DIỄN VĂN CỦA ĐỨC LÊÔ XIV CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH : BỎ LẠI XUNG ĐỘT ĐẰNG SAU VÀ CHỌN THEO MỘT CON ĐƯỜNG MỚI

Written by xbvn on Tháng Năm 17th, 2025. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh tại Hội trường Clementine vào thứ Sáu ngày 16/5/2025, Đức Lêo XIV đã chia sẻ tầm nhìn của mình về nền ngoại giao của Tòa Thánh và đưa ra những đường hướng dựa trên ba từ khóa: hòa bình, công lýchân lý. Cơ hội để ngài « làm mới khát vọng của Giáo hội là vươn tới và ôm trọn tất cả mọi dân tộc và mọi con người trên trái đất này, những người khao khát và tìm kiếm chân lý, công lý và hòa bình ». Ngài cũng nhấn mạnh : « Sứ vụ của tôi bắt đầu vào giữa Năm Thánh, đặc biệt dành riêng cho niềm hy vọng. Đây là thời điểm hoán cải và đổi mới, nhưng trên hết là cơ hội để chúng ta bỏ lại xung đột phía sau và chọn theo một con đường mới, được thúc đẩy bởi niềm hy vọng có thể xây dựng … một thế giới trong đó mỗi người đều có thể thể hiện nhân tính của mình trong chân lý, trong công lý và hòa bình ».

Dưới đây là diễn văn của Đức Thánh Cha :

Thưa Đức Hồng y,

Thưa quý Đức Cha,

Thưa quý Ông, quý Bà,

Chúc quý vị được bình an!

Tôi xin cảm ơn ngài George Poulides, Đại sứ Cộng hòa Síp và Niên trưởng Ngoại giao đoàn, vì những lời thân ái mà ngài dành cho tôi thay mặt cho tất cả mọi người, và vì công việc không mệt mỏi mà ngài theo đuổi với sức sống, lòng say mê và sự tử tế đặc trưng của ngài. Những phẩm chất này đã khiến ngài nhận được sự kính trọng của tất cả những vị tiền nhiệm của tôi mà ngài đã gặp trong những năm sứ mệnh tại Tòa Thánh, và đặc biệt là của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô.

Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn đối về nhiều lời chúc tốt đẹp sau khi tôi được bầu chọn, cũng như những lời chia buồn về sự ra đi của Đức Giáo hoàng Phanxicô, cũng đền từ các quốc gia mà Tòa Thánh không duy trì quan hệ ngoại giao. Đây là dấu hiệu tôn trọng thật ý nghĩa, khuyến khích đào sâu các mối quan hệ lẫn nhau.

Trong cuộc đối thoại của chúng ta, tôi muốn tình cảm thuộc về một gia đình luôn được ưu tiên. Thực vậy, cộng đồng ngoại giao đại diện cho toàn thể gia đình các dân tộc, cùng chia sẻ niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống cũng như những giá trị nhân bản và tinh thần vốn làm sinh động cuộc sống. Quả thế, nền ngoại giao của Tòa Thánh là sự biểu hiện chính tính công giáo của Giáo hội và, trong hoạt động ngoại giao của mình, Tòa Thánh được thúc đẩy bởi sự cấp bách mục vụ thúc đẩy mình không phải để tìm kiếm đặc quyền, nhưng là để tăng cường sứ mạng Tin Mừng của mình trong việc phục vụ nhân loại. Tòa Thánh chống lại mọi sự thờ ơ và liên tục kêu gọi lương tâm, giống như vị tiền nhiệm đáng kính của tôi đã không ngừng làm, luôn chú ý đến tiếng kêu của người nghèo, người thiếu thốn và người bên lề xã hội, nhưng cũng chú ý đến những thách thức đánh dấu thời đại của chúng ta, từ việc bảo vệ công trình tạo dựng đến trí tuệ nhân tạo.

Ngoài việc là dấu chỉ cụ thể về sự quan tâm mà các đất nước của quý vị dành cho Tông Tòa, sự hiện diện của quý vị hôm nay đối với tôi là một món quà cho phép tôi làm mới khát vọng của Giáo hội – và của chính tôi – là vươn tới và ôm trọn tất cả mọi dân tộc và mọi con người trên trái đất này, những người khao khát và tìm kiếm chân lý, công lý và hòa bình! Một cách nào đó, kinh nghiệm sống của tôi, diễn ra giữa Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Âu, biểu thị khát vọng vượt qua các biên giới để gặp gỡ những con người và các nền văn hóa khác nhau.

