XEM LẠI BẢN TIN CHA JEAN-BAPTISTE ETCHARREN CHIA SẺ CÙNG QUÝ THẦY VỀ “ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC THỪA SAI”

Written by xbvn on Tháng Chín 21st, 2021. Posted in Đại Chủng Viện Huế

Hôm 15/12/2020, vào lúc 5g10 chiều, Cha Giuse Hồ Thứ, Giám đốc Đại Chủng viện Huế, giới thiệu cho quý Thầy về Cha Jean-Baptiste ETCHARREN, nguyên Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris (MEP). Ngài được mời chia sẻ những kinh nghiệm về đời sống và sứ vụ linh mục cho các đại Chủng sinh, hưởng ứng theo tinh thần Thông điệp  Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Mở đầu buổi chia sẻ, Cha Jean-Baptiste ETCHARREN cám ơn Cha Giám đốc đã mời ngài đến với quý Thầy. Nói thành thạo tiếng Việt bằng chất giọng miền Trung  trầm ấm, Cha cùng với các chủng sinh hồi tưởng lại những kí ức không thể nào quên trong những năm tháng mục vụ của mình trên mảnh đất của Tổng Giáo Phận Huế đầy thân thương. Nhà Thừa sai rời khỏi Pháp quốc từ khi còn rất trẻ (26 tuổi), đến Việt Nam trong tâm trạng còn nhiều phân vân. Ngài  được Đức Cha sai đến La Vang vào tháng 5, năm 1959. Ấn tượng sâu đậm đầu tiên của Cha trên mảnh đất truyền giáo mà Cha được sai đến chính là tình huynh đệ đầy thương mến của các anh em linh mục người Việt dành cho ngài. Các vị đã ân cần đón tiếp Cha một cách niềm nở và chân thành. Nhờ đó, Cha không còn cảm thấy mình là người xa lạ nữa, nhưng ngược lại ngài cảm thấy mình trở nên như  “người nhà” trong cộng đoàn mới mẻ này. Tình huynh đệ ấy, theo Cha, là một nguồn động viên rất lớn giúp Cha có thêm động lực để sống và làm việc tại xứ truyền giáo Việt Nam.

Qua những câu chuyện được kể lại trên hành trình thực thi sứ mạng, ngài truyền lại cho các Chủng sinh ngọn lửa truyền giáo nhiệt thành và đầy đam mê của mình. Mảnh hồi ức đáng nhớ nhất là câu chuyện về những lương dân và Phật tử mà ngài từng gặp gỡ. Cha nguyên Bề trên Hội Thừa Sai Paris bồi hồi nhớ lại những năm đầu của thập niên 60 khi  được cử đến Mai Xá. Mỗi buổi chiều Cha thường có thói quen đi bộ đến thăm các làng chài đánh cá ven biển. Có lần ngài vào ngôi nhà của một Phật tử, trong ánh sáng mờ nhạt yếu ớt của chiếc đèn dầu, người chủ nhà có tuổi từ tốn nhìn Cha một cách chăm chú và thốt lên: “ Cha trẻ quá”, và dường như không để Cha mất thời gian, ông nói thẳng với ngài rằng mình là một người theo Phật giáo, vả lại, còn là người chịu trách nhiệm trong đạo nên xin ngài đừng nói đến chuyện tôn giáo với ông. Bằng đức ái của một mục tử, vị thừa sai một mặt tôn trọng ý muốn của ông, nhưng đàng khác vẫn lặng lẽ thăm hỏi, giúp đỡ và đồng hành cùng với gia đình họ. Và kế hoạch của Thiên Chúa thật diệu kỳ, người Phật tử cao niên đã xin gia nhập đạo Chúa nhờ những tháng ngày tìm hiểu và cảm nhận vẻ đẹp của Đấng là Chân, Thiện, Mỹ nơi con người cha Etcharren. Trước sự kiện này, Cha dường như không dám tin rằng chuyện này có thể xảy ra.

Vào một dịp khác, Cha gặp hai người lương dân, một già và một trẻ, đang đan một cánh cửa bằng những thanh tre mỏng. Thấy Cha tiến lại từ đàng xa, cụ già, đang đan tre nửa chừng, vội ngừng công việc, chạy đến trước Cha vái ba lạy. Cha ngạc nhiên, nâng cánh tay ông lên, ý chừng không dám nhận đại lễ này của ông. Một cách tự nhiên, ông niềm nở tiếp chuyện Cha. Ông chỉ vào đống tre và nói : “Tre thì có đủ loại tre vàng, tre xanh… Con người cũng thế: da trắng, da vàng, da đen… nhưng tất là đều là anh em với nhau (tứ hải giai huynh đệ), đều sống dưới sự bảo bọc của một Ông Trời”. Cha nói với các Chủng sinh rằng đây chính là kinh nghiệm về truyền giáo đầu tiên của Cha.

