DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN KHÓA HỌC THƯỜNG NIÊN VỀ TÒA TRONG LẦN THỨ 32

Written by xbvn on Tháng Ba 27th, 2022. Posted in Linh mục, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Đức Thánh Cha đã tiếp kiến hôm 25/3/2022 các tham dự viên khóa học thường niên về tòa trong, được Tòa Ân giải tối cao  tổ chức. Trước sự hiện diện của các linh mục và phó tế, Đức Thánh Cha đã khai triển ba từ khóa của việc giải tội : đón tiếp, lắng nghe và đồng hành.

Đức Thánh Cha đã đưa ra các lời khuyên rất thực tế cho các linh mục : không chỉ kêu gọi các linh mục đi xưng tội và siêng năng ngồi tòa giải tội như « đóng góp vào nền sinh thái tinh thần của thế giới », nhưng đặc biệt ngài kêu gọi linh mục giải tội bỏ tật xấu không chú tâm lắng nghe hối nhân giãi bày, mà chỉ nghĩ đến việc mình phải nói gì với hối nhân, cũng như từ bỏ sự tò mò khi giải tội khi hỏi « như thế nào, và bao nhiêu lần ? »…. « Và nếu họ nói ra một điều mà hối nhân cũng muốn người ta biết thì sao ? Cần phải xin phép về những gì bạn đã nói với tôi trong tòa giải  tội »….

Dưới đây là bài phát biểu của Đức Thánh Cha :

Anh em thân mến, chào anh em và chào mừng anh em đến đây!

Tôi vui mừng gặp anh em nhân dịp Khóa học thường niên về tòa trong, được tổ chức bởi Tòa ân giải tối cao và đã đạt tới khóa học lần thứ 32 của nó.

Tôi chào Đức Hồng y Mauro Piacenza, Trưởng Tòa ân giải tối cáo, và tôi hết lòng cảm ơn ngài về những lời giới thiệu của ngài. Tôi chào Đức Ông nhiếp chính, các Giám chức, các chánh án và nhân viên của Tòa ân giải, các Đoàn linh mục xá giải thông thường và ngoại thường của các vương cung thánh đường giáo hoàng ở Rôma và tất cả anh em, thực sự đang tham dự đông đảo vào khóa học này : khoảng tám trăm giáo sĩ ! Đó là một dấu hiệu tốt, bởi vì ngày nay, có một não trạng lan tràn làm khó hiểu chiều kích siêu nhiên, hay thậm chí muốn chối bỏ nó. Luôn luôn, luôn luôn có cám dỗ giảm thiểu nó. Việc giải tội là một cuộc đối thoại. Và đối thoại không thể bị giảm thiểu thành ba hay bốn lời khuyên tâm lý để tiến tới : đó là lấy đi khỏi Bí tích điều thiết yếu của Bí tích.

Có thể ích lợi, không chỉ cho anh em, nhưng còn cho tất cả các linh mục giải tội, có lẽ bằng việc tận dụng thời gian Mùa Chay, để đọc lại và suy niệm tài liệu « Lưu ý về tòa trong và tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích », được Tòa ân giải tối cao công bố vào năm 2019. Nó liên quan đến những khía cạnh có tính thời sự lớn và nhất là, nó giúp chúng ta tái khám phá thừa tác vụ hòa giải thật quý giá và cần thiết dường nào, ngay cả trong thời đại chúng ta, một thừa tác vụ vốn làm cho hữu hình và thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bằng một kiểu nói lạ thường, tôi đã khẳng định rằng « tha thứ là một quyền của con người ». Tất cả chúng ta đều có quyền được tha thứ. Tất cả.

Quả thế, đó là điều mà tâm hồn của mọi người khát khao sâu xa nhất bởi vì tự sâu thẳm, được tha thứ có nghĩa là được yêu thương như chúng ta là, bất chấp những giới hạn và tội lỗi của chúng ta. Và tha thứ là một « quyền » theo nghĩa là, trong mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã ban Người cách hoàn toàn và không thể đảo ngược cho tất cả mọi người sẵn lòng đón nhận Người, bằng một tâm hồn khiêm tốn và ăn năn. Khi phân phát cách quảng đại sự tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta, những người giải tội, chúng ta cộng tác vào việc chữa lành con người và thế giới ; chúng ta cộng tác vào việc thể hiện tình yêu và sự bình an này mà mọi trái tim con người đều khát khao rất mãnh liệt ; với sự tha thứ, chúng ta đóng góp vào một « nền sinh thái » tinh thần của thế giới, cho phép tôi dùng kiểu nói như thế.

