CÔNG ÍCH

Written by xbvn on Tháng Tư 7th, 2021. Posted in Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Thế Giới, Tý Linh

Dominique Coatanéa, tiến sĩ thần học luân lý và đạo đức, trưởng phân khoa thần học của UCO Angers. Luận án của bà về công ích được bảo vệ ở Centre Sèvres vào năm 2013 : Thách đố hiện nay của công ích trong học thuyết xã hội của Giáo hội. Nghiên cứu từ lối tiếp cận của Gaston Fessard, s.j., Ed. Lit-Verlag , coll. “Études de théologie et d’éthique” vol. 10, Zurich , 2016.

Sự thích đáng của khái niệm « công ích » như là nguyên tắc sáng tạo và là yếu tố bảo tồn xã hội loài người nằm ở trung  tâm của giáo huấn xã hội của Giáo hội từ thông điệp Rerum novarum. Phân tích sức mạnh gợi ý và tác dụng của nguyên tắc này trong các thông điệp xã hội khác nhau cho phép hiểu công ích như một động lực đang hoạt động trong những phương thức của một xã hội phù hợp với ơn gọi của nhân vị. Vả lại, thông điệp Laudato si’ của Đức Phanxicô nhấn mạnh vai trò thống nhất của nguyên tắc này ở trung tâm của đạo đức xã hội (LS, 156).

Công ích là nguyên tắc tổ chức mọi diễn từ xã hội của Giáo hội về mặt chính trị, xã hội và kinh tế. Bén rễ sâu trong truyền thống tư tưởng lâu đời của mình, nó trình bày một sự tái giải thích truyền thống triết học Hy Lạp bằng triết học kinh viện. Thánh Tôma Aquinô, trong cuốn Tổng Luận Thần Học (1), đã liên kết sự đóng góp của tư tưởng Aristote  với những đòi hỏi của tư tưởng Kitô giáo. Con người là một hữu thể chính trị sống nhờ và trong thành quốc. Về cơ bản, chính trị là đích nhắm cuối cùng và tổ chức các mối tương quan giữa con người. Nguyên tắc hành động của nó là thiện ích to lớn nhất của thành quốc, thiện ích hoàn hảo tự đủ cho nó, thiện ích tối cao hay thiện ích của con người. Đối với thánh Tôma, cộng đồng chính trị không có mục đích nô lệ hóa con người nhưng làm cho nó trở nên người hơn bằng cách giúp nó đạt tới một mục đích cao cả hơn : sống hạnh phúc hay chung sống hạnh phúc. Trật tự pháp lý có trách niệm nêu cao luật pháp được sinh động bởi đức tính công lý và thực thi một sự bó buộc hợp lý trên con người để định hướng họ hướng tới mục đích chung của họ. Như thế, cộng đồng chính trị cho phép xã hội được thực hiện như là cộng đồng các nhân vị hướng đến thiện ích, để con người, được cưu mang bởi kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa, đạt tới nhân tính của mình : Hữu thể có khả năng phát biểu, có khả năng đáp trả từ cuộc sống của mình với và cho người khác, được giáo dục về sự tự do trách nhiệm này trong các thể chế công bằng.

Công bằng xã hội và sự hình thành công ích

Di sản thần học, nhân học và đạo đức được đảm nhận bởi truyền thống Kitô giáo xuyên qua việc sử dụng liên lỉ khái niệm « công ích » trong giáo huấn xã hội của mình. Xem qua các thông điệp xã hội, từ Rerum novarum cho đến Laudato si’, ta có thể xác định những biến chuyển mà mỗi thông điệp mang lại theo từng bối cảnh.

