DIỄN VĂN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV CHO HỒNG Y ĐOÀN : « NGÀY NAY GIÁO HỘI TRAO CHO MỌI NGƯỜI DI SẢN HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA MÌNH »
Đức Lêô XIV đã gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các Hồng y vào thứ Bảy, ngày 10 tháng 5. Ngài nói : “Sự hiện diện của anh em nhắc nhở tôi rằng Chúa, Đấng đã giao phó cho tôi sứ mạng này, không để tôi đơn độc gánh vác trách nhiệm”. Ngài cũng hướng suy nghĩ của mình tới Đức Phanxicô, sau đó hy vọng rằng Hồng y đoàn sẽ tiếp tục “gắn bó hoàn toàn với con đường mà Giáo hội hoàn vũ đã đi theo từ nhiều thập kỷ qua, trong đường hướng của Công đồng Vatican II”. Đức Thánh Cha cũng không quên giải thích việc chọn lựa tông hiệu của mình trong đường hướng này, và qua đó “trao cho mọi người di sản học thuyết xã hội của mình”.
Dưới đây là bài phát biểu của Đức Thánh Cha Lêô XIV :
Anh em Hồng y thân mến, cảm ơn anh em rất nhiều. Trước khi ngồi, chúng ta hãy bắt đầu bằng lời cầu nguyện, xin Chúa tiếp tục đồng hành với Hồng y đoàn này và đặc biệt là toàn thể Giáo hội trong tinh thần này, với lòng nhiệt thành, nhưng cũng với đức tin sâu sắc. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện bằng tiếng Latinh.
Lạy Cha chúng con…Kính mừng Maria…
Trong phần đầu của cuộc gặp gỡ này, sẽ có một bài phát biểu ngắn nêu một số suy nghĩ mà tôi muốn chia sẻ với anh em. Nhưng tiếp đến, sẽ có phần thứ hai, hơi giống với kinh nghiệm mà nhiều người trong anh em đã yêu cầu, một dạng chia sẻ với Hồng y đoàn để có thể lắng nghe những lời khuyên, gợi ý, đề xuất, những điều rất cụ thể, mà chúng ta đã nói đến một chút trong những ngày trước Mật nghị.
Anh em Hồng y thân mến!
Tôi chào anh em và cảm ơn tất cả anh em vì cuộc gặp gỡ này và vì những ngày trước đó, đau buồn vì mất Đức Thánh Cha Phanxicô, những ngày rất đòi hỏi vì những trách nhiệm mà chúng ta cùng nhau đối mặt và đồng thời, theo lời hứa mà chính Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta, cũng là những ngày giàu ân sủng và an ủi trong Chúa Thánh Thần (x. Ga 14, 25-27).
Anh em Hồng y thân mến, anh em là những cộng sự thân cận nhất của Giáo hoàng, và đây là một sự an ủi lớn lao đối với tôi khi chấp nhận một gánh nặng rõ ràng vượt xa sức lực của tôi, cũng như vượt xa sức lực của bất kỳ ai khác. Sự hiện diện của anh em nhắc nhở tôi rằng Chúa, Đấng đã giao phó cho tôi sứ mạng này, không để tôi đơn độc gánh vác trách nhiệm. Trên hết, tôi biết rằng tôi luôn luôn có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Người, sự giúp đỡ của Chúa, và nhờ Ân sủng và Sự quan phòng của Người, trông cậy vào sự gần gũi của anh em và của nhiều anh chị em trên khắp thế giới, những người tin vào Thiên Chúa, yêu mến Giáo hội và nâng đỡ Vị Đại diện Chúa Kitô bằng lời cầu nguyện và các việc tốt lành.
Tôi xin cảm ơn Niên trưởng Hồng y đoàn, Đức Hồng y Giovanni Battista Re – ngài xứng đáng được một tràng pháo tay, ít nhất là một tràng pháo tay, nếu không muốn nói là nhiều hơn – mà sự khôn ngoan của ngài, thành quả của một cuộc đời dài và nhiều năm phục vụ trung thành đối với Tòa Thánh, đã giúp chúng ta rất nhiều trong giai đoạn này. Tôi xin cảm ơn Đức Nhiếp chính của Hội Thánh Rôma, Hồng y Kevin Joseph Farrell – tôi tin là ngài có mặt ở đây – vì vai trò quan trọng và đầy thách thức mà ngài đã đảm nhiệm trong thời gian trống Tòa và trong quá trình triệu tập Mật nghị Hồng y. Tôi cũng nghĩ đến các anh em Hồng y, những người không thể có mặt vì lý do sức khỏe, và tôi xin cùng các ngài hiệp thông trong tình cảm và lời cầu nguyện.