Tôi xin đề nghị với anh em một vài điểm suy tư và xem lại cuộc sống xung quanh ba từ khóa : đón tiếp, lắng nghe, đồng hành. Đón tiếp, lắng nghe, đồng hành. Ba chiều kích thiết yếu trong thừa tác vụ của linh mục giải tội ; ba khuôn mặt của tình yêu, mà phải được thêm vào niềm vui vốn luôn đồng hành với nó.

Đón tiếp phải là đặc điểm đầu tiên của linh mục giải tội. Đó là điều giúp cho hối nhân đến gần bí tích trong tinh thần đúng đắn, không khép kín nơi bản thân và tội lỗi của mình, nhưng mở ra cho tình phụ tử của Thiên Chúa và món quà của ân sủng. Đón tiếp là thước đo của đức ái mục tử, mà anh em đã trưởng thành trong hành trình đào tạo linh mục của mình và nó là hoa trái phong phú cho hối nhân cũng như cho chính linh mục giải tội, đang sống tình phụ tử của mình, như người cha của người con hoang đàng, tràn đầy niềm vui vì sự trở về của người con của mình. Chúng ta có sự đón tiếp và niềm vui này không ? Sự thanh thản của một mục tử biết đón tiếp, ban ngày hay chiều tối : « Bạn hãy ngồi xuống », và hãy nói chuyện. Cũng hãy tạo một bầu khí bình an, niềm vui.

Yếu tố thứ hai, đó là lắng nghe. Lắng nghe, như chúng ta biết, còn hơn cả nghe. Nó đòi hỏi một trạng thái nội tâm chú ý, sẵn sàng ứng trực và kiên nhẫn. Cần phải bỏ tư tưởng của mình, sơ đồ của mình, để thực sự mở tâm trí và tâm hồn mình cho việc lắng nghe. Nếu, khi người khác nói, bạn đã nghĩ đến những gì bạn sẽ nói, đến những gì bạn sẽ trả lời, thì bạn đang không lắng nghe họ, nhưng bạn lắng nghe chính bạn. Đó là một tật xấu : linh mục giải tội tự nghe mình : « Tôi sẽ nói gì đây? » Anh ấy ra về được sạch, nhưng bạn ? Bạn ra về là tội nhân vì bạn không hoàn thành việc lắng nghe và tha thứ. Trong một số cuộc giải tội, có rất ít hoặc không phải nói gì – đó là một lời khuyên hay một lời khích lệ – nhưng chỉ cần phải lắng nghe và tha thứ. Lắng nghe là một hình thức yêu thương vốn làm cho người khác cảm thấy mình được yêu thương.

Và tôi muốn nói một điều khác về việc lắng nghe : làm ơn hãy từ bỏ mọi sự tò mò. Đôi khi có những hối nhân xấu hổ về những  gì họ đang nói, họ không biết nói thế nào, nhưng họ làm một cử chỉ. Vị trưởng tòa ân giải đã dạy chúng ta một điều rất hay : khi chúng ta hiểu được điều đó, thì hãy nói : « Tôi đã hiểu, hãy tiếp tục. Một điều khác… » Tránh nỗi đau phải nói những điều khi họ không biết nói chúng như thế nào, và đừng rơi vào thói tò mò muốn nói : « Như thế nào, và bao nhiêu lần ? » Tôi xin anh em ! Bạn không phải là một đao phủ, bạn là một người cha đầy yêu thương. Sự tò mò đến từ ma quỷ. « Không, tôi phải biết để đánh giá liệu tôi tha thứ hay không… » Nếu Chúa Giêsu đã đối xử với bạn như thế !

Và biết bao nhiêu lần việc giải tội cho hối nhân cũng trở thành việc kiểm điểm lương tâm đối với linh mục giải tội ! Điều đó cũng đã xảy ra cho tôi. Cũng cho anh em nữa, tôi chắc như thế ! Đứng trước một số tâm hồn của các tín hữu, đôi khi chúng ta tự hỏi : tôi có ý thức này về Chúa Giêsu-Kitô sống động không ? Tôi có đức ái đối với tha nhân không ? Khả năng tự vấn bản thân không ? Lắng nghe bao gồm việc trút bỏ bản thân cách nào đó : trút bỏ cái « tôi » để đón tiếp người khác. Đó là một hành vi tin tưởng vào sức mạnh của Thiên Chúa và nhiệm vụ mà Chúa đã giao phó cho chúng ta. Chỉ nhờ đức tin mà anh chị em của chúng ta mở rộng tâm hồn cho linh mục giải tội ; vì thế, họ có quyền được lắng nghe bằng đức tin và đức mến mà Chúa Cha dành cho con cái của Ngài. Vào điều đó tạo nên niềm vui !

Từ khóa thứ ba là đồng hành. Linh mục giải tội không quyết định thay cho tín hữu, họ không phải là ông chủ của lương tâm của người kia. Đơn giản, linh mục giải tội đồng hành, với tất cả sự khôn ngoan thận trọng, sự phân định và lòng bác ái mà mình có thể có, trong việc nhìn nhận chân lý và ý muốn của Thiên Chúa nơi kinh nghiệm cụ thể của hối nhân. Đôi khi, nói một hay hai lời, nhưng đúng đắn, và đừng cho một bài giảng Chúa Nhật. Hối nhân muốn rời đi càng sớm càng tốt, chúng ta hiểu điều đó. Luôn nói những gì đúng đắn để đồng hành. Cần thiết luôn phải phân biệt cuộc trao đổi trong việc giải tội thực sự, vốn được gắn liền với ấn tín, với cuộc đối thoại đồng hành thiêng liêng, vốn cũng bí mật, dù dưới một hình thức khác.

Linh mục giải tội luôn có mục tiêu là ơn gọi nên thánh phổ quát (x. Hiến chế Lumen gentium, 39-42) và đồng hành với sự nên thánh này cách kín cẩn. Đồng hành có nghĩa là chăm sóc người khác, bước đi với người khác. Chỉ ra một mục đích mà thôi thì không đủ, nếu chúng ta thậm chí không sẵn sàng cùng nhau đi một chặng đường dài. Dù cuộc trao đổi của việc giải tội có thể ngắn, nhưng một vài chi tiết cũng đủ để biết nhu cầu của người anh em hay chị em : Chính nhu cầu này mà chúng ta được mời gọi đáp ứng, nhất là bằng cách đồng hành với sự hiểu biết và đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, Đấng luôn là con đường của thiện ích lớn lao nhất, con đường của niềm vui và bình an.

Về vấn đề này, tôi muốn làm rõ một điều. Tôi đã hiểu rằng, trong một nhóm này hay hiệp hội kia, người ta đi đến chỗ tương đối hóa ấn tín bí tích. Chẳng hạn, người ta nói : ấn tín, đó là tội lỗi, nhưng tiếp đến, tất cả những gì đến sau tội lỗi hay trước tội lỗi, bạn có thể nói ra điều đó. Không phải ! Và một số nhóm chủ trưởng điều đó ; và tiếp đến, linh mục giải tội nói những điều khác cho bề trên. Không được ! Ấn tín kể từ thời điểm chúng ta bắt đầu cho đến tận cùng. Nhưng nếu ở giữa đó anh em đã nói về điều này… ? Không được nói gì, tất cả đều ở dưới ấn tín. Để chắc chắn về điều đó, tôi muốn tất cả các linh mục giải tội đều là những chuyên viên lắng nghe. Và nếu họ nói ra một điều mà hối nhân cũng muốn người ta biết thì sao ? Cần phải xin phép về những gì bạn đã nói với tôi trong tòa giải  tội : « Hãy nói lại điều đó cho tôi hay hãy nói cho tôi liệu tôi có thể nói về điều đó không ». Hãy rõ ràng. Một số thần học gia có thể nói : « Nhưng sự việc không phải như thế, nó còn rộng lớn hơn ». Đây là giáo lý chung – ít ra trong triều đại giáo hoàng này ! – rằng ấn tin đi từ đầu cho đến tận cùng. Đó là giáo lý phải theo, đừng đi vào các sắc thái « từ đây đến đó » này, mà tiếp đến dùng cho việc quản trị tồi tệ.

Anh em thân mến, tôi cảm ơn Chúa cùng với anh em về thừa tác vụ mà anh em đang thực thi,  hay sẽ sớm được trao phó cho anh em – bởi vì ở đây có các Phó tế -, để phục vụ cho việc thánh hóa dân trung tín của Thiên Chúa. Và anh em cũng thế, tôi xin anh em hãy đi xưng tội. Anh em đi xin ơn tha thứ vì những tội lỗi của anh em, phải không ? Điều đó rất bổ ích. Thật tốt cho chúng ta, những linh mục giải tội, làm như thế. Nhưng tôi khuyên nhủ anh em : hãy sẵn sàng ngồi tòa giải  tội, hãy đón tiếp, lắng nghe, đồng hành, biết rằng tất cả mọi người, nhưng thực sự tất cả mọi người, đều cần sự tha thứ, tức là cảm thấy mình được yêu thương như con cái của Thiên Chúa là Cha. Những lời mà chúng ta đọc : « Cha tha tội cho con », cũng có nghĩa là « bạn, người anh em của tôi, người chị em của tôi, bạn rất quý giá đối với Thiên Chúa ; bạn ở đây thật là hay ». Và đó là một phương dược rất mạnh cho linh hồn, và cả cho tâm thần của mỗi người.

Tôi muốn quay lại một chi tiết mà tôi đã đề cập trước đây. Hai chứng tá. Chi tiết, mà tôi đã nói về việc khó khăn nói ra tội lỗi, và do đó, hối nhân chỉ nói một phần, nhưng chúng ta hiểu được rằng sự việc còn lớn hơn. Như thế, cần phải dừng lại và đừng tra tấn hối nhân : « Tôi đã hiểu, hãy tiếp tục ! » « Nhưng tôi phải, tôi là thẩm phán, tôi phải phán xét ». Bạn đã hiểu ? Hãy tha thứ cho những gì bạn đã hiểu. Không chút nào. Quả thật đôi khi đó là một phán xét, nhưng là một sự thương xót. Có một vở nhạc kịch rất hay mà họ đã thực hiện cách đây ba hay bốn năm, một trong những nhóm nhạc trẻ ngày nay, với thứ âm nhạc mà tôi không hiểu được, nhưng người ta nói nó rất hay. Đó là một tác phẩm về  dụ ngôn người con hoang đàng. Vào cuối câu chuyện, trong phần cuối, đứa con, thảm hại, đã vấy bẩn nhiều tội lỗi, bởi rất nhiều thứ, đã bị chinh phục bằng những lời này, cảm thấy nhu cầu trở về với Cha và nó nói với một người bạn : « Nhưng tôi không biết liệu cha tôi sẽ đón nhận tôi không… » Và họ hát điều đó : « Ông ấy sẽ đón nhận tôi chứ ? Ông ấy sẽ đón nhận tôi chứ ? » Người bạn của anh ta cho anh ta một lời khuyên : « Hãy gởi thư cho cha anh và nói với ông ấy : thưa bố, con muốn ăn năn và nói điều đó trước mặt bố, nhưng con sợ đến với bố, bố sẽ có thể đón nhận con hay không…Con muốn đến để chỉ xin bố tha thứ, con không xứng đáng được gọi là con của bố nữa, chỉ vì điều đó thôi ». Và, theo thời khuyên của người bạn, anh ta đã viết thế này : « Nếu bố sẵn sàng cho điều đó, thì xin bố đặt ở cửa sổ một chiếc khăn tay trắng. Như thế, khi con gần tới nhà, con sẽ nhìn thấy chiếc khăn tay và con sẽ d dến. Nếu con không thấy chiếc khăn tay, thì con sẽ lại ra đi. » Vở nhạc kịch tiếp tục và đến màn cuối cùng, đó là khi đưa con đi vào con đường dẫn đến nhà. Anh nhìn ngôi nhà : nó đầy khăn tay trắng, đầy ! Tức là lòng thương xót của Thiên Chúa không có giới hạn. Cũng thế, lòng thương xót của một linh mục giải tội. Hãy nghĩ đến những chiếc khăn tay trắng ! Điều đó thật đẹp, nó làm tôi thích thú.

Và rồi hai chứng tá của hai linh mục giải tội mà tôi biết. Một, rất tốt lành, một tu sĩ dòng Thánh Thể, một người trẻ rất tốt lành, ngài qua đời lúc 92 tuổi ! Ngài là cha giải tội cho toàn bộ giáo sĩ của Buenos Aires. Tất cả mọi người đến chỗ ngài, và rất nhiều giáo dân…Ngài đã là như thế. Một cha giải tội tuyệt vời. Với tư cách là giám tỉnh cũng thế – ngài từng là giám tỉnh của Dòng mình – ngài luôn tìm thấy chỗ của mình trong vương cung thánh đường nơi ngài ở, để giải tội. Khi tôi làm giám tỉnh, tôi đến xưng tội với ngài – để không xưng tội với một cha dòng Tên để họ không biết chuyện -. Ngài đã luôn nói : « Không sao, không sao…can đảm lên, hãy tiếp tục ! » Và ngài tha thứ cho bạn. Một Chúa Nhật Phục Sinh nọ – lúc đó tôi là tổng đại diện, tôi xuống phòng thư ký để xem có bản fax hay không – vào thời đó vẫn chưa có email – tôi đã thấy một bản fax lúc 23g30, ngay trước khi bắt đầu canh thức vượt qua : « Vào lúc 20g30, cha Aristi đã qua đời lúc 93 tuổi ». Tôi có thói quen đi ăn trưa với các linh mục của nhà hưu dưỡng, vào lễ Phục Sinh và lễ Giáng Sinh, và tôi đã nghĩ : sau khi ăn trưa tôi sẽ đến đó. Và đó là những gì tôi đã làm. Tôi đi vào vương cung thánh đường, không có ai, quan tài được mở. Có hai cụ bà đang ở đó lần hạt. Tôi đến gần quan tài. Không có hoa. « Nhưng cha, người đã tha thứ tội lỗi cho tất cả mọi người…như vậy ? » Tôi đi ra, đi trên con đường – có những người bán hoa – tôi đã mua hoa, tôi trở lại. Và khi tôi đặt hoa, tôi thấy tràng chuỗi Mân Côi của ngài và tôi đã bị cám dỗ rất lơn và tôi đã nhượng bộ : tôi đã lấy cây thánh giá của tràng chuỗi Mân Côi. Ngài đã ra đi mà không có thánh giá. Vào lúc đó, tôi đã nói với ngài : « Xin cha cho con một nửa lòng thương xót của cha », khi nghĩ đến Êlia và Êlisê, và đến câu chuyện này. Tôi đã xin ngài hồng ân này. Và thánh giá này, tôi mang trong người, luôn ở với tôi, và tôi xin Chúa ban cho tôi lòng thương xót. Tôi đã muốn chia sẻ điều đó.

Một người khác, đó là một tu sĩ dòng Phanxicô cải cách, hôm nay 96 tuổi, một cha giải tội tuyệt vời. Ngài đang tiếp tục như thế ! Ngài ở đền thánh Đức Trinh Nữ Pompéi ở Buenos Aires. Luôn có một hàng trước tòa giải tội : giáo dân, linh mục, giám mục, tu sĩ, người trẻ, người già, người nghèo, người giàu, tất cả mọi người. Một dòng người thực sự. Và ngài đã đến tìm tôi ở đây, vào đầu triều đại giáo hoàng, bởi vì ngài có một hội nghị. Khi tôi còn là Tổng Giám mục, ngài lúc đó 86-87 tuổi, ngài đã đến nói với tôi : « Hãy cất khỏi con sự tra tấn mà con đang có ! » – « Tại sao ? » – « Nhưng Đức Cha biết, con luôn tha thứ, con tha thứ tất cả, con tha thứ quá nhiều » – « Chính vì điều đó mà người ta tìm kiếm cha » – « Vâng, nhưng đôi khi con cảm thấy bối rối » – « Vậy hãy nói cho tôi biết cha làm gì khi cha cảm thấy bối rối vì đã tha thứ quá nhiều ? » – « Con đến nhà nguyện và xin Chúa tha thứ, rồi con nói : « Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, hôm nay, con đã tha thứ quá nhiều. Nhưng lập tức con cảm thấy điều gì đó trong  con : « Nhưng, lạy Chúa, hãy cẩn thận, vì chính Chúa đã nêu gương xấu cho con » ».

Đó là những chứng tá của các linh mục giải tội tuyệt vời. Tôi đã gặp Bề  trên tổng quyền dòng Phanxicô cải cách, cách đây vài tháng, và ngài đã nói với tôi : « Thưa Đức Thánh Cha, cho con biết, nếu Đức Thánh Cha cần ngài, con sẽ đưa người bạn giải tội của Đức Thánh Cha đến đây ». Như chúng ta biết, Đức Giáo hoàng cũng cần được tha thứ cho những điều không đẹp đẽ mà ngài không thể nói với người khác. Một điều đẹp đẽ, một chứng tá đẹp. Anh em có trước mặt anh em chứng tá của các cha giải tội tuyệt vời, của những người biết tha thứ, với một ý thức về Giáo hội, cách công bằng, nhưng với tình yêu thương lớn lao. Với tình thương lớn lao.

Năm Thánh 2025 đang đến gần. Tôi nắm lấy cơ hội này để mời gọi từ bây giờ Tòa Ân giải, là nơi có thể nói được giao phó « cốt lõi sâu xa » của tất cả các Năm Thánh, thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để Năm Thánh sắp đến mang lại kết quả nhiều nhất có thể. Tôi khuyến khích anh em sử dụng tất cả tính sáng tạo mà Chúa Thánh Thần gợi ý, để lòng thương xót của Thiên Chúa đạt tới mọi nơi và mọi người : tha thứ và ân xá !

Và cảm ơn anh em đã phục vụ Lòng thương xót của Chúa, dưới sự che  chở dịu dàng của Đức Maria, Nơi nương náu của tội nhân. Mẹ là Mẹ, và Mẹ luôn tìm cách cứu con cái của Mẹ. Khi anh em có gì nghi ngờ, hãy nghĩ đến Mẹ, như truyền thuyết của đất nước này về người Mẹ mà người ta gọi là « Đức Trinh Nữ của các vị quan », còn có biệt danh là quan thầy của những tên trộm. Có một truyền thuyết ở miền Nam nước Ý rằng Đức Trinh Nữ tha thứ tất cả, và nếu họ cầu xin Đức Trinh Nữ, thì Người sẽ cứu họ. Và người ta nói rằng qua cửa sổ, Đức Trinh Nữ nhìn thấy hàng người trước cửa thiên đường. Và thánh Phêrô phán xét ai vào và ai không vào. Và khi Đức Trinh Nữ phát hiện ra một trong những người sùng kính mình, Người ra hiệu cho người ấy ẩn núp đi, vì chắc chắn thánh Phêrô sẽ không để cho họ vào. Rồi sau đó, khi bóng đêm đổ xuống, trước đêm đen, Đức Trinh Nữ cho họ vào qua cửa sổ. Anh em hãy cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria để Mẹ ban cho anh em trái tim của người cha và cả trái  tim của người mẹ, để tha thứ và hòa nhập mọi người vào Giáo hội. Mẹ là Nơi nương náu của tội nhân.

Tôi hết lòng chúc lành cho anh em. Và xin anh em cũng hãy nhớ cầu nguyện cho tôi, vì hôm nay tôi cũng phải đi xưng tội. Cảm ơn anh em.

————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Hélène Ginabat, ZENIT)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31