DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ THƯỜNG HUẤN LINH MỤC, ĐƯỢC XÚC TIẾN BỞI BỘ GIÁO SĨ

Written by xbvn on Tháng Hai 9th, 2024. Posted in Linh mục, Ơn gọi, Thế Giới, Tý Linh

Nhân dịp hội nghị quốc tế về thường huấn linh mục, đã khai mạc vào thứ Ba ngày 6 tháng 2 tại Vatican, Đức Phanxicô đã phát biểu vào sáng thứ Năm 8/2/2024, với 1000 tham dự viên từ 60 quốc gia khác nhau. Ngài khuyên họ nên đi trên con đường của “niềm vui của Tin Mừng, của sự thuộc về dân chúng và của sự phong nhiêu của việc phục vụ” trong khuôn khổ đào tạo linh mục. Dưới đây là diễn văn của Đức Thánh Cha :

« Hãy khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa nơi anh » (2Tm 1, 6)

Vẻ đẹp của việc làm môn đệ ngày nay. Một nền đào tạo độc đáo, toàn diện, cộng đồng và truyền giáo

Anh chị em thân mến !

Tôi hết lòng cảm ơn anh chị em vì khoảnh khắc này tôi có thể trải qua với anh chị em. Tôi cảm ơn anh chị em đã đến Rôma để tham gia hội nghị quốc tế về thường huấn linh mục, được xúc tiến bởi Bộ Giáo sĩ – nhất là bởi nhà lãnh đạo tuyệt vời người Hàn Quốc của Bộ – và bởi Bộ Loan báo Tin Mừng và Bộ Các Giáo hội Đông phương. Tôi xin cảm ơn các vị Tổng trưởng của các Bộ liên hệ và tất cả những người đã làm việc để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này. Đối với nhiều người trong anh chị em, việc đến Rôma không hề dễ dàng; nhưng trên hết tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với những gì anh chị em đang làm trong các giáo phận và đất nước của anh chị em, đối với sự phục vụ mà anh chị em cung cấp và cuộc khảo sát được thực hiện cho hội nghị này cũng đã nêu bật.

Trong những ngày này, anh chị em sẽ có ân sủng chia sẻ những thực hành tốt, thảo luận về những thách thức và vấn đề, và xem xét những chân trời tương lai của việc đào tạo linh mục trong sự thay đổi thời đại này, luôn nhìn về phía trước, luôn sẵn sàng thả lưới lần nữa theo lời Chúa ( xem Lc 5, 4-5; Ga 21, 6). Đó là việc đi tìm những công cụ và ngôn ngữ giúp ích cho việc đào tạo linh mục, mà không nghĩ đến việc có trong tay tất cả các câu trả lời – tôi sợ những người có tất cả các câu trả lời trong tay, họ làm tôi sợ – , nhưng tin tưởng rằng chúng ta sẽ tìm thấy chúng trên đường đi. Do đó, những ngày này, anh chị em hãy lắng nghe nhau và để cho mình được truyền cảm hứng bởi lời mời gọi mà thánh Phaolô Tông đồ nói với Timôthê và mang lại tiêu đề cho cuộc hội thảo của anh chị em: “Hãy khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa nơi anh” (2 Tm 1, 6) ). Khơi dậy đặc sủng, tái khám phá việc xức dầu, thắp lại ngọn lửa để lòng nhiệt thành đối với sứ vụ tông đồ không tắt đi.

Và làm thế nào khơi dậy đặc sủng mà chúng ta đã nhận được? Tôi muốn chỉ cho anh chị em ba con đường mà anh chị em đi theo: niềm vui của Tin Mừng, sự thuộc về dân chúng, sự phong nhiêu của việc phục vụ.

Trước hết, niềm vui của Tin Mừng. Trọng tâm của đời sống Kitô hữu là hồng ân tình bạn với Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi nỗi buồn của chủ nghĩa cá nhân và khỏi nguy cơ một cuộc sống bị tước đoạt ý nghĩa, tình yêu và niềm hy vọng. Niềm vui của Tin Mừng, tin mừng đồng hành với chúng ta, chính là điều này: chúng ta được Thiên Chúa yêu thương với sự dịu dàng và lòng thương xót. Và chúng ta được mời gọi làm cho lời loan báo vui mừng này vang vọng trên thế giới, làm chứng bằng đời sống của chúng ta để tất cả mọi người có thể khám phá vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại (x. Evangelii gaudium, số 36). Chúng ta hãy nhớ điều Thánh Phaolô VI đã nói: hãy là những chứng nhân hơn là những thầy dạy (x. Evangelii Nuntiandi, số 41), những chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa, đó là điều duy nhất đáng kể. Và khi ai đó không thể làm nhân chứng, thì đó thật là buồn, rất buồn.

Ở đây, chúng ta tìm thấy nền tảng của việc thường huấn, không chỉ đối với các linh mục mà còn đối với mọi Kitô hữu, mà Ratio fundamentalis cũng nhấn mạnh: chỉ khi chúng ta là môn đệ và vẫn là môn đệ, thì chúng ta mới có thể trở thành thừa tác viên của Thiên Chúa và là nhà truyền giáo của Vương quốc của Ngài. Chỉ bằng cách đón nhận và vun trồng niềm vui của Tin Mừng, thì chúng ta mới có thể mang niềm vui này đến cho người khác. Do đó, trong quá trình thường huấn, chúng ta đừng quên rằng chúng ta luôn là môn đệ trên đường đi và điều này, bất cứ lúc nào, đều tạo nên điều đẹp đẽ nhất đã xảy ra với chúng ta, nhờ ân sủng! Và khi chúng ta tìm thấy những linh mục không có khả năng phục vụ này, có lẽ vốn ích kỷ, những linh mục đã đi theo con đường có phần “kinh doanh”, thì họ đã mất khả năng cảm thấy mình là môn đệ, họ cảm thấy mình là những bậc thầy.

Ân sủng luôn cần có tự nhiên đi trước, và đây là lý do tại sao chúng ta cần sự đào tạo con người toàn diện. Thật vậy, làm môn đệ Chúa không phải là một sự ngụy trang tôn giáo, nhưng là một lối sống, và do đó đòi hỏi phải chăm sóc nhân tính của chúng ta. Ngược lại là linh mục “trần tục”, khi tính trần tục đi vào tâm hồn linh mục, thì nó hủy hoại mọi thứ. Đây là điều tôi yêu cầu anh chị em dồn hết sức lực và nguồn lực của mình: chăm sóc việc đào tạo nhân bản. Và cả sự tỉnh thức để sống nhân bản. Có lần một linh mục già nói với tôi: “Khi một linh mục không thể chơi với trẻ em, linh mục ấy đã thua cuộc”. Thật thú vị, đó là một bài kiểm tra. Cần có những linh mục hoàn toàn nhân bản, biết chơi đùa với trẻ em và ân cần với người cao tuổi, có khả năng quan hệ tốt, trưởng thành để đối mặt với những thách thức của thừa tác vụ, để niềm an ủi của Tin Mừng đến với dân Thiên Chúa qua nhân tính của họ được Thánh Thần của Chúa Giêsu biến đổi. Chúng ta đừng bao giờ quên sức mạnh nhân bản hóa của Tin Mừng! Một linh mục cay đắng, một linh mục có sự cay đắng trong lòng là một “chàng trai già”.

Con đường thứ hai phải theo: thuộc về dân Thiên Chúa. Các môn đệ truyền giáo chỉ có thể ở cùng nhau. Chúng ta chỉ có thể sống tốt thừa tác vụ linh mục khi được dìm mình vào dân tộc tư tế, là dân tộc mà chúng ta cũng xuất phát. Việc thuộc về dân này – không bao giờ cảm thấy bị tách rời khỏi con đường của dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa – gìn giữ chúng ta, nâng đỡ chúng ta trong những nỗi khó khăn, đồng hành với chúng ta trong những lo lắng mục vụ và bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ tách mình ra khỏi thực tại và cảm thấy mình toàn năng. Chúng ta hãy cẩn thận, vì nó cũng là căn nguyên của mọi hình thức lạm dụng.

Để luôn dìm mình trong lịch sử thực sự của dân, điều cần thiết là việc đào tạo linh mục không được quan niệm là “tách biệt”, nhưng nó có thể sử dụng sự đóng góp của dân Thiên Chúa: các linh mục và giáo dân, những người nam và người nữ, độc thân và kết hôn, người già và người trẻ, không quên những người nghèo và những người đau khổ có rất nhiều điều để dạy dỗ. Trong Giáo hội, có sự hỗ tương và luân chuyển giữa các bậc sống, các ơn gọi, giữa các thừa tác vụ và các đặc sủng. Điều này đòi hỏi chúng ta sự khôn ngoan khiêm tốn để học cách bước đi cùng nhau, biến tính hiệp hành thành một phong cách của đời sống Kitô hữu và của chính đời sống linh mục. Các linh mục, đặc biệt ngày nay, được yêu cầu dấn thân “thực hiện tính hiệp hành”. Chúng ta hãy luôn nhớ: bước đi cùng nhau. Linh mục luôn ở với dân tộc mình thuộc về, nhưng cũng ở với giám mục và linh mục đoàn. Chúng ta đừng bỏ bê tình huynh đệ linh mục! Chính về khía cạnh kết hợp với dân Thiên Chúa này mà Thánh Phaolô cảnh báo Timôthê: “Hãy nhớ đến mẹ và bà của anh. Hãy nhớ đến cội nguồn, lịch sử của anh, lịch sử của gia đình anh, lịch sử của dân tộc anh. Hoặc linh mục thuộc dân Thiên Chúa, hoặc họ là một nhà quý tộc mà cuối cùng lại trở nên loạn thần kinh.

Cuối cùng, con đường thứ ba là sự phong nhiêu của việc phục vụ. Phục vụ là dấu chỉ nổi bật của những thừa tác viên của Chúa Kitô. Thầy đã cho chúng ta thấy điều này trong suốt cuộc đời của Người, đặc biệt là trong Bữa Tiệc Ly, khi Người rửa chân cho các môn đệ. Trong viễn cảnh phục vụ, việc đào tạo không phải là một hoạt động bên ngoài, truyền tải một bài học, nhưng nó trở thành nghệ thuật đặt người khác vào trung tâm, làm nổi bật vẻ đẹp của họ, những điều tốt đẹp mà họ mang trong mình, làm nổi bật những ân sủng mà còn cả những bóng tối, những vết thương và những ước ao của họ. Do đó, đào tạo linh mục, đó là phục vụ họ, phục vụ cuộc sống của họ, khuyến khích hành trình của họ, giúp đỡ họ trong việc phân định, đồng hành với họ trong những khó khăn và hỗ trợ họ trong những thách thức mục vụ.

Như vậy, vị linh mục được đào tạo, đến lượt mình, sẽ phục vụ dân Thiên Chúa, gần gũi với dân chúng và, giống như Chúa Giêsu trên thập giá, gánh lấy mọi người. Thưa anh chị em, chúng ta hãy nhìn lên ngai tòa này: Thánh Giá. Từ đó, bằng việc yêu thương chúng ta cho đến cùng (x. Ga 13,1), Chúa đã sinh ra một dân tộc mới. Và cả chúng ta nữa, khi chúng ta phục vụ người khác, khi chúng ta trở thành cha mẹ của những người được giao phó cho chúng ta, chúng ta sinh ra sự sống của Thiên Chúa. Đây là bí mật của một nền mục vụ phong nhiêu: không phải một nền mục vụ mà chúng ta là trung tâm, nhưng là một nền mục vụ sản sinh ra những người con cho cuộc sống mới trong Chúa Kitô, Đấng mang lại nước hằng sống của Tin Mừng trên mảnh đất của trái tim con người và của thời gian hiện tại.

Tôi chúc anh chị em mọi điều tốt đẹp nhất. Và anh chị em – tôi muốn nói thêm điều này và cũng lặp lại điều tôi đã nói trước đây – xin đừng mệt mỏi tỏ lòng thương xót. Hãy luôn luôn tha thứ. Khi người ta đến xưng tội, họ đến để xin sự tha thứ, chứ không phải để nghe một bài học thần học hay những việc đền tội. Xin hãy thương xót. Hãy luôn tha thứ, bởi vì sự tha thứ có ân sủng của sự ân cần, đón tiếp. Sự tha thứ luôn phong nhiêu từ bên trong. Đây là điều tôi khuyên: hãy luôn tha thứ.

Tôi chúc các anh chị em những điều tốt đẹp nhất cho hội nghị của anh chị em và tôi để lại cho anh chị em ba từ chính: niềm vui của Tin Mừng là nền tảng của cuộc sống chúng ta, sự thuộc về một dân tộc vốn gìn giữ và nâng đỡ chúng ta, thuộc về Dân thánh trung thành của Thiên Chúa, sự phong nhiêu của việc phục vụ làm cho chúng ta trở thành những người cha và những mục tử. Xin Đức Trinh Nữ luôn đồng hành cùng anh chị em. Đức Trinh Nữ ban cho chúng ta một điều, cho các linh mục chúng ta : ơn dịu dàng. Sự dịu dàng này chúng ta cũng thấy nơi những người gặp khó khăn, người già, người bệnh, trẻ nhỏ… Hãy cầu xin ơn này, và đừng sợ tỏ ra dịu dàng. Sự dịu dàng là sức mạnh. Cảm ơn anh chị em !

——————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31