CẢM NGHĨ VỀ BÀI GIẢNG LỄ DẦU CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

Written by xbvn on Tháng Ba 22nd, 2014. Posted in Linh mục, Lm. Nguyễn Mạnh Đồng

 Tặng  quí cha

 Đức giáo hoàng Phanxicô đã cử hành lễ dầu đầu đời giáo hoàng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Rôma ngày 28 – 03 – 2013 tới nay đã gần giáp năm. Tôi đã có dịp nghe nhiều bài giảng lễ dầu nhưng rồi cũng không nhớ, còn bài giảng lễ dầu của ngài đã gây ấn tượng mạnh cho tôi. Bài giảng của ngài có nhiều điểm đáng ghi nhớ, đã in sâu vào tâm trí tôi, mặc dù tôi chỉ xem đăng trên mạng, khiến tôi cứ suy đi nghĩ lại. Rồi đến dịp tĩnh tâm linh mục vào đầu năm 2014 ở Cần Thơ, cha giảng có nhắc tới bài giảng ngày 11 – 01 – 2014 của đức giáo hoàng Phanxicô đề cập đến việc xức dầu thánh, lại giúp tôi càng chú ý thêm để đối chiếu nhau và nảy ra nhiều cảm nghĩ hữu ích để chia sẻ.

 I. LINH MỤC ĐƯỢC XỨC DẦU LÀ VÌ NGƯỜI KHÁC VÀ CHO NGƯỜI KHÁC.

          Trong bài giảng lễ dầu năm 2013, đức Phanxicô đã dựa vào bài đọc và Thánh Vịnh 132 để nói đến ba vị được xức dầu là: một tiên tri, vua Đavít và Chúa Giêsu. Ba vị này đã được xức dầu để rồi xức dầu cho dân của Thiên Chúa, xức dầu cho người nghèo, người bị giam cầm, người bị áp bức…nghĩa là xức dầu cho người khác. Đức Phanxicô nhắc đến câu 2 của Thánh Vịnh 132 nói về “ dầu thơm quý giá xức trên đầu, lan xuống râu ông Aaron, và loang xuống cả gấu áo chầu của ông”. Ngài giải thích rằng hình ảnh dầu lan xuống râu, xuống gấu áo chầu của ông Aaron là hình ảnh dầu thánh được xức cho linh mục do bí tích xức dầu thánh phải được lan tràn qua người được xức dầu xuống tới áo mặc nghĩa là tới ngoại vi biên giới với trần gian. Đức Phanxicô gợi nhớ đến câu chuyện Đức Giêsu, Người được Thiên Chúa xức dầu, đã ra đi xuống đường với ông trưởng hội đường Do Thái, hòa mình với đám đông chen lấn. Người đã tạo cơ hội cho một phụ nữ bị băng huyết nặng, đã 20 năm trời chạy chữa không khỏi mà bệnh còn nặng hơn. Bà tự nhủ: tôi sờ được vào áo Người thôi là sẽ được cứu, Bà đã lách qua đám đông đến phía sau để sờ vào áo Người, và bà được khỏi bệnh. Còn Đức Giêsu thì cảm thấy có năng lực tự nơi mình phát ra, năng lực của dầu thiêng liêng Người mang vào mình đã lan ra tới gấu áo Người để chữa lành cho bà (Lc 8, 43-48).

          Vì thế ngày nay, khi đức giáo hoàng cùng với 8 vị hồng y cố vấn họp bàn để cải tổ giáo hội, các ngài đã chọn ra 9 ưu tiên mà ưu tiên số 1 để cải tổ là phải chấm dứt lối sống giáo sĩ trị, đó là lối sống lợi dụng được xức dầu phong chức để có quyền bính, có bổng lộc cho bản thân mình mà thôi không quan tâm tới người khác. Và các ngài còn chọn ưu tiên số 2 là đi ra tới ngoại biên nghĩa là chấm dứt lối sống thu mình trong phòng thánh, trong nhà xứ, trong giáo xứ, để đi ra tới vùng ngoại biên giáp ranh với người khác. Ngài đả phá các cha xứ thích chải lông cho chiên lành sạch và không thích đi tìm chiên ghẻ, chiên lạc. Ngài muốn giáo hội đi ra khỏi chính mình, đi tới những người không lui tới với giáo hội, bỏ giáo hội ra đi, thờ ơ với giáo hội. Ngài ước mong chúng ta ra đi khỏi chính mình để đem Phúc Âm đến cho người khác, để trao ban chút xíu dầu mà chúng ta được xức, cho những ai chưa có được tí xíu nào. Dầu thơm quý giá được xức trên đầu ông Aaron không chỉ làm cho thơm bản thân ông mà đã loang cho tới vùng ngoại biên là gấu áo chầu. Chính Đức Giêsu đã nói rõ ràng về mình rằng: Người được xức dầu là để trao ban cho người nghèo, người bị giam cầm, người mù, người bị áp bức, người bệnh tật, trao ban cho những ai sầu khổ và cô đơn. Còn đức Phanxicô nhắc nhớ rằng: việc xức dầu không chỉ làm thơm cho bản thân chúng ta, cũng không phải để chúng ta giữ gìn trong bình. Làm như thế dầu sẽ bị ôi, bị hôi, bị khét…còn trái tim chúng ta thì héo hắt cay đắng.

