DẤU HỎI TỪ TRONG NGỤC TỐI (Câu chuyện: Mt 11,2-10)

Written by lcd on Tháng Mười Hai 12th, 2016. Posted in Lm Lê Công Đức, Tâm linh, Thế Giới, Thiên Phong

Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Dấu hỏi tràn ứ băn khoăn. Ai chấp nhận đợi chờ cũng biết kiên nhẫn ít hay nhiều. Chờ đợi là tin, là hy vọng. Nhưng chờ đợi cũng là xao xuyến, khắc khoải. Và càng quay quắt đến ngột ngạt khi mà người ta như trở thành hoàn toàn bất lực, không thể làm gì khác hơn là thinh lặng ngồi đó và … chờ đợi!

Đó là thân phận của Gioan, một ngôn sứ ‘mạt vận’ ngồi co ro trong xà lim của pháo đài Machaerus, bên bờ Biển Chết, cái giá ông phải trả cho tội dám nhắc nhở nhà vua về đạo lý luân thường. Ông ngồi đó, trăn trở về sứ vụ “tiền hô” của mình, về thời thiên sai mà mình rao giảng. Ông biết mình đã ở cuối đường. Và như trong một cuộc chạy tiếp sức, ngọn đuốc được chuyền tay cho ‘Người đến sau’, Người ấy cao trọng hơn ông và ông không đáng cởi dây giày cho Người.

Nhưng liệu Giêsu có đúng là Người ấy? Phải nhìn lại tính cách con người của Gioan, sứ vụ và cuộc đời của ông, ít ra theo những chi tiết ít ỏi mà các Sách Tin Mừng ghi lại, mới có thể hình dung rõ về thân phận của vị Tiền Hô, và qua đó cảm nghiệm được tính bi tráng của câu hỏi mà Gioan gửi đi từ bên trong ngục tối: “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

Gioan, Con Người Xác Tín Và Cương Quyết

Ai lật qua những trang đầu của các Sách Tin Mừng mà không cảm thấy rằng Gioan – trong tư cách sứ giả mở đường – là một con người tri âm đặc biệt của Đức Giêsu?

Sự thực xem ra quả đúng như thế. Gioan được kỳ ngộ Giêsu và đã nhảy mừng khi cả hai còn là bào thai trong lòng mẹ. Ba mươi năm sau, Giêsu đến với Gioan ở sông Giođan để xin ông làm phép rửa. Ngay lập tức, Gioan nhận ra Người là ai. Ông không hề nhầm lẫn, dù Người lặng lẽ hòa trong đám đông từ thập phương lũ lượt tuốn đến với mình. Ông giới thiệu Người cho đám đông: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian…” (Ga 1,29). Ông giới thiệu Người cả cho các môn đệ, rồi đứng đó chơ vơ lặng nhìn những học trò thân tín nhất của mình từ biệt, ra đi theo Thầy mới (Ga 1,35-37). Làm sao có thể khác được, khi mà ông xác tín rằng mình chỉ là sứ giả mở đường, một con đò đưa khách sang sông! Ông đã chẳng từng thẳng thắn tuyên bố rằng mình không phải là Mêsia, mà chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc đó sao? Ông không đánh lận con đen hay đục nước béo cò để tìm cho mình chút vinh dự hão. Ông tự nhận mình không đáng xách dép cho Người (Mt 3,11).

Tính cách cương trực và lòng nhiệt thành với sứ vụ rao giảng sám hối đã làm cho lời lẽ của ông nhiều khi trở thành gay gắt, nặng nề đến bất nhẫn. Ông thúc bách người ta đi vào một cuộc đổi đời gấp rút và triệt để: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối…Cái rìu đã đặt sát gốc cây” (Mt 3,7-8.10).

Và hôm nay, chính tính cách cương trực ấy của con người ngôn sứ đã đẩy ông vào bên trong chấn song sắt nhà tù (x. Lc 3,19-20). Ông ngồi đó, câm lặng. Đối với một ngôn sứ, còn hoàn cảnh nào nghiệt ngã hơn là tình trạng bị buộc phải câm lặng? Dường như Thiên Chúa cũng bỏ quên ông! Nhưng Gioan không cay đắng, không xót xa tủi phận mình, dù ông có thừa lý do để xót xa và tủi phận. Ông cũng không tiếc rẻ về thái độ của mình đối với nhà vua, một thái độ khờ khạo chẳng ‘khôn ngoan chính trị’ chút nào và đã làm ông lâm lụy. Ông đổ dồn quan tâm vào chỉ một điều thôi: quan tâm về sứ mạng của ông, về Đấng Thiên Sai mà ông rao giảng. Giêsu! Ông đã gặp Người và đã xác tín rằng Người chính là Đấng ấy. Ông đã nghe khá nhiều điều thú vị về Người và ông đã nuôi những kỳ vọng…

