CUỐN SÁCH CỦA DOROTHY DAY « TÔI ĐÃ TÌM THẤY THIÊN CHÚA QUA NGƯỜI NGHÈO CỦA NGƯỜI » ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ VIẾT LỜI TỰA

Written by xbvn on Tháng Tám 20th, 2023. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Đức Phanxicô mở đầu cuốn tự truyện của Dorothy DayTôi đã tìm thấy Thiên Chúa qua người nghèo của Người. Từ chủ nghĩa vô thần đến đức tin: hành trình nội tâm của tôi” (Nhà xuất bản Vatican). Dorothy Day (1897-1980), người khởi xướng phong trào Công nhân Công giáo, là một nhà báo, nhà văn, người hoạt động vì hòa bình và nữ chiến sĩ người Mỹ, được biết đến với sự dấn thân cho người nghèo, chống lại sự vũ trang và hoạt động vì công bằng xã hội. Cuốn sách sẽ có mặt trong các hiệu sách từ thứ Ba, 22/8/2023.

Cuộc đời của Dorothy Day, như bà kể lại cho chúng ta trong những trang này, là một trong những bằng chứng khả dĩ về điều mà Đức Bênêđictô XVI đã mạnh mẽ ủng hộ và điều mà bản thân tôi đã nhiều lần nhắc lại: “Giáo hội phát triển nhờ thu hút, chứ không phải nhờ chiêu dụ tín đồ”. Cách Dorothy Day kể lại việc bà đến với đức tin Kitô giáo chứng minh rằng không phải nỗ lực hay mưu mẹo của con người đưa con người đến gần Thiên Chúa, mà đúng hơn là ân sủng đến từ đức ái, là vẻ đẹp bắt nguồn từ chứng tá, là tình yêu được cụ thể hóa trong các việc làm.

Toàn bộ câu chuyện về Dorothy Day, người phụ nữ Mỹ này đã dấn thân cả đời cho công bằng xã hội và quyền lợi của con người, đặc biệt là những người nghèo, những người lao động bị bóc lột, những người bị gạt ra bên lề xã hội, được tuyên bố là Tôi Tớ Chúa vào năm 2000, là một bằng chứng về điều mà thánh Giacôbê tông đồ đã khẳng định trong Thư của mình: “Hãy cho tôi thấy đức tin không có việc làm của bạn, và tôi sẽ cho bạn thấy đức tin của tôi bằng việc làm của tôi” (2,18).

Tôi muốn nhấn mạnh ba yếu tố nổi bật từ các trang tự truyện của Dorothy Day như là những bài học quý giá cho tất cả mọi người trong thời đại chúng ta: sự bồn chồn, Giáo hội và sự phục vụ.

Dorothy là một phụ nữ hay bồn chồn: khi trải qua hành trình theo Kitô giáo, bà còn trẻ, chưa đến ba mươi tuổi, bà đã từ bỏ việc thực hành tôn giáo từ lâu, điều mà đối với bà dường như là một thứ “bệnh hoạn”, như người anh trai của bà, người mà bà dành tặng cuốn sách này, nhấn mạnh. Ngược lại, khi tiến bộ trong cuộc tìm kiếm tâm linh của chính mình, để lấy lại một định nghĩa nổi tiếng từ nhà thần học Dietrich Bonhoeffer của Tin Lành Luther, bà đi đến chỗ xem đức tin và Thiên Chúa không phải là một “phương thuốc tạm thời”(palliatif), mà là những gì đức tin và Thiên Chúa thực sự phải là, tức là, sự viên mãn của cuộc sống và mục tiêu mưu cầu hạnh phúc của chính mình. Dorothy Day viết: “Phần lớn thời gian, những tia sáng của Thiên Chúa xuất hiện khi tôi ở một mình. Những kẻ gièm pha tôi không thể nói rằng chính nỗi sợ hãi cô đơn và đau đớn đã khiến tôi hướng về Người. Chính trong vài năm cô tịch và vui tươi đó, tôi đã tìm thấy Người. Cuối cùng tôi đã tìm thấy Người trong niềm vui và sự tạ ơn, chứ không phải đau đớn”.

Ở đây, Dorothy Day dạy chúng ta rằng Thiên Chúa không phải đơn giản là một công cụ an ủi hay ghét bỏ con người trong những ngày cay đắng của họ, nhưng Người đáp ứng dồi dào ước muốn của chúng ta về niềm vui và sự triển nở. Chúa khao khát những trái tim bồn chồn, chứ không phải những tâm hồn trưởng giả hài lòng với những gì hiện có. Và Thiên Chúa không lấy đi thứ gì của người nam và người nữ ở mọi lứa tuổi, Người chỉ ban cho gấp trăm lần! Chúa Giêsu không đến để tuyên bố rằng lòng nhân lành của Thiên Chúa là thứ thay thế cho con người, trái lại, Người đã ban cho chúng ta ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa, ngọn lửa làm hoàn thành tất cả những gì đẹp đẽ, chân thật và công chính ngự trị trong tâm hồn mỗi người. Việc đọc những trang này của Dorothy Day và theo dõi cuộc hành trình tôn giáo của bà trở thành một cuộc phiêu lưu tốt cho tâm hồn và có thể dạy chúng ta rất nhiều điều để giữ cho hình ảnh đích thực của Thiên Chúa luôn sống động trong chúng ta.

