THÁNH THIỆN: SỰ KẾT HỢP TRỌN VẸN

Written by lcd on Tháng Hai 5th, 2014. Posted in Lm Lê Công Đức, Tâm linh

[Lm. Lê Công Đức, trích dịch từ “Sviluppo umano in pienezza – Teologia spirituale” của Luis Jorge González, OCD.]

Có thể nói rằng đề tài thảo luận ở đây là trung tâm của thần học linh đạo. Trong rất nhiều hình thức truyền thống của nó, cũng như trong các cách diễn tả mới của nó, ngành thần học này tự nhận công việc thúc đẩy kế hoạch của Thiên Chúa, đó là “trong Đức Kitô, từ cõi trời Ngài đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Ngài đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài” (Ep 1,3-4).

Đề tài thảo luận này cũng cho phép chúng ta đào sâu điều mà chúng ta gọi là sự phát triển tròn đầy của con người. Thật vậy, thánh thiện không là gì khác hơn sự trưởng thành đầy đủ của một thụ tạo con người mà – trong khi đón nhận sự hiện diện và hành động của các Ngôi Vị thần linh – đạt đến sự kết hợp với Chúa Giêsu, sự kết hợp đem lại sự biến đổi nơi con cái Thiên Chúa, như chính Chúa Cha đã dự định từ muôn thuở.

Trong thực tế, có rất nhiều cách diễn tả khác nhau về đỉnh điểm của tiến trình mà Thánh Thần muốn thực hiện nơi các hữu thể con người: sự thánh thiện, sự hoàn thiện Kitô giáo, sự kết hợp yêu thương, sự chu toàn thánh ý Thiên Chúa, sự bắt chước và đi theo Chúa Giêsu, sự thực thi các nhân đức một cách anh hùng.[1] Có lẽ chúng ta có thể bổ sung vào tất cả những cách diễn tả trên một cách diễn tả khác nữa vốn có nhiều âm hưởng nơi kinh nghiệm của con người ngày nay hơn, đó là sự trưởng thành tròn đầy của con người.[2]

Thiên Chúa Ba Ngôi: Đấng Thánh Duy Nhất

Thánh thiện là một thuộc tính của Thiên Chúa Ba Ngôi, thánh thiện tuyệt đối và hoàn hảo đến nỗi không thể được tìm hiểu như một cái gì của con người. Trong khi chúng ta cố hiểu Thiên Chúa bằng gọng kìm của các ý niệm thì Ngài đụng chạm đến các gốc rễ hữu thể chúng ta, làm cho ta cảm nhận rằng trong Ngài “chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28). Và Ngài làm vang vọng trong tai chúng ta những lời Ngài nói với Môsê sau khi gọi đích danh ông: “Đừng bước tới gần; hãy cởi dép ra, vì nơi ngươi đang đứng là nơi thánh” (Xh 3,5).

Quả là chúng ta cần phải cởi bỏ khỏi mình tất cả những niệm tưởng về sự thánh thiện để chừa chỗ cho Đấng Thánh duy nhất – nhờ Chúa Con nhập thể và nhờ Chúa Thánh Thần – đưa chúng ta vào trong đại dương của ánh sáng, của sự hoàn thiện, chính trực, công lý, lòng thương xót và vẻ đẹp mà – trong công cuộc của Ba Ngôi – tràn ngập trong sâu thẳm chúng ta ngay khi chúng ta hướng nhìn sự thánh thiện rạng ngời của Ngài.

Rudolf Otto, trong phân tích hiện tượng học của mình về ý niệm thánh  – hay thánh thiện – đã lập tức lưu ý cái tác động lớn lao mà ý niệm này khơi lên trong kinh nghiệm của người tin: sự kinh sợ và, đồng thời, sự thích thú.[3] Sự “hài hòa của những tương phản” này rung lên trong tâm hồn Phêrô khi ông cảm nghiệm được sự thánh thiện thần linh của Đức Giêsu và thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa tôi, vì tôi là một người tội lỗi” (Lc 5,8).

Khi Thánh Gioan Thánh Giá mô tả kinh nghiệm tình yêu của Chúa Cha, tình yêu trong đó Ngài muốn biến chính Ngài thành nô lệ của chúng ta và làm cho chúng ta thành Thiên Chúa của Ngài, thánh nhân có ý ám chỉ sự hài hòa của những tương phản này: “Ôi đáng trân trọng biết bao và đáng kinh sợ, đáng thán phục tận cùng!”[4]

Sự hoàn thiện, tinh tuyền và siêu việt của sự thánh thiện nơi các Ngôi Vị thần linh làm thảng thốt trái tim con người và khơi lên niềm kinh sợ (Xh 33,20). Điều vượt quá tâm trí chúng ta, đó là ý nghĩ rằng sự thánh thiện của Thiên Chúa hiện diện ở đây và lúc này, trong khoảnh khắc chúng ta khao khát tới gần sự thánh thiện ấy: sự thánh thiện ấy rực sáng trên khuôn mặt của Chúa Cha, trong hình dáng nhân loại của Đức Kitô, trong ngọn gió êm dịu của Thánh Thần.

