thánh giống như bất kỳ bản văn nào khác, để hiểu chúng theo bối cảnh viết ra, thì hố chia cắt càng bị khoét sâu giữa lịch sử và đức tin: Chúa Giêsu là một nhân vật chắc chắn đáng ngưỡng mộ nhưng bị tước bỏ những thuộc tính thần linh của mình. Tuy nhiên, theo Renaud Silly, “tất cả những gì chúng ta có thể nói về thần tính của Người nhất thiết phải ngang qua nhân tính của Người, mà người ta chỉ có thể nghiên cứu dựa vào đó mà thôi”. Theo ngài, cần phải tuân theo tín điều Chalcédoine năm 451 – hai bản tính trong cùng một ngôi vị, “không lẫn lộ hay tách rời”.
Theo nguyên tắc này, việc tách ròi Chúa Kitô của đức tin và Chúa Giêsu của lịch sử là giả tạo. Ngài giải thích : “Chúa Giêsu của lịch sử đã ý thức mình là Đấng Thiên Sai, nghĩa là về mặt từ nguyên là Đấng Kitô”. Trên thực tế, theo ngài, về mặt lịch sử, chúng ta có thể xác định rằng Chúa Giêsu kết hợp ba loại thuyết thiên sai có trong Thánh Kinh Do Thái – một người là vua, tư tế và ngôn sứ.
Renaud Silly nói rõ: “Những gì thuộc phạm vi đức tin, đó là liên quan đến lời tuyên bố về thần tính của Người nhiều hơn”. Vì thế, sẽ xuất hiện một tiền giả định về mặt phương pháp luận, rõ ràng về các phép lạ: liệu chúng ta có thể kể lại chúng như những người đương thời trải nghiệm chúng hay tiên thiên phủ nhận khả năng xảy ra của chúng? Daniel Marguerat trả lời: “Không có nhà sử học nào nghi ngờ rằng Chúa Giêsu là một người chữa bệnh có uy tín lớn và rất thành công, và chính Flavius Josephus, một người Do Thái, cũng thừa nhận điều đó”. Ông kết luận: “Các thánh sử nói rằng quyền năng này đến từ Thiên Chúa: đây là nơi đức tin bắt đầu”.
————————–
Một cuốn sách của Matthieu Lavagna trả lời cho Michel Onfray :
Libre réponse à Michel Onfray. NON le Christ n’est pas un mythe
Artège, 264 p., 18,90 €
Sau Jean-Marie Salamito, giáo sư lịch sử Kitô giáo cổ đại tại Sorbonne và là tác giả cuốn Monsieur Onfray au pays des mythes (Ngài Onfray ở xứ huyền thoại) xuất bản năm 2017, nhà thần học trẻ và nhà hộ giáo Matthieu Lavagna cũng đã viết thư phản hồi gửi tới Michel Onfray. Jean-Christian Petitfils, nhà sử học, tác giả cuốn tiểu sử về “Chúa Giêsu của lịch sử” (Jésus, 2011), tóm tắt trong lời tựa của mình: “Lý thuyết của Onfray (là một) bản tóm tắt những lời sáo rỗng lỗi thời và những lối tắt đơn giản hóa, dựa trên một thư mục lạc hậu, cũ rích ít nhất một thế kỷ.”
—————————
Những gì phải ghi nhớ. Nhân vật có tư liệu rõ ràng nhất của thời Cổ đại:
Luận đề về huyền thoại theo đó Chúa Giêsu không tồn tại là không thể đứng vững về mặt lịch sử: Chúa Giêsu là nhân vật có tư liệu rõ ràng nhất của thời Cổ đại.
Được viết vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, các sách Tin Mừng là bốn bằng chứng lịch sử đáng tin cậy và bổ sung cho nhau, mà không hề giống nhau.
Các sách Tin Mừng là “những tiểu sử thuộc niềm tin” khởi đi từ giả định rằng Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến, trong khi mỗi Tin Mừng trình bày một cách giải thích thần học cụ thể về nhân vật.
Việc phân biệt Chúa Giêsu của lịch sử với Chúa Kitô của đức tin là giả tạo: những gì chúng ta có thể biết về thần tính của Người nhất thiết phải ngang qua nhân tính của Người. Tuy nhiên, việc thừa nhận thần tính của Người thuộc phạm vi đức tin.
————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(theo Guillaume Daudé, nhật báo La Croix)
Tags: Thần học
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025