CHA RADCLIFFE HY VỌNG VỀ MỘT GIÁO HỘI TÁI SINH
Trong bài suy niệm thứ năm và thứ sáu của cha Timothy Radcliffe, hôm 3/10/2023, cho khóa tĩnh tâm của các tham dự viên của hội nghị Thượng hội đồng sắp diễn ra, Cha Radcliffe mời gọi “từ bỏ quyền kiểm soát cuộc sống của chúng ta và để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa”, và đồng thời nói về một cuộc đau đớn sinh hạ, nhưng từ đó có thể hy vọng về một Giáo hội tái sinh.
“Thế giới đang khao khát tiếng nói chân thật”: đây là điểm khởi đầu của bài suy niệm mà Cha Đa Minh Timothy Radcliffe, trợ giúp thiêng liêng của Thượng Hội đồng Giám mục thông thường lần thứ XVI.
Chứng tá cho niềm vui và loại bỏ sự cạnh tranh
Suy tư của tu sĩ Dòng Đa Minh, bài suy tư thứ năm trong loạt bài bắt đầu vào Chúa nhật 1/10/2023, phân tích khái niệm về quyền bính, hay đúng hơn là cuộc khủng hoảng quyền bính được trải qua bởi toàn thể Giáo hội ngày nay, bị “mất uy tín” vì các vụ lạm dụng tình dục, nhưng cũng bởi toàn thế giới. Quả thế, mỗi thể chế, từ chính trị, tư pháp đến báo chí đều “cảm thấy quyền bính của mình đang mất dần”, để làm lợi cho những nhân vật khác, chẳng hạn như những nhà độc tài, những người nổi tiếng, những người có ảnh hưởng. Nhưng chính trong bối cảnh toàn cầu này, được thúc đẩy “không phải bởi quyền bính, mà bởi các hợp đồng”, mà thế giới “khao khát những tiếng nói lên tiếng với thẩm quyền về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta”. Quyền bính này, theo ngài, trước hết phải là niềm vui, bởi vì niềm vui là “dấu hiệu không thể sai lầm về sự hiện diện của Thiên Chúa” và “không ai tin một Kitô hữu bất hạnh”. Thứ hai, quyền bính “có tính đa dạng và củng cố lẫn nhau” mà không nhất thiết tạo ra sự cạnh tranh. Một ví dụ về điều này là Ba Ngôi Thiên Chúa, trong đó “không có sự cạnh tranh”. Do đó, cha Radcliffe nói, nếu Thượng hội đồng có thể vượt qua “các phương thức tồn tại cạnh tranh”, thì Thượng hội đồng sẽ có thể lên tiếng với thế giới một cách có thẩm quyền.
Làm thế nào thực thi quyền bính
Sau đó, ngài chỉ ra ba con đường để thực hành quyền bính: con đường thứ nhất là vẻ đẹp hay vinh quang, vốn “mở trí tưởng tượng của chúng ta đến sự siêu việt, đưa chúng ta vượt ra ngoài lời nói” và, khi nó không gây hiểu lầm, thì nó đang “nói về Thiên Chúa”. Vẻ đẹp của Thiên Chúa trải rộng khắp mọi nơi, ngay cả “ở những gì dường như xấu xí nhất”: Cha Radcliffe nhớ lại sự tham dự vui vẻ của một số tín hữu trong thánh lễ được cử hành ở Kinshasa, thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo, trong một năm khủng khiếp đối với lịch sử đất nước , 1993, được đánh dấu bằng xung đột và bạo lực. Ngài cũng trích dẫn Etty Hillesum, “nhà thần bí người Do Thái bị thu hút bởi Kitô giáo” và đã chết trong trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã vào năm 1943. Etty đã nói : “Giữa những gì mà mọi người gọi là ‘kinh tởm’, tôi vẫn muốn có thể nói: “Cuộc sống thật đẹp“”.