Cử chỉ khai mào của Đức Lêô XIII  trong Rerum novarum (năm 1891) phải được xem xét trong bối cảnh đướng đầu với ý thức hệ marxít vốn được khẳng định lúc đó. Marx coi đời sống xã hội như là một cuộc đấu tranh giai cấp không khoan nhượng. Đối lập với cái nhìn về thế giới này, kết quả của một nền nhân học trái với viễn ảnh con cái của Thiên Chúa và tình huynh đệ trong cùng gia đình nhân loại, Đức Giáo hoàng đã mạnh mẽ nhắc lại nền tảng của Truyền thống : « Quả thế, sự hoàn thiện của mọi xã hội hệ tại ở chỗ theo đuổi và đạt tới mục đích mà nó đã được thiết lập, để mọi chuyển động và mọi hành vi xã hội nảy sinh từ chính nguyên tắc mà từ đó xã hội đã được sinh ra » (RN 22). Trong xã hội, đó không phải là sự đối đầu giai cấp làm nên nguyên tắc tổ chức nhưng là mối tương quan đúng đắn giữa con người, bằng vào vai trò phục vụ mọi người của họ. Trong khuôn khổ này, Nhà nước – tức là mọi chính phủ nào đáp ứng các giới luật của lý trí tự nhiên và các giáo huấn của Thiên Chúa – giữ một thẩm quyền. Thẩm quyền này là chính đáng khi nó phục vụ lợi ích chung hay thiện ích công cộng, bằng cách thúc đẩy sự thịnh vượng công cộng cũng như riêng tư và tuân thủ các luật lệ của công bằng phân phối (2). Và sự quan tâm này được thực thi vì lợi ích của mọi người : như thế, quốc gia không có lợi ích gì khi các công nhân, qua lao động, tham gia vào việc tạo nên của cải, lại ở trong tình trạng đương đầu với sự khốn cùng. Thông điệp trình bày đòi hỏi này như là một giáo huấn của triết học và của đức tin Kitô giáo : mọi quyền bính đến từ Thiên Chúa, nó phải được thực thi theo khuôn mẫu thần linh của một sự quan tâm hiền phụ đối với mỗi thọ  tạo cách riêng, cũng như đối với toàn thể thọ tạo, và đặc biệt chăm lo cho số phận của người nghèo khổ nhất. Lời phát biểu đầu tiên này, nằm ở trung tâm của cuộc xung đột giữa giai cấp công nhân bị chiếm đoạt và các nghiệp chủ giàu có, đặt cơ sở cho một cứu cánh xã hội chung bằng việc nhấn mạnh đến giá trị công bình.

Việc nhấn mạnh đến công bình sẽ được Đức Piô XI lấy lại (Thông điệp Quadragesimo anno, năm 1931), trong bổi cảnh bi thảm của cuộc khủng hoảng năm 1929. Đối diện với tình trạng cấp bách xã hội về sự khốn khổ gia tăng, cần phải xem xét lại việc chia sẻ của cải và hàng hóa để đảm nhận tính hữu ích chung này : « Do đó, điều quan trọng là phải quy cho mỗi người những gì thuộc về họ và phải đưa trở lại với những đòi hỏi của công ích hay những chuẩn mực của công bằng xã hội việc phân phối tài nguyên của thế giới này, mà sự tương phản rõ ràng của nó giữa một số ít người giàu và vô số người nghèo khổ đang chứng thực trong thời đại chúng ta, trước mắt người hảo tâm, những xáo trộn nghiêm trọng » (số 64). Sự tiến bộ có tính quyết định của thông điệp này được biểu lộ trong việc phê bình thích đáng chủ nghĩa tự do kinh tế. Nó nhấn mạnh rằng sự cạnh tranh tự do không có khả năng trở thành một chuẩn mực điều chỉnh đời sống kinh tế và cần thiết phải thay thế nó dưới luật lệ của một nguyên tắc hướng dẫn đúng đắn và hữu hiệu : công bằng và bác ái xã hội. Các cơ quan công quyền có nhiệm vụ thiết lập, che  chở và bảo vệ một trật tự pháp lý và xã hội mà tạo nên mọi đời sống kinh tế, thấm nhập các thể chế và cuộc sống của các dân tộc. Do đó, công ích được hiểu như là tiến trình năng động trong đó các bộ phận khác nhau của cơ quan xã hội, trong mối liên hệ hợp tác hỗ tương nối kết chúng, được hoàn thiện luôn mãi trong bác ái. Vì, nếu việc thực thi lòng bác ái không bao giờ có thể thay thế các bổn phận công bằng, thì chỉ duy công bằng mà thôi cũng không thể đạt tới sự thống nhất các ý muốn và sự lại gần của các tâm hồn (3).