Gioan, Con Người Xao Xuyến

Nhưng, giờ đây, thật trớ trêu, ông nhận ra mọi sự vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng trong cõi lòng mình. Vẫn còn đó nỗi bất quyết và xao xuyến. Vẫn còn đó bức màn mù mờ vây phủ niềm tin. Ông tự hỏi: liệu Người có phải đích thật là Đấng ấy? Nỗi xao xuyến này mới là một ngục tù giày vò tâm hồn vị Tiền Hô của Chúa ngàn vạn lần hơn thứ ngục tù của bạo vương Hêrôđê.

Chính trong nỗi xao xuyến này, khuôn mặt của Gioan Tẩy Giả bừng sáng lên như một hình mẫu tuyệt vời của Mùa Vọng. Ông vượt qua mọi mường tượng có thể có trong tâm tưởng mình về khuôn mặt của Đấng mà chính ông là sứ giả. Thiên Chúa có thể hành động không theo như cách mà ông nghĩ Người nên hành động. Thiên Chúa chắc chắn có lý, dù có vẻ như Ngài đang vô lý! Gioan không mất sáng suốt. Từ trong ngục tù, ông vẫn lưu tâm lắng nghe và đọc các dấu chỉ. Chấp nhận nghi ngờ chính sự phán đoán của mình, ông tìm cách chuyển câu hỏi trong lòng mình đến đúng địa chỉ mà ông cần hỏi: “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

Thân phận của Gioan cũng là thân phận người, cách riêng thân phận của người trong hành trình đức tin. Hành trình đức tin nào mà không bao hàm tăm tối? Không thể tin một lần thay cho tất cả. Xác tín biết bao lần, nhưng rồi cứ còn xao động. Tưởng mọi sự như đã sáng sủa hoàn toàn, song rồi bóng tối lại rập rình bủa vây … Nhưng chính trong đêm tối dày đặc của tâm hồn, khi mà tưởng chừng không thể cựa quậy gì được nữa, thì người ta vẫn còn có thể làm được ít nhất một điều, đó là – như Gioan – đơn sơ trình bày với Chúa về chính nỗi tăm tối của mình. Lời cầu nguyện tuyệt vời nhất đôi khi chỉ là một dấu hỏi mộc mạc thốt lên ngay cả từ một cõi lòng đầy xao động. Bao lâu một tâm hồn còn là một tâm hồn cầu nguyện, bấy lâu tâm hồn ấy vẫn còn đức tin và sẽ nhận được câu trả lời thỏa đáng. Gioan đã nhận được tiếng trả lời của Chúa, dẫu ông đang ở trong ngục tù…

Câu Trả Lời Của Chúa

Đứng trước câu hỏi điều tra về căn cước của Người, câu trả lời của Đức Giêsu nghe như vòng vo chứ không phải là một câu trả lời trực tiếp. Người không nói: “Đúng, chính Ta đây là Mêsia”. Người chỉ vạch cho thấy Người đã và đang đem lại những gì cụ thể cho cuộc sống: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng… Thật ra, Đức Giêsu không vòng vo tí nào cả. Người đã chỉ thẳng vào căn tính của Người, của thời Thiên Sai. Mêsia là thế đấy, thời Thiên Sai là thế đấy. Và hễ không như thế thì không phải là Mêsia, không phải thời Thiên Sai!

Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng… Đó không như một yếu tố phụ tùy, để hời hợt điểm tô ‘cho có vẻ’, mà đó là chính bản chất cốt lõi của sứ mạng Mêsia, của kỷ nguyên cứu độ. Câu trả lời của Đức Giêsu giúp Gioan tinh lọc mọi tưởng tượng khác có thể có trong đầu óc ông về khuôn mặt Đấng Mêsia và về thời của Người – để chỉ còn lại một tiêu chuẩn biện phân, một chìa khóa giải mã. Sự đến của Thiên Chúa được tỏ lộ trước hết qua các dấu hiệu ấy, những dấu hiệu rõ ràng, mắt thấy tai nghe được chứ không mông lung trừu tượng.