Nhờ vào công việc liên tục và kiên nhẫn của Phủ Quốc vụ khanh, tôi muốn củng cố sự hiểu biết và đối thoại với quý vị và các đất nước của quý vị, trong đó có nhiều nước tôi đã có vinh dự được đến thăm trong đời mình, đặc biệt là khi tôi còn là Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Augustinô. Tôi tin rằng Chúa Quan Phòng sẽ ban cho tôi những cơ hội gặp gỡ khác với những thực tại mà quý vị xuất thân, qua đó cho phép tôi nắm bắt những cơ hội sẽ xuất hiện để củng cố đức tin của rất nhiều anh chị em rải rác khắp thế giới, và xây dựng những cây cầu mới với tất cả những người thiện chí.

Trong cuộc đối thoại của chúng ta, tôi muốn chúng ta ghi nhớ ba từ khóa tạo nên những trụ cột của hoạt động truyền giáo của Giáo hội và công tác ngoại giao của Tòa Thánh.

Từ đầu tiên là hòa bình. Quá thường xuyên, chúng ta coi từ này là “tiêu cực”, nghĩa là đơn giản là không có chiến tranh và xung đột, bởi vì sự đối lập là một phần của bản tính con người và luôn đi kèm với chúng ta, quá thường xuyên thúc đẩy chúng ta sống trong “trạng thái xung đột” liên tục: ở nhà, ở nơi làm việc, trong xã hội. Khi đó, hòa bình có vẻ chỉ là một lệnh ngừng bắn, một khoảng dừng giữa hai cuộc xung đột, bởi vì, bất chấp mọi nỗ lực của chúng ta, căng thẳng vẫn hiện hữu, giống như than hồng âm ỉ dưới đống tro tàn, sẵn sàng bùng cháy trở lại bất cứ lúc nào.

Theo quan điểm Kitô giáo – cũng như theo các kinh nghiệm tôn giáo khác – hòa bình trước hết là một ân huệ, là ân huệ đầu tiên của Chúa Kitô: “Thầy ban cho anh em sự bình an của Thầy” (Ga 14:27). Tuy nhiên, đây là một ân huệ chủ động, dấn thân, liên quan và bao hàm mỗi người chúng ta, bất kể nguồn gốc văn hóa và sự thuộc về tôn giáo của chúng ta, và trên hết đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hoàn thiện bản thân. Hòa bình được xây dựng trong trái tim và từ trái tim, bằng cách triệt từ thói kiêu ngạo và những yêu sách, và bằng cách cân nhắc ngôn ngữ, bởi vì người ta có thể làm tổn thương và giết người bằng lời nói, chứ không chỉ bằng vũ khí.

Theo nhãn quan này, tôi cho rằng sự đóng góp mà các tôn giáo và cuộc đối thoại liên tôn có thể mang lại để thúc đẩy bối cảnh hòa bình là điều cơ bản. Điều này tất nhiên đòi hỏi sự tôn trọng hoàn toàn đối với quyền tự do tôn giáo ở mỗi nước, vì kinh nghiệm tôn giáo là một chiều kích cơ bản của con người, nếu không có nó thì khó có thể, nếu không muốn nói là không thể, đạt được sự thanh luyện tâm hồn cần thiết để xây dựng các mối quan hệ hòa bình.

Từ công việc mà tất cả chúng ta được kêu gọi này, có thể xóa bỏ tiền đề của mọi xung đột và mọi ham muốn chinh phục mang tính hủy diệt. Điều đó cũng đòi hỏi ước muốn đối thoại chân thành, được thúc đẩy bởi mong muốn gặp gỡ thay vì đối đầu với nhau. Trong viễn cảnh này, cần phải thổi luồng sinh khí mới vào nền ngoại giao đa phương và các thể chế quốc tế vốn được mong muốn và thiết lập trước hết nhằm giải quyết các xung đột có thể nổi lên trong Cộng đồng quốc tế. Tất nhiên, vẫn cần phải có ước muốn ngừng sản xuất các công cụ hủy diệt và chết chóc, bởi vì, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc lại trong Sứ điệp Urbi et Orbi cuối cùng của mình, “không có hòa bình nào có thể đạt được nếu không có giải trừ vũ khí thực sự [và] nhu cầu của mỗi dân tộc trong việc tự bảo vệ mình không thể biến thành một cuộc tổng chạy đua tái vũ trang” [1].

Từ thứ hai là công lý. Để theo đuổi hòa bình đòi hỏi phải thực hành công lý. Như tôi đã gợi lên, tôi chọn tông hiệu của mình vì nghĩ đến Đức Lêô XIII, vị Giáo hoàng của thông điệp xã hội vĩ đại đầu tiên, Rerum Novarum. Trong sự thay đổi thời đại mà chúng ta đang trải qua, Tòa Thánh không thể không lên tiếng trước nhiều sự mất cân bằng và bất công dẫn đến, trong số những thứ khác, điều kiện lao động không xứng đáng và các xã hội ngày càng chia rẽ và xung đột. Cũng phải nỗ lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng toàn cầu, khi sự giàu có và nghèo đói tạo những hố sâu sâu xa giữa các châu lục, giữa các nước và thậm chí trong cùng một xã hội.