 II. ĐƯỢC XỨC DẦU LÀ CÓ QUAN HỆ TÌNH NGHĨA VỚI ĐỨC GIÊSU.

          Trong bài giảng lễ sáng 11 – 01 – 2014 tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Matta, đức Phanxicô đã diễn giải bài đọc thư thứ 1 của Thánh Gioan nói về quan hệ tình nghĩa của linh mục với Đức Giêsu. “Linh Mục chân chính là người được Thiên Chúa xức dầu để phục vụ dân Chúa”. Linh mục được xức dầu là có quan hệ tình nghĩa với Đức Giêsu. Khi thiếu quan hệ này thì linh mục trở thành người không còn được xức dầu nữa mà trở thành người thờ ngẫu tượng, thờ vị thần là cái tôi của mình. Như thế đức Phanxicô cho thấy việc linh mục được xức dầu là để có quan hệ tình nghĩa với Đức Giêsu, không phải tự động do việc xức dầu bề ngoài mà có, nhưng do việc xức dầu mang ý nghĩa là trao ban ân sủng của Thiên Chúa cho linh mục. Dầu ấy có ý chỉ dầu thơm hoặc hương thơm của Đức Kitô Đấng được Thiên Chúa xức dầu, hương thơm hay mùi thơm của sự thánh thiện. Ai cũng biết dầu chỉ là một chất nhờn, không hòa tan trong nước và nhẹ hơn nước, lấy từ nguồn thực vật, động vật hay khoáng vật, có thể dùng để ăn (dầu đậu nành), để chữa bệnh (dầu dừa, dầu khuynh diệp), thắp đèn (dầu hỏa), chạy máy (dầu xăng)…Trong bí tích xức dầu thánh, giáo hội thường dùng dầu ôliu để chỉ dầu hoan lạc, dầu ban sức mạnh, dầu của Chúa Thánh Thần, dầu tình nghĩa của Đức Giêsu, để xức cho giám mục, linh mục. Các ngài được xức dầu để có thể xức dầu lại cho người khác, cho dân Chúa. Đức Phanxicô nói: người ta nhận ra một linh mục chân chính tốt lành tùy theo cách Ngài xức dầu cho dân Ngài. Khi các tín hữu nhận được dầu hoan lạc thì ta có thể thấy ngay họ dự lễ về với nét mặt vui tươi của những người vừa nghe được tin vui Phúc Âm. Kitô hữu đánh giá Phúc Âm mà linh mục loan báo cho họ có dầu hay không, khi Phúc Âm đụng chạm đến đời sống ngoại vi ngoại biên của đời thường họ, như dầu thơm của ông Aaron; khi Phúc Âm soi sáng những hoàn cảnh, những biên giới mà tín hữu phải đối phó, trước những tấn công của những người muốn phá hại đức tin của họ. Kitô hữu biết ơn các linh mục khi họ cảm nhận được rằng các ngài cầu nguyện cho những thực tại của đời họ: những vất vả và vui mừng, những lo âu và hy vọng. Và khi họ cảm nghiệm được mùi thơm của dầu thánh đến với họ xuyên qua các ngài, họ sẽ được khuyến khích để thổ lộ cho các ngài những gì họ muốn các ngài cầu xin với Chúa cho họ: xin cha cầu nguyện cho con đang gặp khó khăn…Đó là dấu chỉ dầu đã đi ra tới ngoại vi gấu áo, mang năng lực và sức mạnh chữa lành cho người xin.

 III. NHỮNG LINH MỤC CÓ DẦU VÀ LINH MỤC KHÔNG CÒN DẦU.

          – Những Linh Mục có dầu là những linh mục chân chính, được Thiên Chúa xức dầu để phục vụ dân Chúa, là những linh mục có quan hệ nghĩa thiết với Thiên Chúa và với mọi người. Ơn Chúa sẽ qua các ngài là những người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Đức Phanxicô muốn các linh mục nhận ra ước mong của các tín hữu là được đón nhận dầu thơm mà họ biết rằng các ngài đang mang vào mình. Và ngài xin các linh mục phải là “những chủ chăn mang vào mình mùi chiên”. Đó là các chủ chăn sống giữa đàn chiên của mình, và là người đánh bắt người ta (xem Mt 4, 19), là người cứu sống người ta (xem Lc 5,10), là người sống như Đức Kitô sống trong mình (Gl 2, 20). “Mang vào mình mùi chiên” là tư tưởng đã gây sửng sốt nhiều người. Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa đã chọn câu trên làm châm ngôn cho đời giám mục của ngài. Và Đức Cha đã giải thích “chiên ở đây trước hết là chính Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”, rồi xác định “mình phải thắm đậm mùi chiên Giêsu: thánh thiện, tốt lành, khiêm nhu, yêu thương, phục vụ…” Sau mới là chiên của mình, có chiên ngoan, có chiên lạc, có chiên ghẻ, có đủ thứ mùi…Ở giữa đàn chiên, thắm đậm mùi chiên là biết lắng nghe, cảm nhận, để đưa vào lời cầu nguyện hằng ngày của mình những thực tế trong đời thường của họ: đau khổ và niềm vui, âu lo và hi vọng… và để trao ban chính mình, trao ban Phúc Âm, trao ban cả chút xíu dầu xức mình đang có cho họ.