Từ đó rút ra rằng Đấng Thánh duy nhất, Đấng là Thiên Chúa trong ba Ngôi Vị, tự mạc khải không chỉ là Đấng siêu việt, mà còn là Đấng nội tại, gần gũi, thân tình và đầy yêu thương. Như vậy, thay vì tránh xa Ngài do nỗi kinh sợ lớn lao mà Ngài khơi lên, chúng ta ở với Ngài, như Phêrô: “Chúa ơi, chúng con sẽ đến với ai? Chỉ có Ngài mới có lời hằng sống; chúng con đã tin và chúng con biết rằng Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).

Ngay trong Cựu Ước chúng ta ghi nhận rằng Thiên Chúa, Đấng Hoàn Toàn Khác ấy trong sự siêu việt của Ngài, cũng đồng thời tự biểu lộ như Đấng Hoàn Toàn ở trong tương quan gần gũi với chúng ta, Đấng có thể được Israel, con của Ngài, gọi là Cha. Rồi trong Tân Ước, sự kết hợp giữa thánh thiệngần gũi được mang đến đỉnh điểm, đó là Ngôi Vị Chúa Con trở thành con người. Chính qua Ngài mà sự thánh thiện được xác nhận là một thuộc tính riêng của Ngài; khi Chúa Giêsu nghe người thanh niên giàu có nói “Thưa Thầy nhân lành”, Ngài đáp lại “Tại sao anh gọi tôi là nhân lành?” Không có ai nhân lành, ngoại trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10,18).

Tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa

Trong ánh sáng của mạc khải mà Thiên Chúa trao ban qua Đức Giêsu và qua Chúa Thánh Thần, thật rõ rằng sự thánh thiện thần linh có khuôn mặt của Chúa Cha, của Chúa Con là Anh Cả, và của Tình Yêu được ngôi vị hóa nơi Thánh Thần. Điều này có nghĩa rằng sự thánh thiện của Thiên Chúa thật năng động, vì tính năng động hiện diện trong các mối tương quan Ba Ngôi.

Người ta hiểu rằng kế hoạch vĩnh cửu của Chúa Cha, trong đó Ngài muốn chúng ta nên “thánh thiện vô tì tích trước nhan Ngài”, cho thấy một ý niệm có tính liên vị rõ rệt. Thật vậy, câu này bao hàm cụm từ trước nhan Ngài. Với chìa khóa này, chúng ta có thể diễn dịch tốt hơn tiếng gọi bức thiết mà Ngài trao cho Israel: “Hãy nên thánh, vì Ta, Đức Chúa (của các ngươi), là thánh” (19,2; 11,44-45; 17,1).

Thiên Chúa muốn chúng ta nên thánh như hoa trái của một mối tương quan liên vị với Ngài và nhằm mục đích cải thiện các mối tương quan nhân loại của chúng ta. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nên thánh hay nên hoàn thiện như Chúa Cha, Ngài mời gọi như thế trong bối cảnh rất rõ của tình yêu huynh đệ mở rộng ra tới kẻ thù, tới những người bách hại chúng ta, tới những người xấu cũng như những người tốt, những người công chính cũng như những kẻ bất lương: “Vì thế anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Từ tất cả những điều này và những bản văn khác của Thánh Kinh, người ta thấy tổng quan mạc khải mà trong đó Thiên Chúa tỏ lộ chính Ngài qua Chúa Con nhập thể của Ngài và qua Chúa Thánh Thần. Điều thú vị và cảm kích hơn nữa, đó là việc nhận biết rằng Thiên Chúa muốn chúng ta tham dự vào sự thánh thiện của Ngài. Không phải là một sự thánh thiện biến chúng ta thành những tượng cẩm thạch diễn tả sự hoàn hảo của Thiên Chúa, mà là sự thánh thiện đặt chúng ta vào mối tương quan liên vị với Ngài qua Chúa Con và trong Thánh Thần.

Từ những mối tương quan với Ngài, Đấng duy nhất tốt lành thánh thiện, chúng ta có thể nhận hiểu sự hoàn thiện con người nhờ Ngài, sự hoàn thiện được xem là diễn tả việc tham dự vào chính sự thánh thiện của Ngài: tức tình yêu. Một tình yêu dành cho Ngài với hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức. Với tất cả. Một tình yêu dành cho tha nhân cũng giống tình yêu đối với Ngài, một tình yêu có thể làm mở toang trái tim của chúng ta, mở rộng đến mức có thể chứa đựng cả những kẻ thù và những kẻ bách hại mình, những kẻ xấu cũng như người tốt, kẻ bất chính cũng như người công chính, kẻ giàu cũng như người nghèo, nam cũng như nữ, cả chính mình và thế giới tự nhiên nữa.

Một đặc điểm khác nữa của việc chúng ta tham dự vào sự thánh thiện của Chúa Cha, đó là sự mở ra rộng đến phổ quát. Điều này chính là một lời mời gọi mà Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người nam cũng như nữ thuộc mọi chủng tộc, văn hóa, niềm tin, tầng lớp xã hội và điều kiện kinh tế.

Từ sự thật rằng Thiên Chúa là Đấng Thánh duy nhất, chúng ta cũng có thể kết luận rằng chỉ có một sự thánh thiện giống nhau cho mọi người. Tất cả mọi người, bất luận tôn giáo, giới tính, chủng tộc hay hoàn cảnh xã hội, đều phải uống ở nguồn thánh thiện duy nhất là Thiên Chúa trong mối tương quan của mình với Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.

