CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH: NGƯỜI LẠ

Written by xbvn on Tháng Năm 9th, 2014. Posted in Cao Huy Hoàng, Năm A

Tin Mừng: Ga 10, 1 – 10

 Chúng ta đang sống trong Mùa Phục Sinh. Phụng Vụ mời gọi chúng ta chiêm niệm hình ảnh Đức Giêsu, Chúa Chiên Lành vào Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh này, hẳn là Phụng Vụ muốn làm nổi bật sứ vụ “chết và sống lại của Mục Tử Giêsu Nhân Lành”.

Hơn nữa, Hội Thánh lại chọn ngày này để cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu, hẳn là không ngoài ý hướng cầu cho những người theo Chúa Kitô trong đời sống dâng hiến được ơn noi gương Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành mà “chết và sống lại cho đoàn chiên được sống lại”.

Hầu hết các bài suy niệm hôm nay đều nói đến tính cách “mục tử nhân lành của Chúa Giêsu”. Riêng tôi, tôi muốn nhìn vào một góc khuất rất thời sự, rất khẩn thiết mà người ta hay tránh né: “Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ” ( Ga 10, 5 ).

– Người lạ là người không giống Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, không có lòng nhân, không có lòng lành, vô cảm trước bao cảnh ngộ của con chiên đáng lý ra phải chạnh lòng, dửng dưng trước những nhu cầu đời sống của con chiên, chẳng động lòng cũng chẳng động tay động chân trước những nỗi khốn khổ của con chiên, nhất là những con chiên lâm vòng lao lý vì đấu tranh cho chính nghĩa, cho công bằng, cho sự thật. Nhân Lành không có nghĩa là hiền lành cầu an, mà là làm hết sức mình để con người được thương xót, được sống, được bình an, được hạnh phúc.

– Người lạ là người không dám “hy sinh mạng sống vì đàn chiên”, mà ngược lại, “đàn chiên phải hy sinh mạng sống mình cho họ”. Người lạ đến không với mục đích “cho đàn chiên được sống và sống dồi dào”, mà ngược lại, đàn chiên phải cung phụng hầu hạ họ đủ mọi sự.

– Người lạ là người không “ban Bí Tích” nhưng ngược lại, “bán Bí Tích” với đủ mọi giá. Giá nào có bậc nấy: qua loa, trung bình hay long trọng tùy theo phí dịch vụ phải nạp !

– Người lạ là người không biết con chiên mình, không biết đàn có bao nhiêu con, hoặc nếu biết, chỉ quan tâm đến mấy con chiên mập béo, mấy con chiên hay tới lui dâng quà, biếu tiền, tặng xe, tặng nhà, tặng villa… cho mình, còn bấy nhiêu con chiên bệnh hoạn, đau yếu, ghẻ lở thì không hề biết tên, biết tuổi, biết nhà, biết cửa. Vì thế, người lạ ấy không thể gọi “đích danh” được những con chiên mà mình đã chẳng hề ngó ngàng tới làm chi cho thêm rầy rà rách việc lớn !

– Người lạ là người không dám gánh lấy tội trần gian, chỉ toàn đập bàn, xô ghế trong phòng họp khi có ai đó không chiều theo ý mình, hoặc la toáng lên trên tòa giảng rằng kẻ nầy chống đối, kẻ khác cứng đầu hoặc không có cái đầu, kẻ khác lại bất tuân luật Hội Thánh do chính mình lập ra !

– Người lạ là người ăn trộm công khai thành ăn cướp, cướp của con chiên. Đến đâu, cũng chỉ lo xây dựng công trình này, công trình nọ, hết Nhà Thờ, rồi Nhà Xứ, phòng hội… Đang khi xây thì xin chỗ này, xin chỗ kia, không ai biết ai đã cho, đã hiến bao nhiêu cả. Cuối cùng khi xong công trình, thì người lạ phán rằng: “Giáo Xứ còn mắc nợ tôi 700 triệu”. Có ông Hội Đồng nghe vậy thì tự an ủi: “May quá, xứ kia mắc nợ ngài tới 1 tỷ 3 cơ.” Vậy ai mắc nợ ai nhỉ ?

– Người lạ là người không giống Chúa Giêsu Kitô trong cách sống Mục Tử. Rất quen thuộc đấy chứ, nhưng lại rất xa lạ. Bởi vì người lạ ấy là “người khác với Đức Kitô”, chứ không phải là một “Đức Kitô Khác” ( Alter Christus ), lại càng không thể là hiện thân cho “chính Đức Kitô” ( Ipse Christus ).

Thỉnh thoảng, nghe Giáo Xứ này có chuyện bất nhất nội bộ, Giáo Xứ kia có chuyện bất bình, có người bị đuổi việc hoặc bỏ việc, bỏ tham dự Thánh Lễ tại xứ mình… Do đâu ? Vì họ không muốn nghe tiếng người lạ !

Xin chớ vội trách móc, nhưng xin hãy biết rằng, con chiên ở Việt Nam có truyền thống rất ngoan đạo, họ đang vâng nghe theo chủ chiên của mình, nhưng không hẳn là họ đã nể phục, nếu chủ chiên của mình giống người lạ nhiều hơn là mục tử. Họ cũng không có thói quen chống đối mục tử của mình, vì từ ngàn xưa cha ông ta đã dạy: “Chống cha là chống Chúa”. Như thế thật là tốt lành, nhưng không phải vì thế mà các mục tử được miễn giảm cho việc “trở nên mục tử nhân lành theo gương Chúa Giêsu”. Có nơi người ta nói rất lễ độ nhưng thẳng thắn: “Thưa cha, hai chữ “vâng phục” thì chúng con chỉ sẵn sàng xin “vâng”, còn “phục” thì chưa chắc ạ !”

Cái thiểu số “người lạ” kia cũng làm ảnh hưởng không ít đến uy tín của Hội Thánh Công Giáo và uy tín của Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Ảnh hưởng ấy dẫn đến việc “dậm chân tại chỗ của Tin Mừng”, “người ta tin Đạo mà người ta không tin người có Đạo, càng không hẳn phải tin người lãnh Đạo”, hoặc “những người lãnh đạo vô thần cũng có cách sống y như thế, có hơn gì đâu ?”…

Một thiểu số thôi. Không vơ đủa cả nắm ! Không bi quan ! Không mất niềm hy vọng ! Vì chúng ta vẫn còn một tuyệt đại đa số mục tử như lòng Chúa mong ước !

Tuy nhiên, trước trào lưu tục hóa hàng Giáo Sĩ của một xã hội duy vật, vô thần càng gia tăng, mà cụ thể đang có dấu hiệu tục hóa ngay nơi những góc khuất – khuất vì bao che, khuất vì không ai dám nói, khuất vì chưa chắc có tự do ngôn luận trong Hội Thánh, khuất vì đủ thứ lý do… thì Ngày Cầu Nguyện cho Ơn Thiên Triệu càng có ý nghĩa khẩn thiết hơn bao giờ hết:

Lạy Chúa, xin cho TẤT CẢ LINH MỤC của chúng con đều là những MỤC TỬ NHÂN LÀNH NHƯ LÒNG CHÚA MONG ƯỚC. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG, 7.5.2014

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30