Thiện ích của các nhân vị và công ích

Thế nhưng, mọi phương tiện cưỡng buộc xã hội đều không phù hợp với mục đích này. Trong thông điệp Mit brennender Sorge (năm 1937), Đức Piô XI nhắc lại các quyền tự nhiên gắn liền với mọi nhân vị, những quyền mà họ nhận được từ Thiên Chúa với tư cách là thụ tạo được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Ngài. Những quyền này phải được an toàn khỏi mọi tính tập thể có xu hướng phủ nhận, xóa bỏ hay coi thường chúng. Trong bối cảnh nổi lên của chủ nghĩa xã hội quốc gia ở Đức , Đức Piô XI nhắc nhớ rằng các quyền này đặt ra những giới hạn cho hoạt động của Nhà nước. Như thế, ngài làm nổi bật nền móng nhân học của khái niệm công ích : « Khinh thường chân lý này, rốt cục, đó là quên rằng công ích đích thực được xác định và nhìn nhận bởi bản tính của con người, vốn cân bằng hài hòa các quyền cá nhân và những nghĩa vụ xã hội, và bởi mục đích của xã hội, cũng được xác định bởi chính bản tính con người này. Xã hội được Đấng Tạo Hóa mong muốn như là phương tiện đưa tới sự phát triển tròn đầy của chúng những quyền lợi cá nhân và những lợi ích xã hội mà mỗi người, bằng cách lần lượt cho và nhận, phải phát huy giá trị thiện ích của mình và thiện ích của người khác » (MbS, số 37). Sự thống nhất của thân thể không đối lập với việc tôn trọng mỗi chi thể.

Việc Giáo hội giải mã thực tại xã hội trong suốt nửa thế kỷ đầu tiên của thế kỷ XX đã được Đức Gioan XXIII lấy lại. Ngài dấn thân Giáo hội Công giáo vào một cuộc « aggiornamento » (cập nhật hóa) bằng cách loan báo mở Công đồng Vatian II. Thông điệp « Mater et magistra » (năm 1961) khơi mào công việc này, định nghĩa công ích như là « toàn bộ các điều kiện xã hội cho phép nhân vị đạt tới sự triển nở tròn đầy của mình cách tốt hơn và dễ dàng hơn » (số 65). Toàn bộ các điều kiện xã hội này giả thiết cuộc chơi, được điều hòa bởi các cơ quan công quyền, giữa các cơ quan trung gian khác nhau để việc xã hội hóa được thực hiện trong sự tôn trọng mỗi nhân vị. Việc xây dựng mới mẻ khái niệm xã hội hóa này, vốn thể hiện khuynh hướng tự nhiên của con người được liên kết để đạt tới những thiện ích mong ước cho mỗi người nhưng vượt tầm của các cá nhân cô lập, là một đặc điểm của bản văn. Khuynh hướng liên kết này phải được liên kết với việc thực thi một sự tự do có trách nhiệm, vì cộng đồng đích thực là một cộng đồng các nhân vị, các chủ thể với những quyền lợi, có một vai trò phải thực thi để phục vụ mọi người (4). Từ đó, tiến trình này ngang qua việc đưa vào một trật tự pháp quyền trong công lý, mà Đức Gioan XXIII sẽ nhìn nhận, hai năm sau, trong thông điệp « Pacem in terris », gần gũi với khái niệm các quyền và bổn phận được khai triển trong Tuyên ngôn phổ quát về Nhân quyền được Liên Hiệp Quốc thông qua. Lần đầu tiên, ở bình  diện thẩm quyền này, một vị Giáo hoàng, Đức Gioan XXIII tuyên bố cách rõ ràng sự thích đáng của khái niệm này, được kế thừa từ các Tuyên ngôn về các quyền của thế kỷ XVIII và được hiện tại hóa trong các Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc năm 1948. Do đó, nó đi vào từ vựng của huấn quyền, kèm theo một lời nhắc nhở về những gì là nền tảng đối với một người Kitô hữu (5).

