ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: CÁC CHỦNG SINH TĨNH TÂM NĂM 2016

Written by xbvn on Tháng Mười 31st, 2016. Posted in Đại Chủng Viện Huế

Trong những ngày từ chiều Chúa Nhật (23/10) đến sáng thứ Bảy (29/10/2016), Đại Chủng Viện Huế đã tổ chức kỳ tĩnh tâm năm cho quý Thầy. Cha Giêrađô Trần Công Dụ, thuộc Hội dòng do thánh Vincent de Paul thiết lập (CM (Congrégation de la Mission)), đã hướng dẫn quý Thầy trong dịp tĩnh tâm này với chủ đề “Định hướng đời sống Kitô giáo”.

Kỳ tĩnh tâm năm nay được khai mạc trọng thể với giờ kinh Phụng Vụ chiều Chúa Nhật XXX TN (23/10) kết hợp với Chầu Thánh Thể do Cha Giám đốc Đại Chủng Viện chủ sự. Trong giờ khai mạc này, Cha Giám đốc đã nêu bật vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần. Ngài là tác nhân chính yếu của việc biến đổi. Từ đó, Cha mời gọi các Thầy tích cực đi vào sa mạc để gặp gỡ Thiên Chúa với sự ngoan ngoãn và mềm mỏng của một con tim sẵn sàng mở ra cho tác động của Chúa Thánh Thần, như Chúa Giêsu ngày xưa đã được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đi vào sa mạc ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày trước khi bắt đầu sứ vụ công khai.

TinhtamNam2016

Trong buổi gặp gỡ đầu tiên vào tối Chúa Nhật, Cha Giêrađô đã nêu bật ý nghĩa của kỳ tĩnh tâm. Đây là thời gian ân sủng mà Thiên Chúa ưu ái ban cho quý Thầy để các Thầy đi vào đời sống cầu nguyện, nghỉ ngơi trong Chúa (x. Mc 6,31), gặp gỡ Ngài, lắng nghe tiếng nói của Ngài trong chính nơi thâm sâu nhất của cõi lòng mình. Để đạt được điều đó, quý Thầy cần dành thời gian cho Chúa, tìm kiếm Ngài, khao khát chính Ngài, nhạy cảm trước thánh ý Thiên Chúa và mau mắn đáp trả lời mời gọi của Ngài ngay trong cung lòng mỗi người. Để rồi, sau cuộc tĩnh tâm này, các Thầy có thể trở nên những con người tự do, nghĩa là không bị ràng buộc bởi bất cứ sự dính bén nào làm ngăn trở đời sống dâng hiến của mình. Đó là điều Thiên Chúa muốn. Sự tự do đích thực thể hiện qua một đời sống biết quên mình đi và chỉ có Thiên Chúa là trung tâm điểm cuộc đời. Và như thế, tên gọi khác của tự do là Tình Yêu. Đề tài của cuộc tĩnh tâm đã được Cha giảng phòng triển khai cách mạch lạc trong những ngày kế tiếp.

img_1317

Dựa theo khung sườn chính yếu của tập sách “Linh thao” của thánh Inhaxiô, Cha đã hướng dẫn quý thầy tĩnh tâm theo một tiến trình gồm 3 giai đoạn:

  1. Giai đoạn I: Nguyên lý và nền tảng

Ở giai đoạn này, Cha giảng phòng lần lượt trình bày về:

  • Mục đích của việc Thiên Chúa tạo dựng con người là để đưa đến Giao Ước.
  • Con người nhận biết Thiên Chúa qua Mặc Khải và lắng nghe tiếng nói của Người.
  • Đỉnh điểm của Mặc Khải: Thiên Chúa là Tình Yêu.
  • Con người ngợi khen Thiên Chúa qua chính đời sống của mình và với thái độ nhưng không, qua việc cầu nguyện và tìm thánh ý Ngài.
  • Con người tôn kính Thiên Chúa như Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người. Tôn kính Thiên Chúa là tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng của Ngài đồng thời với việc nhìn nhận thân phận bất toàn của chính mình.
  • Phụng sự Thiên Chúa bằng tình yêu dành cho tha nhân qua đời sống hằng ngày.
  • Công bình và yêu thương: đây là hai nhân đức tách biệt nhưng xoắn xít và hòa quyện với nhau xuất phát từ Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi chỉ có công bình và yêu thương.
  • Sự bình tâm: là tên gọi khác của tự do. Thiên Chúa muốn con người được tự do hướng về cứu cánh là được thần hóa, được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa.

img_1288

  1. Giai đoạn II: Nhận biết ơn tha thứ của Thiên Chúa và nhận biết tội lỗi nơi chính mình
  • Nhận biết ơn tha thứ của Thiên Chúa là nhận biết quyền năng của Ngài. Thiên Chúa là tình yêu và biểu lộ quyền năng nhất của Tình Yêu là tha thứ.
  • Nhận biết tội lỗi nơi chính mình là trải nghiệm đầy hạnh phúc và chan chứa niềm vui về sự tha thứ từ hai phía, về phía con người: được tha thứ, về phía Thiên Chúa: tha thứ.
  • Về tội: các tội chính yếu, các tội thiếu sót, tội cơ bản (tội gốc), các mối tội đầu, cân nhắc tội của con người, Bí tích Hòa giải.