Sự thánh thiện này, được Thiên Chúa mạc khải trong Thánh Kinh và trong lịch sử, đang được tái xác nhận bởi Giáo hội trong thời chúng ta. Thật vậy, Công đồng nói về ơn gọi phổ quát nên thánh và về một sự thánh thiện duy nhất cho tất cả: đó là sự thánh thiện của Thiên Chúa.

Trong những lối sống khác nhau và trong những chức vụ khác nhau, một sự thánh thiện duy nhất được vun xới bởi rất nhiều người được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần và, trong vâng phục tiếng Chúa Cha và trong niềm tôn thờ Chúa Cha trong tinh thần và sự thật, họ đi theo Đức Kitô khó nghèo, khiêm nhượng và vác thập giá để xứng đáng được tham dự vào vinh quang của Ngài.[5] 

Không có sự nhập nhằng lộn xộn ở đây. Sự thánh thiện mà Thiên Chúa đặt định cho chúng ta từ vĩnh cửu không nhằm “tước mất tính người” của chúng ta. Đúng hơn, sự thánh thiện ấy muốn thần hóa chúng ta với tất cả những mối tương quan thiêng liêng mà – từng bước một trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần – làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô.

Loại thánh thiện này – hệ tại ở việc đặt mình trong tương quan với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần – dành cho mọi người nam cũng như nữ mà không có ngoại lệ nào. Các tín hữu của mọi thời đại và của mọi tôn giáo, bằng nhiều cách khác nhau, quan hệ với Thiên Chúa xuyên qua cầu nguyện. Việc cầu nguyện này có thể đơn giản hay sâu sắc, thiên về ca ngợi hay tạ ơn, kêu xin cho những nhu cầu của con người hay chỉ tràn ngập tình yêu. Trong mọi trường hợp, chính mối tương quan đức tin này sẽ mở trái tim chúng ta ra với Đấng muốn làm cho chúng ta tham dự vào sự thánh thiện riêng của Ngài.

Hướng nhìn lại Giáo hội trong thời đại mình, chúng ta thấy rằng Đức Gioan Phaolô II, trong Tông thư Novo millennio ineunte, với đầy lòng nhiệt thành và với mối quan tâm thực tiễn và mục vụ, đã nhắc lại lý tưởng thánh thiện này. Vị giáo hoàng có những kiểu diễn đạt mới mẻ: “Con đường mục vụ là con đường thánh thiện”, “sự thánh thiện hiện nay, hơn bao giờ hết, là một hướng mục vụ khẩn cấp”, sự thánh thiện “là nền tảng của chương trình mục vụ”, “phải chăng người ta có thể ‘lập trình’ sự thánh thiện?”, “vạch chương trình mục vụ qui hướng về sự thánh thiện”, “những nẻo đường thánh thiện có tính cá vị, và người ta cần một khoa sư phạm đích thực và phù hợp để nên thánh”.[6] 

Sự sống mà Thiên Chúa chia sẻ với chúng ta – xét như sự hiện hữu trong hiệp thông với những sự sống khác, với các vì sao, nhưng nhất là với Ngài – chứa đựng trong nó khoa sư phạm nên thánh này: đó là các mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng là tương quan thuần túy và Đấng muốn tự đặt mình trong tương quan với chúng ta. Những mối tương quan như thế, trong Do thái-Kitô giáo có khía cạnh chuyên biệt mang tính đối thần. Những mối tương quan ấy, vì thế, được biểu lộ nhờ đức tin, đức cậy và đức ái. Do đó, sau khi giải thích rằng sự thánh thiện là duy nhất cho mọi người, vì sự thánh thiện hệ tại ở các mối tương quan liên vị với Đấng Thánh duy nhất, Công đồng khuyến dụ:

Mọi người, theo ơn riêng và theo chức vụ, phải khẩn thiết tiến tới trên con đường đức tin sống động, một đức tin kích hoạt đức cậy và hoạt động nhờ đức ái.[7]             

Sự thánh thiện: chân trời của tự trọng         

Các mối tương quan con người, như tôi đã nhấn mạnh trước đây, cũng đứng giữa hai cực của ngã vị chúng ta: giữa tinh thầncảm giác, giữa lương tâmbản ngã. Tôi cũng đã ám chỉ rằng những mối tương quan như thế có thể đầy sức hủy diệt, trong trường hợp chúng muốn xúi giục lương tâm quyết định tàn phá toàn thể bản ngã qua việc tự sát.

Cuộc sống, tương phản với con đường sự chết, đòi hỏi một thái độ tự trọng. Thái độ này hiện lộ trong các mối tương quan tích cực với chính mình trên bình diện căn tính, các giá trị / các niềm tin / các tình cảm, khả năng / tư tưởngứng xử.

Trước khi nhấn mạnh đến công việc mà các bình diện này triển khai trong sự tự trọng, tôi tưởng nên nhớ lại rằng đó là một khía cạnh của tình trạng hình ảnh của Thiên Chúa. Thật vậy, việc Thiên Chúa tự mạc khải làm ta quyết chắc rằng Ngài yêu chính Ngài: Ngài trân trọng chính Ngài bởi vì Ngài sở hữu một sự hoàn thiện tuyệt đối trong hữu thể Ngài và trong các thuộc tính của Ngài. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy sự tự trọng sống động với vẻ tôn quí riêng của địa vị thần linh của Ngài. Trong mức độ Ngài đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, thật rõ rằng cả chúng ta nữa cũng được mời gọi yêu mến chính mình, trân trọng chính mình, đánh giá tích cực về chính mình.

