CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH : BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ TẠI QUẢNG TRƯỜNG KOSSUTH LAJOS (BUDAPEST) : TRỞ NÊN NHỮNG CÁNH CỬA NHƯ CHÚA GIÊSU
« Chúng ta hãy để Chúa của sự sống đi vào tâm hồn chúng ta, hãy để cho Lời an ủi và chữa lành của Ngài đi vào, để tiếp đến đi ra và chính chúng ta trở thành những cánh cửa rộng mở trong xã hội. » Đức Phanxicô đã mời gọi các Kitô hữu như thế trong bài giảng thánh lễ Chúa Nhật IV Phục Sinh, ngày 30/4/2023, tại quảng trường Kossuth Lajos, Budapest. Quả thế, Đức Thánh Cha đã sử dụng hình ảnh cánh cửa rộng mở mà Chúa Giêsu đã dùng để nói về Ngài, để cho phép đi vào trong vòng tay của Chúa Giêsu và đi ra khỏi đó để lan tỏa Tin Mừng và giúp phát triển trong tình huynh đệ là con đường của hòa bình, đặc biệt mở ra cho những người ngoại kiều, khác biệt, di cư, nghèo khổ.
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :
Những lời cuối cùng mà Chúa Giêsu công bố, trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, tóm tắt ý nghĩa sứ mạng của Ngài : « Tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào » (Ga 10, 10). Đó là những gì một mục tử nhân lành thực hiện : Ngài hiến mạng sống mình cho đàn chiên. Như thế, Chúa Giêsu, như một mục tử đi tìm đàn chiên của mình, đã đến tìm chúng ta khi chúng ta lạc lối ; với tư cách là một mục tử, Ngài đã đến giải thoát chúng ta khỏi cái chết ; với tư cách là một mục tử biết từng con chiên của mình và yêu thương chúng bằng sự dịu dàng vô tận, Ngài đã dẫn chúng ta vào trong sự bao bọc của Chúa Cha, bằng cách làm cho chúng ta trở thành con cái của Người.
Vì thế, chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh của Vị Mục Tử Nhân Lành và dừng lại ở hai hành động mà, theo Tin Mừng, Ngài thực hiện cho đàn chiên của mình : trước tiên, Ngài gọi chúng, tiếp đến, Ngài dẫn chúng ra ngoài.
1. Trước tiên, « Ngài gọi chiên của mình » (c.3). Khởi đầu lịch sử cứu độ của chúng ta, đó không phải là chúng ta với công trạng, khả năng, cơ cấu của mình ; ở nguồn gốc, có tiếng gọi của Thiên Chúa, có ao ước của Ngài muốn kết hợp với chúng ta, có sự quan tâm của Ngài dành cho mỗi người chúng ta, có lòng thương xót dồi dào của Ngài muốn cứu thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, để ban cho chúng ta sự sống dồi dào và niềm vui vô tận. Chúa Giêsu đến với tư cách là Mục Tử của nhân loại để kêu gọi chúng ta và đưa chúng ta về nhà. Vì thế, chúng ta có thể nhớ lại với lòng biết ơn tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, những người lạc xa Ngài. Vâng, trong khi « tất cả chúng ta đều lang thang như cừu » và « mỗi người đi theo con đường của riêng mình » (Is 53,6), thì Ngài chất lên vai mình tội lỗi của chúng ta và đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta, đưa chúng ta về với cung lòng của Chúa Cha. Đó là điều mà chúng ta đã nghe từ thánh Phêrô Tông đồ trong bài đọc II : « Trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em » (1Pr 2,25). Và ngay cả hôm nay nữa, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, trong những gì chúng ta cưu mang trong lòng, trong những lần lang thang của chúng ta, trong những nỗi sợ hãi của chúng ta, trong cảm giác thất bại đôi khi tấn công chúng ta, trong ngục tù buồn bã đang đe dọa nhốt kín chúng ta, Ngài kêu gọi chúng ta. Ngài đến như một Vị Mục Tử Nhân Lành và gọi tên chúng ta, để nói với chúng ta rằng chúng ta thật quý giá biết bao trong mắt Ngài, để chữa lành các vết thương của chúng ta và gánh lấy những yếu đuối của chúng ta, để quy tụ chúng ta vào sự hiệp nhất trong vòng tay của Ngài và biến chúng ta thành một gia đình giữa chúng ta và với Chúa Cha.