Một công ích phổ quát

Trong trật tự quốc tế, chúng ta biết khó khăn như thế nào đối với một thẩm quyền quốc gia hay vùng miền được thực thi khi nhắm đến công ích phổ quát. Thế nhưng, Đức Giáo hoàng không từ bỏ việc khẳng định tính thích đáng của nó. Do đó, mục đích của  công ích có thể được trình bày như là ý muốn bảo đảm sự tồn tại và an ninh trong hòa bình của mỗi Nhà nước, được thúc đẩy bởi xác tín về một phẩm giá bình đẳng và một tình liên đới hữu hiệu, bằng việc tổ chức một trật tự pháp lý dựa trên công lý và sự tìm kiếm các thỏa hiệp công bằng (Pacem in terris, 98-100). Cách thực tế, thông điệp nhấn mạnh thách đố đáng kể khi khẳng định về một công ích phổ quát cần được cổ vũ, thừa nhận việc hầu như thất bại hiện nay của nó (PT, 135) nhưng nêu rõ những điều kiện xuất hiện một thẩm quyền quốc tế như vậy.

Việc mở rộng khái niệm này đến khái niệm « công ích phổ quát » sẽ được lấy lại trong Hiến chế mục vụ của Công đồng Vatican II « Gaudium et spes », năm 1965. Công ích phổ quát là mục đích của cộng đồng nhân loại được hiểu như là sự hiệp thông của các nhân vị (6). Thành ngữ này nhấn mạnh sự tương tùy cơ bản giữa sự phát triển toàn diện của các nhân vị và sự phát triển của chính xã hội. Nhân vị, do bản tính của mình, cần một đời sống xã hội và, do sự mong manh bẩm sinh này, phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi thể chế (GS, 25). Hơn nữa, chính trong mối ưu tư nhấn mạnh khía cạnh này mà Công đồng đã bao hàm trong định nghĩa về công ích (mượn lại ở « Mater et magistra ») việc đề cập đến « các nhóm » (chứ không chỉ các nhân vị mà thôi) : « Công ích, tức là toàn bộ các điều kiện xã hội cho phép, các nhóm cũng như mỗi thành viên của chúng, đạt tới sự hoàn thiện của họ cách toàn diện và dễ dàng hơn » (GS, 26).

Bản văn của Công đồng đào sâu việc trình bày khái niệm xã hội hóa bằng cách nối kết nó với một nền nhân chủng về con người được liên kết. Điểm nhấn mạnh đó là sự trở lại thường xuyên đến thiện ích vốn phải nâng đỡ phong trào xã hội hóa, trong khi sự ích kỷ lẫn óc kiêu ngạo đang làm bại hoại bầu khí xã hội (7). Vì thiện ích là một thực tại thuộc trật tự tinh thần vốn được diễn ra  trong một trật tự riêng cho các cộng đồng con người, trật tự luân lý. Trật tự này dựa vào chân lý, được thực hiện trong công lý – mà cần được sinh động trong tình yêu – và tìm  thấy trong sự tự do một sự quân bình không ngừng được phục hồi và càng nhân bản luôn mãi (GS, 26). Như thế, Công đồng canh tân bằng cách nhấn mạnh chiều kích thiêng liêng của sự hình thành công ích. Tiến trình liên lỉ này, thường là gian nan, đòi hỏi một sự dấn thân cương quyết và kêu gọi thay đổi não trạng và các cơ cấu xã hội cách sâu xa. Thách đố cá nhân và tập thể của sự hình thành này dựa trên việc giáo dục lương tâm luân lý đích thực đang đối đấu với những căn thẳng làm nên hiện thực.

Bản văn công đồng, Hiến chế « mục vụ », mở ra những con đường thực hành cho việc thăng tiến công ích này (GS 27 và 29), đưa ra lời kêu gọi long trọng về việc bước vào cách cương quyết trong viễn ảnh liên đới xã hội này : « Mong mọi người hãy để tâm coi tình liên đới xã hội trong số các bổn phận của con người ngày nay và tôn trọng nó. Như thế, với sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa, sẽ xuất hiện những con người mới đích thực, những người kiến tạo nhân loại mới » (GS, 30).