Tôi tin rằng Thánh Gioan Thánh Giá đã cung ứng một chìa khóa giúp ta hiểu bằng cách nào tình yêu Thiên Chúa đối với chính Ngài đã đặt trong trái tim con người khuynh hướng trân trọng mình và ý thức tích cực về mình, nhờ đó ta có thể đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa về mình. Sau khi xác nhận rằng nếu không có sáng kiến đi bước trước của Thiên Chúa thì “người ta không thể xứng đáng với ân sủng của Ngài”, thánh nhân viết:

Để hiểu tất cả điều này, chúng ta phải lưu ý rằng cũng như Thiên Chúa không yêu gì ngoài chính Ngài, thì Ngài cũng không yêu gì hơn chính Ngài, bởi vì Ngài yêu mọi sự trong qui chiếu đến chính Ngài. Như vậy tình yêu là cứu cánh cuối cùng, và Thiên Chúa không yêu bất cứ gì vì chính chúng. Do đó, khi chúng ta nói rằng Thiên Chúa yêu một linh hồn như thế, thì thật ra đó là muốn nói rằng cách nào đó Ngài mang linh hồn ấy đến với chính Ngài, làm cho linh hồn ấy ngang tầm với chính Ngài, và như vậy Thiên Chúa yêu linh hồn ấy nơi chính Ngài với chính tình yêu mà Ngài yêu chính Ngài.[8]  

Thiên Chúa, trong khi yêu thương chúng ta một cách thâm sâu và tuyệt đỉnh, Ngài chỉ cho chúng ta con đường tự trọng. Thật vậy, khi Đức Giêsu trích dẫn Thánh Kinh để xác nhận điều răn thứ nhất, Ngài cũng bao gồm và trao giá trị cho điều răn thứ hai. Xét như là tiêu chuẩn, sự tự trọng hay tình yêu lành mạnh đối với chính mình được vận dụng cho cùng đích này:[9] “Ngươi sẽ yêu thương tha nhân như chính mình” (Mc 12,31).

Tiêu chuẩn đích thực của tình yêu đối với tha nhân thật rõ ràng: như chính mình. Đức Giêsu, trong khi thay đổi tiêu chuẩn này và trao hiến bản thân Ngài như tiêu chuẩn của tình yêu đối với tha nhân, thì Ngài vẫn không loại bỏ qui chiếu Thánh Kinh về tình yêu đối với chính mình.

Tâm lý học đã ghi nhận rằng có những người, do lệch lạc, không có khả năng yêu thương chính mình, và cũng ít khả năng có được tâm thái cần thiết để yêu thương những người thân cận mình.[10] Bởi vì việc thiếu tự trọng sẽ ngáng trở các mối tương quan liên vị tích cực, tức ngáng trở tình yêu đối với các hữu thể con người khác.[11]

Thần học của những năm gần đây cũng nhận hiểu tầm quan trọng – trong nhãn giới Kitô giáo và linh đạo – của tình yêu đối với chính mình hay sự tự trọng.[12] Khi viết về luận điểm này, tôi đã bao hàm rằng sự diễn tả cao nhất của tự trọng là: chúng ta muốn cho chính mình tất cả những điều thiện hảo mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta. Trong nhãn giới này tôi đã xác nhận Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: khi ngài qui chiếu đến Chúa ngài đã khẳng định rằng “sự hoàn thiện hệ tại ở chu toàn thánh ý Chúa, bằng cách trở thành điều mà Ngài muốn chúng ta trở thành”.[13]

Là những tín hữu, chúng ta có thể đánh giá được các kết quả của một sự tự trọng mà – khi cởi mở đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần – sự tự trọng ấy thúc đẩy chúng ta đón nhận tất cả những điều thiện hảo mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, với mục đích đạt đến tình trạng mà Ngài muốn cho chúng ta… Như thế chúng ta sẽ thâm nhập sâu vào con đường sự sống dẫn đến sự thánh thiện hay sự phát triển con người cách tròn đầy.

Một nhãn giới tương tự bao gồm những bình diện thần kinh học khác nhau của nhân cách chúng ta. Ở bình diện ứng xử nó làm cho chúng ta thiên về việc tránh mọi hành động xấu xa, tội lỗi hay tai hại. Sự ứng xử chân thành và lành mạnh này phát xuất không phải từ những chuẩn mực đạo đức cho bằng từ ý thức mình là con cái của Thiên Chúa. Ý thức như thế, chúng ta chấp nhận một cách mặc nhiên hay minh nhiên rằng bản ngã của mình thuộc về Thiên Chúa trong tư cách là con cái của Ngài. Vì thế chúng ta có trách nhiệm kính trọng, chăm sóc và thăng tiến người con này của Thiên Chúa là chính bản ngã của chúng ta.

