ĐHY MAMBERTI: ĐỨC PHANXICÔ TRUNG THÀNH VỚI SỨ MẠNG CỦA MÌNH BẰNG TẤT CẢ SỨC MẠNH

Written by xbvn on Tháng Năm 5th, 2025. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Vào chiều Chúa Nhật, ngày 4 tháng Năm, ĐHY Dominique Mamberti đã chủ tế Thánh lễ thứ chín và cũng là cuối cùng của tuần cửu nhật cầu nguyện cho Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, với sự tham gia của Hồng y đoàn. Ngài nhắc lại rằng sứ mạng của Phêrô là tình yêu được thể hiện qua việc phục vụ Giáo hội và toàn thể nhân loại.

Sứ mạng của Phêrô và các Tông đồ, Đức Hồng y Mamberti lưu ý trong bài giảng của mình, “chính là tình yêu, vốn trở thành sự phục vụ cho Giáo hội và toàn thể nhân loại.” Đức Giáo hoàng Phanxicô, “được thúc đẩy bởi tình yêu của Chúa”, đã trung thành với sứ mạng của mình “đến mức dốc hết sức mình”. Đây là điểm chính trong bài giảng của Đức Hồng y Mamberti, được đưa ra trong Thánh lễ cuối cùng của Novemdiales (Thánh lễ đánh dấu chín ngày để tang một vị Giáo hoàng đã qua đời), khi suy ngẫm về đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan được đọc vào Chúa Nhật III Phục Sinh. Bài đọc thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh với một số tông đồ bên bờ Biển hồ Tiberia, kết thúc bằng việc Chúa Giêsu trao phó sứ mạng cho Phêrô và lệnh truyền: “Hãy theo Thầy!”

Rao giảng niềm vui của Tin Mừng

Đức Hồng y Mamberti nhận xét rằng Tin Mừng này đặc biệt phù hợp với Giáo hội hiện đang cầu nguyện để có một Người kế vị mới của Thánh Phêrô khi Mật nghị Hồng y bắt đầu vào ngày 7 tháng Năm. Cũng vậy, bài đọc thứ nhất trích từ Sách Công vụ Tông đồ, trong đó Thánh Phêrô và những người khác tuyên bố: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người.” Đức Hồng y người Pháp nhớ lại cách Đức Giáo hoàng Phanxicô, dùng chính những lời này, đã cảnh báo những người quyền thế và công bố cho toàn thể nhân loại niềm vui của Tin Mừng, Chúa Cha đầy lòng thương xót và Chúa Kitô Đấng Cứu Độ.

ĐHY nói : “Ngài đã làm điều này thông qua các bài giảng, các chuyến đi, các cử chỉ và cách sống của ngài.Tôi đã đứng gần ngài vào Chúa Nhật Phục Sinh tại ban công ban phép lành của Vương cung thánh đường này, chứng kiến ​​nỗi đau khổ của ngài, nhưng trên hết là lòng dũng cảm và quyết tâm phục vụ Dân Chúa cho đến cùng của ngài.””

Tình yêu khiêm nhường của Phêrô

Đức Hồng y Mamberti nhớ lại lời Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI nói rằng: “Simon hiểu rằng Chúa Giêsu hài lòng với tình yêu nghèo nàn của mình, tình yêu duy nhất mà ông có thể có được”. Chính sự hiểu biết này của Chúa đã mang lại hy vọng cho người môn đệ đã từng nếm trải nỗi đau của sự bất trung. Từ khoảnh khắc đó, Phêrô đi theo Thầy “với nhận thức đầy đủ về sự mong manh của chính mình”. Đức Hồng y Mamberti cũng nhắc lại Thánh Gioan Phaolô II, người đã nói vào dịp kỷ niệm 25 năm triều đại giáo hoàng của mình: “Mỗi ngày trong lòng tôi, tôi sống lại cuộc đối thoại tương tự giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô,” và ngài cảm thấy Chúa Giêsu khuyến khích ngài đáp lại, giống như Thánh Phêrô: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa.” Sau đó, Chúa Giêsu lại giao phó cho Phêrô trách nhiệm.

Chiều kích thiết yếu của sự tôn thờ

Đức Hồng y Mamberti cũng nhắc lại bài đọc thứ hai từ Sách Khải Huyền với lời ca ngợi và tôn thờ Thiên Chúa và Chiên Con. Đức Giáo hoàng Phanxicô thường nhấn mạnh rằng “việc tôn thờ là một chiều kích thiết yếu trong sứ mệnh của Giáo hội và đời sống tín hữu”. Trong bài giảng lễ Hiển Linh năm 2024, Đức Giáo hoàng than thở rằng “chúng ta đã mất đi thói quen tôn thờ, khả năng mà sự tôn thờ mang lại cho chúng ta. Chúng ta hãy khám phá lại vẻ đẹp của sự tôn thờ trong lời cầu nguyện. Ngày nay, sự tôn thờ đang thiếu vắng giữa chúng ta”.

“Khả năng tôn thờ này rõ ràng hiện diện nơi Đức Giáo hoàng Phanxicô. Cuộc sống mục vụ mãnh liệt và vô số cuộc gặp gỡ của ngài luôn bắt nguồn từ những khoảng thời gian cầu nguyện dài được định hình theo kỷ luật của thánh Inhaxiô. Ngài thường nhắc nhở Giáo hội rằng chiêm niệm là “một động lực của tình yêu” vốn “nâng chúng ta lên với Chúa không phải để tách chúng ta ra khỏi thế gian, nhưng để giúp chúng ta sống trong đó sâu sắc hơn.”

Cuối cùng, Đức Hồng y Mamberti đã nhắc lại làm thế nào Đức Giáo hoàng Phanxicô đã làm mọi việc dưới cái nhìn của Đức Mẹ Salus Populi Romani, đấng mà ngài đã cầu nguyện 126 lần tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả. “Bây giờ ngài vẫn ở gần bức linh ảnh yêu dấu,” Đức Hồng y Mamberti mời gọi các tín hữu phó thác ngài cho sự chuyển cầu của Mẹ Chúa và Mẹ chúng ta.

Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong lời cầu nguyện của các tín hữu, Giáo hội đã cầu xin Chúa đón nhận Đức Giáo hoàng Phanxicô vào Vương quốc của Người, nhìn nhận lòng tin của ngài vào lời cầu nguyện của Giáo hội, thanh tẩy ngài “khỏi sự yếu đuối của con người” và ban cho ngài “phần thưởng đã hứa cho những tôi tớ trung thành”.

Vào Chúa Nhật, một số Hồng y đã cử hành Thánh lễ tại các nhà thờ tước hiệu của mình trên khắp Rôma. Vào thứ Hai, ngày 5 tháng Năm, các Hồng y sẽ có phiên họp chung vào buổi sáng lúc 9 giờ và buổi chiều lúc 17 giờ. Vào thứ Ba, ngày 6 tháng Năm, chỉ có khóa họp buổi sáng được lên kế hoạch cho đến thời điểm này, có thể có khoa họp buổi chiều nếu cần.

Tý Linh

(theo Alessandro Di Bussolo, Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2025
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31