DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC GIÁO LÝ VIÊN SLÔVAKIA: “GIÁO HỘI KHÔNG PHẢI LÀ MỘT PHÁO ĐÀI”
« Thật đẹp biết bao, một Giáo hội khiêm hạ, không tách mình khỏi thế gian và không nhìn cuộc sống từ xa, nhưng cư ngụ ở đó. Cư ngụ ở bên trong, chúng ta đừng quên điều đó : chia sẻ, bước đi cùng nhau, đón nhận các vấn đề và những mong đợi của con người. Điều đó giúp chúng ta thoát khỏi tính tự quy ngã : trung tâm của Giáo hội không phải là Giáo hội ! Chúng ta hãy thoát khỏi sự lo âu thái quá cho chính chúng ta, cho các cơ cấu của chúng ta, cho cách thức mà xã hội cảm thông với chúng ta. »
Đức Thánh Cha đã đưa ra lời khuyên mạnh mẽ như thế cho các tín hữu Công giáo Slôvakia trong buổi gặp gỡ với các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và Giáo lý viên ở nhà thờ Chánh Tòa Saint Martin de Bratislava, ngày13/9/2021. Trong khuôn khổ chuyến tông du Slôvakia này, Đức Thánh Cha nhắc nhở các Kitô hữu đừng bị nhấn chìm sâu vào sự hoài niệm quá khứ, bảo vệ cơ cấu : « Giáo hội không phải là một pháo đài, một cường quốc, một lâu đài nằm ở trên cao để nhìn thế giới từ xa và tự mãn », và đồng thời ngài cũng kêu gọi « đừng nhượng bộ cho cám dỗ xa hoa tráng lệ, cao sang quyền quý của thế gian ! Giáo hội phải khiêm hạ như Chúa Giêsu đã trút bỏ mọi sự, đã trở nên nghèo khó để làm cho chúng giàu có ».
Đứng trước hiện tượng đánh mất cảm thức đức tin, ý thức về Thiên Chúa trong một thế giới tục hóa, Đức Thánh Cha kêu gọi các Giáo hội Châu Âu tìm ra « những ngôn ngữ mới để truyền đạt đức tin ». Ngài nhấn mạnh : « Đối diện với việc đánh mất ý thức về Thiên Chúa và niềm vui đức tin, không có ích gì khi rên rỉ, rút vào trong một đạo Công giáo phòng vệ, xét đoán và buộc tội thế giới ; tính sáng tạo của Tin Mừng là cần thiết ». Và để « không bận tâm bảo vệ hình ảnh của chính mình », biến Giáo hội thành « một nơi cứng nhắc và khép kín », Đức Thánh Cha đề nghị ba con đường phải đi : sự tự do, tính sáng tạo và sự đối thoại. Và thánh Cyrillô và Mêtôđiô, hai vị đại tông đồ của nước Slôvakia, là mẫu gương của điều đó.
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại câu tục ngữ rất hay của người Slôvakia: « Đối với kẻ ném đá bạn, bạn hãy tặng một tấm bánh ». Đối với ngài, « nó rất là Tin Mừng ! Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu phá vỡ cái vòng luẩn quẩn và hủy diệt của bạo lực, giơ má kia cho người vả mình, để chiến thắng sự ác bằng sự thiện » (x. Rm 12, 21) ». Và ngài nhắc đến câu chuyện của Đức Hồng y Korec để nêu gương cho lối sống Kitô hữu hôm nay : « Đó là một Hồng y dòng Tên, bị chế độ bách hại, bị giam tù và buộc phải lao động cực nhọc cho đến khi bị bệnh. Khi ngài đến Rôma dịp Năm Thánh 2000, ngài đã đến các hang toại đạo và thắp đèn cho những kẻ bách hại mình, bằng cách cầu xin cho họ được lòng thương xót. Đó là Tin Mừng ! Đó là Tin Mừng ! Ngài đã lớn lên trong đời sống và lịch sử nhờ tình yêu khiêm hạ và kiên nhẫn. »
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Đức Thánh Cha :
Anh em Giám mục thân mến,
Các Linh mục, nam nữ Tu sĩ và các Chủng sinh thân mến,
Các Giáo lý viên, anh chị em thân mến, xin chào anh chị em !