Liên quan tới bình diện khả năng hay tư tưởng chúng ta tìm thấy hai điểm thiết yếu: tự nhận thứcđối thoại bên trong. Tôi đã nhấn mạnh rằng hình ảnh của bản ngã mà chúng ta có về chính mình đóng một vai trò quyết định trong ứng xử. Ai không chắc chắn về chính mình thì sẽ hành động với sự bất quyết, ai có quan điểm xấu thì sẽ có những hành động xấu. Vì thế, sự tự trọng đòi phải có một hình ảnh tích cực về bản ngã. Tốt nhất là hình ảnh này tương hợp với phẩm giá riêng của nhân vị, trong tư cách hình ảnh của Thiên Chúa và là con cái Thiên Chúa. Liên quan tới đối thoại bên trong, điều mà sách vở của các chuyên gia về vấn đề này nêu bật tác động tất yếu của nó đối với sự tự trọng, ta chỉ cần nhớ rằng Đức Giêsu không bao giờ nói về chính mình một cách tiêu cực. Khi nói về chính mình, Ngài tự giới thiệu mình là “ánh sáng thế gian” (Ga 8,12), là “bánh hằng sống” (Ga 6,48), là “mục tử tốt lành” (Ga 10,11), là “đường, sự thật, và sự sống” (Ga 14,6), là Đấng “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29).[14]    

Liên quan đến bình diện các giá trịcác niềm tin có tính ấn định phản ứng tâm cảm của chúng ta, tôi cho rằng không có phương thế nào tốt hơn để ý thức và trân trọng bản ngã mình cho bằng việc ý thức căn tính riêng của mình.

Ở bình diện ứng xử, chắc chắn là chúng ta phạm nhiều sai lầm và tội lỗi. Nhưng, khi thống hối về những điều đó trước mặt Thiên Chúa, chúng ta có thể nhận ra rằng chúng làm mờ ánh sáng vốn là căn tính của chúng ta trong tư cách những nhân vị, là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa.

Có lẽ bí quyết tốt hơn để gia tăng sự tự trọng là ý thức và chấp nhận với niềm vui và niềm tri ân căn tính của chúng ta trong tư cách con người, hình ảnh của Thiên Chúa và là con cái Thiên Chúa. Tại khoảnh khắc mà chúng ta thức tỉnh khỏi những gì làm mình mê ngủ, chúng ta có thể lặp lại một câu vắn tắt như: “Lạy Thiên Chúa của con, giống như Chúa, con là nhân vị, con là hình ảnh của Chúa và là con của Chúa”.

 Sự thánh thiện có tính chính trị

Chiều kích chính trị của sự thánh thiện không chỉ là một vấn đề thời sự, một phát minh của thần học giải phóng hay một yếu tố trong giáo huấn xã hội của Giáo hội, mà trái lại, đó là một chiều kích thiết yếu của đời sống đối thần và nhất là của tình yêu.

Nếu khi nói sự thánh thiện có tính chính trị chúng ta có ý nói về việc kết hợp với Thiên Chúa qua một chọn lựa ưu tiên đối với người nghèo, thì đó có nghĩa là một sự trao hiến chính mình cho cộng đoàn, một sự hiến thân hoàn toàn cho thiện ích chung, một sự phục vụ có tính chính trị, vô cầu và vị tha, một cuộc chiến đấu ôn hòa và đầy tình yêu thương để đạt công lý, vân vân: như vậy chúng ta thực sự đang nói đến một khía cạnh thiết yếu trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Sự tàn phá môi trường tự nhiên, bạo lực, tình trạng bất công, mù chữ, nghèo đói, thiếu sự trợ giúp y tế, vân vân… không chỉ là tội lỗi mà còn là những sự tấn công thực sự nhắm vào kế hoạch thần linh. Chúng đặc trưng những hành động chống lại điều mà Thiên Chúa muốn cho tất cả con cái Ngài. Vì thế, có những tiếng nói của các ngôn sứ, được vọng lại cách mạnh mẽ và can đảm nơi các nhà thần học giải phóng hay các giáo hoàng mới đây:

Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? (Is 58,6-7).

Anh (em) không được bóc lột người làm thuê nghèo khó bần cùng, dù người ấy là một người anh em của anh (em) hay là một ngoại kiều ở trong đất nước của anh (em), trong các thành của anh (em). Chính ngày hôm ấy, anh (em) phải trả công cho họ, đừng để mặt trời lặn mà không trả công, vì họ nghèo khổ và nóng lòng mong đợi được trả công; như vậy họ sẽ không kêu lên Ðức Chúa tố cáo anh (em), và anh (em) sẽ không mang tội (Đnl 24,14-15).

Khốn thay kẻ xây nhà xây cửa mà không đếm xỉa đến lẽ công bình. Khốn thay kẻ xây lầu son gác tía mà chẳng màng chi đến điều chính trực. Khốn thay kẻ bắt anh em mình làm lụng vất vả mà không tính công sá, không trả thù lao. Nó nói: “Ta sẽ xây cho mình một toà nhà đồ sộ có gác rộng lầu cao.” Nó trổ nhiều cửa sổ, bọc tường bằng gỗ bá hương, rồi sơn son thếp vàng. Phải chăng ngươi tỏ mình làm vua cai trị khi ưa thích xài gỗ bá hương? Cha ngươi lại chẳng ăn chẳng uống hay sao? Nhưng ông đã thực thi lẽ công bình, đã làm điều chính trực; chính vì vậy mà mọi sự nên xuôi xắn cho ông. Ông đã phân xử công minh cho kẻ nghèo hèn túng thiếu, cũng vì vậy mà mọi sự nên xuôi xắn cho ông. Xử sự như vậy là biết Ta rồi đó! Sấm ngôn của Ðức Chúa (Gr 22,13-16).

Chính Đức Giêsu tự giới thiệu mình ở Nadarét với bản văn của ngôn sứ Isaia có cùng âm hưởng như những bản văn chúng ta vừa trích dẫn:

Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa (Lc 4,18-19).

