ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: GIÁO SƯ FRANÇOISE NIESSEN THUYẾT TRÌNH ĐỀ TÀI “ĐẠO ĐỨC SINH HỌC VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO THEO NHÃN QUAN LỊCH SỬ”

Written by xbvn on Tháng Mười 31st, 2016. Posted in Đại Chủng Viện Huế, Đạo đức sinh học

Vào lúc 14h ngày 21/10/2016, tại nhà hội của Đại Chủng Viện Huế, nữ giáo sư Françoise Niessen đã có buổi thuyết trình về đề tài “Đạo đức sinh học và Giáo hội Công giáo theo nhãn quan lịch sử” dành cho quý Thầy của bốn lớp Thần học thuộc niên khóa 2016 – 2017. Giáo sư Niessen hiện đang giảng dạy về Đạo đức sinh học tại Đại Chủng Viện Issy-les-Moulineaux của Hội Xuân Bích Paris, Pháp.

img_1241

Tham dự buổi thuyết trình, có sự hiện diện của Cha Giám Đốc Giuse Hồ Thứ, cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến – giáo sư ngoại trú về môn đạo đức sinh học tại Đại Chủng Viện Huế và cũng là thông dịch viên trong buổi thuyết trình.

Sau lời kinh khai mạc, Cha Giám đốc Giuse đã giới thiệu giáo sư Françoise Niessen cho toàn thể cử tọa và Cha cũng gởi lời cám ơn đến cha Antôn vì đã nhận lời giúp thông dịch buổi thuyết trình.

img_1258

Trong phần dẫn nhập, giáo sư Françoise Niessen đã trình bày về tính thời sự của vấn đề đạo đức sinh học: một mặt là những tiến bộ nhanh chóng trong khoa học và y học; mặt khác là những câu hỏi hiện sinh và luân lý được đặt ra bởi những tiến bộ này.

Từ tính thời sự đó, giáo sư đã xác định hạn từ đạo đức sinh học. “Hạn từ đạo đức sinh học ra đời ở Hoa Kỳ vào năm 1970. Nhưng người ta đã không chờ đến thế kỷ thứ 20 để suy tư về đạo đức y khoa: việc chăm sóc bệnh nhân tự bản chất là một tiến trình đạo đức, và điều đó đã xảy ra từ rất lâu rồi”.

Bài thuyết trình gồm ba phần: Phần thứ nhất đề cập đến những thực hành đạo đức từ khởi thủy cho đến hiện nay; Phần thứ hai giới thiệu về những thực hành đạo đức vào thế kỷ XX với những đóng góp rất đáng kể của Giáo hội Công giáo; Phần cuối trình bày những suy tư về đạo đức sinh học của Huấn Quyền hiện nay.

  1. Phần 1 của bài thuyết trình được dành để nói về lịch sử của những thực hành đạo đức từ khởi thủy cho đến hiện nay. “Dọc dài theo lịch sử của mình, Kitô giáo đã nhấn mạnh đến phẩm giá và sự tôn trọng thân thể của con người. Do đó, con người này có thể bị bệnh, vì thế, người này được đặt trong sự ân cần chăm sóc của người thân”. Nền tảng của việc chăm sóc bệnh nhân là bắt chước những thực hành và lời giảng dạy của Đức Giêsu trong Tin Mừng (x. Cv 10,38; Lc10, Mt 25,40). Chính trên nền tảng Kinh Thánh mà Giáo Hội đã khai triển một suy tư về đạo đức y khoa. Từ đây, giáo sư Françoise trình bày một nhãn quan lịch sử có hai mặt, đó là lúc khởi đầu sự sống và lúc kết thúc sự sống.