Thưa anh chị em, khi chúng ta hiện diện nơi đây sáng nay, chúng ta cảm thấy niềm vui làm dân thánh của Thiên Chúa : tất cả chúng ta đều được sinh ra từ tiếng gọi của Ngài ; chính Ngài triệu tập chúng ta và đó là lý do tại sao chúng ta là dân của Ngài, đàn chiên của Ngài, Giáo hội của Ngài. Ngài đã tập hợp chúng ta lại đây để, mặc dù khác nhau và thuộc về các cộng đồng khác nhau, tình yêu vĩ đại của Ngài liên kết tất cả chúng ta trong cùng một vòng tay. Thật đẹp khi cùng gặp lại nhau : các giám mục và linh mục, tu sĩ và giáo dân ; và thật đẹp khi chia sẻ niềm vui này với các Phái đoàn đại kết, các nhà lãnh đạo của Cộng đồng Do Thái, các đại diện của các tổ chức dân sự và Ngoại giao đoàn. Đây là đặc tính công giáo : tất cả chúng ta, được Vị Mục Tử Nhân Lành gọi tên, chúng ta được kêu gọi đón nhận và lan truyền tình yêu của Ngài, được kêu gọi làm sao để vòng tay của Ngài là bao gồm và không bao giờ loại trừ. Do đó, tất cả chúng ta đều được mời gọi vun trồng các mối tương quan huynh đệ và cộng tác, không chia rẽ, không coi cộng đồng mình là một môi trường dành riêng, không để mình bị lôi cuốn bởi ưu tư bảo vệ không gian của mỗi người, nhưng bằng cách mở lòng ra đón nhận tình yêu thương lẫn nhau.
2. Sau khi kêu gọi chiên, Vị Mục Tử « dẫn chúng ra ngoài » (Ga 10, 3). Đầu tiên, Ngài đưa họ vào chuồng bằng cách gọi tên chúng, bây giờ Ngài thúc đẩy chúng ra ngoài. Trước tiên, chúng ta được quy tụ trong gia đình của Thiên Chúa để làm nên dân của Ngài, nhưng tiếp đến chúng ta được sai đi vào thế giới để, với lòng can đảm và không sợ hãi, trở thành những người loan báo Tin Mừng, những chứng nhân của Tình Yêu đã tái sinh chúng ta. Chuyển động này – đi vào và đi ra – chúng ta có thể hiểu nó từ một hình ảnh mà Chúa Giêsu sử dụng : hình ảnh cánh cửa. Ngài nói : « Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ » (c.9). Chúng ta hãy nghe rõ một lần nữa : người ấy sẽ đi vào và người ấy sẽ đi ra. Một mặt, Chúa Giêsu là cánh cửa đã rộng mở để chúng ta đi vào hiệp thông với Chúa Cha và cảm nghiệm lòng thương xót của Người ; nhưng, như mỗi người đều biết, một cánh cửa mở ra không chỉ dùng cho đi vào, mà còn để đi ra khỏi nơi mình đang ở. Như thế, sau khi đưa chúng ta về với vòng tay của Thiên Chúa và trong gia đình Giáo hội, Chúa Giêsu là cánh cửa đưa chúng ta ra thế giới : Ngài thúc đẩy chúng ta đi gặp gỡ anh em mình. Và chúng ta hãy nhớ rõ điều này : tất cả chúng ta, không trừ một ai, đều được mời gọi đến điều đó, ra khỏi những tiện nghi của mình và có can đảm để đến với những vùng ngoại vi đang cần đến ánh sáng Tin Mừng (x. Tông huấn Evangelii gaudium, số 20).