Con đường thứ hai phải theo trên con đường của quyền bính là con đường của lòng tốt. Chính con đường này mà các thánh đã làm chứng, những người có “quyền bính can đảm”, mời gọi chúng ta “đồng hành cùng các ngài trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm của sự thánh thiện, từ bỏ quyền kiểm soát cuộc sống của chúng ta và để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa”. Với suy nghĩ này, cha Radcliffe nhắc nhở những người tham gia Thượng hội đồng rằng “các vị tử đạo là những người có quyền bính đầu tiên của Giáo hội vì họ đã can đảm dâng hiến tất cả”. Quả thế, đức tin không thể hấp dẫn nếu “chúng ta thuần hóa nó”.
Vẻ đẹp, lòng tốt và chân lý
Cha Radcliffe nói, cách thứ ba và cuối cùng để theo đuổi quyền bính là chân lý: “Trong con người có một bản năng không thể dập tắt được về chân lý,” ngay cả khi ngày nay thế giới dường như “không còn yêu mến chân lý nữa” và bị nghiền nát bởi “tin giả” hoặc những thuyết âm mưu vô nghĩa. Ngài kết luận rằng cả ba con đường đều cần thiết, bởi vì “nếu không có chân lý và lòng tốt, thì vẻ đẹp có thể trống rỗng và lừa dối. Và không có chân lý thì lòng tốt sẽ rơi vào cảm tính, trong khi chân lý không có lòng tốt sẽ dẫn đến tòa án dị giáo.” Do đó, lời mời gọi các tham dự viên Thượng hội đồng đừng rơi vào “chủ nghĩa duy lý khô khan hay mê tín” vì quyền bính độc chiếm của lý trí hoặc kinh nghiệm tôn giáo. Ngược lại – và về mặt này, cha Radcliffe lấy lại một hình ảnh thân thiết của Đức Thánh Cha Phanxicô – chúng ta phải nhớ rằng Thượng hội đồng “giống như một dàn nhạc giao hưởng, với các nhạc cụ khác nhau có âm nhạc riêng” và trong đó “sự thật không đạt được bằng đa số phiếu“.
Nhưng làm thế nào có thể bảo đảm một cuộc đối thoại hiệu quả trong Giáo hội, trong đó “không có tiếng nói nào thống trị và bóp nghẹt tiếng nói khác?” Câu trả lời, theo cha Radcliffe, nằm ở chỗ “ phân định sự hài hòa tiềm ẩn” và khả năng tuân theo hai mệnh lệnh: “Sự hướng dẫn và lòng trắc ẩn, yêu mến sự thật và liên đới thường xuyên với những người mà sự thật đã bị lu mờ”. Chỉ bằng cách này Giáo hội mới “nói với thẩm quyền của Chúa”.
Thần Khí của sự thật
Cuối ngày, cha Radcliffe có bài suy niệm thứ sáu và cũng là bài suy niệm cuối cùng, khóa tĩnh tâm kết thúc vào chiều 3/10. Tiếp nối những gì đã nói trước đây, ngài đã tiếp tục suy ngẫm về sự thật, đặc biệt tập trung vào “Thần Khí của sự thật”. Cha giải thích trong viễn cảnh ba tuần làm việc tiếp theo của thượng hội đồng rằng “bất cứ xung đột nào chúng ta gặp phải trên con đường của mình, chúng ta chắc chắn một điều: Thần Khí của sự thật sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn”. Đây không phải là một con đường dễ dàng, vì con đường này cũng bao gồm cả việc “lắng nghe những điều khó chịu” như các vụ lạm dụng và sự hư hỏng trong Giáo hội. “Một cơn ác mộng”, ngài nhấn mạnh, “một sự thật đáng xấu hổ” mà một khi chúng ta đối mặt với nó, “sẽ giải thoát” chúng ta.
Một cuộc sinh nở đau đớn
Cuối cùng, cha nói tiếp, cho dù những ngày diễn ra Thượng hội đồng sẽ đau đớn như những cơn đau đớn của việc sinh nở, thì cuối cùng, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ đạt được một “Giáo hội tái sinh”. Và điều này càng cần thiết hơn khi xã hội đương đại trốn tránh thực tại, như được chứng minh bởi những người nhắm mắt làm ngơ trước những thảm họa sinh thái hoặc trước hàng triệu anh chị em đang đau khổ, “bị đóng đinh bởi nghèo đói và bạo lực”. Ngược lại, chúng ta phải có lòng can đảm, có “sức mạnh của tâm hồn” để nhìn sự việc như nó là, sống trong thế giới hiện thực, không ảo tưởng, không thành kiến, không sợ hãi, không ý thức hệ, không kiêu ngạo. Điều đó bao hàm việc được “cắt tỉa”, giống như người ta làm với một cây nho để nó sinh nhiều hoa trái hơn.