Vào lúc khởi đầu sự sống, sách Didachè và các Giáo Phụ luôn giảng dạy về lệnh cấm phá thai dẫu rằng trong Kinh Thánh không có sự kết án mặc nhiên về việc phá thai (x. EV 61). Tuy nhiên, “các bản văn Kinh Thanh biểu tỏ một sự đánh giá rất lớn đối với hữu thể người trong cung lòng của người mẹ vì Thiên Chúa thấy phôi thai này và tác tạo nên nó” (x. Tv 139,13; G 10,9-11; 2 Mcb 7,22-23; Kn 7,1-2). Tuy nhiên, chúng ta xác tín rằng Ngôi Lời đã trở nên người phàm (Ga 1,14) nên đã biết tất cả giai đoạn của sự sống từ một con người nhỏ nhất khởi đi từ giai đoạn phôi. Mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô đã soi tỏ cho cuộc hiện hữu của con người ngay từ khoảnh khắc đầu tiên. Có lẽ vì thế mà đó cũng là một trong những lý do tại sao lệnh cấm phá thai trong Kitô giáo luôn là phổ quát và tuyệt đối. Dẫu vậy, hai vấn đề được đặt ra là khi nào phôi có hình dạng người và vấn đề về sự phú hồn của phôi, nghĩa là khi nào và như thế nào linh hồn đến với phôi. Giáo Hội không đưa ra lập trường về vấn đề này. Huấn thị “Dignitas personae” được công bố vào năm 2008 chỉ khẳng định: “Phôi người ngay từ lúc khởi đầu có phẩm giá riêng của con người” (số 5).

Vào lúc kết thúc sự sống, chính những thần học gia luân lý vào thế kỷ XVI và XVII đã xác định cho tới ngày nay giáo huấn Công giáo về việc tôn trọng sự sống trong việc chăm sóc bệnh nhân. Thần học gia dòng Đaminh người Tây Ban Nha Françisco de Vitoria là người đi tiên phong trong lãnh vực này. Ông đã đưa ra khái niệm điều trị “thích hợp”. Thích hợp không chỉ đơn giản là hữu hiệu nhưng cũng là tương thích với trạng huống của người có liên quan và không áp đặt lên họ một gánh nặng quá mức. Vào cuối thế kỷ XVI và thế kỷ XVII, những thần học gia luân lý Tây Ban Nha dòng Đaminh và Dòng Tên sẽ khai triển những trực giác này và xác định rõ, trong khuôn khổ đó, những phẩm tính bình thường và ngoại thường, đồng nghĩa với điều mà ngày nay chúng ta gọi là điều trị tương xứng và điều trị bất tương xứng.

img_1254

  1. Phần thứ hai được dùng để trình bày về thế kỷ thứ XX.

Sự ra đời của những suy từ về đạo đức y khoa đến từ sự đồng quy của nhiều biến cố vào thế kỷ XX:

  • Tòa án Nuremberg vào năm 1947 và sự ra đời của bộ luật Nuremberg với bốn nguyên tắc nền tảng: 1. Sự đồng thuận về phía chủ thể, nhưng sự đồng thuận này không thể hợp thức hóa mọi cuộc nghiên cứu; 2. Thiện ích; 3. Tính khoa học; 4. Tính hồi tố của các thiệt hại.
  • Những tiết lộ về những cuộc thử nghiệm y khoa vô đạo đức trên người tại Hoa Kỳ vào những năm 1950.
  • Sự thông dự rất quan trọng của Giáo Hội Công Giáo vào suy tư về Đạo đức sinh học.

Thế kỷ XX cũng ghi dấu ấn của Đức Piô XII liên quan đến vấn đề đạo đức sinh học vì vô số những lập trường xuất sắc của Ngài về những vấn đề khác nhau như: sự thí nghiệm y khoa vào năm 1952, cấy ghép cơ phận vào năm 1956, ngành hồi sức vào năm 1957, sự giảm đau vào năm 1957.

  1. Phần 3 đưa ra những suy tư gần đây về đạo đức sinh học của huấn quyền

Trước hết, thuyết trình viên đã lược qua những tài liệu chính yếu của Huấn quyền về đạo đức sinh học lúc khởi đầu sự sống và lúc kết thúc sự sống.

  • Về lúc khởi đầu sự sống, có những tài liệu như: Năm 1971, Các Giám Mục Công Giáo của các quốc gia Bắc Âu: Phá thai và trách nhiệm của Kitô hữu; năm 1974, Bộ Giáo Lý Đức Tin: Tuyên ngôn về việc phá thai; năm 1987, Bộ Giáo Lý Đức Tin: Huấn thị Donum vitae; năm 1995, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Thông điệp Evangelium vitae; năm 2001, Hội Đồng Giám Mục Pháp: Phôi thai người không phải là một sự vật; năm 2008, Bộ Giáo Lý Đức Tin: Huấn thị Dignitas personae.
  • Về lúc kết thúc sự sống, có những tài liệu sau: năm 1957, Đức Piô XII: về vấn đề hồi sức, năm 1957, Đức Piô XII: về việc giảm đau, năm 1978, các Giám Mục Đức: Cái chết xứng với nhân phẩm của con người và cái chết của Kitô hữu, năm 1980, Bộ Giáo Lý Đức Tin: Tuyên Ngôn về vấn đề Trợ Tử, năm 1991, Hội Đồng Giám Mục Pháp: Tôn trọng con người cận kề với cái chết, năm 1995, Đức Gioan Phaolô II: Thông điệp Evangelium vitae.