Thưa anh chị em, « đi ra », đối với mỗi người, có nghĩa là trở nên, như Chúa Giêsu, một cánh cửa rộng mở. Thật buồn và đau đớn khi thấy những cánh cửa đóng kín của sự ích kỷ của chúng ta đối với những người đang bước đi bên cạnh chúng ta ; những cánh cửa đóng kín của chủ nghĩa cá nhân của chúng ta trong một xã hội có nguy cơ teo tóp lại trong sự cô độc ; những cánh cửa đóng kín của sự thờ ơ của chúng ta đối với những người đang sống trong đau khổ và nghèo đói ; những cánh cửa đóng kín đối với những người ngoại kiều, khác biệt, di dân, nghèo khổ. Và ngay cả những cánh cửa đóng kín của các cộng đồng Giáo hội của chúng ta : đóng kín giữa chúng ta, đóng kín với thế giới, đóng kín với những người « không theo quy tắc », đóng kín với những người kháo khát ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thưa anh chị em, làm ơn, xin hãy mở cửa ! Chúng ta cũng hãy cố gắng trở nên như Chúa Giêsu, bằng lời nói, cử chỉ, hoạt động hằng ngày của chúng ta : một cánh cửa rộng mở, một cánh cửa không bao giờ bị đóng sầm vào mặt bất kỳ ai, một cánh cửa cho phép mỗi người đi vào và cảm nghiệm được vẻ đẹp của tình yêu và sự tha thứ của Chúa.
Tôi lặp lại điều này cách riêng với chính tôi, với anh em giám mục và linh mục của tôi : với chúng tôi là những mục tử. Bởi vì, Chúa Giêsu nói, vị mục tử không phải là một tên cướp cũng không phải là một tên trộm (x. Ga 10, 8) ; ngài không lợi dụng vai trò của mình, ngài không áp bức đoàn chiên được giao phó cho mình, ngài không « ăn trộm » chỗ của anh em giáo dân của mình, ngài không thi hành một quyền bính cứng nhắc. Thưa anh em, chúng ta hãy khuyến khích nhau trở thành những cánh cửa luôn rộng mở hơn : những « người tạo thuận lợi » cho ân sủng của Thiên Chúa, các chuyên viên về sự gần gũi, sẵn sàng hiến dâng đời mình, như Chúa Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta và là tất cả của chúng ta, đã dạy cho chúng ta điều đó với vòng tay rộng mở từ ngai tòa thập giá, và cho chúng ta thấy điều đó mỗi lần trên bàn thờ, Bánh hằng sống được bẻ re cho chúng ta. Tôi cũng nói điều đó với anh chị em giáo dân, với các giáo lý viên, với các nhân viên mục vụ, với những ai thi hành các trách nhiệm chính trị và xã hội, với những ai đang đơn giản sống cuộc sống thường ngày của họ, đôi khi cách khó khăn : hãy là những cánh cửa rộng mở ! Chúng ta hãy để Chúa của sự sống đi vào tâm hồn chúng ta, hãy để cho Lời an ủi và chữa lành của Ngài đi vào, để tiếp đến đi ra và chính chúng ta trở thành những cánh cửa rộng mở trong xã hội. Chúng ta hãy cởi mở và hòa nhập với nhau, để giúp Hungary phát triển trong tình huynh đệ, con đường của hòa bình.
Các bạn thân mến, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành gọi tên chúng ta và chăm sóc chúng ta bằng sự dịu dàng vô tận. Ngài là cửa và ai qua Ngài mà vào sẽ có sự sống đời đời : vì thế, Ngài là tương lai của chúng ta, một tương lai của « sự sống dồi dào » (Ga 10,10). Vì thế, chúng ta đừng bao giờ nản lòng, đừng để chúng ta bị cướp đi niềm vui và sự bình an mà Ngài đã ban cho chúng ta, chúng ta đừng khép kín mình trong các vấn đề hay sự lãnh đạm. Chúng ta hãy để cho bản thân được Vị Mục Tử của chúng ta đồng hành : cùng với Ngài, xin cho cuộc sống của chúng ta, các gia đình của chúng ta, các cộng đồng Kitô giáo của chúng ta và toàn thể Hungary hãy tỏa sáng bằng cuộc sống mới !
—————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Angelus, Âu Châu, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