Vào thời điểm này, vừa buồn vừa vui, được quan phòng bao bọc trong ánh sáng Phục Sinh, tôi muốn chúng ta cùng nhau nhìn vào sự ra đi của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô và Mật nghị Hồng y như một biến cố Vượt Qua, một giai đoạn trong cuộc xuất hành dài, qua đó Chúa tiếp tục hướng dẫn chúng ta đến với cuộc sống viên mãn; và trong viễn cảnh này, chúng ta phó thác cho “Cha nhân từ và là Thiên Chúa của mọi niềm an ủi” (2 Cr 1, 3) linh hồn của Đức cố Giáo hoàng và cả tương lai của Giáo hội.
Giáo hoàng, từ Thánh Phêrô đến tôi, người kế vị không xứng đáng của ngài, là một người tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa và anh em mình, và không gì khác. Tấm gương của rất nhiều vị tiền nhiệm của tôi đã chứng minh rõ điều này, và gần đây hơn là tấm gương của chính Đức Giáo hoàng Phanxicô, với phong cách hoàn toàn tận tụy phục vụ và lối sống giản dị, phó thác cho Thiên Chúa trong thời gian sứ mạng và tin tưởng thanh thản vào lúc trở về nhà Cha. Chúng ta hãy tiếp nhận di sản quý giá này và lên đường, được thúc đẩy bởi chính niềm hy vọng nảy sinh từ đức tin.
Chính Đấng Phục Sinh, hiện diện giữa chúng ta, bảo vệ và hướng dẫn Giáo hội và tiếp tục làm cho Giáo hội hồi sinh trong hy vọng, qua tình yêu “được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần được ban cho chúng ta” (Rm 5, 5). Chúng ta phải trở thành những người ngoan ngoãn lắng nghe tiếng nói của Ngài và là những thừa tác viên trung thành cho kế hoạch cứu rỗi của Ngài, bằng cách nhớ rằng Thiên Chúa thích thông ban chính mình, trong “tiếng gió hiu hiu” (1 V 19, 12) hay như một số người dịch, trong “tiếng nói nhẹ nhàng của sự im lặng”, hơn là trong tiếng sấm rền và động đất. Đó là cuộc gặp gỡ quan trọng, không thể bỏ lỡ, mà cần phải giáo dục và đồng hành với toàn thể dân thánh của Thiên Chúa đã được giao phó cho chúng ta.
Trong những ngày gần đây, chúng ta đã có thể thấy được vẻ đẹp và cảm nhận được sức mạnh của cộng đồng rộng lớn này, đã chào đón và khóc thương vị mục tử của mình với tình cảm và lòng sùng kính sâu sắc, đồng hành cùng ngài bằng đức tin và lời cầu nguyện vào lúc cuộc gặp gỡ cuối cùng của ngài với Chúa. Chúng ta đã thấy được đâu là sự vĩ đại đích thực của Giáo hội, vốn sống trong sự đa dạng của các thành viên hiệp nhất với một Thủ lãnh duy nhất là Chúa Kitô, “người mục tử và gìn giữ” (1 Pr 2, 25) của linh hồn chúng ta. Giáo hội là cung lòng trong đó chúng ta được sinh ra và, đồng thời, là đàn chiên (x. Ga 21,15-17), là cánh đồng (x. Mc 4,1-20) được trao cho chúng ta để chăm sóc và vun trồng, nuôi dưỡng bằng các bí tích cứu độ và để chúng ta làm cho phong nhiêu bằng hạt giống Lời Chúa, để, vững vàng trong sự hòa hợp và nhiệt thành trong sứ mạng, nó có thể bước đi, giống như dân Israel xưa trong sa mạc, dưới bóng mây và dưới ánh sáng lửa của Thiên Chúa (x. Xh 13,21).
Và về vấn đề này, hôm nay tôi muốn chúng ta cùng nhau đổi mới việc gắn bó hoàn toàn với con đường mà Giáo hội hoàn vũ đã đi theo từ nhiều thập kỷ qua, trong đường hướng của Công đồng Vatican II. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tài tình nhắc lại và cập nhật nội dung trong Tông huấn Evangelii Gaudium, mà tôi muốn nhấn mạnh một số khía cạnh cơ bản: sự trở về với quyền tối thượng của Chúa Kitô trong lời loan báo (x. số 11); sự hoán cải truyền giáo của toàn thể cộng đồng Kitô hữu (x. số 9); sự tăng trưởng trong tính hợp đoàn và tính hiệp hành (x. số 33); chú ý đến cảm thức đức tin (x. số 119-120), đặc biệt là trong những hình thức chân thực và bao hàm nhất của nó, chẳng hạn như lòng đạo đức bình dân (x. số 123); sự quan tâm trìu mến đến những người nhỏ bé nhất và bị bỏ rơi (xem số 53); đối thoại can đảm và tin tưởng với thế giới đương đại trong các thành phần và thực tại khác nhau của nó (x. số 84; Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 1-2).