          – Những Linh Mục không còn dầu. Đức Phanxicô còn gọi là linh mục đã hết dầu, khô dầu, giải dầu (thôi không có nữa), các linh mục này gây tai hại cho giáo hội, họ coi sức mạnh của họ ở nơi những điều hời hợt, phù phiếm, đạo đức giả, háo danh. Khi họ không còn mùi Chiên Giêsu nữa, họ phải tìm bù trừ tình trạng đó bằng những thái độ khác, chẳng hạn linh mục áp phe, linh mục doanh nhân, linh mục sống hai mặt nước đôi, sống đạo đức giả và phù phiếm… hoặc bù trừ dầu thơm Giêsu bằng eau de Cologne, bằng nước hoa Chanel (theo một linh mục viết trên google). Đức Phanxicô còn nói thêm trong bài giảng lễ dầu rằng; một linh mục hết dầu, khô dầu, giải dầu, hoặc không ra đi để xức dầu, không còn sống vì và cho người khác, thì linh mục đó mất đi cái tốt nhất của dân mình, cái đó có thể thắp sáng con tim mình từ thẳm sâu, đó là lòng biết ơn phát xuất từ con tim của dân. Cho nên thay vì các linh mục là người trung gian (médiateur) thì dần dần biến thành người mối lái (intermédiaire) để buôn bán, người cai quản, họ đã hưởng lợi lộc của họ, chẳng được nhớ ơn. Do đó mà họ không được thỏa mãn, buồn sầu, có người trở thành nhà sưu tầm đồ cổ hoặc đồ mới, không còn là chủ chăn mang vào mình mùi chiên.

          Đức Phanxicô tóm lại: “Thật là đẹp khi thấy những linh mục hiến mạng sống mình như linh mục, và dân chúng nói về các vị ấy: cha này, cha kia khó tính nhưng đó là một linh mục. Dân chúng đánh hơi giỏi lắm. Trái lại khi dân thấy các linh mục thờ thần tượng, những linh mục thay vì có Đức Giêsu lại có những thần tượng nhỏ, tôn thờ cái thần tôi của mình, thấy các linh mục như thế, dân chúng nói: Thật là một kẻ tội nghiệp.”

Để Kết:

          Lễ dầu là lễ của mọi Kitô hữu, những người mang tên Đức Kitô, là bạn của Đức Kitô, Đấng được xức dầu. Giáo dân được xức dầu thánh hai lần, giáo sĩ còn được xức dầu nhiều lần hơn…được xức dầu thánh để phục vụ Đức Kitô, để vì người khác và cho người khác. Kitô hữu cần ý thức và ghi nhớ thật sâu sắc rõ ràng về căn tính của mình, để lúc nào cũng mang trong mình mùi của Đức Giêsu, mùi của chiên trong đàn chiên, sống như Đức Kitô sống trong mình. Kitô hữu dù bất cứ ở đâu, nơi gia đình, sở làm, khu phố, bệnh viện hay trong tù, nếu luôn có Đức Giêsu trong mình, luôn giữ gìn dầu thánh trong mình, như Đức Giêsu đã khuyên “giữ trong lòng muối mặn” (Mc 9, 50) thì Kitô hữu không sợ bị hư thối, bị bốc mùi hôi thối sang người khác, trở nên vô dụng. Ngược lại lúc nào cũng vẫn có thể làm ích cho mình, cho đời, vẫn có thể làm thơm ướp mặn để mình cũng như đời không bị hư thối. Cuối cùng xin mượn lời đức Phanxicô để kết luận: “Điều cứu chúng ta khỏi những sự trần tục, khỏi sự thờ thần tượng, khiến chúng ta bị “giải dầu”, điều giữ chúng ta trong tình trạng được xức dầu, chính là quan hệ tình nghĩa với Đức Giêsu Kitô…Anh em hãy đành đánh mất mọi sự trong cuộc sống, nhưng đừng bao giờ đánh mất quan hệ tình nghĩa này với Đức Giêsu Kitô. Đó chính là chiến thắng của chúng ta”.

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ

Mùa Chay 2014

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31