CẦU NGUYỆN: ĐỐI THOẠI CÁCH VIÊN MÃN

Written by lcd on Tháng Hai 5th, 2014. Posted in Lm Lê Công Đức, Tâm linh

[Lm. Lê Công Đức, trích dịch từ “Sviluppo umano in pienezza – Teologia spirituale” của Luis Jorge González, OCD. ]

Mỗi lần, bằng một hành động đức tin, chúng ta nói chuyện với Thiên Chúa cách yêu thương trìu mến và đặt nơi Ngài niềm hy vọng của mình, chúng ta cảm nếm được sự viên mãn của chúng ta, là Chúa Giêsu. Trong chương trước tôi đã nhắc rằng sự viên mãn không chỉ có ở cuối hành trình. Chúa Giêsu luôn bước đi với chúng ta, mỗi phút giây, và Ngài không bao giờ ngừng là Đấng vĩnh cửu đối thoại với chúng ta (Tu eterno), Đấng chờ đợi nơi chúng ta cái nhìn đức tin, lời nói yêu thương, lòng tín thác đầy hy vọng nơi Ngài.

Việc cầu nguyện đảm nhiệm và thực hiện phần lớn những gì mà chúng ta đã nói trong các chương trước về sự phát triển con người trong ánh sáng của sự viên mãn của mình, tức là Chúa Giêsu Kitô. Đức Gioan Phaolô II, khi nhấn mạnh khoa sư phạm nhắm đến sự thánh thiện, đã trước hết trình bày cầu nguyện như con đường để đạt được mục tiêu tột đỉnh này. Tất cả điều này hòa hợp với Vatican II khi Công đồng nêu ra cho chúng ta đức tin, đức cậyđức ái như đường lối để sống sự thánh thiện xét như mối tương quan với các Ngôi Vị thần linh: cầu nguyện quả là một thực hành thực tế và hữu hiệu của thái độ đối thần.[1]  

Cầu nguyện: sự sống và niềm vui trong Thiên Chúa Ba Ngôi

Có nhiều lý do khác nhau cho thấy cầu nguyện là một cuộc đối thoại tròn đầy. Trước hết bởi vì cầu nguyện đặt chúng ta trong liên lạc với Chúa Cha, “suối nguồn tình yêu” từ đó phát xuất Chúa Con, Đấng là sự viên mãn của chúng ta với cuộc nhập thể của Ngài. Cầu nguyện là cuộc đối thoại tròn đầy cũng bởi vì cầu nguyện gắn kết chúng ta với Chúa Con nhập thể, Đấng là trung gian duy nhất và là đường dẫn đến Chúa Cha. Hơn nữa, cầu nguyện giúp chúng ta, trong niềm tín thác, có thể đặt mình trong tay Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta có thể lên lời khôn tả “Abba, Cha ơi!”, Đấng dạy chúng ta biết cách cầu nguyện. 

Như tôi đã nhấn mạnh khi nói về Hy tế Tạ ơn, cầu nguyện Kitô giáo hướng thẳng đến Chúa Cha.[2] Chúa Giêsu cầu nguyện và dạy chúng ta cầu nguyện như thế: “Một hôm, Đức Giêsu đến một nơi kia để cầu nguyện, và khi Ngài cầu nguyện xong, một môn đệ nói với Ngài: ‘Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện, như Gioan đã dạy các môn đệ của ông’. Đức Giêsu nói: ‘Khi cầu nguyện, anh em hãy thưa: Lạy Cha, xin làm cho thánh danh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến…’” (Lc 11,1-2).

Giáo hội hiểu rõ lời dạy của Chúa Giêsu và khuyến dụ các con cái Giáo hội hướng về Chúa Cha để cầu nguyện. Về điều này, Đức Phaolô VI nhắc chúng ta:

Giáo hội là xã hội của những con người cầu nguyện. Mục đích trước hết của Giáo hội là dạy cầu nguyện. Nếu chúng ta muốn biết Giáo hội làm gì, chúng ta phải ghi nhận rằng Giáo hội là một trường dạy cầu nguyện. Giáo hội nhắc các tín hữu bổn phận cầu nguyện; Giáo hội đánh thức nơi các tín hữu thái độ và nhu cầu cầu nguyện; Giáo hội dạy cho người ta biết cách cầu nguyện cũng như biết lý do tại sao phải cầu nguyện; Giáo hội xem cầu nguyện là “phương tiện lớn” của ơn cứu độ, đồng thời Giáo hội công bố cầu nguyện là mục tiêu cao nhất và trước nhất của tôn giáo đích thực.[3]

Lời cầu nguyện hướng thẳng đến Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô. Thật vậy, như đã đề cập, Chúa Giêsu lưu ý chúng ta rằng: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Chỉ trong kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta mới đạt đến cung lòng của Chúa Cha cách chắc chắn và thực sự. Vì thế, ở cuối lời nguyện mà phụng vụ hướng đến Chúa Cha, chúng ta qui chiếu đến Đấng trung gian duy nhất: “Chúng con cầu xin Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Cha, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen”.