Tình liên đới và bác ái

Thông điệp Populorum progressio (năm 1967) của Đức Phaolô VI sẽ mang lại cho chiều kích liên đới quốc tế này, vốn cấu thành công ích, tất cả tầm quy mô của nó, vào thời điểm mà « vấn đề xã hội trở thành toàn cầu » (số 3) và mời gọi tìm kiếm cho tất cả mọi người một sự phát triển « toàn diện » (8). Tầm quan trọng của viễn ảnh này được biểu lộ qua ý muốn của những người kế nhiệm ngài đã lấy lại cách đều đặn những trực giác quan trọng của bản văn mang tính bước ngoặt này. Như thế, hai mươi năm sau, trong thông điệp Sollicitudo rei socialis (năm 1987), Đức Gioan Phaolô II đã đào sâu nguyên tắc này dưới thuật ngữ thuộc phạm trù luân lý vốn đòi hỏi một thái độ xã hội đặc thù : « đức tính » liên đới. « Tình liên đới không phải là một tình cảm trắc ẩn mơ hồ hay cảm thương giả tạo đối với những sự dữ mà bao nhiêu người gần xa phải chịu. Trái lại, đó là sự kiên định và kiên trì làm việc vì công ích, tức là vì thiện ích của mọi người và mỗi người, bởi vì, tất cả chúng ta đều thực sự trách nhiệm về mọi người » (SRS, 38). Đức tính xã hội này dẫn đến việc đấu tranh chống lại những khuynh hướng – sự khát khao quyền lực và ước muốn lợi nhuận (số 36-37) – được thể hiện đưa vào những cơ cấu xã hội củng cố cho những chối bỏ thiện ích của người khác này và được coi là « những cơ cấu tội lỗi » (số 36). Phân định sự dữ luân lý này và kháng cự lại việc chối bỏ nhân tính chung mở lương tâm ra cho hành xử đạo đức. Một thái độ trách nhiệm dựa trên việc nhìn nhận đức tính liên đới được xem như là quy chiếu đến Tin Mừng về sự sống được trao ban cho mọi người. « Tiêu hao chính mình vì thiện ích của tha nhân, bằng cách sẵn sàng, theo nghĩa Tin Mừng của từ ngữ, « đánh mất chính mình » vì tha nhân thay vì khai thác họ và « phục vụ tha nhân » thay vì đàn áp họ vì lợi ích của mình » (số 38). Cách trình bày này nối dài tiến trình thiêng liêng hoán cải và bước theo Chúa Kitô mà Công đồng Vatican II đề nghị. Nó nhấn mạnh viễn ảnh năng động của  công ích : một lời mọi gọi tha thiết và cấp bách về những dấn thân cá nhân và tập thể, trên bình diện quốc gia và quốc tế, để các dân tộc nhận thức và hành động trong một tiến trình trách nhiệm xã hội và liên đới.