Những vị hữu trách trong chính phủ có nhiệm vụ nỗ lực xây dựng những xã hội dân sự hòa hợp và hòa bình. Điều này có thể được thực hiện trước hết bằng cách tập trung vào gia đình dựa trên sự kết hợp ổn định giữa một người đàn nam và một người phụ nữ, “chắc chắn là một xã hội rất nhỏ, nhưng thực sự và có trước bất kỳ xã hội dân sự nào” [2]. Hơn nữa, không ai có thể tránh khỏi việc thúc đẩy các bối cảnh trong đó phẩm giá của mỗi con người được bảo vệ, đặc biệt là phẩm giá của những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất, từ trẻ sơ sinh đến người già, từ người bệnh đến người thất nghiệp, bất kể họ là công dân hay người nhập cư.

Câu chuyện của tôi là câu chuyện của một công dân, con cháu của những người di cư, bản thân tôi cũng là người di cư. Trong suốt cuộc đời, mỗi người chúng ta có thể thấy mình khỏe mạnh hay đau yếu, có hoặc không có việc làm, ở quê hương hay ở xứ người: tuy nhiên, phẩm giá của họ vẫn luôn như vậy, phẩm giá của một thụ tạo được Thiên Chúa mong muốn và yêu thương.

Từ thứ ba là chân lý. Mối quan hệ thực sự hòa bình, ngay cả trong cộng đồng quốc tế, không thể được xây dựng nếu không có sự thật. Ở đâu các từ ngữ mang những hàm ý mơ hồ và nước đôi hoặc nơi đâu thế giới ảo, với nhận thức thay đổi về thực tại, chiếm ưu thế mà không kiểm soát, thì rất khó để xây dựng các mối quan hệ chân thực, vì thiếu đi tiền đề khách quan và thực sự của truyền thông.

Về phần mình, Giáo hội không bao giờ có thể trốn tránh nhiệm vụ nói lên chân lý về con người và thế giới, bằng cách, nếu cần thiết, dùng đến ngôn ngữ thẳng thắn mà lúc đầu có thể khơi dậy sự hiểu lầm nào đó. Nhưng chân lý không bao giờ tách rời khỏi lòng bác ái, mà tận gốc rễ, luôn quan tâm đến cuộc sống và lợi ích của mọi người nam và người nữ. Hơn nữa, theo quan điểm của Kitô giáo, chân lý không phải là sự khẳng định các nguyên tắc trừu tượng và phi thực tế, nhưng là cuộc gặp gỡ với chính con người của Chúa Kitô, Đấng đang sống trong cộng đồng tín hữu. Vì vậy, chân lý không làm chúng ta xa cách, nhưng ngược lại, nó cho phép chúng ta đối mặt mạnh mẽ hơn với những thách thức của thời đại như di cư, sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có đạo đức và bảo vệ Trái đất thân yêu của chúng ta. Đây là những thách thức đòi hỏi sự cam kết dấn thân và hợp tác của tất cả mọi người, vì không ai có thể một mình giải quyết được.

Quý Đại sứ thân mến,

Sứ vụ của tôi bắt đầu vào giữa Năm Thánh, đặc biệt dành riêng cho niềm hy vọng. Đây là thời điểm hoán cải và đổi mới, nhưng trên hết là cơ hội để chúng ta bỏ lại xung đột phía sau và chọn theo một con đường mới, được thúc đẩy bởi niềm hy vọng có thể xây dựng, bằng cách làm việc cùng nhau, mỗi người theo sự nhạy cảm và trách nhiệm của mình, một thế giới trong đó mỗi người đều có thể thể hiện nhân tính của mình trong chân lý, trong công lý và hòa bình. Tôi mong ước rằng điều này có thể được thực hiện trong mọi bối cảnh, bắt đầu từ những nơi chịu đau khổ nhất, như Ucraina và Đất Thánh.

Tôi cảm ơn quý vị về tất cả những nỗ lực mà quý vị đang thực hiện để xây dựng cầu nối giữa đất nước của quý vị và Tòa Thánh, và tôi hết lòng chúc lành cho quý vị, gia đình và các dân tộc của quý vị. Cảm ơn quý vị!

[Chúc lành]

Và cảm ơn về tất cả những nỗ lực mà quý vị đang thực hiện !

————————————————–

[1] Sứ điệp Urbi et Orbi , 20/4/2025.

[2] Lêô XIII, Thông điệp Rerum novarum, 15/5/1891, số 9.

—————————————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2025
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31