ĐỂ VIẾT MỘT BÀI LUẬN VĂN

Written by xbvn on Tháng Chín 9th, 2014. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Thế Giới

 LUẬN VĂN THẦN HỌC LUÂN LÝ

Những yếu tố phương pháp học [1]

TẠI SAO TẬP HƯỚNG DẪN NÀY ?

Bài luận văn thể hiện một thực hành tương đối bình thường để tạo nên một tương quan trí thức đích thực giữa người soạn thảo và người đọc soạn thảo này. Điều khó khăn cho các sinh viên là nhiều khi họ than phiền không thành công trong việc làm nổi bật những ý tưởng của mình cũng như thông đạt chúng. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì viết luận văn là một nghệ thuật ! Bởi thế, để giúp các sinh viên trong « thử thách » đó, tập hướng dẫn này sẽ cho thấy những hoạt động tâm trí đặc thù, phải nối tiếp nhau để đạt tới chỗ trình bày một đề tài, đặc biệt là thần học.

Trong việc viết luận văn, không gì khác hơn là học biết :

+ chứng minh một luận đề,

+ cho thấy những khả năng phân tích và phê bình của mình,

+lý giải lập trường của mình một cách lô-gíc và có sắp xếp và tìm ra những phương tiện thông đạt tốt nhất lập luận của mình.

LƯU Ý !

DẤN MÌNH VÀO CÔNG VIỆC NÀY LÀ ĐIỀU KHÔNG DỄ DÀNG ĐỐI VỚI BẤT CỨ AI

+ Tôi vẫn không viết được !

Cho dầu người ta nói rằng « những gì được hiểu/quan niệm tốt, sẽ được thông báo rõ ràng », nhưng viết, tức là soạn thảo, không phải là tự phát. Viết là một khổ luyện. Nhà văn hay nhà thơ nào cũng đều biết rõ « bi kịch của tờ giấy trắng » !

+ Tôi vẫn không đạt tới chỗ tìm thấy những gì tôi đang tìm kiếm !

Sự khó khăn dường như là gấp đôi trong thần học khi viết văn là để phục vụ cho một nỗ lực trí tuệ và tái giải thích của bản thân về một đức tin được lãnh nhận trong Giáo Hội. Trong « Commentaire de saint Matthieu », số 38, Origène đã báo trước cho nhà thần học về sự yếu kém của trí khôn như là giai đoạn của việc tìm kiếm chân lý :

« Nhất thiết, nếu ta tìm kiếm chân lý, có lúc ta phải trải qua một sự yếu kém sâu xa của trí khôn, và sự yếu kém này nuôi dưỡng linh hồn…và làm cho nó có khả năng tìm kiếm những gì nó phải tìm kiếm. Ngày xưa, dân Do thái, đi về đất hứa, đã phải chịu những thử thách và, đặc biệt, cơn đói khát lương thực trần thế ; bù lại manna từ trời đã được ban cho họ ; chính như thế mà người nào muốn được nuôi dưỡng bởi sự phong phú của Lời cũng phải nhiều lần biết đến sự yếu kém này của trí khôn, mà không bao giờ nản chí. Thường ngày chúng ta có kinh nghiệm, khi chúng ta tìm cách hiểu một đoạn Thánh Kinh : trước khi tìm thấy những gì chúng ta tìm kiếm, chúng ta phải chịu một sự nghèo nàn nào đó các ý tưởng của chúng ta cho đến khi Thiên Chúa chấm dứt sự nghèo nàn trí tuệ này, Thiên Chúa ban cho những ai xứng đáng « lương thực vào thời thích hợp ».

+ Can đảm lên ! Cuối cùng chúng ta sẽ đạt tới đó bằng một chút tập luyện !

Các bạn có nhớ rằng lần đầu tiên tập đạp xe đạp hay tập đàn ghita là điều không đơn giản chút nào ! Thế nhưng, bây giờ các bạn làm được điều đó gần như là bản năng và cách thích thú !

BÀI LUẬN VĂN : NÓ HỆ TẠI ĐIỀU GÌ ?

+ Mọi bài luận văn đều hệ tại một rèn luyện văn chương có hệ thống nhằm chứng tỏ các khả năng phân tích, lập luận, tổ chức và óc phê bình của một sinh viên về một chủ đề nào đó. Bên cạnh đó, nó cũng đòi sự sáng sủa và tính chính xác trong việc trình bày và diễn tả. Bài luận văn phải đạt tới chỗ bày tỏ một lập trường rõ ràng mà không lạc xa đề hay nói mông lung.