Tôi hân hoan chào mừng anh chị em và tôi cảm ơn Đức cha Stanislav Zvolenský về những lời mà ngài đã dành cho tôi. Cảm ơn đã mời tôi cảm thấy như ở nhà mình : tôi đến đây như là người anh em của anh chị em và tôi cảm thấy như là một người trong anh chị em. Tôi ở đây để chia sẻ hành trình của anh chị em, những vấn đề của anh chị em, những mong đợi và hy vọng của Giáo hội này và của đất nước này. Đó từng là phong cách của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên : họ chuyên cần và đồng tâm nhất trí, họ bước đi cùng nhau (x. Cv 1, 12-14). Họ cũng cãi nhau, nhưng họ bước đi cùng nhau.
Đó là điều đầu tiên mà chúng ta cần : một Giáo hội bước đi cùng nhau, đi khắp những nẻo đường của cuộc đời với ngọn đuốc Tin Mừng được thắp sáng. Giáo hội không phải là một pháo đài, một cường quốc, một lâu đài nằm ở nơi cao để nhìn thế giới từ xa và tự mãn. Nơi đây, ở Bratislava, lâu đài đã ở đó, và nó rất đẹp ! Nhưng Giáo hội, đó là cộng đoàn ao ước thu hút đến với Chúa Kitô bằng niềm vui của Tin Mừng, bằng men làm cho Vương quốc tình yêu và bình an được dậy men trong hủ bột thế gian. Xin đừng nhượng bộ cho cám dỗ xa hoa tráng lệ, cao sang quyền quý của thế gian ! Giáo hội phải khiêm hạ như Chúa Giêsu đã trút bỏ mọi sự, đã trở nên nghèo khó để làm cho chúng giàu có (x. 2 Cr 8, 9) : chính như thế mà Ngài đã đến ở giữa chúng ta và chữa lành nhân loại tổn thương của chúng ta.
Thật đẹp biết bao, một Giáo hội khiêm hạ, không tách mình khỏi thế gian và không nhìn cuộc sống từ xa, nhưng cư ngụ ở đó. Cư ngụ ở bên trong, chúng ta đừng quên điều đó : chia sẻ, bước đi cùng nhau, đón nhận các vấn đề và những mong đợi của con người. Điều đó giúp chúng ta thoát khỏi tính tự quy ngã : trung tâm của Giáo hội không phải là Giáo hội ! Chúng ta hãy thoát khỏi sự lo âu thái quá cho chính chúng ta, cho các cơ cấu của chúng ta, cho cách thức mà xã hội cảm thông với chúng ta. Đúng hơn chúng ta hãy dìm mình vào cuộc sống thực tế của người dân và tự hỏi : đâu là những nhu cầu và mong đợi tinh thần của dân tộc chúng ta ? Người ta chờ đợi gì từ Giáo hội ? Đối với tôi, điều quan trọng là cố gắng trả lời cho những vấn đề này và tôi nghĩ đến ba từ.
Từ thứ nhất là tự do. Không có tự do, thì không có nhân tính đích thực, bởi vì con người đã được tạo dựng tự do để sống tự do. Những giai đoạn bi thảm trong lịch sử của đất nước anh chị em là một bài học to lớn : khi sự tự do bị tổn thương, bị xâm phạm và bị loại bỏ, thì nhân tính bị quy thoái và những cơn bão bạo lực, cưỡng bức và tước đoạt quyền lợi đã nổi lên dữ dội.
