DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN TỔNG CÔNG NGHỊ DÒNG CÁT MINH : « HÃY COI CHỪNG TÍNH TRẦN TỤC THIÊNG LIÊNG, LÀ ĐIỀU XẤU XA TỒI TỆ NHẤT CÓ THỂ XẢY RA CHO GIÁO HỘI »

Written by xbvn on Tháng Chín 12th, 2021. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tu sĩ, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

Tình bạn với Thiên Chúa, đời sống huynh đệ và sứ mạng, nhưng cả niềm vui và óc hài hước : rất nhiều phương thuốc cho « tính trần tục thiêng liêng » mà Đức Phanxicô đã chỉ ra cho các đan sĩ dòng Cát Minh.

Hôm 11/9/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên của Tổng Công nghị dòng Cát Minh và tân Bề trên tổng quyền của họ được bầu vào ngày 4/9 vừa qua là cha Miguel Marquez Calle, (Miguel de Maria).

Đức Thánh Cha một lần nữa đã khuyến cáo đọc bốn trang cuối cùng của cuốn sách của ĐHY Henri de Lubac, S.J., Méditation sur l’Eglise (1953), trong đó trích dẫn, nơi những trang cuối, kiểu nói « tính trần tục thiêng liêng » của Dom Anschaire Voinier, tu sĩ dòng Biển Đức, người Anh.

Trong diễn văn cho Học viện Giáo hoàng Mêxicô ở Rôma, Đức Thánh Cha, dựa vào Henri de Lubac, đã giải thích, hôm 29/3/2021 : « Tính trần tục thiêng liêng, chúng ta có thể nói tính trần tục mục vụ, thiêng liêng, tức là cách thức trần tục để sống đời sống thiêng liêng của một linh mục, của một tu sĩ nam, của một tu sĩ nữ, của một giáo dân nam, của một giáo dân nữ, tính trần tục thiêng liêng là điều xấu xa tồi tệ nhất có thể xảy ra cho Giáo hội. Theo đúng nghĩa ! Tồi tệ hơn thời các Giáo hoàng tư tình. Tôi gợi ý cho anh chị em đọc lại ba trang nhỏ bé này ở cuối cuốn sách. Anh chị em hãy giữ mình khỏi tính trần tục này. Đó là cánh cửa dẫn đến hư hỏng ».

Tuần vừa rồi, Đức Thánh Cha cũng đưa ra lời khuyên tương tự cho các tu sĩ dòng Claret…và nhận xét rằng nhật báo Osservatore Romano đã không dám đăng kiểu nói của de Lubac.

Chính Đức Thánh Cha cũng không do dự lấy lại kiểu nói của Henri de Lubac: đó là nói lên rằng, đối với ngài, óc « trần tục » này tạo nên một « hiểm họa » to lớn cho Giáo hội.

Thế nhưng, Đức Thánh Cha cũng nói lên niềm hy vọng của mình vào sự bền vững của đời sống thánh hiến trong Giáo hội và ngài đề nghị cho các đan sĩ Cát Minh ba phương thuốc phòng ngừa : « tình bạn với Thiên Chúa, đời sống huynh đệ và sứ mạng », trong sự trung tín với đặc sủng riêng của mình, trong tinh thần của thánh Têrêsa Avila, thánh Gioan Thánh Giá và các thánh của dòng Cát Minh.

Dưới đây là diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô, cùng với những lời nói tự phát của ngài được thêm vào :

Anh em thân mến,

Tôi vui sướng chào chúc anh em đã quy tụ về từ những nơi khác nhau trên thế giới cho Tổng Công nghị của anh em, và đại diện cho khoảng bốn ngàn anh em thành viên của Dòng mình. Lời chào chúc của tôi cũng hướng đến họ, cũng như các nữ đan sĩ Cát Minh, và cho tất cả các thành viên của gia đình Cát Minh, trong những ngày này đang theo dõi công việc của anh em bằng lời cầu nguyện. Tôi cảm ơn những lời phát biểu của cha tân Bề trên tổng quyền và cha Bề trên tổng quyền mãn nhiệm vì sự phục vụ đã hoàn thành. Cảm ơn.