Giai đoạn II của kỳ tĩnh tâm kết thúc vào tối thứ tư (26/10) với cử hành Bí tích Hòa giải.

img_1339

  1. Giai đoạn III: Tiếng gọi của Vua Vĩnh Cửu
  • Thiên Chúa kêu gọi tự do của con người: Thiên Chúa luôn mời gọi con người đáp trả Tình Yêu bằng tình yêu, đáp trả sự nhưng không bằng sự nhưng không với tất cả tự do của con người.
  • Chúa Kitô thần hóa con người và đưa con người vào sự sống thần linh. Nhờ kết hợp với Đức Kitô và trong Đức Kitô mà tất cả những hành động của con người được Thần hóa.
  • Sự thánh hiến trưởng thành để trở nên những con người dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho tha nhân trong tình yêu và tự do.
  • Chúa Kitô hiện diện trong lịch sử: Chúa Kitô không ngừng hiện diện, hoạt động và ngỏ lời với thế giới và con người trong lịch sử và trong những biến dịch. Ngài hiện diện qua Lời, cộng đoàn, Thừa tác viên, Thánh Thể… Thiên Chúa vẫn không ngừng nói với thế giới và với mỗi người. Ngài cũng mời gọi mỗi người dấn thân, nhập cuộc vào xây dựng thế giới và phục vụ tha nhân, để mỗi người trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa.
  • Để trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa: con người cần lắng nghe tiếng nói của Ngài, đối thoại với Ngài. Đồng thời, ý thức thân phận tội lỗi nơi mỗi cá nhân và tính phổ quát của tội nơi thế giới. Từ đó, mỗi người biến đổi chính mình nhờ tình yêu và nhờ Chúa Thánh Thần, hầu có những hành động để trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa.
  • Định hướng, quyết định và cam kết: Việc định hướng hay lựa chọn trước hết là lời đáp trả tình yêu đi bước trước của Thiên Chúa. Vì thế, trong những quyết định của con người có tính dứt khoát và tính không do dự, căn cứ theo luật của tình yêu và luôn nhắm tới một tình yêu cao cả hơn vì vinh quang lớn lao hơn của Thiên Chúa.
  • Chiêm ngắm: Cơn hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Giết-sê-ma-ni.

img_1310

Kỳ tĩnh tâm được tiếp nối với cử hành đặc biệt vào tối thứ năm (27/10), đó là canh thức cùng Chúa Giêsu trước Thánh Thể. Cử hành canh thức gồm hai phần: phần đầu là gợi ý cầu nguyện qua việc suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, phần sau là tùy nghi canh thức trong thinh lặng trước Thánh Thể.

Sau đó, Cha giảng phòng tiếp tục hướng dẫn quý Thầy tĩnh tâm với các đề tài sau:

  • Bí tích của sự chết và Phục sinh: Sự chết và Phục sinh là hai mặt của một thực tại sâu xa được thể hiện trong mọi hy sinh và quyết định từ bỏ của con người. Dáng dấp của sự chết luôn hiện diện trong sự từ bỏ ý riêng và hy sinh cái tôi ích kỷ với thuộc tính quy về mình, để ra khỏi chính mình, biết quên mình trong đời sống hằng ngày. Chết đi cho chính mình là chuyển động đi vào sự sống của Chúa Kitô.
  • Bí tích là dấu chỉ hữu hiệu phát sinh ân sủng: Hiệu quả đích thực của Bí tích hệ tại ở chỗ nó là dấu chỉ hữu hiệu của sự thần hóa con người và là dấu chỉ thực sự của ý nghĩa tối hậu của sự sống con người, đó là được chia sẻ sự sống thần linh của Thiên Chúa.
  • Mầu nhiệm Thánh Thể là Bí tích Vượt Qua của Chúa Kitô. Nơi đó, Chúa Kitô là trung tâm điểm. Thánh lễ hiện tại hóa sự chết và Phục sinh của Ngài. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch mọi năng lực, sức mạnh để con người chu toàn các phận vụ của mình trong cuộc sống trần thế.
  • Thánh Thể là tình yêu dưới dấu chỉ hy tế. Hy tế của Chúa Giêsu là hoàn hảo. Hy tế bất toàn của con người, nhờ được kết hợp với hy tế của Chúa Giêsu, mang lại ơn cứu độ. Về phía con người, hy tế là thái độ nội tâm được diễn tả trên bình diện thể chất và xã hội như là đà vươn đến tình yêu và sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Đau khổ không thuộc yếu tính của hy tế. Yếu tính của hy tế là tình yêu. Đau khổ luôn đi kèm với hy tế là những hy sinh, quên mình,… để toàn hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Mẹ Maria là mẫu gương của sự toàn hiến này.
  • Thánh lễ là hy tế tạ ơn diễn tả tâm tình tri ân Thiên Chúa qua việc con người nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống và là Đấng rộng ban ân sủng. Trong đó, lao công của con người cũng như chính bản thân con người với cả lịch sử cuộc đời mình được Kitô hóa để trở nên thân mình của Đức Kitô.
  • Thánh Thể phát sinh hiệu quả xây dựng cộng đoàn: Tham dự Bí tích Thánh thể là một sự cam kết ra sức nỗ lực xây dựng bác ái và tình huynh đệ phổ quát còn chưa hoàn thành trong cuộc sống trần thế này.
  • Mầu Nhiệm Vượt Qua là trung tâm của đời sống Kitô giáo, là mầu nhiệm sự chết và Phục sinh của Chúa Kitô. Đây là mầu nhiệm của sự biến đổi, sẽ không có tăng trưởng nếu không có biến đổi, tăng trưởng ở đây hiểu theo nghĩa là chết đi cho một cái gì đó và sinh ra cho một cái gì khác. Ánh sáng Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô soi sáng cho những lựa chọn và quyết định của con người. Mỗi quyết định mang một Cơ Cấu Vượt Qua, nghĩa là chết đi cho tính ích kỷ, chết đi cho con người nô lệ những đam mê tội lỗi,… để đi vào sự sống thần linh của Thiên Chúa và trở nên những người con tự do trong tình yêu của Ngài. Để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, con người cần chấp nhận biến đổi tận căn ngang qua những quyết định lớn nhỏ trong từng ngày, đó là cái chết từng phần. Trong mỗi quyết định của con người thì Đức Kitô có vị trí trung tâm.
  • Đề tài cuối cùng được Cha giảng phòng chia sẻ là: Để nên giống Chúa Kitô – Suy niệm về hệ lụy của tình yêu. Với đề tài này, trước hết, Cha giảng phòng nêu ra ba bậc khiêm nhường theo thánh Inhaxiô: Thà chịu tất cả còn hơn là một tội trọng, thà chịu tất cả còn hơn là một tội nhẹ cố ý và nên giống Đấng ta yêu mến; sau đó, Cha suy niệm về ba kiểu người: Kiểu người muốn mục đích mà không muốn phương tiện, kiểu người muốn mục đích và một số phương tiện mình tự chọn, kiểu người chọn cả mục đích lẫn phương tiện.

Sau khi chia sẻ đề tài cuối cùng trong loạt bài gợi ý cầu nguyện theo ý hướng tổng quát là “Định hướng đời sống Kitô giáo”, Cha giảng phòng gợi lên câu hỏi: “Xin Chúa cho con biết con phải làm gì?” để giúp các Thầy định hướng đời sống của mình sau những ngày thinh lặng, cầu nguyện, tĩnh tâm và tìm ý Chúa

img_1336

Kỳ tĩnh tâm năm của quý Thầy kết thúc sau Thánh lễ Kính Đức Mẹ vào sáng thứ Bảy (29/10/2016).

Vào cuối thánh lễ, Cha Giám đốc Giuse Hồ Thứ đã bày tỏ tâm tình cảm ơn sâu sắc đến Cha giảng phòng vì ngài đã tận tình hướng dẫn quý Thầy trong dịp tĩnh tâm này. Đồng thời, Cha Giám đốc cũng bày tỏ ước mong Cha sẽ trở lại Đại Chủng Viện Huế trong một dịp khác để tiếp tục giúp quý Thầy tĩnh tâm.

Đáp lời Cha Giám Đốc, Cha Giêrađô cũng bày tỏ niềm vui khi đến Đại Chủng Viện Huế và “cùng được tĩnh tâm với quý Thầy”. Mượn lời nhắc nhở từ một thiệp chúc mừng tân linh mục tại Đức quốc, đại ý Cha nhắn nhủ các Thầy nếu muốn cuộc đời linh mục của mình kéo lê năng nề, thì chỉ làm linh mục 50%, còn nếu muốn một cuộc đời linh mục hạnh phúc, thì hãy làm linh mục 100%.

BTT Đại Chủng Viện Huế

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30