Nhưng đồng thời, tự do không phải là một cuộc chinh phục tự động mà vẫn tồn tại một lần cho tất cả. Tự do luôn là một con đường, đôi khi đau đớn, phải được đổi mới liên tục. Để được tự do thực sự, thì tự do bên ngoài, hay thông qua các cơ cấu của xã hội mà thôi thì không đủ. Sự tự do kêu gọi trực tiếp đến trách nhiệm chọn lựa, đến phân định, đến việc làm cho các tiến trình của cuộc sống tiến tới. Và điều đó thật là khó và làm cho chúng ta sợ hãi. Đôi khi sẽ dễ dàng hơn khi không bị thách thức bởi những hoàn cảnh cụ thể và tiếp tục lặp lại quá khứ, mà không đặt tâm hồn vào đó, không có rủi ro chọn lựa : sẽ tốt hơn khi dành cả cuộc đời mình để làm những gì mà những người khác – có lẽ là quần chúng hay dư luận – quyết định cho chúng ta. Chúng ta hãy nhớ lại lịch sử của dân Israel : họ đau khổ dưới thời bạo chúa Pharaon, họ đã làm nô lệ. Rồi họ được Chúa giải thoát, nhưng để trở nên tự do thực sự, không chỉ được giải thoát khỏi kẻ thù của mình, họ phải băng qua sa mạc, một hành trình khó nhọc. Và rồi họ đã nghĩ rằng : « Trước đây hâu như tốt hơn, ít ra chúng ta có chút củ hành củ tỏi… » Một cám dỗ to lớn : tốt hơn là một chút củ hành củ tỏi hơn là mệt mỏi và nguy cơ của sự tự do. Đó là một trong những cám dỗ. Hôm qua, khi nói với một nhóm đại kết, tôi đã nhắc lại Dostoïevski với tiểu thuyết « Đại Pháp Quan ». Chúa Giêsu bí mật trở lại trái đất và viên pháp quan đã khiển trách Ngài vì đã ban tự do cho con người. Một chút bánh và một chút gì đó là đủ ; ít bánh và một cái gì khác là đủ. Luôn luôn là sự cám dỗ này, cám dỗ về củ hành củ tỏi. Tốt hơn là một chút củ hành củ tỏi hơn là sự cố gắng và nguy cơ của sự tự do. Tôi để cho anh chị em suy nghĩ về những điều này.
Đôi khi, ngay cả trong Giáo hội, ý tưởng này có thể thành công : tốt hơn là xác định trước tất cả mọi thứ, những luật lệ phải giữ, sự an toàn và sự đồng nhất, hơn là trở thành những Kitô hữu có trách nhiệm và trưởng thành, suy nghĩ, chất vấn lương tâm mình và tự vấn bản thân. Trong đời sống thiêng liêng và Giáo hội, có cám dỗ tìm kiếm một sự bình an giả tạo vốn để cho chúng ta thanh thản, hơn là ngọn lửa của Tin Mừng quấy rầy và biến đổi chúng ta. Củ hành củ tỏi an toàn bên Ai Cập thì tiện lợi hơn là những sự thiếu chắc chắn trong sa mạc. Nhưng một Giáo hội không có chỗ cho sự mạo hiểm của tự do, ngay cả trong đời sống thiêng liêng, sẽ có nguy cơ trở thành một nơi cứng nhắc và khép kín. Có lẽ một số người quen với điều dó ; nhưng nhiều người khác – nhất là trong số các thế hệ mới – không bị thu hút bởi một một lời đề nghị đức tin mà không để cho họ sự tự do nội tâm, bởi một Giáo hội trong đó mọi người phải suy nghĩ cùng cách thức và vâng phục cách mù quáng.
Các bạn thân mến, đừng sợ huấn luyện con người theo mối tương quan trưởng thành và tự do với Thiên Chúa. Điều đó có lẽ sẽ cho chúng ta cảm tưởng không thể kiểm soát tất cả, cảm giác mất sức mạnh và quyền bính ; nhưng Giáo hội của Chúa Kitô không muốn thống trị các lương tâm cũng không muốn chiếm các không gian, Giáo hội muốn trở thành một « nguồn » hy vọng trong cuộc sống con người. Tôi đặc biệt nói điều đó với các mục tử : anh em thực thi thừa tác vụ của anh em nơi một đất nước trong đó nhiều thứ đã thay đổi nhanh chóng và nhiều tiến trình dân chủ đã được khởi xướng, nhưng sự tự do vẫn còn mong manh. Nhất là nó còn mong manh nơi tâm hồn và tâm trí của con người. Đó là lý do tại sao tôi khuyến khích anh em làm cho họ lớn lên, thoát khỏi một lòng đạo cứng nhắc. Ước gì không ai cảm thấy bị đè bẹp. Ước gì mỗi người có thể khám phá ra sự tự do của Tin Mừng bằng cách dần dần bước vào tương quan với Thiên Chúa, với niềm tin tưởng của người biết rằng, trước mặt Ngài, họ có thể gánh vác lịch sử của mình và những vết thương của mình mà không sợ hãi và không giả vờ, không bận tâm bảo vệ hình ảnh của chính mình. Có thể nói : « Tôi là một tội nhân », nhưng nói lên điều đó với lòng chân thành, đừng đấm ngực chúng ta và rồi tiếp tục cho mình là công chính. Sự tự do. Ước gì việc loan báo Tin Mừng mang lại sự giải thoát, mà không bao giờ đè bẹp. Và ước gì Giáo hội là dấu chỉ của sự tự do và đón tiếp !