Đức Maria, con người đầy ân sủng bởi vì ngài là mẹ Đức Giêsu, rất cảm kích trước kế hoạch của Thiên Chúa. Về khía cạnh xã hội-chính trị, Maria lưu ý rằng:

[Thiên Chúa] đã vung cánh tay ra oai thần lực, đã đập tan những kẻ lòng trí kiêu căng; Ngài lật đổ những kẻ quyền thế xuống khỏi ngai vàng, đã nâng những người hèn mọn lên. Ngài đã cho người đói khó no đầy ơn phúc, và để người giàu có trở lại tay không (Lc 1,51-53).

Trong ánh sáng Thánh Kinh, người ta hiểu rõ tại sao thần học linh đạo sau Công đồng nói về “sự thánh thiện có tính chính trị”.[15] Một cách cá nhân, tôi thiên về việc qui chiếu đến chiều kích xã hội-chính trị của tình yêu. Như thế là có chỗ cho tất cả: giáo dân, những người thánh hiến, những người chiêm niệm, các linh mục. Tất cả chúng ta, những người tin, lấy Chúa Cha làm kiểu mẫu, chúng ta có thể mở rộng lòng mình ra cho kẻ xấu cũng như người tốt, cho người công chính cũng như kẻ bất chính.[16]

Về khả năng kết hợp sự thánh thiện và chức năng xã hội, trong thời hiện đại chúng ta có các mẫu gương của nhiều người, cả Kitô hữu lẫn không phải Kitô hữu: chúng ta nghĩ đến Martin Luther King, Dag Hamerschöld, Gandhi. Một cách hoàn toàn nhất quán với đời sống của mình, Gandhi đã tuyên bố:

Tôi có thể khẳng định không chút nghi ngờ với tất cả nhân loại rằng ai nói tôn giáo không có bất cứ gì liên quan tới chính trị thì người ấy không biết tôn giáo là gì. Không khao khát quyền lực thế gian là cái hư vong, tôi tìm kiếm quyền lực của trời cao, tức là sự giải phóng tâm linh. Đối với tôi, con đường cứu độ là công việc phụng sự tổ quốc mình cũng như tất cả nhân loại. Tôi muốn đồng hóa mình với tất cả những ai đang sống. Như kinh Gita dạy, tôi muốn sống hòa bình với tất cả mọi người, dù bạn hay thù. Vì thế, tinh thần yêu nước đối với tôi chỉ là một bước trên hành trình tiến đến vương quốc của tự do vĩnh cửu và của hòa bình. Do đó, thật rõ rằng đối với tôi không có chính trị phi tôn giáo: chính trị thực ra phục vụ cho tôn giáo. Chính trị phi tôn giáo là một cãi bẫy chết người, bởi vì nó giết linh hồn người ta.[17]

Các thánh: những kiểu mẫu của sự viên mãn

Một hệ quả lôgic của ý niệm Kitô giáo về sự thánh thiện là chiều kích đối thần của nó: các thánh là thánh do mối tương quan của các ngài với Thiên Chúa. Quả thật, mối tương quan với Thiên Chúa sẽ thể hiện không đủ nếu không sản sinh hiệu quả trên chiều kích tâm lý của con người và trên ứng xử đạo đức của người ấy.

Không phủ nhận tác động tâm lý và luân lý của sự thánh thiện, Giáo hội ý thức rằng khía cạnh nền tảng của sự thánh thiện là sự kết hợp có tính đối thần với Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Vì thế, người ta vẫn có thể tuyên thánh một vị tuẫn đạo dù sự trưởng thành tâm lý của vị ấy không trọn vẹn và đời sống luân lý của vị ấy không hòan hảo. Khi chấp nhận chết vì đức tin vào Chúa Kitô, hay vì tình yêu tha nhân là những người được Chúa Kitô đồng hóa với chính Ngài, người tín hữu cho thấy mức độ anh hùng của thái độ tin, cậy, mến của mình.[18]

Các thánh là công trình hoàn hảo của Thánh Thần Chúa Giêsu. Thánh Kinh gán cho Thánh Thần tính từ “thánh”, chính vì công cuộc chủ yếu của Ngài nơi các nhân vị và nơi các nhóm là công cuộc thánh hóa: “để các dân ngoại trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Chúa, được thánh hóa bởi Thánh Thần” (Rm 15,16).

Do đó các thánh có thể trở thành “những mẫu gương trung gian”; với đời sống các ngài, với những cuộc chiến đấu của các ngài và với sự ngoan ngoãn của các ngài đối với Thánh Thần, các ngài dạy chúng ta cách thế bước theo và bắt chước Chúa Giêsu. Do mối dây liên kết giữa các ngài với Chúa Giêsu, các thánh xứng đáng được nhìn nhận là những mẫu gương. Thánh Phaolô cho thấy khả năng này khi nói: “Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức Kitô” (1Cr 11,1).[19]

Với đời sống các ngài, các thánh cũng cho thấy rằng người ta có thể đạt được sự phát triển tròn đầy của con người ở đây tại mặt đất này.[20] Cách diễn đạt này, mà tôi sử dụng như đồng nghĩa với sự thánh thiện, không xa lạ với tư tưởng Kitô giáo của thời chúng ta. Vatican II chủ trương rằng “tất cả các tín hữu, dù thuộc bậc sống hay chức vụ nào, đều được mời gọi đạt đến sự viên mãn của đời sống Kitô hữu và đạt đến đức ái trọn hảo”.[21]