Cũng sự hiểu biết thiêng liêng và luân lý về tiến trình hình thành công ích được phong phú hóa bằng việc tái giải thích các trực giác của Populorum progressio được Đức Bênêđíctô XVI đề nghị trong thông điệp Caritas in veritate (năm 2009). Trong thông điệp này vốn đương đầu với thách đố của việc toàn cầu hóa, Đức Giáo hoàng tái khẳng định đặc tính trung tâm về sự năng động của công ích, trình bày nó như là một « tiêu chí định hướng cho hành động luân lý » (số 6). Mục đích công ích mang tính chất triển khai cụ thể và hoạt động của bác ái. Đức Giáo hoàng đã từng nhấn mạnh về mối liên hệ thân mật này trong thông điệp Deus Caritas est (năm 2005) : mục tiêu xã hội cao cả nhất, phù hợp với ơn gọi con người và sự hoàn thiện của nó, hệ tại yêu thương như Thiên Chúa yêu thương ;  do đó, yêu thương là ơn gọi xã hội của cộng đồng nhân loại (CV 7). Yêu thương mở ra một sự năng động trao ban vốn ngang qua một biện chứng không ngừng  giữa « muốn sống » (an ninh) và « muốn rằng người khác sống phù hợp với ơn gọi sống hạnh phúc của họ » (trật tự luật pháp trong công lý). Sự biện chứng thường xung đột này chỉ thấy nguyên tắc giải quyết của nó trong chuyển động vốn gợi hứng và cưu mang nó : hiến dâng mạng sống mình để tha nhân được sống. Bác ái là nguyên tắc điều chỉnh và sắp xếp vốn làm sinh động sự năng động của công ích : phục vụ bác ái là sứ mạng lịch sử của tất cả cộng đồng. Quên hay chối bỏ mục đích này sẽ lấy đi những sức mạnh cần thiết để vượt lên những trở ngại vốn không ngừng nảy sinh trong việc thực thi cụ thể công bằng xã hội, trong đó việc đấu tranh cho sự sống gây căng thẳng cho việc trao ban hỗ tương.

Một viễn ảnh hệ sinh thái : công ích và nền sinh thái toàn diện

Những thách đố hiện đại về sự liên kết giữa công bằng và bác ái được Đức Phanxicô mở rộng cho đến chiều kích vũ trụ. Thông điệp « Laudato si’ » (năm 2015) của ngài có một cái nhìn sâu sắc về các thách đố đang bao vây « ngôi nhà chung của chúng ta » và mở ra những nẻo đường canh tân khái niệm công ích như là nguyên tắc thống nhất của đạo đức xã hội. Điểm nhấn của thông điệp là về đặc tính hệ sinh thái của các mối tương quan tương tùy trong đó bốn mối tương quan cấu trúc của hiện thực được liên kết mật thiết với nhau : với chính mình, với tha nhân, với vũ trụ và với Thiên Chúa. Khi một trong các tương quan này bị hư hỏng, thì toàn bộ bị tác động. Khái niệm « nền sinh thái toàn diện » mà Đức Phanxicô đặt ra quan tâm đến các mối tương tùy lẫn nhau này và nhấn rằng « ngày nay, chúng ta không thể không công nhận rằng một lối tiếp cận sinh thái đích thực luôn được biến thành một lối tiếp cận xã hội, vốn phải sáp nhập công lý vào các cuộc thảo luận về môi trường, để lắng nghe cả tiếng kêu của trái đất lẫn tiếng kêu của người nghèo » (LS, 49). Trên một trái đất bị khai thác quá mức và bị tàn phá, việc tìm kiếm một trật tự pháp lý công bằng hơn so với trật tự cũ đòi phải phải lắng nghe cách chăm chú cả tiếng kêu của trái đất lẫn của người nghèo đang khó nhọc sống sót ở đó. Trong những căng thẳng và bất bình đẳng xã hội này, « nguyên tắc công ích lập tức trở thành, như là hệ quả hợp lý và tất yếu, một lời kêu gọi đến tình liên đới và một chọn lựa ưu tiên cho người nghèo […] Chỉ cần nhìn vào thực tế cũng đủ hiểu rằng chọn lựa này ngày nay là một đòi hỏi đạo đức cơ bản để thực hiện công ích cách hữu hiệu » (LS, 158). Công ích phải được đạt tới như một hình dung xã hội mới này là một chọn lựa cho một « lối sống » tiết độ và có trách nhiệm trong đó « ít hơn thì hơn » (LS, 222), một cái nhìn hiếu khách về thế giới để học biết vui hưởng những điều đơn giản nhất một cách khiêm tốn. Các thế hệ tương lai hoàn toàn đi vào mối quan tâm này, khơi dậy một trách nhiệm sâu xa để chuyển lại một thế giới có thể sống được cho mọi người. Việc canh tân đích nhắm về một công ích liên thế hệ thuộc về vấn đề công lý cơ bản, trong đó quan điểm về người mong manh nhất là hàng đầu. Sự năng động mới mẻ này ngang qua một sự đồng thuận với việc điều chỉnh những lối sống không thể chịu nỗi của chúng ta và đòi hỏi một sự hoán cải não trạng thực sự (chủ nghĩa cá nhân và thói ích kỷ) và những mô hình khoa học công nghệ đang xâm chiếm trí tưởng tượng của chúng ta (não trạng toàn năng và chủ nghĩa duy lợi). Đích nhắm công ích « toàn diện » nối kết thiên nhiên và văn hóa có thể là « sự thể hiện cứu độ » (9) này mà các truyền thống tôn giáo và đặc biệt là Kitô giáo, có thể mang lại cho cuộc thảo luận chung để giúp đạt tới một hình dung xã hội, chính trị và kinh tế mới, ưu tư về « tiếng kêu của trái đất và người nghèo » trong sự tôn trọng sự đa dạng của các lối tiếp cận văn hóa.