Thật đáng lưu ý rằng Thánh Têrêsa Giêsu, với thẩm quyền của vị Tiến sĩ về cầu nguyện, đã nhấn mạnh điểm thiết yếu này của việc cầu nguyện: ý thức sự hiện diện của ngôi vị Chúa Cha trong khoảnh khắc mà chúng ta hướng về Ngài.

Sự khác biệt giữa tâm nguyện và khẩu nguyện không hệ tại ở việc mở miệng hay đóng miệng. Nếu, khi cầu nguyện bằng cách lên lời, tôi hoàn toàn xác tín rằng mình đang nói chuyện với Thiên Chúa, tôi chú ý về Ngài hơn cả những lời tôi đang thốt ra, thì tâm nguyện và khẩu nguyện đang được hợp nhất… Và khi bạn chú ý đến Ngài – điều này thật chính đáng khi thưa chuyện với Chúa – thì thực là tốt việc bạn nghiệm xét xem mình đang trò chuyện với ai và mình là ai, đó không phải gì khác ngoài tôn trọng điều thích đáng.[4]

Rõ ràng, cầu nguyện Kitô giáo cũng được hướng đến Chúa Giêsu. Trong cuộc sống tại thế của Ngài, vào thời mà Đức Giêsu giảng dạy ở Israel, dân chúng đã hướng về Ngài những lời kêu xin, những lời ca ngợi, những lời tạ ơn và những diễn tả lòng cảm mến. Trong cử hành Thánh Thể của chúng ta, mặc dù phần lớn các lời nguyện hướng thẳng đến Chúa Cha, vẫn có một số lời cầu nguyện hướng đến Chúa Giêsu: “Xin Chúa Kitô thương xót chúng tôi”, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông đồ rằng…”, Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, bởi thánh ý Chúa Cha và sự hợp tác của Chúa Thánh Thần, Chúa đã chết để cho thế gian được sống…”

Trong bức tranh này, Chúa Thánh Thần là nhà thực hiện, gợi hứng và nhà linh hoạt vĩ đại của việc cầu nguyện. Ngài đánh thức trong chúng ta đức tin và ý thức rằng Chúa Cha và Chúa Giêsu đang hiện diện, bên trong và trước mặt chúng ta, đợi chờ chúng ta lắng nghe, mong ước chúng ta ý thức rằng Cha và Con là Đấng vĩnh cửu đối thọai với chúng ta (Tu eterno), mong ước chúng ta hướng về và đón nhận tình hiền phụ của Chúa Cha và tình huynh đệ của Chúa Con.

Cuộc đối thoại cha con đầy yêu thương trong đức tin và đức cậy

Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, người tín hữu kết hợp với Chúa Giêsu sẽ đến với Chúa Cha để hiện thực hóa tiềm năng vốn có trong Chúa Con, đó là trở thành thực sự là con Thiên Chúa.

Như vậy cầu nguyện được thấy như một ma trận trong đó – với nhựa của cây nho đích thực và với sức nóng hừng hực của Thánh Thần – nhân vị con người có thể phát triển trong cung lòng Thiên Chúa Cha.

Đồng thời, cầu nguyện là việc đào tạo đích thực thái độ làm con. Nó giống như người ta đi tới phòng tập thể dục để tập luyện trong sự vận động của các mối tương quan với các Ngôi Vị thần linh. Nhờ sự kết hợp với Đức Kitô, người Anh Cả, và nhờ sự ngoan ngoãn trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, người ta phát triển cơ cấu tâm linh của mình, cơ cấu mà yếu tính thâm sâu nhất của nó chính là mối tương quan phụ tử với Thiên Chúa Cha. 

Những mối tương quan như thế với Ba Ngôi Vị sẽ không thể đạt được nếu không có đức tin, một đức tin được nâng đỡ bởi Thiên Chúa nhờ kế hoạch vĩnh cửu của Ngài được thực hiện bởi Chúa Con và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, cho phép hữu thể con người tự do quyết định tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi người ta chọn đức tin xét như ơn ban của Chúa Cha, thì người ta có thể “suy nghĩ và nhắm sẽ nói gì, nói với ai, và mình là ai khi dám lên lời với một Đức Chúa vĩ đại như thế”.[5] 

Thật quan trọng cần ghi nhận rằng việc suy nghĩ và nhắm ấy qui chiếu đến mối tương quan liên chủ thể với Chúa Cha hay với Chúa Giêsu. Ở đây không phải là việc qui chiếu trong tâm trí, có tính thần học, mà chúng ta có thể làm trong suy niệm. Không phải thế. Têrêsa từng là nạn nhân của những chia trí do sự tưởng tượng của mình và là nạn nhân của sự bất lực không thể tập trung tư tưởng vào Chúa. Thánh nhân giải thích:

Tôi không nói rằng việc ta có thể không ngừng suy niệm về các hoạt động của Thiên Chúa chẳng phải là một ân huệ của Ngài, quả thật là tốt việc suy niệm như thế. Nhưng cần lưu ý rằng không phải tất cả mọi sự tưởng tượng tự chúng đều phù hợp cho thực hành này, trong khi khả năng yêu mến thì thuộc về hết mọi người.[6]

Quả thực, chính Thánh Têrêsa lưu ý chúng ta rằng trong cầu nguyện “lợi ích của linh hồn không hệ tại ở suy nghĩ nhiều mà là ở yêu mến nhiều”.[7] Hết sức đơn giản, Thánh Têrêsa xem cầu nguyện như tình bạn với Thiên Chúa: “Với tôi, tâm nguyện không gì khác ngoài một tương quan tình bạn, trong đó ta thường xuyên một mình tìm gặp Đấng mà ta biết rằng Ngài yêu thương ta”.[8]

Như vậy cầu nguyện được thấy như một phương thế nền tảng để tiến tới trên con đường sự sống. Được quan niệm như một tình bạn với Thiên Chúa, Cha chúng ta, và với Chúa Giêsu, Anh Cả của chúng ta, trong ngọn lửa của Thánh Thần tình yêu, đó chính là việc thực hành các mối tương quan với Ba Ngôi, Đấng làm thấm đẫm sự viên mãn trong mỗi bước đi và mỗi khoảnh khắc của  hành trình phát triển con người chúng ta. Như chúng ta biết rõ, tình bạn là tình yêu hỗ tương:[9] Vì thế, chúng ta cũng có thể nói rằng “cầu nguyện là yêu thương”.[10]

Nếu cầu nguyện không được làm sinh động bởi đức cậy, được ban cho ta bởi Thánh Thần, thì chắc chắn ta sẽ sớm bỏ cầu nguyện thôi. Được thúc đẩy bởi đức cậy, chúng ta tin tưởng sẽ thực sự gặp mình trong cầu nguyện với Chúa Cha nhờ Con của Ngài. Trong đức cậy, vốn thúc đẩy trong ta sự phát triển con người cách tròn đầy, chúng ta vẫn còn đợi chờ ơn chiêm niệm được ban cho, ơn đêm tối tâm hồn, ơn kết hợp hoàn toàn với Chúa Giêsu. Chúng ta cũng vẫn còn chờ những ân huệ vật chất, tâm lý, luân lý và xã hội mà chúng ta cần để sống tình huynh đệ, sự tự trọng, và mối quan tâm đến các thụ tạo.

Cần nhắc lại rằng người ta có thể khẳng định cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ cha con trong đức tin, đầy yêu thương và đầy cởi mở với tương lai trong tinh thần lạc quan của đức cậy.[11] Vâng, rõ ràng cầu nguyện là việc thực hành các mối tương quan đối thần với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần.[12] 

Những cách thức cầu nguyện để sống trong Chúa Ba Ngôi

Có nhiều cách thức cầu nguyện. Hầu như có thể nói rằng có bao nhiêu người tồn tại trên mặt đất thì cũng có bấy nhiêu cách thức cầu nguyện. Thật vậy, cầu nguyện là một mối tương quan vô cùng riêng tư với Thiên Chúa Cha hay với Chúa Con nhập thể của Ngài.

Sau khi trình bày thực tại này, thần học linh đạo chỉ ra những con đường chính yếu mà các tín hữu có thể theo để liên lạc với Thiên Chúa. Nghĩa là, vấn đề là trao cho mỗi người cơ hội để sống trong tương quan với các Ngôi Vị thần linh trong cuộc sống của mình, ngày thường, ngày Chúa Nhật hay ngày lễ, trong một số giai đoạn đặc biệt của năm, như Mùa Vọng và Mùa Chay.

Các hình thức cầu nguyện khác nhau có thể được phân loại không chỉ nhằm giúp hiểu tốt hơn cuộc đối thoại cha con này với Chúa Cha, mà còn để cho người tín hữu có thể dễ xử lý các khả năng khác nhau:

PHỤNG VỤ: Bí tích

                        Thánh lễ

                        Phụng vụ các giờ kinh

                        Cầu nguyện với các bài đọc Thánh Kinh

                        Cử hành ngôn lễ

CÁ NHÂN:    Khẩu nguyện

                        Suy niệm

                        Đối thoại thân tình

                        Cầu nguyện chiêm niệm

                        Cầu nguyện trong nhóm

Cầu nguyện phụng vụ bao trùm toàn thể Giáo hội xét như Thân thể Đức Kitô. Nó qui chiếu đến “phụng tự thần linh, trong đó tiếng nói của cộng đoàn Kitô hữu được truyền tải”.[13] Cầu nguyện phụng vụ có tính hiệu lực, nhất là trong các bí tích, bởi vì nó trực tiếp bao hàm hành động của Đức Kitô và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Một em bé được rửa tội ngay cả dù trong khoảnh khắc ấy vị linh mục ban Phép Rửa nghĩ đến một điều gì đó khác.

