ĐHY DE KESEL: “NHỮNG BƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC LÊÔ XIV NẰM TRONG TÍNH LIÊN TỤC VỚI ĐỨC PHANXICÔ”
Một tháng sau khi Đức Phanxicô qua đời, ĐHY Jozef De Kesel, một trong những Hồng y cử tri trong mật nghị gần đây, đã nói về những kỷ niệm của mình với Đức cố Giáo hoàng người Argentina và những hy vọng của mình đối với triều đại giáo hoàng mới.
Được Đức Giáo hoàng Phanxicô phong Hồng y vào năm 2016, ĐHY Jozef De Kesel nguyên là Tổng Giám mục của Malines-Bruxelles và cựu Giáo chủ của Bỉ. Gần gũi với Đức Phanxicô, ngài đặc biệt chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 9 năm ngoái trong chuyến tông du của ngài tới Bỉ. Lúc đó, Đức Giáo hoàng được Đức Hồng y Prevost, lúc đó là Tổng trưởng Bộ Giám mục, tháp tùng. ĐHY Jozef De Kesel đã tham dự mật nghị bầu Đức Lêô XIV vào ngày 8 tháng Năm và đã đến thăm phòng làm việc của chúng tôi để nói về di sản của Đức Phanxicô và kỳ vọng của ngài đối với triều đại giáo hoàng mới.
Một tháng sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời, theo ĐHY, Đức Giáo hoàng người Argentina để lại di sản gì?
Tôi giữ một kỷ niệm về một người rất chú ý đến những gì chúng tôi nói. Ngài đã lắng nghe, ngài đã biết tôi. Tôi nhớ khi tôi bị bệnh, câu hỏi đầu tiên của ngài luôn là: “Sức khỏe thế nào?” Trong cuộc thảo luận, ngài luôn rất tỉnh táo. Tôi đặc biệt giữ gìn di sản mà ngài để lại cho chúng ta, và tôi cảm nhận được điều đó trong thời gian trước mật nghị. Đức Giáo hoàng Phanxicô là Giáo hoàng của chúng ta trong mười hai năm, nhưng căn bản hơn, ngài đã để lại dấu ấn của mình trong Giáo hội.
Không thể quay lại đằng sau được nữa. Tôi thực sự cảm thấy điều đó. Theo tôi, đây chính là lý do khiến mật nghị không kéo dài lâu; đã có sự đồng thuận trước khi bước vào mật nghị, không phải về con người, nhưng về di sản. Trong các phiên họp chung, tôi nghe mọi người luôn nói về ngài với lòng kính trọng lớn lao, như nói về mọi điều gần gũi với trái tim ngài, nghĩa là về một Giáo hội khiêm nhường hơn, gần gũi hơn với mọi người hơn, một Giáo hội cởi mở với thế giới, chia sẻ niềm vui nhưng cả những nỗi buồn và lo lắng của con người ngày nay. Một Giáo hội, như Công đồng Vatican II đã nói, luôn gần gũi với con người đau khổ.
ĐHY thấy di sản nào của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong những bước đi đầu tiên của Đức LêôXIV?
Đối với tôi, về cơ bản đó là lòng trung thành với Công đồng Vatican II. Chính trong tính liên tục sâu xa. Rõ ràng, tính liên tục không có nghĩa là sự lặp lại. Đức Giáo Hoàng Lêô không phải là “bản sao”, ngài không nên bắt chước. Nhưng tôi nghĩ chính nhờ Đức Giáo hoàng Phanxicô mà chúng tôi đã tìm được người kế nhiệm nhanh chóng như vậy. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều trong mật nghị, đến thời gian của Công đồng Vatican II. Vào thời điểm đó, có Đức Gioan XXIII, một vị Giáo hoàng dám đưa ra sáng kiến, đôi khi có phần không tuân thủ lề thói, như Đức Phanxicô, người có đặc sủng. Và rồi Đức Phaolô VI đến, là người đã tiếp tục công đồng. Ngài trung thành với Công đồng, trung thành với di sản của Đức Gioan XXIII, nhưng ngài phải lãnh lấy trách nhiệm để cấu trúc và làm rõ con đường cần đi theo. Rõ ràng, mutatis mutandis (phải thay đổi những gì cần phải thay đổi), tình hình hiện nay không còn như trước nữa. Nhưng tôi thấy Đức Giáo hoàng Lêô là người sẽ có thể tiếp tục và củng cố di sản của Đức Giáo hoàng Phanxicô, bởi vì mọi điều Đức Phanxicô muốn làm không thể thực hiện trong vài năm: cải cách Giáo triều Rôma, phân quyền trong Giáo hội, cái nhìn khác về sự hiện diện của phụ nữ trong Giáo hội, tính hiệp hành, đó là một con đường dài, nhưng là sự hoán cải sâu xa của Giáo hội.
Đâu là kỳ vọng của ĐHY đối với triều đại giáo hoàng mới của Đức Lêô XIV, đặc biệt là đối với nước Bỉ? Liệu Đức tân Giáo hoàng sẽ thành công trong việc nói với người Bỉ, trong một xã hội rất tục hóa, và với những người bị tổn thương bởi các vụ bê bối lạm dụng tình dục hay không?