Một viễn ảnh thần học

Kết thúc hành trình xuyên qua các bản văn quan trọng của giáo huấn xã hội Công giáo, chúng ta nhận thấy rõ hơn làm  thế nào khái niệm công ích đã được khai triển theo từng thời kỳ và từng người biên soạn. Thế nhưng xuất hiện một hằng số : nền tảng trong một nền nhân chủng học về hữu thể tương quan, trái ngược với một cái nhìn giảm thiểu về cá nhân mà chỉ được hiểu như là tự do tách rời khỏi mọi mối liên hệ xã hội. Sự hiểu biết có tính tương quan này về cuộc sống con người, về sự thống nhất của gia đình nhân loại và về sự mở ra của nó cho thiện ích là dứt khoát có tính cứu cánh luận. Theo lời của Đức Bênêđíctô XVI, nó đòi hỏi làm việc « không ngừng để tạo thuận lợi cho một định hướng văn hóa nhân vị thuyết và cộng đồng về tiến trình hội nhập hành tinh vốn được mở ra cho siêu việt » (CV, 42). Vì con người chỉ có thể khai triển ơn gọi theo hình ảnh Thiên Chúa của mình trong một mạng lưới tương tùy môi trường và xã hội mà, để giữ nó khỏi bạo lực và cái chết, phải quan tâm sâu xa hơn đến nhu cầu sống và an ninh của mình, bằng cách định hướng các lực lượng xã hội đến một trật tự pháp lý dựa trên công lý. Viễn ảnh rất cụ thể : đó là nối kết những mối tương tùy qua các thể chế và luật pháp. Nhưng rõ ràng nó cũng siêu việt : công ích chỉ có thể đạt được cách trọn vẹn hết sức có thể nếu các cơ cấu xã hội và văn hóa để cho mình được cảm hứng, dù họ không hay, bởi sự năng động này của bác ái, được biểu lộ như là nguyên lý vận hành vượt qua thói ích kỷ cá nhân và tập thể. Ở gốc rễ, có một nhận thức thần học về trật tự xã hội, tức là một tổ chức về trật tự xã hội từ những mục đích chung được xác định xuyên qua sự đối thoại giữa đức tin và lý trí. Ở đây, chúng ta đang đối lập trực diện với cái nhìn duy lợi chủ nghĩa và tương đối chủ nghĩa được khai triển bởi sự toàn cầu hóa tân tự do, mà thiết lập những tính toán lợi ích cho các tác nhân trên các thị trường như là những phương thức điều chỉnh duy nhất và chối bỏ sự cần thiết của các mục đích tập thể vì không có thỏa thuận nào theo nghĩa này có thể được thực hiện. Đề xuất một mục đích chung xem ra hoàn toàn phản văn hóa và không được tin tưởng lắm. Thế nhưng, nó phù hợp với nhiều khát vọng hiện nay về việc nối kết rộng rãi giữa thiên nhiên và văn hóa.