Như thế, bài luận văn không phải là trích dẫn thuộc lòng một giáo trình, cũng không phải là bài tóm tắt một cuốn sách về một vấn đề được đặt ra từ chủ đề/đề tài.

+ Bài luận văn phải tuân thủ một số quy tắc : mở bài đi vào chủ đề đang bàn, thân bài khai triển mạch lạc và dần dần nhắm trả lời một một vấn đề đặt ra và sau cùng là một kết luận rõ ràng chứng tỏ rằng ta đã bàn đề tài đó.

NHỮNG LỜI KHUYÊN VỀ MẶT PHƯƠNG PHÁP

1. Chọn và hiểu đề tài.

+ Nếu ta thừa nhận rằng viết luận văn, đó là trả lời cho một câu hỏi/vấn đề dù vấn đề này là mặc nhiên hay minh nhiên, do đó không có luận văn mà không có đặt vấn đề.

A. Giai đoạn đầu tiên hệ tại phân tích đề tài của nó.

+ Đọc cách chăm chú đề ra. Đừng do dự dành thời gian cho việc này.

  • Đừng bỏ sót bất kỳ từ ngữ chủ chốt nào của đề tài.
  • Gạch dưới các từ khóa.
  • Để ý các liên từ (‘và’, ‘hoặc’…).
  • Phân biệt cái chính yếu với cái tùy phụ.
  • Và phân biệt những gì là khẳng định và những gì là nghi vấn.
  • Hiểu đúng ý nghĩa của các thuật ngữ.

Nếu đó là một bản văn hay một trích dẫn dài của một tác giả, hãy đọc lại nó nhiều lần để hiểu rõ hơn và để đặt ra những câu hỏi chủ chốt mà đoạn này đặt ra.

Nếu đó là một đề tài được sinh viên chọn lựa, hãy chứng thực liệu bạn đã xác định vấn đề của bạn chưa, liệu bạn đã ý thức rõ về sự mở rộng của nó và cả những giới hạn của nó chưa.

B. Giai đoạn đầu tiên hệ tại chọn lựa và cấu trúc hóa một vấn đề đặt ra.

+ Từ thời điểm này, ta có thể chất vấn đề tài của mình, tức là làm nổi bật lên tất cả những vấn nạn mà nó chứa đựng.

+ Để đạt tới đó cách dễ dàng hơn, nên làm bản (nháp) như sau:

 Những câu hỏi                                                  Đặt vấn đề

 (…)

Chuyển từ những câu hỏi sang đặt vấn đề toàn bộ:

  • Cột thứ nhất tập hợp, nhờ nỗ lực phân tích đề tài, cả một danh sách những câu hỏi mặc nhiên và minh nhiên. Chúng vẫn còn chưa được sắp xếp, chúng được đặt ra cách lộn xộn.
  • Chính tại cột thứ hai mà các vấn nạn sẽ được chọn lựa và cấu trúc hóa theo một trật tự nào đó. Gắn liền với những câu hỏi được nêu lên trong cột thứ nhất, tuy nhiên chúng đi xa hơn. Những câu hỏi trong cột “đặt vấn đề” có thể tạo nên một lập luận cụ thể cho đề tài.
  • Sau cùng, việc đặt vấn đề toàn bộ sẽ tương ứng với việc chọn lọc có suy nghĩ hai hay ba câu hỏi chủ chốt và tổng hợp được đề tài đặt ra. Nói cách khác, những câu hỏi này phải được liên kết với nhau theo một lô-gíc lý luận.

Lưu ý: một cách đặt vấn đề tốt thường khởi đi từ những câu hỏi đơn giản và căn bản như:

–          Hệ tại điều gì? hay trong chừng mực nào?

–          Thế nào? bằng những phương tiện nào?

–          Tại sao? và vì những lý do nào?

tức là bằng những câu hỏi kích thích lập luận.

C. Sau cùng, giai đoạn đầu tiên hệ tại huy động những yếu tố cụ thể trả lời vấn đề đặt ra của đề tài nhờ thư mục.

2. Xây dựng dàn bài chi tiết.

Xây dựng một dàn bài luận văn, đó là sắp xếp các ý tưởng theo một trật tự lô-gíc và tiệm tiến nhằm đạt tới một sự chứng minh. Đa số các đề tài cho phép có những dàn bài khác nhau. Một dàn bài tốt là một dàn bài được cấu trúc chặt chẽ và được linh hoạt bằng một chuyển động. Một công việc như thế không phải ứng biến, nhưng nó tùy thuộc vào đặt vấn đề và những kiến thức có thể huy động.

  • Hãy viết lại vấn nạn xuất phát của bạn, chính nó sẽ mang lại một sự thống nhất cho bài luận văn của bạn.

A. Giai đoạn thứ hai hệ tại sắp xếp các hiểu biết tùy vào lập luận được việc đặt vấn đề làm nổi bật.

–          Mỗi câu hỏi lớn của vấn đề sẽ trở thành một ý tưởng chủ đạo đem lại phần lớn của phần khai triển bài luận văn.

Lưu ý: mọi đoạn văn mà bàn đến hơn một ý tưởng quan trọng sẽ tạo nên sự thiếu rõ ràng, gây khó hiểu cho người đọc.

–          Mỗi đại đơn vị ý nghĩa (tức là đoạn hay phần phụ) sẽ được nuôi dưỡng bởi những kiến thức thích hợp với nó. Chúng có thể giúp làm nổi bật sự lô-gíc của lập luận trong những phần phụ khác nhau. Tất cả những gì được đưa ra đều phải được chứng minh rõ ràng.

B. Giai đoạn thứ hai hệ tại biên soạn những trung chuyển quan trọng của dàn bài.

– mỗi một phần lớn đều được đi trước bởi một trung chuyển lô-gíc lập luận (sử dụng những từ “nhưng” để chỉ sự đối nghịch, những từ “do đó” để chỉ một hệ quả…), sự trung chuyển lập luận này phải cho thấy sự mạch lạc của việc chuyển từ một đơn vị ý nghĩa này sang một đơn vị ý nghĩa khác.

3. Biên soạn phần dẫn nhập và kết luận.

A. Phần dẫn nhập.

Phần này rất được chờ đợi từ phía người đọc. Nó cho phép đánh giá nhanh chóng mức độ làm chủ đề tài của người viết.

Chính phần dẫn nhập xác định mẫu mực của bài viết. Nó cũng tuân thủ những quy luật cụ thể.

Nói chung, phần dẫn nhập được khai triển thành ba thì.

+ Khúc mở đầu: nó hệ tại lôi cuốn mối quan tâm và sự chú ý của người đọc bằng cách cho thấy rằng bạn làm chủ vấn đề bằng một khúc mở đầu đầy ý nghĩa, sẽ cho phép bạn loan báo đề tài cách lô-gíc. Đừng quên quy ước rằng đề tài không được giả thiết là được biết khi ta bắt đầu đọc bài luận văn. Cần phải đưa người đọc vào đề tài đang bàn đến cách khéo léo nhưng lô-gíc.

Khúc mở đầu này có thể mặc lấy những hình thức khác nhau:

–          khởi đi từ việc hình thành vấn đề đang nghiên cứu để dần dần dẫn đến đề tài;

–          khởi từ một cái khung tổng quát hơn trong đó đề tài được lồng vào, và từ đó ta sẽ làm cho phát sinh việc đặt vấn đề;

–          sử dụng một biến cố thời sự hay những dữ kiện Truyền thống cho phép nhấn mạnh đến thách đố của việc nghiên cứu đang được thực hiện;

–          đặt ra một nghịch lý mà việc giải quyết nó sẽ dùng làm sợi chỉ xuyên suốt khi bàn về đề tài.

Để kích thích tính tò mò và sự quan tâm của độc giả, thông thường việc bắt đầu phần dẫn nhập bằng một câu hỏi là có hiệu quả.

+ Ấn định phạm vi một đề tài: nó hệ tại trình bày đề tài và cẩn thận thiết lập vấn đề mà ta muốn trả lời. Khi ấn định phạm vi đề tài như thế, bằng cách tập trung vào lãnh vực nghiên cứu, thì cũng có thể nói lên những vấn đề liên quan mà ta đã nhận thấy nhưng sẽ không bàn đến.

Đừng quên chỉ ra và biện minh cho phương pháp mà bạn muốn vận dụng để trả lời cho vấn đề của mình.

+ Loan báo dàn bài: chính nó sẽ cho phép người đọc theo dõi cách rõ ràng sự tiến triển lô-gíc của dàn bài mà không vì thế tiết lộ phần kết luận của bài làm. Để tập trung sự tiến triển được chọn lựa, hai hay ba vấn đề được đặt ra có thể là hữu ích để tránh sự nặng nề: trước tiên…; tiếp đến…; sau cùng….

B. Phần kết luận.

Nó là phần không thể thiếu để hoàn tất bài luận văn. Nó cho phép người đọc đánh giá sự làm chủ toàn bộ đề tài được người viết thủ đắc. Đừng quên rằng phần kết luận sẽ tạo nên ấn tượng cuối cùng của người đọc! Vì thế cần trau chuốt nó.

Phần kết luận cũng có những quy luật của nó. Nó bao hàm hai phần:

–          Câu trả lời sau cùng: trước tiên, đừng quên rằng nó phải kết thúc sự lập luận của phần khai triển, làm rõ chọn lựa được thực hiện trong cuộc tranh luận. Bởi thế, nó phải giao cho người đọc kết quả, lời sau cùng, ý tưởng hay chọn lựa căn bản, cách tổng hợp và cách rõ ràng.

–          Mở rộng đề tài: việc làm chủ một đề tài giả thiết khả năng lồng nó trong những phạm vi rộng lớn hơn hay khác nhau. Đây là lúc mở rộng đề tài, mở rộng chân trời suy tư…

4. Soạn phần thân bài (phần khai triển).

+ Tránh nhồi nhét cho đầy bài viết, tán cho nhiều, giải thích dài dòng, cóp nhặt các trích dẫn và những vay mượn “được che đậy”.

Tôn trọng nguyên tắc “Trả cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da”.

+ Hãy rõ ràng, cụ thể và ngắn gọn.

Sử dụng một văn phong rõ ràng và ngắn gọn. Tránh văn phong khó hiểu và cầu kỳ. Bạn có hiểu những gì bạn viết không? Hãy chọn lối trình bày đơn giản. Tránh những câu quá dài, nhiều mệnh đề phụ. Tránh dùng những từ ngữ “thân mật”, ngôn ngữ @.

+ Hãy loan báo các ý tưởng cách rõ ràng mà sẽ được khai triển trong mỗi đoạn (một mặt…mặt khác…).

+ Lưu ý chuyển ý giữa các phần.

5. Trình bày bài làm.

+ Giấy A4, font Times New Roman: 12; chừa lề: trái 40mm; phải 25mm, trên 25mm, dưới 30mm. Cách giữa các hàng: 1,5. Dành chỗ cho phần nhận xét.

+ Thư mục xếp theo : các nguồn, tổng quát, chủ đề… Trong mỗi phần các tựa đề được sắp xếp theo trật tự abc của các tác giả (các tác phẩm lên trước, rồi đến các bài viết). Khi có nhiều tác phẩm của cùng một tác giả, việc sắp xếp là theo thời gian.

+ Cách trích dẫn sách, bài viết…

+ Những trích dẫn

Đặt các trích dẫn vào dấu ngoặc kép. Đặt dấu chấm câu vào bên trong ngoặc kép nếu nó thuộc về câu trích dẫn, ở bên ngoài nếu nó gắn với phần còn lại của biên soạn.

Ví dụ: + Chúa Giêsu đã nói rằng “có thì nói có, không thì nói không”.

           + “Có thì nói có, không thì nói không.”

Các trích dẫn phải trung thành với bản gốc. Nếu có sửa đổi, cần ghi chú rõ ràng. Nếu thêm vào, hãy đặt trong dấu [họ]; nếu bỏ bớt: […] đối với các từ ngữ, …… một đường dấu chấm cho nhiều hàng hay đoạn.

+ Đánh số

  1. Tình yêu

                 1.1. Tình yêu Thiên Chúa

                 1.2. Tình yêu tha nhân

      2. Tha thứ

+ Lưu ý chính tả.

 


[1] Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ từ: Geneviève Médevielle, La dissertation en théologie morale : Eléments de méthodologie (Học viện Công giáo Paris, 1996).

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31