ĐHY TAGLE LƯU Ý SỰ ẢO TƯỞNG VỀ BẢN THÂN VÀ MỜI GỌI PHÚC ÂM HÓA CÁC MẠNG XÃ HỘI

Written by xbvn on Tháng Mười 30th, 2022. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Trong bài phát biểu ở đại hội của Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) hôm 29/10/2022, ĐHY Tagle lưu ý sự ảo tưởng đến từ sự khẳng định nhận được từ những bức ảnh được đăng tải và đồng thời đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đọc sách trong thời đại mạng xã hội, để phát triển tinh thần phản biện và sự đồng cảm.

Đức Hồng y Tagle, đặc phái viên của Đức Thánh Cha tại Đại hội của Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á Châu, đã phát biểu tại đại hội vào sáng 29/10. Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự phát triển của người trẻ, bằng cách nhấn mạnh đến các mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo, vì chúng tác động đến « ơn gọi loan báo Tin Mừng » của chúng ta.

Đối với ĐHY, các mạng xã hội là « một phúc lành trên thế giới », vì chúng cho phép thông tin vượt quá những giới hạn của « các nhóm ưu tú ». Các mạng xã hội cho phép chúng ta tiếp tục kết nối trong thời gian đại dịch và nhiều bậc cha mẹ đã bắt đầu nhận thấy rằng họ vừa là « giáo viên và giáo lý viên ».

Con người thay đổi

ĐHY nói tiếp : « Người ta yêu cầu chúng ta hãy chú ý, vì việc sử dụng mạng xã hội cũng thay đổi cái nhìn của chúng ta về con người một cách rất tinh tế ». Điều đó ảnh hưởng đến các mối tương quan của chúng ta và việc chúng ta « tham gia vào việc biến đổi xã hội ». « Trí tuệ nhân tạo làm công việc của một con người », khiến một số khía cạnh của công việc của con người trở nên lỗi thời. Việc kiểm tra chính tả đã thay thế nghệ thuật viết chính tả và cú pháp ; máy tính làm toán của chúng ta. Thuật đánh máy đã dẫn đến việc giảm bớt tính dễ đọc của chữ viết tay. Từ đó vấn đề liên quan đến « một hình thức mù chữ mới », dẫn đến « sự kém phát triển », dẫn đến khả năng biến mất của tinh thần phản biện chẳng hạn.

Liên quan đến mối tương quan giữa giới trẻ và mạng xã hội, ĐHY đã chia sẻ một số thông tin có được từ một cuộc khảo sát do tổ chức Gravissimum educationis thực hiện. Vấn đề đầu tiên là biết làm thế nào giới trẻ nhìn bản thân, nhìn chúng ta và nhìn tha nhân.

« Tôi »

Liên quan đến « tôi », « căn tính xuất hiện [trong nghiên cứu] là ảo tưởng về việc tự quy chiếu về mình. Một sự tự quy chiếu vốn là ảo tưởng ». Nguồn gốc của sự ảo tưởng này đến từ sự khẳng định nhận được từ những bức ảnh được đăng tải. « Đó là một hình thức phô trương, cần phải tự quảng cáo mình », cho đến chỗ đăng những hình ảnh khiêu khích, tất cả với mục đích để xem « bao nhiêu người thích tôi », để nhận được những lượt thích « thường xuyên từ những người xung quanh mình ». ĐHY lưu ý, điều đó dẫn đến xung lực cưỡng bức (ước muốn không thể chế ngự được). « Mạng xã hội trở thành một công cụ cho cái gọi là ảo tưởng tự quy chiếu về mình ». Các bạn trẻ do đó xây dựng thế giới của mình với những người « yêu thích » mình, và đồng thời loại trừ những người « không yêu thích » mình.

« chúng ta »

Bằng cách này, đám đông tập hợp mà không hoàn toàn có mặt. Những người tập hợp nghĩ rằng họ đang tập hợp, nhưng họ chỉ tập hợp. « Một cuộc tập hợp bao hàm tính nội tâm, và một đám đông có thể được tập hợp mà không có tính nội tâm », ĐHY tuyên bố từ cuộc nghiên cứu nói trên. Vì thế, nó thiếu một cái « ‘chúng ta’ vốn khiên chúng ta có khả năng hành động tập thể ». Thay vào đó, chúng ta vẫn là « những cá nhân cô lập », ngay cả trước sự hiện diện của những người khác. Đó không còn là đám đông đặc trưng cho xã hội ngày nay, nhưng là sự đơn độc, vì « tính nội tâm biến chúng ta thành một cộng đoàn được tập hợp ».