Kinh nghiệm tiếp theo trong đời truyền giáo của ngài là những ký ức  đau thương nhưng nhiều giá trị. Năm 1966, Cha được đặt làm chính xứ Đông Hà. Lo lắng vì mình không có kinh nghiệm làm Cha Sở. Ngài nài xin Đức Cha cho ngài chỉ ở chức vụ phó xứ. Nhưng Đức Cha từ chối. Ấy vậy mà Chúa Quan Phòng không hề bỏ rơi ngài. Nhờ có sự giúp đỡ của cha phó Hoan, một vị linh mục có tài giáo dục và mục vụ xã hội, Cả hai Cha phối hợp làm việc và hợp tác với nhau một cách ăn ý, khiến cho đời sống của giáo xứ ngày một tiến triển hơn. Niềm vui gặt hái những thành quả đầu tiên chưa kéo dài được bao lâu thì ngài đã phải liên tiếp đón nhận những thử thách thật lớn lao. Trong biến cố Tết Mậu Thân, chiến tranh đã cướp đi những người bạn đồng tu của ngài, các vị thừa sai lần lượt bị bắn chết. Đối với Cha, đó là một cú sốc lớn khó chịu đựng nổi. Cha nhớ lắm những gương mặt của các bạn mình. Những người mà cách vài năm về trước, cùng Ngài đến Việt Nam, cùng chung một lý tưởng là trở thành những chiến sĩ của Đức Kitô. Khi dâng thánh lễ cầu hồn cho các bạn mình, tim Cha lại phải quặn đau thêm một lần nữa vì trong lúc dâng lễ, chưa đến phần truyền phép, thì đột nhiên pháo kích ập đến, bom dội liên tiếp gần nhà thờ, làm thiệt mạng hai người giáo dân trong nhà xứ và khiến hai người khác bị thương nặng, trong đó có một bé gái tên Phương, bị mất cả đôi chân, tàn tật suốt đời.

Trải nghiệm cuối cùng mà cha chia sẻ với các Chủng sinh, chính là khi giúp giáo dân di tản vào Nam. Tại nơi tạm trú ở Đà Nẵng, Cha cảm nhận sâu xa vai trò của một mục tử chăm sóc đàn chiên. Cha ngắm nhìn đàn chiên được giao phó cho mình. Những con người khổ cực này, mặc cho khuôn mặt phờ phạc với những nếp nhăn hằn sâu trên trán bởi lo âu và sợ hãi, nhưng  họ vẫn biết nương tựa, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau, không phân biệt giáo lương hay giai cấp xã hội. Họ cùng chung chia nỗi khốn khó trong nơi ở chật chội, thiếu thốn mọi bề, thậm chí không có chỗ vệ sinh. Cha nghiễm nhiên trở thành vị cha chung của họ. Cha nhớ mãi câu mà các các giáo dân nói với mình: “Cha đi đâu, chúng con đi theo đó”.

Cuối buổi chia sẻ, quý thầy đặt câu hỏi:  “Có phải Cha đến Việt Nam một cách tự nguyện? Cha có cảm nhận thế nào khi đến xứ sở truyền giáo này?”. Cha trả lời một cách hóm hỉnh rằng Cha không lựa chọn được, Bề Trên sai đi đâu thì đi đó. Cha nói thật lòng, ban đầu Cha hơi ngại đi Việt Nam vì trong ký ức của mọi người, Pháp đã thực hiện chính sách đô hộ Việt Nam biết bao năm trời. Cha tự hỏi rằng không biết các vị linh mục Việt Nam có thích một ông cha Tây hay không. Ở nơi Cha, có một chút mặc cảm và đắn đo. Nhưng rồi mọi chuyện được giải tỏa hoàn toàn khi ngài gặp gỡ các cha Việt Nam, cảm nhận tình huynh đệ như đã nói ở trên. Trong vài phút cuối cùng, Cha nguyên Bề Trên Hội Thừa Sai Paris nhắn nhủ với các đại Chủng sinh rằng: Đừng ham làm việc quá, làm nhiều đến độ quên rằng Chúa sai mình đi. Đồng ý rằng, chúng ta phải làm việc của Chúa, phải mang tình thương của Chúa đến cho mọi người, nhưng phải luôn nhớ Chúa luôn đi trước chúng ta, đi cùng và hằng bên cạnh chúng ta. Làm sao để nhìn biết việc Chúa làm nơi lương dân và người ngoại đạo. Đó là hãy bắt đầu nhìn vào sự tốt lành mà Chúa đã đặt để ngay từ ban đầu nơi tâm hồn họ. Nơi đó ta có thể khám phá ra tình huynh đệ, tình liên đới giữa con người với con người, lòng yêu thương con cái, sự hiếu khách, sẵn sàng chia cơm sẻ áo cho bất cứ ai gặp bất hạnh… Tất cả đều là việc Chúa làm. Phải thật cẩn thận vì nếu ta không thấy việc Chúa làm, thì chúng ta sẽ có nguy cơ đi lạc hướng.

Chúng con xin tạ ơn Chúa và chân thành cám ơn Cha vì đã cho chúng con một buổi chia sẻ đầy thú vị và bổ ích này.

BTT ĐCV HUẾ

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30