ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: ĐỨC CHA JOSEPH DORÉ THUYẾT TRÌNH VỀ ĐỀ TÀI “LÒNG THƯƠNG XÓT”

Written by xbvn on Tháng Một 11th, 2016. Posted in Đại Chủng Viện Huế

            Vào lúc 17h10 chiều ngày 08.01.2016, Đức cha Joseph Doré, PSS, nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Strasbourg, đã có buổi thuyết trình về đề tài “Thế nào là tình yêu” với các chủng sinh ĐCV Huế.

            Đức Cha cho rằng chúng ta đang sống trong Năm Thánh Lòng Thương Xót và ngài muốn khai triển đề tài về Lòng Thương Xót bằng cách trình bày “Thế nào là yêu thương?”. Bài thuyết trình của ngài gồm ba phần: thứ nhất, ngài đề cập đến tình yêu nhân loại; thứ hai, ngài nói về việc con người thực hiện tình yêu như thế nào và đồng thời đào sâu về sự phong phú của tình yêu nhân loại; cuối cùng, ngài trình bày tính loại biệt trong tình yêu của người Kitô hữu, tình yêu này được gọi là đức ái hay có một tên gọi khác là lòng thương xót.

  1. Tinh yêu nhân loại – thế nào là yêu?

            Khi đề cập đến tình yêu, mọi người có thể cảm nhận được tình yêu rất dễ dàng. Không những mọi người biết thế nào là yêu thương mà còn biết giá trị khi được yêu thương. Hiện hữu là được yêu mến và yêu mến tha nhân. Chúng ta có thể nhìn vào những người cao tuổi và trẻ em. Trẻ em lẫn người cao niên sống nhờ yêu thương. Không thể nói đến hiện hữu nếu không nói đến tình yêu. Vậy, hiện hữu là học biết yêu thương và mọi người tìm cách để yêu thương.

            Đức Cha đặt vấn đề: tình yêu diễn ra theo cách nào? Trước một tình yêu, chúng ta có khuynh hướng lưỡng lự hoặc muốn sở hữu người khác bằng tình yêu. Như thế, có thể nói đến một nghịch lý trong tình yêu, đó là nỗi sợ hãi. Nếu vượt qua được nỗi sợ hãi, chúng ta sẽ đi đến cùng của tình yêu. Hành trình đó là hành trình đi đến với tha nhân. Tình yêu là hiển nhiên đối với mọi người. Tuy nhiên, tình yêu vẫn bị đe dọa, dễ vỡ, tạm thời, chóng qua và lưỡng lự. Như vậy, để có thể thoát ra khỏi nghịch lý này, chúng ta cần phải đóng vai trò của người khác, tình yêu phải được sống trong cuộc hiện hữu của chính chúng ta qua tha nhân. Sống chính là đảm nhận tình yêu.

  1. Con người thực hiện tình yêu

            Kinh nghiệm cơ bản trong tình yêu là một cú sốc hay một tiếng sét ái tình. Một người nam hay một người nữ, một chàng trai hay một cô gái, khi họ gặp nhau, họ có thể yêu nhau. Vậy, điều gì xảy ra trong tình yêu giữa một người nam và một người nữ hay một cách phổ quát hơn là giữa người với người?

JDoré2

Có ba đặc tính trong những cuộc gặp gỡ trong tình yêu. Thứ nhất, đó là một kinh nghiệm không ngờ, căn bản và nhưng không. Kinh nghiệm này làm cho chúng ta nhận biết lẫn nhau. Thứ hai, chúng ta cảm thấy điều gì đó rất tốt đẹp và có thể kéo dài. Thứ ba, người ta cảm thấy bị đe dọa, có thể dừng lại và cảm nhận sâu sắc hơn sự mong manh của tình yêu. Đó chính là kinh nghiệm trong tương quan tình yêu giữa người với người. Dù tình yêu mong manh nhưng mọi người vẫn cảm thấy cần có tha nhân. Không có tha nhân chúng ta khó có thể sống được. Nơi mỗi người, một cách nào đó, đã có khuôn mặt của tha nhân rồi. Từ đó, chúng ta sẽ tìm hiểu làm thế nào để đặt mình trong vị trí của tha nhân:

Thứ nhất, đó là sự khoan dung. Có thể chúng ta không đồng ý với một người nào đó nhưng chúng ta không chống lại người đó. Chúng ta tôn trọng quyền hiện hữu của người đó. Lòng khoan dung dẫn đưa chúng ta đi rất xa và thiết lập được một tương quan với người khác.