Tôi chắc chắn rằng người ta sẽ không bao giờ được biết điều đó đến từ đâu. Tôi kể cho anh chị em một điều đã xảy ra cách đây rất lâu. Bức thư của một Giám mục, nói về một Khâm Sứ. Ngài nói : « Này, chúng tôi đã trải qua 400 năm dưới thời Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi đã chịu đau khổ. Rồi 50 năm dưới chế độ cộng sản và chúng tôi đã đau khổ. Nhưng bảy năm với Đức Khâm Sứ còn tệ hơn hai việc kia ! ». Đôi khi tôi tự hỏi : bao nhiêu người có thể nói điều tương tự về Giám mục mà họ có hay về cha sở ? Bao nhiêu người ? Không, không có tự do, không có tình phụ tử không có gì tiến triển.
Từ thứ hai : tính sáng tạo. Anh chị em là con cái của một truyền thống lớn lao. Kinh nghiệm tôn gaió của anh chị em tìm thấy cội nguồn trong việc rao giảng và thừa tác vụ nơi các khuôn mặt sáng chói của thánh Cyrillô và Mêtôđiô. Các ngài đã dạy cho chúng ta rằng việc loan báo Tin Mừng không bao giờ đơn giản là một sự lặp đi lặp lại quá khứ. Niềm vui của Tin Mừng, đó luôn là Chúa Kitô, nhưng những nẻo đường cho phép Tin Mừng này vượt qua thời gian và lịch sử thì rất đa dạng. Thánh Cyrillô và Mêtôđiô đã cùng nhau đi khắp phần này của Châu Âu và, cháy lửa say mê loan báo Tin Mừng, các ngài đã đi đến chỗ phát minh ra bảng chữ cái mới để dịch Thánh Kinh, các bản văn phụng vụ và giáo thuyết Kitô giáo. Chính như thế mà các ngài đã trở nên những tông đồ hội nhập văn hóa đức tin bên cạnh anh chị em. Các ngài là những người phát minh ra ngôn ngữ mới để truyền đạt đức tin, các ngài là những con người có tính sáng tạo trong việc thể hiện sứ điệp Kitô giáo, các ngài đã rất gần gũi với lịch sử của các dân tộc mà các ngài gặp gỡ đến nỗi các ngài nói ngôn ngữ của họ và đồng hóa với văn hóa của họ. Ngày nay, phải chăng Slôvakia không còn cần đến điều đó ? Đó chẳng phải là nhiệm vụ cấp bách nhất của Giáo hội bên cạnh các dân tộc của Châu Âu : tìm ra « những bảng chữ cái » mới để nói lên đức tin ? Chúng ta có ở hậu trường một truyền thống Kitô giáo phong phú, nhưng, đối với cuộc sống của nhiều người ngày nay, nó vẫn là kỷ niệm về một quá khứ không còn nói nữa cũng như không còn định hướng những chọn lựa của cuộc sống nữa. Đối diện với việc đánh mất ý thức về Thiên Chúa và niềm vui đức tin, không có ích gì khi rên rỉ, rút vào trong một đạo Công giáo phòng vệ, xét đoán và buộc tội thế giới ; tính sáng tạo của Tin Mừng là cần thiết. Hãy cẩn thận ! Tin Mừng vẫn chưa được đóng lại, Tin Mừng vẫn được mở ra ! Tin Mừng đang còn hiệu lực, đang còn hiệu lưcxj, Tin Mừng đang tiến về phía trước. Chúng ta hãy nhớ lại những gì những con người này đã làm, những người đã muốn mang một người bại liệt đến trước mặt Chúa Giêsu và đã không thể qua cổng chính. Họ đã mở một lỗ hổng trên mái nhà và đưa người bại liệt từ trên cao xuống (x. Mc 2, 1-5). Họ đã rất sáng tạo ! Đối diện với khó khăn – « Nhưng chúng ta làm như thế nào ? À, chúng ta hãy làm điều đó » – có lẽ đứng trước một thế hệ không tin, đã mất ý thức đức tin, hay đã giảm thiểu đức tin thành một thói quen hay một văn hóa ít nhiều có thể chấp nhận được, chúng ta hãy mở ra một lỗ và hãy sáng tạo ! Sự tự do, tính sáng tạo…Thật đẹp khi biết tìm ra những con đường, những cách thức và những ngôn ngữ mới để loan báo Tin Mừng ! Và chúng ta có thể giúp đỡ với tính sáng tạo của con người, ngay cả mỗi người chúng ta đều có khả năng này, nhưng Đấng Sáo tạo tuyệt vời nhất là Chúa Thánh Thần ! Chính Ngài thúc đẩy chúng ta sáng tạo. Nếu, qua việc rao giảng và mục vụ của mình, chúng ta không còn có thể bước vào bằng con đường thông thường, thì chúng ta hãy tìm cách mở ra những không gian khác, chúng ta hãy trải nghiệm những con đường khác.
