ĐHY YOU NÓI VỚI CÁC LINH MỤC: “CHÚA MUỐN CHÚNG TA SỐNG HẠNH PHÚC”

Written by xbvn on Tháng Tư 18th, 2024. Posted in Linh mục, Nhân bản, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Nhật báo Osservatore Romano phỏng vấn ĐHY Lazarus You Heung-sik, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, nhân Ngày Thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi vào Chúa Nhật, ngày 21/4/2024. ĐHY khuyến khích các linh mục luôn bước theo Chúa Kitô và duy trì niềm tin vào lời hứa của Chúa.

Thế nào là một ơn gọi ?

Trước khi nghĩ về bất kỳ khía cạnh tôn giáo hay tâm linh nào, tôi muốn nói điều này: ơn gọi về cơ bản là lời mời gọi sống hạnh phúc, làm chủ cuộc sống mình, thể hiện nó một cách trọn vẹn và không lãng phí nó. Đây là ước muốn đầu tiên mà Thiên Chúa dành cho mỗi người nam và người nữ, cho mỗi người chúng ta: rằng cuộc sống của chúng ta không tàn dần, không bị lãng phí, nhưng nó tỏa sáng với tất cả sự rực rỡ của nó. Đó là lý do tại sao Ngài trở nên gần gũi với chúng ta nơi Chúa Giêsu Con của Ngài và muốn lôi kéo chúng ta vào vòng tay yêu thương của Ngài.

Như vậy, nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở thành một phần của câu chuyện tình yêu này, và khi chúng ta cảm thấy được yêu thương và đồng hành, thì cuộc sống của chúng ta trở thành con đường hướng tới hạnh phúc, hướng tới một cuộc sống không có hồi kết. Một con đường được thể hiện và thực hiện trong một lựa chọn sống, trong một sứ mạng cụ thể và trong nhiều hoàn cảnh của cuộc sống hằng ngày.

Nhưng làm sao chúng ta nhận ra được một ơn gọi? Đâu là mối liên hệ giữa ơn gọi và ước muốn?

Về vấn đề này, truyền thống phong phú của Giáo hội và sự khôn ngoan của linh đạo Kitô giáo có nhiều điều để dạy chúng ta. Để sống hạnh phúc – và hạnh phúc là ơn gọi hàng đầu được tất cả mọi người chia sẻ – chúng ta không được phạm sai lầm trong những lựa chọn sống, ít nhất là trong những lựa chọn cơ bản. Và những dấu hiệu đầu tiên cần tuân theo chính là những ước muốn của chúng ta, những gì chúng ta cảm thấy trong lòng là tốt cho chúng ta và, thông qua chúng ta, cho thế giới xung quanh chúng ta.

Tuy nhiên, mỗi ngày chúng ta trải nghiệm chúng ta tự lừa dối bản thân như thế nào, bởi vì những ước muốn của chúng ta không phải luôn luôn tương xứng với sự thật về con người thật của chúng ta. Chúng có thể là kết quả của tầm nhìn phiến diện, nảy sinh từ những tổn thương hoặc thất đoạt, bị thúc đẩy bởi sự tìm kiếm hạnh phúc của chính chúng ta một cách ích kỷ, hoặc, một lần nữa, cái mà chúng ta gọi là ước muốn, trên thực tế, chỉ là ảo tưởng. Vì thế, cần phải chứng tỏ sự phân định, mà về cơ bản là nghệ thuật thiêng liêng, với ân sủng của Thiên Chúa, để hiểu biết những gì chúng ta phải lựa chọn trong cuộc sống của mình. Sự phân định chỉ có thể thực hiện được với điều kiện là lắng nghe chính mình và  lắng nghe sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta, vượt qua cơn cám dỗ hiện tại muốn làm cho cảm xúc của chúng ta trùng khớp với sự thật tuyệt đối. Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô, khi bắt đầu các bài giáo lý thứ Tư dành riêng cho việc phân định, đã mời gọi chúng ta đối diện với nỗ lực đi sâu vào chính mình, đồng thời, đừng quên sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta.

Ở đây, ơn gọi được nhận biết khi chúng ta làm cho những ước muốn sâu xa của mình đối thoại với công việc mà ân sủng Thiên Chúa thực hiện nơi chúng ta. Nhờ cuộc đối chất này, đêm tối của những nghi ngờ và thắc mắc dần dần được soi sáng và Chúa giúp cho chúng ta hiểu được con đường nào phải đi.

Cuộc đối thoại giữa các chiều kích nhân bản và thiêng liêng này ngày càng nằm ở trọng tâm của việc đào tạo linh mục. Chúng ta đang ở đâu?

Cuộc đối thoại này là cần thiết và có lẽ đôi khi chúng ta đã coi thường nó. Chúng ta không được mạo hiểm nghĩ rằng khía cạnh thiêng liêng có thể phát triển độc lập với khía cạnh nhân bản, do đó gán cho ân sủng của Thiên Chúa một loại “sức mạnh ma thuật”. Thiên Chúa đã nhập thể và do đó, ơn gọi mà Ngài mời gọi chúng ta luôn nhập thể vào bản tính nhân loại của chúng ta.