Thánh lễ, như tôi đã có dịp nhắc đến, là hình thức cầu nguyện tuyệt hảo, sống động và sâu sắc nhất có thể có được trên mặt đất này.

Việc đọc phụng vụ các giờ kinh là cơ hội đặc biệt để nói với Thiên Chúa bằng những lời của chính Ngài – các Thánh Vịnh, các bản văn khác của Thánh Kinh – và đồng thời đó là cơ hội để ta tháp nhập với lời ca của Giáo hội toàn thể ở khắp nơi trên thế giới luân phiên nối tiếp nhau theo giờ của các quốc gia để ca ngợi những kỳ công, sự tốt lành và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Cầu nguyện với các bài đọc Thánh Kinh, ngày càng phổ biến trong thời chúng ta với tên gọi theo La ngữ là lectio divina, một cách cơ bản nhằm để sống tình bạn với Thiên Chúa, nhất là trong cuộc đối thoại cha con và đầy cảm mến với Ngài.[14] Công đồng nói: “Mọi người nên nhớ rằng việc đọc Thánh Kinh phải được đi kèm bởi cầu nguyện, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì ‘chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh’” (Thánh Ambrôsiô).[15]

Những việc cử hành ngôn lễ đã trở thành ngày càng quen thuộc do bởi tình trạng thiếu linh mục trên thế giới. Ở Âu châu, và cả ở châu Mỹ La tinh, Phi châu và Á châu, các tín hữu qui tụ lại để lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể được giữ trong nhà tạm.

Khẩu nguyện nói chung là những bài kinh đã được biên soạn mà chúng ta đọc để trình bày với Đấng mà lời kinh hướng đến. Đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hướng về Chúa Cha; với kinh Thương Xót, chúng ta hướng về Chúa Giêsu; khi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta ca ngợi Đức Maria và xin ngài cầu bàu với Con ngài là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất trước mặt Chúa Cha; với kinh Cầu Xin Chúa Thánh Thần, chúng ta khẩn cầu Vị hướng dẫn thiêng liêng của mình.  

Suy niệm thường hệ tại ở việc dùng hình ảnh và tư tưởng để hình dung một cảnh huống trong cuộc đời Chúa Giêsu, sao cho làm sống động lại tình yêu của chúng ta đối với Ngài.[16]

Tự nó suy niệm dẫn tới đối thoại thân tình với Chúa Giêsu và với Cha Ngài. Về điều này Thánh Têrêsa gợi ý: “Hãy hình dung Chúa ở gần bạn và hãy xem với biết bao yêu thương và lòng khiêm hạ Ngài dạy bạn […] thường xuyên trò chuyện với Ngài, Ngài dạy bạn biết phải nói với Ngài điều gì. Bạn trò chuyện với người này người nọ thế nào thì bạn cũng có thể trò chuyện với Thiên Chúa bằng những lời như thế chứ?”[17]

Cầu nguyện chiêm niệm được ý thức đặc biệt trong thế giới hiện nay, nhờ sự truyền bá các phương pháp của đông phương, như thiền. Thật vậy, Hồng y Ratzinger đã có một lá thư mang tựa đề Thiền Kitô giáo.[18] Cầu nguyện chiêm niệm của Giáo hội và thiền có tính thời sự đến nỗi cần được trình bày ở một phần riêng.

Những hình thức đã đề cập về cầu nguyện riêng có thể được thực hiện trong nhóm cầu nguyện. Quả thực chính Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện cùng với nhau: “Ta nói thật với anh em: trên mặt đất này ở đâu có hai ba người tụ họp lại cầu xin điều gì, thì Cha Ta trên trời sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Ta thì có Ta ở giữa họ” (Mt 18,19-20.

Cầu nguyện chiêm niệm trong đời sống hằng ngày

Hình thức chiêm niệm này của cầu nguyện khác với chiêm niệm theo nghĩa chuyên biệt, do sự kiện rằng nó tùy thuộc vào sáng kiến của con người. Được mời gọi sống trong đối thoại với Thiên Chúa, giờ đây việc của ta là cất bước đi tới tiếp cận Ngài, khẩn cầu Ngài, trò chuyện với Ngài và dâng hiến cho Ngài tình yêu của mình. Chiêm niệm là một ơn sủng ban thêm mà Thiên Chúa ban cho chúng ta khi Ngài thấy chúng ta sẵn sàng để đón nhận nó.

Trong các tôn giáo lớn, cầu nguyện chiêm niệm được thấy như một cuộc gặp gỡ cá vị, lòng kề lòng, giữa con người và Thiên Chúa. Trong Kitô giáo cầu nguyện chiêm niệm có nghĩa là dành ít phút để một cách đơn giản làm con cái Thiên Chúa trong thái độ tin, yêutrông cậy.[19] 

Thánh Têrêsa Giêsu mô tả cầu nguyện chiêm niệm là cầu nguyện tập trung. Ngài biết rõ rằng thực hành này không dễ, vì nó hệ tại đơn thuần ở yêu Chúa: như thể người tín hữu, bắt chước Maria, chị của Ladarô, tự giới hạn mình ở việc ngồi dưới chân Chúa Giêsu và lắng nghe Ngài.