Thứ hai, đó là đáp ứng nhu cầu của người khác, cùng chung tay với người đó chống lại sự bất hạnh mà người đó đang chịu đựng.

Bước thức ba là sự dấn thân nhân đạo. Khi dấn thân như vậy, chúng ta sẽ đến với sự liên đới. Chúng ta thấy người đó như anh em. Chúng ta dấn thân cùng nhau, làm việc cùng nhau trên bình diện quốc gia và quốc tế. Tất cả những điều đó xuất phát từ tình yêu đích thực. Mỗi người phải từ bỏ chính mình vì người khác. Chính tại điểm này, chúng ta mới có thể đặt câu hỏi về tình yêu. Tình yêu có hay không ? Đâu là tình yêu Kitô giáo ?

  1. Tính loại biệt trong tình yêu Kitô giáo

            Tình yêu Kitô giáo hệ tại ở việc con người được chính Thiên Chúa yêu thương. Điều đó được thể hiện nơi con người Đức Giêsu Kitô.

JDoré3

            Điều cần ghi nhận ở đây là một nỗ lực yêu và được yêu khi nói về Thiên Chúa. Nhưng, chúng ta được yêu trước. Điều đầu tiên cần khám phá là mình được yêu. Chúng ta được yêu bởi ân sủng đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tình yêu của ngài tạo ra chúng ta. Không phải con người có đó rồi Ngài mới yêu thương, nhưng Ngài yêu thương tạo dựng con người từ hư vô. Nếu Thiên Chúa tạo ra chúng ta bằng tình yêu thì không thể xảy ra là một lúc nào đó Ngài sẽ bỏ rơi chúng ta. Tình yêu ở nơi Ngài là tình yêu toàn hảo và chúng ta được chìm đắm trong tình yêu đó. Từ tình yêu đó, Ngài có khả năng tha thứ và cứu vớt. Nếu điều đó là đúng, ta có thể nói rằng tình yêu là điều gì đó cần thiết cho cuộc sống. Sống là đáp trả lại tình yêu. Chính mạc khải đã cho chúng ta thấy điều đó qua Cựu Ước và Tân Ước. Sự thay đổi lớn lao trong Tân Ước là không chỉ tình yêu tạo ra chúng ta, nhưng Tình Yêu xuất hiện bằng xương bằng thịt nơi một Con Người. Tình yêu không phải là điều gì đó để chúng ta mở ra nhưng tình yêu là chính thực tại mà chúng ta hiện hữu bởi chính Đức Giêsu Kitô. Tình yêu đó không bao giờ rời xa chúng ta. Thiên Chúa yêu thương ta qua Đức Giêsu Kitô và sâu xa hơn hết là trong cuộc sống của Đức Giêsu Kitô.

            Đức Giêsu đã quy tụ nơi Ngài các môn đệ, bào hàm cả các phụ nữ…Các em nhỏ bị bỏ rơi được Ngài đặt ở trung tâm. Đối với các bệnh nhân, Ngài làm phép lạ để cứu chữa họ. Ngài cũng dùng bữa với người tội lỗi. Ngài tuyên bố rằng Ngài đến để làm viên mãn điều Chúa Cha mong ước. Từ đó, có một sự thay đổi rất lớn khi nhìn vào con người Đức Giêsu Kitô. Vì biết mình sắp đi xa nên Đức Giêsu đã mạc khải một chân lý rất quan trọng trong Tin Mừng Gioan: Thiên Chúa không chỉ là Đấng toàn năng trong toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu nhưng quan trọng hơn Thiên Chúa là Đấng đến sống ở giữa chúng ta. Khi chúng ta hiểu điều này, chúng ta khám phá ra điều gì đó thực sự lớn lao. Đây chính là điểm khác biệt và cũng là chóp đỉnh của tình yêu. Chỉ từ tình yêu muốn ở cùng người mình yêu mới phát xuất ra lòng thương xót. Lòng thương xót phát xuất từ nguồn sung mãn của tình yêu Thiên Chúa.

            Đoạn văn sau đây trong thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ như lời mời gọi mọi người sống Năm Thánh Lòng Thương Xót này : « Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này : Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt tại ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. » (1Ga 4, 7-10).

            Đức Cha kết thúc bài chia sẻ và cùng với anh em chủng sinh nguyện kinh Truyền Tin chiều để cùng Mẹ Maria dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Sau đó, Đức Cha cùng dùng cơm tối chung với gia đình Chủng Viện.

  BTT ĐCV Huế

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30