Đúng là khái niệm công ích được trình bày và làm cho tinh tế như thế trong suốt các bản văn của Giáo hội không thể giảm thiểu cách dễ dàng. Không thể đưa ra một lối trình bày tĩnh bởi vì, về bản chất, nó là một tiến trình hình thành, một sự đạt tới không bao giờ chung cục và luôn diễn ra, của một tình trạng ý thức giữa lòng văn hóa. Nó định hướng các lực lượng đối kháng đến chỗ quan tâm đến phần của người khác trong cái nhìn của mình. Nhưng sức mạnh sáng tạo của cuộc sống đang tác động đến các lực đối kháng trên thực tế có thể đạt tới như trật tự pháp lý công bằng nhất và để bản thân được thúc đẩy bởi sự năng động của bác ái. Tiến trình chậm rãi của công ích là một công việc không ngừng của bác ái làm phong phú cho cuộc sống, từ người gần gũi nhất – và từ người mong manh nhất – đến các mối tương quan hệ sinh thái rộng lớn hơn, cho đến sự sống của các thể chế quốc tế. Sự năng động này của bái ái và của sự mở ra cho siêu việt, vốn là công trình của Chúa Thánh Thần, nằm ở trung tâm của lời phát biểu của Giáo hội. Giáo hội không thể không loan báo những gì làm nên mình. Qua diễn từ của mình, Giáo hội có thể được nhận thấy như là không tưởng khi những thói ích kỷ và bạo lực đủ mọi mặt không ngừng thắng thế. Nhưng, khi không biết đến hay giảm thiểu đòi hỏi thần học này, người ta đã hiểu sai nền tảng của lời phát biểu này vốn là lời tuyên xưng đức tin, hành vi trung tín và hy vọng vào một Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ, Đấng đã nói tất cả với chúng ta trong Con của Ngài.

——————-

1. Saint Thomas, Somme Théologique, Cerf, 1984.

2. Tiêu chí công bằng phân phối là « tùy theo công trạng/điều kiện của mỗi người». Như thế, các công dân phải mang lại phần của mình cho khối tài sản chung và Nhà nước phải làm sao để mỗi người nhận một phần thích hợp các tài sản mà mỗi người đã mang lại cho xã hội.

3. Đối với Đức Piô XI, sự cộng tác của mọi người vì công ích chỉ có thể đạt được nếu mỗi người xác tín là chi thể của cùng một thân thể, để sự đau khổ của người này là sự đau khổ của mọi người. Sự loại suy nền tảng này của niềm tin vào Chúa Kitô nhấn mạnh sức mạnh của sự hiệp nhất được nhắm đến trong bác ái như là mục đích thích đáng của sự hình thành công ích. 

4. Thông điệp « Pacem in terris », năm 1963, sẽ làm rõ tầm ảnh hưởng thực tiễn của định nghĩa trước, bằng cách dành cho khái niệm công ích một sự khai triển dài : PT, 53-59.

5. Thiên Chúa đã ghi khắc chúng nơi bản tính con người được thực hiện và cứu độ trong Chúa Kitô nhờ ân sủng. Phẩm giá vô tận của nhân vị tìm thấy ở đó nguồn mạch và ơn gọi tối hậu của nó, tức là nơi Thiên Chúa. Và ơn gọi này được hình thành qua việc xây dựng dần dần một trật tự pháp lý hài hòa với trật tự luân lý và đáp ứng cho sự trưởng thành của cộng đồng chính trị (PT 70).

6. Chương thứ hai của phần thứ nhất của « Gaudium et spes » có tựa đề « Cộng đồng nhân loại ».

7. GS 26 khai triển sự năng động này trong phần mở rộng phổ quát của nó bằng cách lấy lại các thuật ngữ của thông điệp « Mater et magistra », số 64, và đồng thời nhấn mạnh đến toàn bộ các điều kiện xã hội vốn phải được phát triển không ngừng vì thiện ích của các nhân vị.

8. PP 14 : «  Sự phát triển không được giảm thiểu thành chỉ tăng trưởng kinh tế mà thôi. Để đích thực, nó phải toàn diện, tức là thăng tiến mọi người và toàn diện con người».

9. Habermas Jürgen, « Pluralisme et morale », in Esprit, n° 306, juillet 2004, actes du débat entre Jürgen Habermas et Joseph Ratzinger le 19 janvier 2004 à Munich, p. 6-18. 

———–

Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ.

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31