Cần ghi nhận rằng hoạt động thi ân giáng phúc của Đức Giêsu, trong cuộc sống tại thế của Người, cũng chỉ đạt được một phạm vi hết sức giới hạn thôi. Vài người mù được sáng mắt, vài người què đi được, vài người cùi được sạch, vài kẻ điếc được nghe… Không nhiều! Ngay cả Gioan, vị sứ giả mở đường cho Người, đang chịu cảnh oan khiên tù tội, cũng không nhận được sự can thiệp nào của Người cả! Mở rộng hoạt động tế độ của Đức Giêsu ra để chạm đến mọi người mọi thời, đó là sứ mạng thuộc căn tính của Giáo hội, của tất cả những ai tự nhận danh nghĩa là Kitô hữu.

Người nghèo, người bất hạnh luôn có đó, không thiếu, trong cuộc đời này. Người nghèo của một xã hội mà sự chênh lệch giàu nghèo giãn xa ra đến chóng mặt như trong xã hội chúng ta hôm nay lại càng lồ lộ. Chỉ cần mở mắt ra, là thấy. Và thái độ đối với người nghèo sẽ kiểm chứng chất “Kitô” nơi chúng ta, những Kitô hữu. Tôi là Kitô hữu! Thật không? Bao lâu những thân phận bất hạnh quanh tôi vẫn còn bị tôi phủi tay, mặc kệ, bao lâu Tin Mừng còn xa lạ đối với những anh chị em nghèo ở ngay sát bên đời mình, thì bấy lâu tôi vẫn chỉ là một Kitô hữu mạo danh thôi.

Giáo hội của Chúa Kitô chỉ thực sự hiện diện khi đó là một Giáo hội loan báo Tin Mừng cho người nghèo, chứ không chủ yếu nơi nhà thờ lớn, tháp chuông cao, cũng không phải nơi những lễ hội ồn ào tốn kém…

Chúng ta phải ghi nhớ điều đó, bởi vì chúng ta, mọi thành phần trong Giáo hội tự nhận là Giáo hội của Chúa Kitô, thường xem ra chưa quan tâm mấy đến người nghèo, chưa xót thương đủ đối với những người yếu kém. Kitô hữu, Giáo hội của Chúa Kitô không thể giới hạn sự quan tâm đối với người nghèo ở chỗ thỉnh thoảng cao hứng bố thí vài tờ bạc lẻ cho người ăn xin chợt gặp bên đường (đôi khi hoàn toàn chỉ là để tránh một sự quấy rầy hoặc để cho lương tâm được yên ổn!) Quan tâm đến người nghèo, đó cũng không chỉ là lâu lâu hưởng ứng cách tối thiểu một cuộc quyên góp cứu trợ nạn nhân bão lụt miền trung hay miền tây, càng không phải là những khẩu hiệu “yêu thương, bác ái” hô suông trên giảng đài, lặp đi lặp lại tràn lan trong núi sách vở. Quan tâm đến người nghèo, đó là chất lượng sống, là động lực sống, là cả cuộc sống của Con Người Giêsu Kitô – và do đó phải là cả cuộc sống của chúng ta, những Kitô hữu! Vô số người nghèo chung quanh chúng ta đang thách đố chúng ta thậm chí thử mô tả được hoàn cảnh sống thực của họ, dù chỉ về khía cạnh vật chất hữu hình là cái có thể nhìn thấy được, chưa nói đến những nỗi khổ đè nặng và gậm nhấm tâm tư họ từng ngày và xem chừng … suốt kiếp!

Câu hỏi của Gioan và câu trả lời của Đức Giêsu, vì thế, qui về căn tính của Đấng Cứu Độ và của thời cứu độ. Căn tính dấn thân cho người nghèo, đứng về phía người nghèo, bênh vực người nghèo, và cả đảm nhận lấy cảnh ngộ của người nghèo. Mọi người, mọi cộng đoàn cứ đối chiếu vào căn tính ấy, sẽ rõ mình có phải là Kitô hữu hay không, và cộng đoàn của mình có phải là Giáo hội của Chúa Kitô hay không.

Đến lượt chúng ta, câu trả lời của Đức Giêsu phải xoáy vào tâm can chúng ta hôm nay và làm bật lên một dấu hỏi.

Lm. L C Đ.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Ba 2024
H B T N S B C
« Th2    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31