Và ở đây tôi xin mở một ngoặc kép. Việc rao giảng. Có người đã nói với tôi rằng trong Tông huấn « Evangelii gaudium », tôi quá dừng lại ở bài giảng, bởi vì đó là một trong những vấn đề của thời nay. Vâng, bài giảng lễ không phải là một bí tích, như một số người Tin Lành cho là như thế, nhưng đó là một á bí tích ! Đó không phải là một bài giảng của Mùa Chay, không phải, đó là điều gì khác. Nó nằm ở trung tâm của Thánh lễ. Và hãy nghĩ đến các tín hữu, phải nghe những bài giảng 40 phút, 50 phút, về những chủ đề mà họ không hiểu, không liên quan đến họ…Thưa anh em Linh mục và Giám mục, xin hãy suy nghĩ kỹ đến cách thức chuẩn bị bài giảng, cách thức thực hiện nó, để có một tiếp xúc với người ta và họ có cảm hứng từ bản văn Thánh Kinh. Một bài giảng bình thường không quá 10 phút, bởi vì người ta không còn tập trung sau tám phút, với điều kiện nó phải là rất thú vị. Nhưng thời gian nên là 10-15 phút, không hơn. Một giáo sư mà tôi đã học về giảng thuyết, đã nói rằng một bài giảng lễ phải có sự mạch lạc nội tại : một ý tưởng, một hình ảnh và một cảm xúc ; hãy để dân chúng ra về với một ý tưởng, một hình ảnh và điều gì đó lay động trong tâm hồn họ. Việc loan báo Tin Mừng là đơn giản ! Và Chúa Giêsu đã rao giảng như thế, ngài dùng hình ảnh chim trời, đồng ruộng,…nhưng điều cụ thể, nhưng dân chúng hiểu. Tôi xin lỗi vì đã quay lại chuyện này, nhưng tôi lo lắng…[cộng đoàn vỗ tay]. Tôi mạo muội láu lỉnh tí : những tràng pháo tay đã bắt đầu bởi các nữ tu nạn nhân của các bài giảng lễ của chúng ta !
Thánh Cyrillô và Mêtôđiô đã làm như thế và đang nói với chúng ta điều này : Tin Mừng không thể tăng trưởng nếu không được bén rễ sâu vào văn hóa của một dân tộc, tức là vào những biểu tượng của nó, những vấn nạn của nó, những lời nói của nó, cách thức hiện hữu của nó. Hai anh em (Cyrillô và Mêtôđiô) đã bị cản trở và bách hại nhiều, anh chị em đều biết điều đó. Các ngài đã bị cáo buộc lạc giáo bởi vì đã dám dịch ngôn ngữ của đức tin. Đó là ý thức hệ nảy sinh từ cám dỗ đồng nhất hóa. Nhưng việc loan báo Tin Mừng là một tiến trình hội nhập văn hóa : đó là một hạt giống phong nhiêu của sự mới mẻ, sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới mọi sự. Chúa Giêsu nói, người nông dân gieo giống -, rồi ông trở về nhà và ngủ. Ông không thức dậy để xem liệu nó mọc không, liệu nó nảy mầm không…Chính Thiên Chúa làm cho tăng trưởng. Theo nghĩa này, chúng ta đừng kiểm soát cuộc sống quá : chúng ta hãy để cho cuộc sống lớn lên, như thánh Cyrillô và Mêtôđiô đã làm. Chúng ta có nhiệm vụ gieo cho tốt và gìn giữ như những người cha, điều đó thì được. Người nông dân gìn giữ, nhưng ông không đến đó mọi ngày để xem nó lớn lên thế nào. Nếu ông làm điều đó, ông ta giết chết cây.