Phương pháp cầu nguyện này, ngay cả dù được thực hành bằng khẩu nguyện, tập trung tinh thần nhạy hơn nhiều so với mọi phương pháp khác và đem lại nhiều lợi điểm hơn. Nó được gọi là cầu nguyện tập trung, bởi vì linh hồn tập trung tất cả năng lực và rút ra khỏi mình để gặp gỡ Thiên Chúa. Ở đó, vị Tôn sư thần linh của linh hồn đến và nhanh chóng dạy bảo linh hồn, ban cho linh hồn sự tĩnh nguyện. Thật vậy, nơi chính nó, sự tập trung có thể hướng về sự thương khó, hình dung Con Thiên Chúa và dâng hiến Ngài cho Chúa Cha, với tâm trí không mệt mỏi tìm kiếm Đấng trên núi Can-vê, hay cơn khủng hoảng trong Vườn Ôliu, hay trận đòn trong dinh Thượng tế.[20]

Thánh nhân khẳng định rằng đó là một cách cầu nguyện đem lại rất nhiều lợi ích, và khẳng định ấy quả có lý. Cách cầu nguyện này không chỉ đem lại cho chúng ta lợi ích thiêng liêng, mà cả những lợi ích thể lý, tâm lý và xã hội nữa. Kể từ năm 1971, Bác sĩ Herbert Benson, chuyên gia tim mạch của Đại học Harvard, với phương pháp của mình (khác với phương pháp của các y sĩ và các nhà tâm lý khác) đã dấn thân điều tra tác động của cầu nguyện chiêm niệm trên cơ thể, trên tâm thần và trên các mối tương quan con người.

Bác sĩ Benson đã nghiên cứu thiền, mà ông cũng gọi là sự hưởng ứng thư giãn – relaxation response – cùng với những diễn tả ý nghĩa khác của cầu nguyện chiêm niệm: thiền siêu việt, thiền phật giáo (các tu sĩ của Dalai Lama), thiền Kitô giáo (các tu sĩ Cát minh ở Washington), thiền Do thái giáo, vân vân.

Từ những nghiên cứu này, vị bác sĩ đã khám phá ra tầm quan trọng của yếu tố đức tin. Theo Benson, yếu tố quyết định là mỗi người hoàn thành việc thiền định trong khi vẫn ở lại trong đức tin riêng của mình: là người Ấn giáo, Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Do thái giáo, Hồi giáo, vân vân. Bằng phương pháp này, từ việc cầu nguyện của mình người ta có thể đạt được kết quả dồi dào hơn.

Trong mọi trường hợp Bác sĩ Benson đều nhìn nhận bốn điểm làm nên bộ khung chính của thực hành thiền:

nơi chốn yên tĩnh;

– tư thế dễ chịu và thích hợp;

– thái độ sẵn sàng trước mặt Thiên Chúa;

– một cách êm ái, đặt các tư tưởng sang một bên.

Chúng ta hình dung mình muốn rập khuôn hay bắt chước Chúa Giêsu trong đời sống cầu nguyện của Ngài. Lướt qua các sách Tin Mừng để tìm kiếm mẫu gương và giáo huấn của Ngài, chúng ta sẽ gặp thấy nơi Ngài cùng những yếu tố ấy. Vì thế chúng ta có thể nói về việc cầu nguyện chiêm niệm của Chúa Giêsu. Điều này liên quan đến một phương pháp mà tôi luôn dùng ở đầu mỗi giờ lên lớp hay thuyết trình của tôi. Tôi bổ sung một bước thứ năm để bao gồm cách minh nhiên việc thực hành đức cậy nữa.

1. nơi chốn yên tĩnh (Mt 14,23; Mc 1,35; Lc 5,16).

2. tư thế thích hợp (Mt 26,39; Mc 14,35; Lc 22,41).

3. lòng cảm mến Cha (Mt 6,9-13; 22,34-40).

4. đặt các tư tưởng hay các ‘lời nói’ qua một bên (Mt 6,7-8).

5. kết thúc bằng một hành động của đức cậy (Mc 11,24).

Khoa sư phạm về cầu nguyện

Dù chúng ta đang học cầu nguyện hay đang cố gắng dạy người khác cách cầu nguyện, điều thích đáng là lưu ý đến sư phạm. Khoa này, vốn chiếm chỗ căn bản trong việc giáo dục đào tạo trẻ em, cũng được áp dụng một cách loại suy cho mọi việc giảng dạy. Vì lý do đó, người ta coi là sư phạm bất cứ phương pháp nào tỏ ra hữu hiệu trong việc đem lại kết quả học tập cho các trẻ em hay những người lớn.