Thứ hai, Dorothy Day đã dành những lời tốt đẹp cho Giáo hội Công giáo, mà đối với bà, xuất thân và thuộc về thế giới dấn thân xã hội và nghiệp đoàn, lại dường như thường đứng về phía những người giàu có và địa chủ, thường không nhạy cảm với những đòi hỏi của công bằng xã hội thực sự và bình đẳng cụ thể mà – bà nhắc nhớ – rất nhiều trang của Cựu Ước phong phú về điều đó. Khi sự gắn bó của bà với các chân lý đức tin ngày càng tăng, bà càng coi trọng bản chất thần linh của Giáo hội Công giáo. Không phải với cái nhìn của chủ nghĩa duy tín không phê phán, hầu như là sự bảo vệ mặc nhiên cho “ngôi nhà” thiêng liêng mới của mình, nhưng với một thái độ trung thực và sáng suốt, biết cách phân định trong chính đời sống của Giáo hội một yếu tố liên kết chặt chẽ với mầu nhiệm, bên kia những vấp ngã nhiều lần và lặp đi lặp lại của các chi của nó.

Dorothy Day ghi nhận: “Chính những cuộc tấn công nhằm vào Giáo hội đã chứng minh cho tôi thấy tính thần linh của Giáo hội. Chỉ có một thể chế thần linh mới có thể sống sót sau sự phản bội của Giuđa, sự chối bỏ của Phêrô, tội lỗi của những người đã tuyên xưng đức tin vào Người và lẽ ra phải quan tâm đến người nghèo của Người”. Và, trong một đoạn khác của văn bản, bà tuyên bố: “Tôi luôn nghĩ rằng sự yếu đuối của con người, tội lỗi và sự thiếu hiểu biết của những người giữ chức vụ cao trong suốt lịch sử đã chỉ chứng tỏ rằng Giáo hội phải là thần linh để tồn tại qua các thời đại. Tôi sẽ không đổ lỗi cho Giáo hội về những gì tôi nghĩ là những lỗi lầm của các giáo sĩ”.

Thật vui mừng biết bao khi nghe những lời như thế từ một chứng tá vĩ đại về đức tin, đức mến và đức cậy trong thế kỷ 20, một thế kỷ mà Giáo hội là đối tượng của sự chỉ trích, ác cảm và ruồng bỏ! Dorothy Day, một người phụ nữ tự do, có khả năng không che giấu điều mà bà không ngại gọi là “những lỗi lầm của các giáo sĩ“, nhưng thừa nhận rằng Giáo hội có việc trực tiếp với Thiên Chúa, bởi vì đó là Giáo hội của Người, chứ không phải của chúng ta, chính Người đã muốn Giáo hội, chứ không phải chúng ta, đó là công cụ của Người, chứ không phải là điều gì đó mà chúng ta có thể sử dụng. Đó là ơn gọi và căn tính của Giáo hội: một thực tại thần linh, chứ không phải nhân loại, dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa và qua đó Thiên Chúa có thể đến với chúng ta.

Cuối cùng, sự phục vụ. Dorothy Day đã phục vụ người khác trong suốt cuộc đời của bà. Ngay cả trước khi là một tín hữu trọn vẹn. Và sự sẵn sàng ứng trực này, thông qua công việc của bà với tư cách là một nhà báo và nhà hoạt động, đã trở thành một loại “xa lộ” qua đó Thiên Chúa đã chạm đến trái tim của bà. Và chính bà đã nhắc nhở độc giả rằng đấu tranh cho công lý là một trong những phương thế mà, dù không biết, mỗi người vẫn có thể thực hiện được ước mơ của Chúa về một nhân loại được hòa giải, trong đó hương thơm của tình yêu lấn át được mùi làm nôn mửa của tính ích kỷ. Những lời của Dorothy Day rất soi sáng về vấn đề này: “Tình yêu con người ở mức tốt nhất, vô vị lợi, rạng rỡ, soi sáng thời đại của chúng ta, mang lại cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về tình yêu của Chúa dành cho con người. Tình yêu là điều tuyệt vời nhất mà chúng ta được biết trong cuộc đời này”. Điều đó dạy cho chúng ta một điều thực sự bổ ích ngay cả ngày nay: những người tin và người không tin là đồng minh trong việc thăng tiến phẩm giá của mỗi người khi họ yêu thương và phục vụ những con người bị bỏ rơi nhất.

Khi Dorothy Day viết rằng khẩu hiệu của các phong trào xã hội dành cho người lao động vào thời của bà là “vấn đề của một người, là vấn đề của mọi người”, bà làm tôi nhớ đến một câu nói nổi tiếng mà Cha Lorenzo Milani, linh mục ở Barbiana, người mà chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh năm nay, đã khiến nhân vật chính của Thư gửi cho một giáo sư phải thốt lên: “Tôi đã biết rằng vấn đề của người khác cũng giống vấn đề của tôi. Tất cả cùng nhau thoát khỏi nó, đó là chính trị. Thoát khỏi nó một mình, đó là tham lam.” Do đó, việc phục vụ phải trở thành chính trị: tức là những lựa chọn cụ thể để công lý thắng thế và để phẩm giá của mỗi người được bảo vệ. Dorothy Day, người mà tôi đã muốn nhắc lại trong bài phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ trong chuyến tông du của tôi vào năm 2015, là một động lực và một tấm gương cho chúng ta trong hành trình gian khổ nhưng hấp dẫn này.

Phanxicô

———————–

Tý Linh

(nguồn : Vatican News)

Tags: , , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31