Thế giới, xã hội và Giáo hội cần những linh mục nhân bản sâu xa, mà đặc nét tâm linh của họ có thể được tóm tắt theo cùng một phong cách như Chúa Giêsu: không phải một nền linh đạo tách biệt chúng ta với người khác hay khiến chúng ta trở thành những ông chủ lạnh lùng của một chân lý trừu tượng, nhưng là khả năng thể hiện sự gần gũi của Thiên Chúa với nhân loại, tình yêu của Ngài dành cho mỗi thụ tạo, lòng trắc ẩn của Ngài dành cho tất cả những ai bị đánh dấu bởi những tổn thương của cuộc sống. Điều này đòi hỏi những người, ngay cả khi họ có thể mong manh như mọi người khác, phải sở hữu trong sự mong manh của mình một sự trưởng thành tâm lý, sự thanh thản nội tâm và sự quân bình về cảm xúc.

Tuy nhiên, nhiều linh mục phải trải qua những hoàn cảnh khó khăn và đau khổ. ĐHY nghĩ gì về họ?

Trước hết, tôi rất cảm động vì điều đó. Tôi đã cống hiến gần như cả cuộc đời mình cho việc chăm lo đào tạo linh mục, đồng hành và gần gũi với các linh mục. Hôm nay, với tư cách là Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, tôi càng cảm thấy gần gũi hơn với các linh mục, với những hy vọng và công việc của họ. Không thiếu yếu tố để lo lắng, vì ở nhiều nơi trên thế giới có tình trạng bất ổn thực sự trong đời sống của các linh mục. Có nhiều khía cạnh của cuộc khủng hoảng, nhưng tôi nghĩ rằng trước hết chúng ta cần một suy tư của Giáo hội về hai mặt trận.

Trước hết, chúng ta phải suy nghĩ lại cách làm nên Giáo hội của chúng ta và cách sống sứ mạng Kitô hữu của chúng ta, trong sự hợp tác hiệu quả với tất cả những người đã được rửa tội, bởi vì các linh mục thường bị quá tải với công việc – không chỉ mục vụ, mà còn cả pháp lý và hành chính – nhưng đây cũng là khối lượng công việc tương tự như vài năm trước, khi họ còn đông hơn về số lượng. Thứ hai, cần phải xem lại hồ sơ của linh mục giáo phận bởi vì, cho dù họ không được mời gọi vào đời sống tu trì, nhưng họ phải khám phá lại giá trị bí tích của tình huynh đệ, của sự kiện cảm thấy mình ở nhà mình trong nhà xứ, với giám mục, các anh em linh mục và giáo dân, bởi vì, đặc biệt trong những khó khăn hiện tại, sự gắn bó địa phương này có thể nâng đỡ họ trong công việc mục vụ và đồng hành cùng họ khi nỗi cô đơn trở nên nặng nề.

Tuy nhiên, cần có một não trạng mới và những hành trình đào tạo mới, bởi vì linh mục thường được đào tạo để trở thành một người lãnh đạo đơn độc, “một người duy nhất gánh vác”, điều đó là không tốt. Chúng ta nhỏ bé và có giới hạn, nhưng chúng ta là môn đệ của Thầy. Được Ngài thúc đẩy, chúng ta có thể làm được nhiều việc. Không phải cách cá nhân, nhưng cùng nhau, cách hiệp hành. Đức Thánh Cha lặp lại : “Là các môn đệ truyền giáo, các con chỉ có thể sống cùng nhau.”

Các linh mục có được “trang bị” để đương đầu với thế giới ngày nay không?

Đây là một trong những thách thức chính mà chúng ta phải đối mặt ngày nay, cả trong đào tạo ban đầu và đào tạo thường xuyên. Chúng ta không thể cứ bị nhốt vào những hình thức thiêng liêng và biến linh mục thành người quản lý đơn giản các nghi lễ tôn giáo; ngày nay, chúng ta đang sống trong một thời đại được đánh dấu bởi nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu, với một số rủi ro gắn liền với sự gia tăng bạo lực, với chiến tranh, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng kinh tế… Tất cả những cuộc khủng hoảng này sau đó đều để lại hậu quả trong đời sống người dân dưới dạng bất an, lo lắng, sợ hãi tương lai. Vì thế, rất cần các linh mục và giáo dân có khả năng mang đến cho mọi người niềm vui của Tin Mừng, như một lời ngôn sứ về một thế giới mới và như một kim chỉ nam định hướng trên đường đời. Chúng ta luôn là một người môn đệ, ngay cả khi chúng ta đã là phó tế, linh mục hay giám mục trong nhiều năm. Và người môn đệ phải luôn học hỏi từ Thầy duy nhất là Chúa Giêsu.

Nhưng, theo ý kiến ​​của ĐHY, việc trở thành linh mục ngày nay có còn đáng nữa không?

Bất chấp tất cả, thật đáng để bước theo Chúa trên con đường này, để mình được Người quyến rũ, hiến dâng cuộc đời mình để theo Người. Chúng ta có thể nhìn vào Đức Maria, một thiếu nữ đến từ Nadarét, mặc dù bị choáng ngợp bởi lời loan báo của thiên thần, nhưng đã chọn mạo hiểm vào cuộc phiêu lưu hấp dẫn của tiếng gọi, bằng cách trở thành Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của nhân loại. Với Chúa, không có gì bị mất cả!

Và tôi muốn nói một lời với tất cả các linh mục, đặc biệt với những người đang nản lòng hoặc bị tổn thương vào thời điểm này: Chúa không bao giờ thất hứa. Nếu Người đã gọi anh em, anh em sẽ không thiếu sự dịu dàng của tình yêu Người, ánh sáng của Thánh Thần, niềm vui của tâm hồn bạn. Tôi mong muốn niềm hy vọng này đến với các linh mục, phó tế và chủng sinh trên khắp thế giới, để an ủi và khích lệ họ. Chúng ta không đơn độc, Chúa luôn ở bên chúng ta! Và Người muốn chúng ta sống hạnh phúc!

—————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican news)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31