Ngay cả trước khi nói đến năng lực lớn lao của nó trong việc kết hợp chúng ta với Thiên Chúa, thì cầu nguyện trước hết là một nghệ thuật mà chúng ta phải học từ từ. Vì thế ta hiểu tầm quan trọng của khoa sư phạm về cầu nguyện: nếu không có sư phạm, người ta có nguy cơ dừng lại ở nửa đường. Khi người ta có thể tin tưởng vào ai đó là kẻ làm vọng lại những tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng là nhà sư phạm đích thực của cầu nguyện, thì sẽ dễ dàng hơn việc kiên trì và tiến bộ trong điều được gọi là tình bạn ngày càng thâm sâu với Thiên Chúa.[21]

Tôi nghĩ dường như rất quan trọng việc ý thức rằng, theo suy nghĩ của Giáo hội, tất cả các Kitô hữu đều được gọi để trở thành những bậc thầy cầu nguyện. Đức Phaolô VI đã đề nghị như thế khi tuyên bố rằng mục tiêu chính yếu của Giáo hội là dạy cầu nguyện; các văn kiện khác của Giáo hội cũng nhấn mạnh rằng tất cả các Kitô hữu đều phụ trách công việc có tính sư phạm này.

Vì lý do này, cách riêng trong việc thăng tiến đời sống cầu nguyện và chiều kích chiêm niệm, các mục tử của Giáo hội địa phương xem những anh em của mình là hoàn thiện theo ơn gọi của mỗi người cũng như theo các chứng tá thánh hóa bản thân của họ.[22] 

Các linh mục, các tu sĩ và các giáo dân tích cực cần chứng tỏ mình là gương mẫu cầu nguyện và biết hướng dẫn Dân Thiên Chúa trong việc này.[23]

Trong số các khuynh hướng sư phạm hiện nay chỉ cần chọn những khuynh hướng nào giúp tốt hơn cho người dạy cầu nguyện để tập trung vào con người, giúp người ta mềm mỏng đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần.

Trước hết, chúng ta có thể nghĩ đến cách tiếp cận tập trung vào con người mà Carl Rogers đã phát triển và cũng áp dụng cho việc giảng dạy. Tác giả này có thể hữu ích trong việc giúp giảm bớt công việc của chúng ta và giúp người ta vận dụng những khả năng có sẵn của họ để học điều họ cần học.

Công việc giúp người khác học với những khả năng có sẵn của người ấy đòi hỏi ba thái độ căn bản về phía người dạy cầu nguyện: tính chân thực, sự chấp nhận, và sự thấu cảm. Khi người thầy dạy cầu nguyện, được thúc đẩy bởi sự chân thực, dẹp bỏ cái mặt nạ khỏi mình và diễn tả – bằng một cách thế tích cực – điều mình cảm thấy hay suy nghĩ cho người học, thì cả người học cũng sẽ tháo gỡ các mặt nạ của mình và nhận ra cả những điểm hạn chế lẫn những kết quả tốt đẹp trong việc cầu nguyện. Với sự chấp nhận vô điều kiện, người ta bắt đầu học cách chấp nhận chính mình và cởi mở ra để chấp nhận hay để yêu mến Thiên Chúa cách vô hạn. Với sự thấu cảm của người dạy cầu nguyện, người ta cảm thấy mình được hiểu, và nhất là thấy – như trong gương – những tư tưởng và những màu sắc tình cảm của mình, nhờ đó họ nhận hiểu chính mình và hiểu những tác động bên trong của Chúa Thánh Thần.

Trong những thời gian gần đây, trong các lĩnh vực giáo dục xuất hiện trào lưu Lập trình Ngôn ngữ Tư duy (Programmazione Neuro-Linguistica), trong đó người ta kéo dài, đào sâu cách dùng ba thái độ căn bản mà chúng ta vừa đề cập. Người ta khích lệ con người hiểu biết chính mình nhiều hơn, trân trọng mình hơn, nhận ra những khả năng của mình và nhờ đó trở thành – trên bình diện căn tính – một môn đệ ngoan ngoãn, tích cực và đầy sáng tạo của Chúa Thánh Thần.[24]  

Cuối cùng, trong thập niên kết thúc thế kỷ vừa qua, rõ ràng có một trường phái mới về đường lối sư phạm, đó là Huấn luyện Nhận thức (Cognitive Coaching), theo quan điểm của tôi thì khoa sư phạm này tiếp tục công trình của Rogers, vận dụng cả những đóng góp của Lập trình Ngôn ngữ Tư duy cũng như của các trào lưu tâm lý và sư phạm khác của thời chúng ta.[25]

Một trong những khía cạnh của Huấn luyện Nhận thức mà chúng ta có thể vận dụng, đó là giúp cho người ta học cầu nguyện. Thứ đến, sau khi người ta đã dấn thân cho công việc của mình, người ta được mời nhìn lại những kết quả mình đạt được. Bước thứ ba, đối với đương sự, đó là hoàn thànhthực hiện cách hữu hiệu những gì đã được lập trình. Cuối cùng, bước thứ tư, người dạy cầu nguyện tìm cách đi theo và hướng dẫn người kia tiến đến các mục tiêu của người ấy và sử dụng các phương tiện thích hợp để đạt được những mục tiêu ấy. Bốn bước này đòi hỏi người dạy cầu nguyện những hoạt động sau đây, những hoạt động qui hướng cách căn cơ về con người:

LẬP TRÌNH

1. nêu rõ các mục tiêu;

2. nêu rõ các tiêu chuẩn để chứng thực sự tiến tới thực tế về phía các mục tiêu;

3. dự kiến các hành động, các phương tiện và các chiến lược để có thể hiện thực hóa các mục tiêu;

4. nhận ra các khía cạnh và các tiến trình học tập riêng để đánh giá chúng và thay đổi các hành động với sự uyển chuyển;

5. suy tư về tiến trình đồng hành nhằm mục đích xem xét những khả năng thay đổi hay hoàn chỉnh.

THỰC HIỆN

1. Khi việc lập trình và việc suy tư bao hàm một chu kỳ trọn vẹn và với một giai đoạn đồng hành đủ dài, người đồng hành ghi nhận và thu thập các dữ kiện định lượng về những gì mà người kia cần để cải thiện dự án (cầu nguyện) của mình.

2. Người được đồng hành thực hiện trong đời sống thực của mình kế hoạch đã được chuẩn bị với sự trợ giúp của người đồng hành.

SUY TƯ

1. Thu thập các ấn tượng về các kết quả đạt được;

2. Ghi nhận những ý tưởng hỗ trợ (cho việc cầu nguyện);

3. Đối chiếu, phân tích, suy diễn và phán quyết về các mối tương quan nhân quả liên hệ đến các kết quả;

4. Chi tiết hóa các điểm mới học được và sự áp dụng chúng;

5. Suy tư về tiến trình đồng hành và xem xét khả năng hoàn chỉnh tiến trình ấy.

ĐI THEO / HƯỚNG DẪN 

1. Có một thái độ thấu cảm;

2. Cho thấy một nội dung, những lý do cho tình trạng của linh hồn (chẳng hạn, “Cậu cảm thấy chán nản vì cậu đã không thực hành cầu nguyện!);

3. Chỉ ra một mục tiêu, một điểm nhắm để đạt tới;

4. Đánh dấu hành trình để đi nhằm đạt được mục tiêu đã định trước.

Như vậy thật rõ rằng cầu nguyện là chìa khóa cho sự phát triển con người cách tròn đầy. Một việc cầu nguyện vốn thường chỉ hệ tại ở “một tiếng thở ra khe khẽ từ sâu thẳm trong lòng chúng ta” ở giữa bao hoạt động thường ngày.[26] Điều này cũng cần thiết khi chúng ta thấy mình chìm ngập trong các công việc duy chỉ nhằm làm vui lòng Chúa. Đối với Thánh Têrêsa, công việc không phải là cầu nguyện, mà cần phải cầu nguyện trong khi làm công việc, ngay cả dù có một số khoảnh khắc đặc biệt để ta thốt lên: “Lạy Thiên Chúa của con, con yêu mến Ngài”.

Tuy nhiên cần phải khôn ngoan, cả trong những việc có tính vâng phục và bác ái, để bảo đảm chắc chắn không bỏ nhỡ việc thường xuyên hướng về Thiên Chúa trong sự mật thiết cách đặc biệt. Và, hãy tin tôi, không phải việc ở lại lâu giờ trong cầu nguyện làm cho linh hồn tiến tới: khi người ta dùng một phần thời gian cho những công việc tốt đẹp, thì đó là một sự hỗ trợ lớn lao để sẵn sàng cháy lên tình yêu hơn so với nhiều giờ suy niệm. Nhưng tất cả phải đến từ bàn tay Thiên Chúa. Chúc tụng Ngài đến muôn đời![27]

 


[1] Gioan Phaolô II, Novo millennio ineunte, 32: “Để đạt được khoa sư phạm hướng đến sự thánh thiện này, cần phải có một Kitô giáo tự thể hiện mình trước hết trong nghệ thuật cầu nguyện”.

[2] L. Borriello, Padre, trong Dizionario di Mistica, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 1998, pp. 747-759; J. Castellano Cervera, Ripartire dalla preghiera, Editrice Berti, Piacenza 2001, pp. 55-101; Xem thêm J. Galot, Festeggiare il padre: conoscere e celebrare la paternità di Dio, cit.; Id., Dio Padre, chi sei?, cit.

[3] Phaolô VI, Allocuzione: la preghiera espressione elementare e sublime della fede (20-VII-1966) trong Insegnamenti di Paolo VI, Tipografia Poliglotta Vaticana, Città del Vaticano 1967, pp. 816-818.

[4] Thánh Têrêsa Avila, Cammino di perfezione 22,1, trong Opere complete, Figlie di san Paolo, Milano 1998, p. 760.

[5] Ibid., 25,3, p. 771.