Giải thoát bản thân khỏi nền văn hóa kiểm soát để được Thánh Thần hướng dẫn
Tiếp đến, cha Radcliffe nhắc đến một kỷ niệm cá nhân: ký ức về thời gian dài ngài nằm viện để thực hiện một ca phẫu thuật khó khăn. “Tôi là một bệnh nhân nằm trên giường bệnh, không có gì để cho đi. Tôi thậm chí không thể cầu nguyện. Tôi phụ thuộc vào người khác vì những nhu cầu cơ bản nhất. Thật là một cuộc “cắt tỉa” khủng khiếp. Nhưng đó cũng là một phúc lành“. Thật vậy, trên giường bệnh, cha đã buông mình “cho tình yêu tuyệt đối, nhưng không và vô bờ bến của Chúa“. Vì vậy, đây là điều mà những người tham dự Thượng hội đồng được kêu gọi thực hiện, nghĩa là “mở lòng và trí mình cho không gian của chân lý của Thiên Chúa”, một cách nào đó, mất đi quyền kiểm soát “để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa”. Cũng như Chúa Giêsu, ở vườn Gétsêmani, đã từ bỏ quyền kiểm soát cuộc đời mình và giao phó nó cho Chúa Cha, Thượng hội đồng cũng phải có “sự năng động của việc cầu nguyện hơn là của một nghị viện”, để cho mình được “Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn và dẫn dắt”, thoát khỏi “nền văn hóa kiểm soát”. Điều này không có nghĩa là “không làm gì cả“, nhưng hành động bằng cách để “Chúa Thánh Thần đưa chúng ta đến nơi mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đến“.
Lắng nghe giới trẻ
Cha Radcliffe cho biết thêm, để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình tới sự thật cũng là tin tưởng rằng chính Chúa Thánh Thần “sẽ tạo ra những tổ chức mới, những hình thức mới của đời sống Kitô hữu, những thừa tác vụ mới”, bằng cách làm việc một cách sáng tạo với “những cách thức mới trở thành một Giáo hội mà ngày nay chúng ta không thể tưởng tượng được, nhưng có lẽ những người trẻ có thể tưởng tượng được ! Điều này bao gồm việc lắng nghe những người trẻ mà Chúa đang sống và nói trong họ”. Về điểm này, Cha nhấn mạnh một lần nữa: tin tưởng vào các thế hệ mới là “một phần nội tại của sự lãnh đạo Kitô giáo”, đặc biệt bởi vì những người trẻ “không ở đó để thay thế người già, nhưng để làm điều mà người già chưa thể tưởng tượng được”.
Sau cùng, đặc điểm cuối cùng về chân lý của Chúa Thánh Thần mà bài suy niệm thứ sáu đề cập đến, nhưng không kém phần quan trọng, là mối liên kết với “tình yêu có sức biến đổi, thần linh, thoát khỏi mọi sự cạnh tranh”, vốn hàm ý “học cách yêu thương những người mà chúng ta thấy khó khăn”. Chỉ với tình yêu thương như vậy mà Thượng hội đồng sẽ khởi xướng một “sự biến đổi cá nhân và cộng đồng”, cho phép chúng ta đi đến những quyết định thực tế “không thể tránh khỏi”, mà vào thời điểm đó, sẽ không phải là “việc quản lý thuần túy”.
Với lòng khiêm tốn sâu sắc và niềm tin tưởng lớn lao vào những hồng ân của Thiên Chúa, cha Radcliffe kết thúc các bài suy niệm của mình bằng một lời tiên đoán: tại Thượng hội đồng, “chắc chắn sẽ có những cuộc cãi vã” và có thể sẽ “đau đớn”. Nhưng nếu được Thánh Thần của sự thật hướng dẫn, người ta có thể được dẫn “đi sâu hơn một chút vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa”.
Tý Linh
(theo Vatican News)
Tags: Chúa Thánh Thần, Giới trẻ, Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