« Họ »

Theo ĐHY Tagle, nghiên cứu này cũng lưu ý rằng mọi người được kết nối nhiều hơn, nhưng « cách nghịch lý, chúng ta ngày càng ít quan tâm đến người khác. Dù chúng ta kết nối nhiều hơn, nhưng chúng ta không giao tiếp nhiều hơn ». Điều đó dẫn đến sự thiếu đồng cảm đối với người khác, đối với những người chúng ta không biết, đối với « họ ». Trái lại, mạng xã hội thúc đẩy việc tìm kiếm lòng trung thành trong nhóm nhỏ bạn bè của chúng ta.

ĐHY Tagle và các nhà lãnh đạo của Liên hiệp các HĐGM Á Châu

Các khuynh hướng

ĐHY nhắc lại rằng đó là những khuynh hướng trong số các bạn trẻ nói chung, và có thể không đúng đối với tất cả các bạn trẻ. Thế nhưng, đó là « thế giới trong đó các bạn trẻ đã học cách sống », điều này thúc đẩy một sự biến đổi tinh tế theo nghĩa này nơi những người sử dụng mạng xã hội. Nếu người khác không yêu thích tôi, thì « tôi không quan tâm…Tôi sẽ chỉ quan tâm đến họ nếu họ tham gia vòng kết nối của tôi ». Những người bên ngoài vòng kết nối của tôi « sẽ làm rối loạn sự tự quy chiếu về mình của tôi ».

Giáo dục là nền tảng của Giáo hội

Tương quan giữa các bạn trẻ và mạng xã hội là điểm thứ hai của ĐHY. Vì Giáo hội bao hàm thừa tác vụ giáo dục, nên giáo dục là cái khung của sự tiếp xúc của chúng ta với giới trẻ. Ngày nay, nhiều bạn trẻ thiếu tinh thần phản biện và đồng cảm do việc họ sử dụng các công nghệ hiện nay. Các nhà tâm lý học và các nhà thần kinh học cũng chứng minh rằng, hệ quả, nhiều bạn trẻ không biết đọc. « Chúng ta có thể coi công nghệ như một công cụ bên ngoài, nhưng chúng sửa đổi ý thức », ĐHY lưu ý.

Sự cần thiết của việc đọc sách

Một số nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng việc đọc sách không đến tự nhiên, nhưng là một phản xạ sinh tồn. Trên toàn thế giới, mọi người công nhận nhiều loại thực phẩm và nước khác nhau nhưng bảng chữ cái phải được học, việc đọc là một khả năng được thủ đắc nhờ đó não bộ và khả năng phân tích và chiêm niệm của chúng ta được phát triển. Việc học kỹ thuật số, với sự thủ đắc nhanh chóng các « octet » (điện toán) thông tin, dẫn đến việc mất đi sắc thái và sự phức tạp. Con người thủ đắc sự đồng cảm khi dìm mình vào việc đọc các tiểu thuyết ; nó thủ đắc một óc phê bình khi đối chất các ý tưởng của mình với các ý tưởng của tác giả. Điều này không như thế khi xem nội dung trực quan.

Những hàm ý cho tương lai

Nếu chúng ta không hiểu được những gì đang diễn ra trong sự phát triển của các bạn trẻ của chúng ta, thì kết quả sẽ là một tương lai của những người không biết suy nghĩ cách phản biện và một « thế hệ không có sự đồng cảm ».

Áp dụng điều đó vào các trường học của chúng ta, ĐHY nói rằng : « Việc đọc sách có được chú ý như nó đáng được không ? » Nếu không, nó sẽ có một « tác động đến loại hình xã hội » trong tương lai. « Chúng ta có đào tạo những công dân sẽ phát triển trí thông minh phản biện cùng với sự đồng cảm đối với những người mà họ không biết không? », ĐHY đặt câu hỏi với các đại diện của FABC.

Do đó, động lực cho việc Phúc Âm hóa các mạng xã hội phát xuất từ đó, vì nó có mặt khắp nơi trên toàn thế giới.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31