Thần học linh đạo hiện nay vận dụng kiểu nói này của Công đồng: dùng công thức đời sống Kitô giáo tròn đầy như từ đồng nghĩa với sự thánh thiện.[22] Ngay sau đó Công đồng nói rõ rằng “sự thánh thiện Kitô giáo là sự viên mãn của đời sống trong tất cả cuộc phát triển của nó, chứ không chỉ là một lý tưởng để tranh thủ vào lúc cuối đời hay để cuối cùng được tuyên thánh sau khi qua đời”.[23]

Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống của mọi hữu thể con người ngay từ khi sinh ra – với ảnh hưởng lớn hơn sau bí tích Phép Rửa. Chúa Thánh Thần hoạt động hơn nữa khi người ta cởi mở đón nhận sự tác động của Ngài và hưởng ứng sự tác động đó một cách ý thức. Trong những điều kiện này chúng ta có thể khẳng định rằng sự viên mãn được sống bởi các thánh trong tất cả tiến trình lớn lên của các ngài và trong tất cả các chiều kích hiện hữu của các ngài: cá vị, xã hội, văn hóa, môi trường, thiêng liêng.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng một trong những hoa trái của sự phát triển viên mãn của con người, tức sự kết hợp với Đức Kitô nhờ tác động của Thánh Thần, đó là niềm vui.[24] Người ta không thể hình dung một vị thánh buồn. Vui tươi là một hoa quả của Thánh Thần, và nếu một người cho phép mình được Thánh Thần hướng dẫn thì dường như người ấy không thể không bộc lộ niềm vui (Gl 5,22): “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

Hiệu quả của niềm vui sản sinh bởi Chúa Thánh Thần thì rất mạnh mẽ, đến nỗi các tín hữu có thể giữ vững niềm vui ấy ngay giữa những khốn khó. Thánh Phaolô nói về điều này với các tín hữu Thêxalônica: “Còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban” (1Tx 1,6).

Niềm vui và phấn khởi ngay giữa những gian nan khốn khó không hề có nghĩa rằng các thánh là những kẻ khoái khổ (masochisti). Trái lại, các ngài dùng đau khổ để phục vụ cho sự sống, cho hạnh phúc đích thực, cho sự phát triển viên mãn. Ở giữa đau khổ, người ta phải kiếm tìm chìa khóa của niềm vui ở nơi khác: trong Chúa Thánh Thần. Ngài là Thiên Chúa và Ngài sản sinh dồi dào hoa trái niềm vui trong tâm hồn những ai chịu ốm đau khổ cực.

Thánh Phêrô có ghi nhận tương tự và đã viết cho các tín hữu: “Nếu bị sỉ nhục vì danh Ðức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1 Pr 4,14).

Quả đúng là: khi chúng ta càng tiến tới trên hành trình cuộc sống với mục tiêu là sự thánh thiện hay sự phát triển con người cách tròn đầy, thì chúng ta sẽ càng cảm nghiệm niềm vui của Thánh Thần cách thường xuyên và sâu xa hơn. Đồng thời chúng ta cũng hăng hái hơn để đảm nhận công việc xã hội, trách nhiệm tự trọng và ý chí hiệp nhất hoàn toàn, vì tình yêu, với Đức Kitô, và với Thiên Chúa là Cha của chúng ta – nhờ Đức Kitô và trong Thánh Thần.[25]

 


[1] F. Ruiz Salvador, Le Vie dello Spirito, cit., pp. 208-209.

[2] Tôi đã nghiên cứu nhãn giới này về đời sống tâm linh trong quyển sách của tôi: L.J. González, Psicologia dei mistici: sviluppo umano in pienezza, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 2001.

[3] X. R. Otto, Il sacro: l’irrazionale nell’idea del divino e la sua relazione al razionale, Feltrinelli, Milano 1987. Otto, trong nghiên cứu này của ông, đã phản đối Kant là người đã giảm trừ HeiligeThánh theo nghĩa Thánh Kinh, chứ không chỉ là thánh theo nghĩa rộng – đến chỉ còn trong lãnh vực luân lý và thuần túy lý tính. Về điều này, một nhà thần học bình luận: “Đúng hơn, Heilige của Otto mô tả một thái độ tôn giáo của con người trước Thiên Chúa. “Thánh” của ông là một kinh nghiệm độc đáo và chuyên biệt, không thể giảm trừ thành bất cứ gì khác, kinh nghiệm này tìm kiếm một tương quan với “Đấng hoàn toàn khác”, với “sự sáng chói”, B. Kloppenburg, El cristiano secularizado, Paulinas Bogotá 1971, p. 23.   

[4] Thánh Gioan Thánh Giá, Cantico 27,1.

[5] Lumen gentium, 41.

[6] Gioan Phaolô II, Novo millennio ineunte, 30-31. Tôi đã khai triển chủ đề mục vụ hướng đến sự thánh thiện trong quyển sách của mình: L.J. González, Creatividad espiritual, Teresianum, Roma 1998, pp. 165-200. Khoa mục vụ hướng đến sự thánh thiện được bàn đến trong các tác phẩm và các bài viết liên quan đến “mục vụ linh đạo” hay “linh đạo mục vụ”: tôi sẽ trích dẫn lướt qua trong chương về Việc tông đồ: được thúc đẩy hướng đến sự viên mãn, pp. 208-222.