Từ tất cả những tài liệu vừa nêu trên, thuyết trình viên đã đưa ra những đường nét lớn của tiến trình suy tư về đạo đức sinh học của Huấn quyền. Thứ nhất, Huấn Quyền đặt mình trong sự tiên thiên tích cực và lòng biết ơn đối với những tiến bộ về mặt y khoa nhắm đến việc chống lại bệnh tật và những hậu quả của bệnh tật. Thứ hai, Huấn Quyền cố gắng hiểu những thực hành và những tiến bộ y khoa theo ngôn ngữ chuyên môn. Thứ ba, Huấn Quyền không ngừng nhắc lại những điểm tựa nhân học chính yếu là phẩm vị của con người, sự hiệp nhất xác hồn của con người và chiều kích tập thể. Thứ tư, Huấn Quyền cũng không ngừng nhắc lại những điểm tựa đạo đức chính yếu trong lãnh vực y khoa là cấm giết người, cấm phá thai và cấm thực hành an tử trợ tử. Thứ năm, huấn quyền cũng ý thức rằng rất nhiều tiến bộ về mặt y khoa, xuất hiện nhờ những phân tích chính xác, cùng lúc mang đến những thiện ích và những nguy hiểm cho nhân loại nên Huấn quyền kêu gọi một nền đạo đức có trách nhiệm.

img_1251

Sau cùng, thuyết trình viên đặt vấn đề về mối tương quan giữa đạo đức và luật. Luật phải đưa vào thực hiện những quyền căn bản của con người. Vì thế, trong đạo đức sinh học, quyền sống, quyền về sự toàn vẹn thể lý của mọi hữu thể người từ lúc thụ thai đến khi chết đi phải được tôn trọng. Đằng sau nguyên tắc căn bản này là một nền nhân học. Nền nhân học này quan niệm về con người cá nhân, dễ tổn thương, có tương quan bao hàm một nền đạo đức không loại trừ, một nền đạo đức huynh đệ và liên đới.

Giáo sư đã kết thúc bài thuyết trình bằng hai trích dẫn của Công Đồng Vaticanô II:

Trích dẫn thứ nhất nói lên lý do Giáo Hội lên tiếng: “Mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể” (GS 22,1)

Trích dẫn thứ hai nói lên tại sao và như thế nào: “Dầu Giáo Hội là quản thủ kho tàng Lời Chúa để từ đó rút ra những nguyên tắc luân lý và tôn giáo, nhưng không phải lúc nào Giáo Hội cũng có ngay câu trả lời cho mỗi một vấn đề. Tuy nhiên, bao giờ Giáo Hội cũng ao ước nối kết ánh sáng Mạc khải với sự khôn khéo của mọi người để soi dẫn con đường mà nhân loại vừa bước chân vào” (GS 33). Điều đó không muốn nói lên rằng Giáo Hội đã có câu trả lời cho mọi vấn đề nhưng Giáo Hội đối thoại với mọi người nam và nữ thiện chí (GS 16) để tìm thấy và chọn lựa những con đường sống.

img_1248

Sau khi kết thúc bài trình bày, giáo sư Françoise Niessen đã dành một khoảng thời gian để các tham dự viên nêu lên những nhận định và đưa ra những câu hỏi để trao đổi về các vấn đề liên quan đến đề tài.

Trước khi kết thúc buổi thuyết trình, Cha Giám Đốc Giuse đã có lời cám ơn giáo sư Françoise Niessen và cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến.

Buổi thuyết trình kết thúc lúc 15h 40 cùng ngày.

BTT Đại Chủng Viện Huế

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Ba 2024
H B T N S B C
« Th2    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31