Tôi hy vọng điều đó và tôi gần như chắc chắn về điều đó. Tôi nhớ rằng tôi đã từng nói về thảm kịch lạm dụng với Đức Hồng y Prevost tại Thượng hội đồng, và tôi đã nghe một ngôn ngữ rõ ràng từ phía ngài về vấn đề này. Tôi không thể nói là tôi biết rõ ngài, nhưng dàu sao tôi đã từng gặp ngài. Đó là một người thông minh, một người biết lắng nghe. Có những người lắng nghe nhưng lại quên. Khi chúng ta nói về một Giáo hội khiêm nhường hơn, điều đó cũng có nghĩa là một Giáo hội tôn trọng nhiều hơn đối với những người không ở trong Giáo hội. Giáo hội sống trong thế gian, Giáo hội không thể sống trong thế giới của mình, Giáo hội phải mở ra với thế giới, vì thế giới lớn hơn Giáo hội rất nhiều.
Và tôi đã cảm nhận được ngôn ngữ này nơi ngài nhiều hơn một lần, như trong bài giảng đầu tiên của ngài. Đó là một Giáo hội tự hào về căn tính của mình, có sứ điệp muốn truyền tải đến thế giới, nhưng là một Giáo hội không cảm thấy mình trỗi vượt, nhưng là một tôi tớ khiêm nhường. Điều chúng ta cần không phải là một nền mục vụ tái chinh phục, nhưng là sự hiện diện của Giáo hội trong xã hội. Tôi suy nghĩ rất nhiều về những gì Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phát biểu tại Rabat, Maroc: “Điều đáng buồn, đó không phải là chúng ta ít người hơn, nhưng là trở nên tầm thường”.
Người Công giáo Bỉ đã đón nhận như thế nào việc bầu chọn Đức Lêô XIV?
Tôi rất vui vì điều đó. Ngay cả những nhà báo không phải lúc nào cũng đứng về phía chúng tôi hoặc hay chỉ trích, cũng có ấn tượng tốt và tôi cũng rất vui về điều đó. Tôi không muốn nói rằng cần phải “chăm sóc mặt tiền của mình”, nhưng uy tín của chúng tôi đã bị tổn hại, và do đó sẽ mất thời gian để lấy lại một sự khả tín nào đó. Ta không thể thực hiện điều này chỉ trong vài tháng hoặc một năm, đó là những bước nhỏ.
——————————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Olivier Bonnel – Vatican News)
Tags: Lêo XIV, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐHY DE KESEL: “NHỮNG BƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC LÊÔ XIV NẰM TRONG TÍNH LIÊN TỤC VỚI ĐỨC PHANXICÔ”
- BÀI GIÁO LÝ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. CÁC DỤ NGÔN. BÀI 6. NGƯỜI GIEO GIỐNG. « NGƯỜI DÙNG DỤ NGÔN MÀ NÓI VỚI HỌ NHIỀU ĐIỀU » (Mt 13, 3a)
- LIÊN HIỆP QUỐC : ĐHY PAROLIN BẢO VỆ NỀN NGOẠI GIAO GẶP GỠ MÀ ĐỨC LÊÔ XIV ĐỀ XƯỚNG
- BA ĐIỀU CỐT YẾU CỦA THÔNG ĐIỆP “RERUM NOVARUM”
- CHIẾN TRANH Ở UCRAINA: KIEV VÀ CÁC ĐỒNG MINH HOAN NGHÊNH LỜI ĐỀ NGHỊ CỦA ĐỨC LÊO XIV VỀ VIỆC TỔ CHỨC CÁC CUỘC ĐÀM PHÁN TẠI VATICAN
- HÃY NHÌN VÀO CHÚA KITÔ !
- ĐỨC LÊÔ XIV VÀ GIÁO HỘI, MỘT “CHÚT MEN” CỦA SỰ HIỆP NHẤT VÀ TÌNH YÊU
- NHỮNG LỜI PHÁT BIỂU CUỐI THÁNH LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ PHÊRÔ CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- BÀI GIẢNG THÁNH LỄ NHẬM CHỨC CỦA ĐỨC LÊ Ô XIV
- ĐỨC LÊÔ XIV: PHÊRÔ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGƯỜI CHĂN DẮT ĐƠN ĐỘC, CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT THỦ LĨNH Ở TRÊN NHỮNG NGƯỜI KHÁC
- VIDEO TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- ĐỨC LÊÔ XIV: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI THÚC ĐẨY ĐỐI THOẠI
- ĐHY PAROLIN: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO CÓ THỂ CHỮA LÀNH NHỮNG CHIA RẼ TOÀN CẦU
- SỰ MỚI MẺ NÀY ĐƯỢC ĐỨC LÊÔ XIV MONG MUỐN CHO LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ CỦA MÌNH
- THÁNH LỄ KHAI MẠC TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC LÊÔ XIV, MỘT PHỤNG VỤ GIỮA CÁC NGHI LỄ VÀ BIỂU TƯỢNG
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC LÊÔ XIV CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH : BỎ LẠI XUNG ĐỘT ĐẰNG SAU VÀ CHỌN THEO MỘT CON ĐƯỜNG MỚI
- ĐHY PAROLIN : TRONG SUỐT MẬT NGHỊ, ĐỨC LÊÔ XIV “KHÔNG BAO GIỜ MẤT ĐI NỤ CƯỜI NHẸ NHÀNG CỦA MÌNH”
- NỮ TU OONAH O’SHEA ĐƯỢC BẦU LÀM CHỦ TỊCH UISG
- ĐỨC LÊÔ XIV, “MỘT GIÁO HOÀNG VÌ HÒA BÌNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT”
- GIÁO DỤC: ĐỨC LÊÔ XIV KHUYẾN KHÍCH ƠN GỌI TU TRÌ LA SAN