CÁC VỊ HỮU TRÁCH CÔNG GIÁO CHÀO MỪNG CUỐN PHIM “TIÊU ĐIỂM”

Written by xbvn on Tháng Ba 3rd, 2016. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Hôm Chúa Nhật 28/2/2016, cuốn phim “Tiêu điểm” (Spotlight) đã đoạt giải Oscar dành cho phim hay nhất. Phim này vạch lại cuộc điều tra những vụ lạm dụng tình dục ở giáo phận Boston và nó đã thúc đẩy nhiều vị hữu trách Công giáo lên án sự im lặng vốn từng diễn ra lâu dài trong Giáo Hội.

Vào tháng Hai 2002, việc công bố cuộc điều tra lâu dài của nhóm phóng viên của tờ báo Boston Globe về những vụ lạm dụng tình dục bởi các giáo sĩ và về sự thinh lặng đồng lõa (omerta) của hàng giáo phẩm trong nhiều thập niên đã gây nên một chấn động trong giáo phận Boston và đã tác động đến hình ảnh của Giáo Hội.

14 năm sau, việc đoạt giải Oscar của phim này liệu có giúp chấm dứt hoàn toàn sự im lặng về tình trạng ấu dâm trong Giáo Hội? Dù sao, phim này đã khiến một số vị hữu trách trong Giáo Hội phải lên tiếng.

Một công việc “chi tiết” và “rất quang trọng”

Trước tiên, Tổng Giám mục đương nhiệm của giáo phận Boston, mà vị tiền nhiệm của ngài là Đức Hồng y Bernard Law bị nhắm đến trong phim này, đã chào mừng một cuốn phim “quan trọng đối với tất cả những ai đã từng bị gây đau khổ bởi bi kịch lạm dụng tình dục do hàng giáo sĩ gây nên”.

ĐHY Sean O’Malley cũng khen ngợi sự đóng góp của các phóng viên. Ngài là người hiện nay đang đứng đầu ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên do đức Phanxicô thành lập để đối phó với vấn nạn này. ĐHY đã tuyên bố: qua công việc “chi tiết” và “rất quan trọng” của họ, các phương tiện truyền thông đã “mở ra một cánh cửa” và “dẫn Giáo Hội đến chỗ nhìn nhận các tội ác và tội lỗi của các thành viên của mình và bắt đầu sửa chữa các sai lỗi của mình”.

“Chúng ta phải thay đổi lối hành xử của chúng ta”

Cha Hans Zollner, dòng Tên, cùng thuộc ủy ban này và đồng thời là chủ tịch của Trung tâm bảo vệ trẻ vị thành niên của Đại học Grégorienne của Tòa Thánh, đã nhận xét rằng một cuốn phim như thế và việc nó được giải thưởng “chắc chắn sẽ mang lại một nhiệt huyết về sau cho công việc của chúng tôi”.

Ngài nói: “Chúng ta phải thay đổi lối hành xử của chúng ta, (…) sự im lặng đồng lõa (omerta). Câm lặng, muốn giải quyết tất cả bằng cách che đậy nó, che giấu và nghĩ rằng rồi nó sẽ qua thôi. Không, nó sẽ không qua đâu: chúng ta phải ý thức rằng, hoặc chúng ta can đảm đảm nhận nó, hoặc những người khác, sớm hay muộn, sẽ bó buộc làm điều đó”.

Một cuốn phim “thuyết phục”

Đối với nhật báo Osservatore Romano, tờ nhật báo không chính thức của Vatican, cuốn phim Spotlight không hề “chống Công giáo”. Nó là một cuốn phim “thuyết phục” khi nó cho thấy cách thức mà thể chế đã muốn bảo vệ hình ảnh của mình trước “một thực tại kinh khủng”, bà Lucetta Scaraffia, một sử gia, đã bình luận như thế trên nhật báo của Vatican.

Bà đã phê phán việc có quá nhiều người “bận tâm với hình ảnh của thể chế hơn là tính nghiêm trọng của hành vi”. Tuy nhiên, bà cũng lấy làm tiếc rằng “cuộc đấu tranh lâu dài và bền bỉ” được thực hiện chống lại nạn ấu dâm trong Giáo Hội bởi ĐHY J. Ratzinger, lúc đó là Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, rồi với tư cách là giáo hoàng, đã không được cuốn phim đề cập đến.

“Một cuộc tổng vệ sinh”

Thực tế, trong thời gian lâu dài, “phản ứng đầu tiên, thay vì nhìn ra sự kinh khủng của những gì đã xảy đến, thì lại là “cứu” thể chế khỏi tai tiếng”, Đức cha Giovanni Angelo Becciu, người đang đặc trách những công việc chung của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nhìn nhận như thế. “Chúng tôi đã rút ra bài học”, ngài tuyên bố và đồng thời khẳng định không biết có thể chế nào khác trên thế giới đã dấn thân như Giáo Hội “làm một cuộc tổng vệ sinh và đưa vào thực hành những phương pháp để ngăn chặn những cuộc lạm dụng khác”.

Thậm chí ngay trước nghi thức trao giải Oscar, Đức cha Charles Scicluna, Tổng Giám mục Malte và là một trong những vị chủ chốt cơ quan đấu tranh chống lạm dụng tình dục trong Giáo Hội, đã tuyên bố rằng các Giám mục và Hồng y phải xem phim Spotlight. Như thế các ngài sẽ ý thức rằng chính khi công khai những tội ác này chứ không phải im lặng đồng lõa mà các ngài sẽ có thể “cứu Giáo Hội”.

Về phần mình, Đức cha Alain de Raemy, thuộc HĐGM Thụy Sĩ, đã đi xa hơn: “Cần phải xem thực tại trước mắt”. “ Nếu bạn đã không xem phim này, đang khi bạn nói mình là Công giáo, thì bạn phải đi xem!”

Trong một diễn biến khác, tại một buổi điều trần qua video, tình cờ với buổi trao giải Oscar cho phim Spotlight, ĐHY George Pell, nguyên Tổng Giám mục giáo phận Sydney, được chất vấn về việc liệu ngài đã có biết hay không các vụ lạm dụng tình dục trong giáo phận của ngài, ngài đã luôn trả lời là không nhớ gì về những gì đã diễn ra vào thập niên 1970.

Tý Linh

theo La Croix

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Ba 2024
H B T N S B C
« Th2    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31