[7] Lumen gentium, 41.

[8] Thánh Gioan Thánh Giá, Cantico 32,6.

[9] Trong tiếng Đức, để qui chiếu đến các mối tương quan mà chúng ta có thể thiết lập với chính mình, có hai từ: SelbstsuchtEigennuts. Selbstsucht có nghĩa là tôn thờ cái tôi, và bao hàm sự tham lam, vô độ, phàm phu, hám lợi; còn Eigennuts, trái lại, có ý chỉ sự qui ngã lành mạnh, tương ứng với tình yêu đối với chính mình. Điều này xuất phát từ bản năng bảo toàn và cho thấy sự qui ngã lành mạnh, tức sự qui ngã qui phục lý trí và sự khôn ngoan. Theo đó, cá nhân chỉ tranh thủ cho mình những gì mình cần – trong giới hạn có lý – để có thể sống và phát triển theo mọi nghĩa. Trong P. Lersch, Aufbau der Person, cit.

[10] X. E. Fromm, L’arte di amare, Mondadori, Milano 2005.

[11] Đây là ghi nhận của Virginia Satir. Xem: V. Satir, Psicodinamica e psicoterapia nel nucleo familiare, cit. 

[12] Ngoài một qui chiếu ngắn về sự tự trọng trong J. Martín Velasco mà tôi đã trích dẫn, xin xem thêm J.-V. Bonet, Teología del “gusano”. Autoestima y evangelio, Sal Terrae, Santander 2000: A. Grun, Come essere in armonia con se stessi, Queriniana, Brescia 2003.

[13] Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Manoscritto A [2v], trong Opere complete, cit., p. 80.

[14] C. André ~ F. Lelord, La stima di sé: amarsi per vivere meglio in mezzo agli altri, Tea, Milano 2004; H.H. Bloomfield, Making Peace with Yourself, Ballantine, New York 1992; L.J. González, Autoestima, Ediciones del Teresianum, México 20024; S. Helmstetter, What to Say When You Talk to Yourself, Pocket, New York 1987; C. Hillman, Recovery of Your Self-esteem, Simon & Schuster, New York 1992; M.E.P. Seligman, Imparare l’ottimismo: come cambiare la vita cambiando il pensiero, Giunti, Firenze 1996; F. Voli, Autoestima y vida, PPC, Madrid 2001. 

[15] Xem: P. Casaldaliga ~ J.M. Vigil, Spiritualità della liberazione, cit.; A. Guerra, Santidad, trong Aa. Vv., Conceptos fundamentales de pastoral, Cristiandad, Madrid 1983, pp. 920-925; J. Sobrino, Spirituality of liberation. Toward political Holiness, cit.; B. Sorge, Per una civiltà dell’amore: la proposta sociale della Chiesa, cit. Tác giả cuối cùng trên đây cũng nói về “linh đạo và nghề nghiệp”.

[16] Để có một giải thích về chiều kích bác ái, nhất là về từ thiện xã hội, có thể xem: A. Galindo, Moral socioeconomica, cit., pp. 177-187.

[17] Được trích dẫn bởi C.B. Papali, Il messaggio di Mahatma Gandhi, trong “Ephemerides Carmeliticae” 22 (1971), pp. 105-114. Xem thêm: L.J. González, El secreto de Gandhi, Font, Monterrey, México 19964 , pp. 176-185.

[18] Về các chiều kích của sự thánh thiện: F. Ruiz Salvador, Le Vie dello Spirito, cit., pp. 210-214. Xem Id., Cristianesimo interiore, cit., pp. 190tt.

[19] Về các kỹ thuật thực tế để “theo gương” hay bắt chước, mà người ta có thể áp dụng không chỉ liên hệ đến Đức Giêsu, mà cả các thánh nữa, xin xem: L.J. González, Psicologia dei mistici: sviluppo umano in pienezza, cit. Nói về các thánh như mẫu gương: F. Ruiz Salvador, Le Vie dello Spirito, cit., pp. 210-217.

[20] Từ khoảng 10 năm nay, vấn đề này đã được nghiên cứu: F. Ruiz Salvador, L’uomo adulto in Cristo, trong B. Moriconi (chủ biên), Antropologia cristiana, Città Nuova, Roma 2001, pp. 509-559.

[21] Lumen gentium, 40.

[22] S. Gamarra, Teología espiritual, BAC, Madrid 1994, pp. 177-192. Về xác nhận này, người ta chú ý rằng “khi nói về ơn sủng hay kế hoạch, tiêu đề ‘sự viên mãn của đời sống Kitô giáo’ hay ‘đời sống Kitô giáo viên mãn’ cho thấy rõ hơn tính chất hiện sinh”, F. Ruiz Salvador, Le Vie dello Spirito, cit., p. 218. 

[23] Ibid., p. 219.

[24] Federico Ruiz Salvador, tác giả mà chúng ta vừa mới trích dẫn, đề cập ở đây một số vị thánh – Phanxicô, Têrêsa Giêsu, Têrêsa hài Đồng Giêsu, Gioan Bosco, Maximilianô Kolbe… – xem: F. Ruiz Salvador, Le Vie dello Spirito, cit., pp. 464-466.

[25] M.L. Gubler, The communion of Saints, trong “Theological Digest” 48 (2001), pp. 237-243.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30