[6] Thánh Têrêsa Avila, Le fondazioni 5,2, trong Opere complete, cit., p. 1096.

[7] Ibid.

[8] Thánh Têrêsa Avila, Vita 8,5, trong Opere complete, cit., p. 136.

[9] M. Herráiz García, La preghiera, una storia d’amicizia, EDB, Bologna 2000.

[10] R. Checa, Pregare è amare, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 2001.

[11] Công đồng bao gồm đức cậy trong trái tim của Giáo hội: “Đức Kitô, Vị Trung Gian duy nhất, đã thiết lập trên trái đất và không ngừng nâng đỡ Hội Thánh của Ngài, là cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức ái, cộng đoàn với hệ thống hữu hình”, Lumen gentium, Hiến chế tín lý về Giáo hội, 8.

[12] Đức Phaolô VI diễn tả như sau: “Với việc cầu nguyện, Giáo hội diễn tả cách thiết yếu và tột đỉnh đức tin: tin và cầu nguyện làm thành một hành động duy nhất; và đó cũng cho thấy đức cậy: chính Giáo hội, nhớ lại lời dạy của Chúa Giêsu, không ngừng nhắc chúng ta rằng để đạt được điều chúng ta mong ước, chúng ta cần cầu nguyện biết bao: “petite et accipietis” / hãy xin thì sẽ nhận được (Ga 16,24; Mt 21,22); và cuối cùng Giáo hội tuyên bố căn tính của cầu nguyện là đức ái; Bossuet khẳng định điều này: “Il est certain qu’il n’y a que la seule charité qui prie” (Serm. 1,374). Cầu nguyện là yêu thương (xem Bremond, Phil. De la prière 21)”, Đức Phaolô VI, Allocuzione. La preghiera espressione elementare e sublime della fede, cit., p. 817.

[13] Ibid., p. 817.

[14] Aa.Vv., La lectio divina nella vita religiosa, Qiqajon, Magnano (Bi) 1994; B. Calati, Lectio divina, trong Dizionario di mistica, cit., pp. 722-724; M. Masini, La lectio divina, San Paolo, Cinisello Balsamo (Mi) 1996.

[15] Dei Verbum, Hiến chế tín lý về Mạc khải thần linh, 25.

[16] Theo Thánh Gioan Thánh Giá, suy niệm “là một hành động biện luận nhờ các hình ảnh, các khuôn mặt được chi tiết hóa và được biểu trưng bởi những ý nghĩa. Theo đó chúng ta có thể tưởng tượng Đức Kitô bị đóng đinh, hay bị trói vào cột, hay một sự kiện nào khác của cuộc đời Ngài”, trong 2 Salita 12,3.

[17] Thánh Têrêsa Avila, Cammino 26,1.9, trong Opere complete, cit., pp. 772-776.

[18] Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, “Orationis Formas”. Su alcuni aspetti della meditazione cristiana, (15-10-1989), n. 3. Trong số này vị Hồng y nói: “Trong Giáo hội, việc nghiên cứu thích đáng những phương pháp suy niệm mới phải luôn luôn lưu ý rằng việc cầu nguyện đích thực Kitô giáo thiết yếu là một cuộc gặp gỡ giữa hai sự tự do, tự do vô hạn của Thiên Chúa và tự do hữu hạn của con người”.  

[19] L.J. González, La oración contemplativa en la nueva evangelización, Progreso, México 19913.

[20] Thánh Têrêsa Giêsu, Cammino 28,4.

[21] J. Castellano Cervera, Pedagogia della preghiera: mistagogia pastorale dell’orazione personale e comunitaria, Teresianum, Roma 1993; L.J. González, Diálogo trascendente en la integración liberadora, Librería Parroquial, México 1983, pp. 390-427; A. Guerra, Oración cristiana. Sociología – Teología – Pedagogía, EDE, Madrid 1984; F. Ruiz Salvador, Le Vie dello Spirito, cit., pp. 261-273.

[22] Thánh Bộ Các Dòng Tu và Các Tu Hội Đời, La dimensione contemplativa della vita religiosa, 21. 

[23] Hội nghị toàn thể các Giám mục Châu Mỹ La tinh, Puebla: l’evangelizzazione nel presente e nel futuro dell’America Latina, cit., n. 955.

[24] Tôi đã phát triển tiêu điểm này trong quyển: L.J. González, Guidati dallo Spirito, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 1998.

[25] A.L. Costa ~ R. Garmston, Cognitive Coaching, Christopher-Gordon Publishers, Norwood (MA) 1994; Id., Cognitive Coaching Syllabus, The Institute for Intelligent Behaviour, Berkeley (CA) 1997; R. Garmston ~ B. Wellman, The Adaptive School, Four Hats press, El Dorado Hills (CA) 1996; R. Garmston, The Presenter’s Fieldbook: A Practical Guide, Christopher-Gordon Publishers, Norwood (MA) 1997.

[26] Thánh Têrêsa Avila, Le Fondazioni 5,16.

[27] Ibid., 5,17.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30