Đó là những nguyên tắc Tin Mừng vốn đã luôn làm sinh động và truyền cảm hứng cho cuộc sống và công việc của Gia đình Thiên Chúa, những giá trị mà qua đó khuôn mặt đầy lòng thương xót của Chúa Cha đã được mặc khải và tiếp tục được mặc khải nơi Chúa Con làm người, là niềm hy vọng tối hậu của bất kỳ ai chân thành tìm kiếm chân lý, công lý, hòa bình và tình huynh đệ (x. Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe salvi, 2; Phanxicô, Tông sắc Spes non confundit, 3).
Chính vì cảm thấy được kêu gọi tiếp tục theo đuổi đường lối này nên tôi đã nghĩ đến việc lấy tông hiệu là Lêô XIV. Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là vì Đức Giáo hoàng Lêô XIII, với thông điệp lịch sử Rerum Novarum, đã giải quyết vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc đại cách mạng công nghiệp thứ nhất; và ngày nay Giáo hội trao cho mọi người di sản học thuyết xã hội của mình để đáp ứng với một cuộc cách mạng công nghiệp khác và với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, vốn đặt ra những thách thức mới cho việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và lao động.
Anh em thân mến, tôi muốn kết thúc phần đầu tiên của buổi gặp gỡ này bằng cách biến thành lời cầu chúc của riêng tôi – và cũng đề xuất với anh em – niềm mong ước mà Thánh Phaolô VI đã đặt ra vào năm 1963 khi bắt đầu sứ vụ Phêrô của mình: “Ước mong Giao hội lan tỏa khắp thế giới như ngọn lửa đức tin và tình yêu, vốn thắp sáng mọi người thiện chí, soi sáng con đường cộng tác lẫn nhau của họ và thu hút xuống trên nhân loại, bây giờ và luôn mãi, phúc lành dồi dào của Thiên Chúa, chính sức mạnh của Thiên Chúa, mà nếu không có sự trợ giúp của Ngài, thì không có gì là có giá trị, không có gì là thánh thiện” (Sứ điệp gửi toàn thể gia đình nhân loại Qui fausto die, ngày 22 tháng 6 năm 1963).
Ước mong những tâm tình này cũng là những tâm tình của chúng ta, được thể hiện trong lời cầu nguyện và sự dấn thân, với sự giúp đỡ của Chúa. Cảm ơn anh em !
———————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
Tags: Lêo XIV
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV CHO HỒNG Y ĐOÀN : « NGÀY NAY GIÁO HỘI TRAO CHO MỌI NGƯỜI DI SẢN HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA MÌNH »
- CHÂN DUNG, KHẨU HIỆU VÀ HUY HIỆU CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV
- BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN DÒNG AUGUSTINÔ: ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV ‘THỰC SỰ GẦN GŨI VỚI MỌI NGƯỜI’
- TÌM HIỂU DÒNG THÁNH AUGUSTINÔ CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- “NGÀI ĐÃ CÓ MỘT TỶ SỐ TUYỆT VỜI” TẠI MẬT NGHỊ
- XÓA MÌNH ĐI ĐỂ CHÚA KITÔ Ở LẠI
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV NGÀY 9/5/2025
- TIỂU SỬ ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV
- THÁNH LỄ KHAI MẠC TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC LÊÔ XIV VÀO NGÀY 18 THÁNG 5
- “GIÁM MỤC LÀ MỘT MỤC TỬ GẦN GŨI VỚI DÂN CHÚNG, KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI QUẢN LÝ”
- ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV KÊU GỌI HÒA BÌNH VÀ GIẢI TRỪ VŨ TRANG TRÊN THẾ GIỚI
- HABEMUS PAPAM
- GIỮA SỰ TRANG NGHIÊM VÀ LONG TRỌNG, MẬT NGHỊ BẮT ĐẦU
- KHÓI ĐEN ĐẦU TIÊN XUẤT HIỆN TỪ ỐNG KHÓI NHÀ NGUYỆN SISTINE
- THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO VIỆC BẦU CHỌN GIÁO HOÀNG : « CẦU NGUYỆN LÀ THÁI ĐỘ DUY NHẤT THÍCH HỢP »
- MẬT NGHỊ: ĐỨC GIÁO HOÀNG ĐƯỢC BẦU NHƯ THẾ NÀO?
- “EXTRA OMNES!”, “XIN MỌI NGƯỜI RA NGOÀI!”
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN THỨ 12 TẬP TRUNG VÀO NHỮNG PHẨM CHẤT CẦN THIẾT CHO MỘT GIÁO HOÀNG TƯƠNG LAI
- CÁC HỒNG Y TIẾP TỤC SUY NGHĨ VÀ PHÁC HỌA HÌNH ẢNH VỀ MỘT « GIÁO HOÀNG MỤC TỬ »
- ĐỨC GIÁO HOÀNG QUYẾT ĐỊNH TÔNG HIỆU CỦA MÌNH NHƯ THẾ NÀO?