Sự tự do, tính sáng tạo, và sau cùng là đối thoại. Một Giáo hội đào tạo dự do nội tâm và trách nhiệm, biết sáng tạo bằng cách hòa mình vào lịch sử và văn hóa, cũng là một Giáo hội biết đối thoại với thế giới, với những người tuyên xưng Chúa Kitô mà không « thuộc về chúng ta », với những người trải nghiệm sự mệt mỏi trong việc tìm kiếm tôn giáo, ngay cả với những người không tin. Đó là một Giáo hội, theo gương thánh Cyrillô và Mêtôđiô, cùng nhau hiệp nhất và duy trì Đông và Tây, những truyền thống và những nhạy cảm khác nhau. Một cộng đoàn mà, khi loan báo Tin Mừng tình yêu, làm nảy sinh sự hiệp thông, tình bạn và sự đối thoại giữa các tín hữu, giữa các niềm tin Kitô khác nhau và giữa các dân tộc.
Sự hiệp nhất, sự hiệp thông và việc đối thoại luôn luôn mong manh, nhất là khi đằng sau đó có cả một lịch sử của những đau khổ vốn đã để lại những vết sẹo. Nhớ lại những tổn thương có thể dẫn đến sự oán hận, sự ngờ vực, và thậm chí là sự coi khinh, bằng cách xúi giục dựng lên những rào chắn trước mặt những người khác với chúng ta. Nhưng những vết thương có thể là những tổn hại, những chỗ hở mà, khi bắt chước những vết thương của Chúa, lại truyền đạt lòng thương xót của Thiên Chúa, ân sủng của Ngài vốn thay đổi cuộc sống và biến chúng ta thành những người kiến tạo hòa bình và hòa giải. Tôi biết anh chị em có một câu tục ngữ rất hay : « Đối với kẻ ném đá bạn, bạn hãy tặng một tấm bánh ». Điều đó gợi hứng cho chúng ta. Nó rất là Tin Mừng ! Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu phá vỡ cái vòng luẩn quẩn và hủy diệt của bạo lực, giơ má kia cho người vả mình, để chiến thắng sự ác bằng sự thiện » (x. Rm 12, 21). Tôi bị đánh động bởi một chi tiết trong câu chuyện của Đức Hồng y Korec. Đó là một Hồng y dòng Tên, bị chế độ bách hại, bị giam tù và buộc phải lao động cực nhọc cho đến khi bị bệnh. Khi ngài đến Rôma dịp Năm Thánh 2000, ngài đã đến các hang toại đạo và thắp đèn cho những kẻ bách hại mình, bằng cách cầu xin cho họ được lòng thương xót. Đó là Tin Mừng ! Đó là Tin Mừng ! Ngài đã lớn lên trong đời sống và lịch sử nhờ tình yêu khiêm hạ và kiên nhẫn.
Các bạn thân mến, tôi tạ ơn Thiên Chúa được ở giữa các bạn, và tôi hết lòng cảm ơn các bạn về những gì các bạn làm và những gì các bạn là, và về những gì các bạn sẽ làm bằng cách cảm hứng từ bài giảng này, vốn cũng là một hạt giống mà tôi gieo…Chúng ta hãy xem các cây có mọc lên không. Tôi chúc các bạn tiếp tục hành trình của mình trong sự tự do của Tin Mừng, trong tính sáng tạo của đức tin và trong sự đối thoại phát sinh từ lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho chúng ta trở thành anh chị em, và kêu gọi chúng ta trở thành những người kiến tạo hòa bình và hòa hợp. Tôi hết lòng chúc lành cho anh chị em. Và, xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Giáo-dục, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- BÀI HÁT: CÚI LẠY CHÚA TÔI
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG