ĐHY PAROLIN: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO CÓ THỂ CHỮA LÀNH NHỮNG CHIA RẼ TOÀN CẦU
Tại hội nghị của Tổ chức Centesimus Annus Pro Pontifice vào thứ Sáu, 16/5, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhấn mạnh vai trò quan trọng của Học thuyết xã hội của Giáo hội trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng về quản trị và phân cực toàn cầu ngày nay.
Trong bài phát biểu kêu gọi sự sáng suốt về mặt đạo đức và hành động thống nhất trước sự chia rẽ toàn cầu, Đức Hồng y Pietro Parolin đã nói với các tham dự viên hội nghị quốc tế của Tổ chức Centesimus Annus Pro Pontifice vào thứ Sáu rằng Học thuyết Xã hội Công giáo cung cấp một khuôn khổ quan trọng để củng cố sự quản trị toàn cầu và chữa lành sự phân cực ngày càng sâu đậm.
Chủ đề của hội nghị, “Vượt qua sự phân cực và xây dựng lại sự quản trị toàn cầu: Nền tảng đạo đức”, đã đóng vai trò cốt lõi trong bài phát biểu của ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh về vai trò của giáo huấn xã hội của Giáo hội trong việc thúc đẩy công lý, đối thoại và hiệp nhất trong một thế giới ngày càng chia rẽ.
Đức Hồng y Parolin phát biểu: “Chúng ta đang đứng trước ngã ba đường. Trong khi những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và di cư đòi hỏi sự hợp tác lớn hơn, chúng ta thường chứng kiến sự ngờ vực và chia rẽ”.
Gọi Giáo huấn xã hội Công giáo là “một truyền thống năng động” chứ không phải là một ý thức hệ cứng nhắc, Đức Hồng y chỉ ra nền tảng của nó trong Tin Mừng, giáo huấn của Giáo hội và lý trí con người.
Ngài cho biết các nguyên tắc cốt lõi của nó – nhân phẩm, công ích, liên đới, bổ trợ và chăm sóc công trình tạo dựng… – cung cấp một la bàn đạo đức phổ quát để giải quyết các cuộc khủng hoảng đương đại.
Suy nghĩ lại về sự quản trị toàn cầu
Đức Hồng y Parolin chỉ ra cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp trong các cấu trúc quản trị toàn cầu hiện nay, mô tả nhận thức rộng rãi rằng các thể chế hoặc là quá can thiệp hoặc là không đủ hiệu quả.
Ngài nhấn mạnh ba đóng góp cơ bản mà Học thuyết Xã hội Công giáo có thể mang lại: “Phẩm giá con người” là nền tảng của quản trị; “công ích” là mục tiêu của nó; “cân bằng giữa nguyên tắc bổ trợ và liên đới” để trao quyền cho cộng đồng địa phương đồng thời thúc đẩy hợp tác toàn cầu.
Ngài cho biết, phẩm giá con người là một nguyên tắc “thách thức các hệ thống biến con người thành những đơn vị kinh tế hoặc quân cờ chính trị. (…) Nó đòi hỏi các chính sách ưu tiên những người dễ bị tổn thương – người tỵ nạn, người già, trẻ em chưa chào đời – hơn là lợi nhuận hoặc quyền lực”.
Ngài nói tiếp, công ích thúc giục chúng ta vượt qua chủ nghĩa duy lợi hay chủ nghĩa cá nhân, thay vào đó là ủng hộ hợp tác thay vì cạnh tranh. “Việc xóa nợ không nên được coi là hoạt động từ thiện, nhưng là khoản đầu tư chung vào sự ổn định toàn cầu.”
ĐHY giải thích rằng việc cân bằng giữa nguyên tắc bổ trợ và nguyên tắc liên đới sẽ tạo ra các cơ cấu quản trị không độc đoán cũng không bị tê liệt bởi sự chia rẽ. “Không có quốc gia nào là một hòn đảo”, “sự bổ trợ mà không có tình liên đới có thể bỏ bê những người thiệt thòi, cũng như sự liên đới mà không có sự bổ trợ có thể bỏ qua các cơ quan địa phương”.
Chữa lành thông qua đối thoại và gặp gỡ
Chuyển sang chủ đề phân cực, Đức Hồng y Parolin mô tả cách các rạn nứt về ý thức hệ, được gia tăng bởi phương tiện truyền thông kỹ thuật số, đe dọa đến lòng tin và quá trình ra quyết định.
Vì vậy, ngài nói tiếp, chân lý phải được theo đuổi thông qua đối thoại và nuôi dưỡng một “nền văn hóa gặp gỡ”, nơi sự lắng nghe và khiêm nhường hướng dẫn cuộc tranh luận.
Ngài cho biết, tình liên đới cũng phải đóng vai trò là cầu nối vượt qua những chia rẽ toàn cầu và việc chăm sóc công trình tạo dựng phải trở thành mối quan tâm chung vì các cuộc khủng hoảng môi trường ảnh hưởng đến mọi quốc gia bất kể ý thức hệ nào.
ĐHY nói : “Biến đổi khí hậu không quan tâm đến biên giới”. “Nó mang đến cho chúng ta cơ hội vượt qua sự chia rẽ và cùng nhau hợp tác vì ngôi nhà chung.”
Xây dựng nền văn minh tình thương
Cuối cùng, Đức Hồng y Parolin tái khẳng định tầm quan trọng lâu dài của Học thuyết Xã hội Công giáo trong việc hướng dẫn các nỗ lực đổi mới hệ thống chính trị và kinh tế.
Ngài nói: “Việc quản trị toàn cầu không chỉ là về hệ thống, nó còn là việc xây dựng một nền văn minh tình thương”. “Sự phân cực không phải là điều không thể tránh khỏi. Nó có thể được khắc phục bằng sự thật, tình liên đới và mục đích chung.”
Vang vọng lại lời của Đức Giáo hoàng Lêô XIII, ĐHY kết luận bằng cách thúc giục các tham dự viên xây dựng “những cây cầu thông qua đối thoại và gặp gỡ”, nhắc nhở họ rằng sự hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất, và công lý không bắt nguồn từ sự trả thù, nhưng từ hòa bình.
Tý Linh
(theo Linda Bordoni, Vatican News)
Tags: Nhân-phẩm
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- VIDEO TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- ĐỨC LÊÔ XIV: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI THÚC ĐẨY ĐỐI THOẠI
- ĐHY PAROLIN: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO CÓ THỂ CHỮA LÀNH NHỮNG CHIA RẼ TOÀN CẦU
- SỰ MỚI MẺ NÀY ĐƯỢC ĐỨC LÊÔ XIV MONG MUỐN CHO LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ CỦA MÌNH
- THÁNH LỄ KHAI MẠC TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC LÊÔ XIV, MỘT PHỤNG VỤ GIỮA CÁC NGHI LỄ VÀ BIỂU TƯỢNG
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC LÊÔ XIV CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH : BỎ LẠI XUNG ĐỘT ĐẰNG SAU VÀ CHỌN THEO MỘT CON ĐƯỜNG MỚI
- ĐHY PAROLIN : TRONG SUỐT MẬT NGHỊ, ĐỨC LÊÔ XIV “KHÔNG BAO GIỜ MẤT ĐI NỤ CƯỜI NHẸ NHÀNG CỦA MÌNH”
- NỮ TU OONAH O’SHEA ĐƯỢC BẦU LÀM CHỦ TỊCH UISG
- ĐỨC LÊÔ XIV, “MỘT GIÁO HOÀNG VÌ HÒA BÌNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT”
- GIÁO DỤC: ĐỨC LÊÔ XIV KHUYẾN KHÍCH ƠN GỌI TU TRÌ LA SAN
- NHỮNG KHUÔN MẶT CỦA HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA ĐỨC LÊÔ XIV Ở PERU
- ĐỨC LÊÔ XIV TIẾP KIẾN NHÀ VÔ ĐỊCH QUẦN VỢT JANNIK SINNER
- VĂN PHÒNG BÁO CHÍNH TÒA THÁNH ĐƯA RA LỜI GIẢI THÍCH CHÍNH THỨC VỀ HUY HIỆU CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- NƠI Ở CỦA CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG QUA NHỮNG BIẾN ĐỘNG CỦA LỊCH SỬ
- “VIỆC BẦU ĐỨC LÊÔ XIV ĐÁNH DẤU BƯỚC NGOẶT TRONG TƯ TƯỞNG XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI”
- PHẬT TỬ VÀ KITÔ HỮU TRONG CUỘC ĐỐI THOẠI GIẢI THOÁT CHO THỜI ĐẠI CHÚNG TA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV GỬI CÁC CHUYÊN VIÊN TRUYỀN THÔNG : HÃY CHỌN LỰA CON ĐƯỜNG TRUYỀN THÔNG HÒA BÌNH
- MẬT NGHỊ HỒNG Y: ĐHY PAROLIN VÀ ĐHY PREVOST ĐƯỢC PHIẾU “RẤT CAO” TRONG CUỘC BỎ PHIẾU ĐẦU TIÊN ?
- CHÚA NHẬT ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC LÊÔ XIV VỚI CÁC TÍN HỮU VÀ TẠI MỘ THÁNH PHÊRÔ
- TỪ LÊÔ XIII ĐẾN LÊÔ XIV, VẤN ĐỀ XÃ HỘI MỚI