Anh em đã bắt đầu Công nghị được hướng dẫn bởi ba bản văn Thánh Kinh rất ý nghĩa. Bản văn đầu tiên : « Lắng nghe Chúa Thánh Thần nói gì » (x. Cv 2, 7) ; bản văn thứ hai : « Phân định các dấu chỉ thời đại » (x. Mt 16, 3) ; bản văn thứ ba : « Trở nên chứng nhân cho đến tận cùng trái đất » (x. Cv 1, 8).

Lắng nghe là thái độ căn bản của người môn đệ, của người bước theo trường học của Chúa Giêsu và muốn đáp trả những gì Ngài đòi hỏi chúng ta vào thời điểm khó khăn nhưng luôn đẹp đẽ này, bởi vì đó là thời gian của Thiên Chúa. Lắng nghe Chúa Thánh Thần để có thể phân định điều gì đến từ Chúa và điều gì trái ngược với Ngài, và như thế, khởi từ Tin Mừng, đáp lại những dấu chỉ thời đại qua đó Chúa của Lịch sử nói và tự mạc khải cho chúng ta. Lắng nghe và phân định, nhằm hướng đến chứng tá, sứ mạng được thực thi qua việc loan báo Tin Mừng, bằng lời nói và nhất là bằng đời sống.

Thời kỳ đại dịch đã đặt tất cả chúng ta trước biết bao câu hỏi, và đã chứng kiến sự sụp đổ của bao nhiêu thứ an toàn, với tư cách là con cái của thánh Têrêsa, anh em được kêu gọi quan tâm đến lòng trung tín với những yếu tố bền vững trong đặc sủng của anh em. Nếu cuộc khủng hoảng này có điều gì đó hay – và chắc chắn nó có -, thì đó chính là để đưa chúng ta trở lại với điều cốt lõi, để không bị phân tâm bởi những an toàn hão huyền. Bối cảnh này cũng thuận lợi để anh em có thể kiểm điểm tình trạng sức khỏe của Dòng mình và nuôi dưỡng ngọn lửa nguồn cội của anh em.

Đôi khi một số người tự hỏi đâu sẽ là thương lai của đời sống thánh hiến. Và có vị ngôn sứ về sự bất hạnh nào đó nói rằng tương lai này sẽ ngắn ngủi, đời sống thánh hiến đang cạn kiệt dần. Nhưng, anh em thân mến, cần phải bác bỏ cái nhìn bi quan tiền định này cũng như cái nhìn bi quan về chính Giáo hội, bởi vì đời sống thánh hiến là một phần trọn vẹn của Giáo hội, của bản chất cánh chung của Giáo hội, của tính xác thực Tin Mừng của Giáo hội. Đời sống thánh hiến là một phần của Giáo hội như Chúa Giêsu đã muốn, và như Chúa Thánh Thần tiếp tục sinh ra nó. Vì thế, chúng ta phải tránh xa cám dỗ bận tâm sống sót, thay vì sống cách tròn đầy bằng việc đón nhận ân sủng của hiện tại, bao gồm cả rủi ro mà điều đó mang lại.

 Ở trường học của Chúa Kitô, đó là trung tín với hiện tại và đồng thời tự do và mở ra cho chân trời của Thiên Chúa, đắm mình trong mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Đời sống Cát Minh là một đời sống chiêm niệm. Và đó là ân huệ mà Chúa Thánh Thần đã ban cho Giáo hội với thánh Têrêsa Giêsu và thánh Gioan Thánh Giá, và tiếp đến cùng với các thánh nam nữ của dòng Cát Minh, rất nhiều.

Trung tín với ân huệ này, đời sống Cát Minh là một lời đáp lại cơn khát của con người đương thời, vốn tự sâu thẳm là khát khao Thiên Chúa, khát khao vĩnh cửu, và rất thường, nó không hiểu Ngài, nó tìm Ngài khắp nơi. Và đời sống Cát Minh phải phòng tránh các thứ « chủ nghĩa tâm lý », « chủ nghĩa tâm linh » và những cập nhật trần tục, óc trần tục. Và về vấn đề này, tôi xin anh em vui lòng : hãy coi chừng tính trần tục thiêng liêng, là điều xấu xa tồi tệ nhất có thể xảy ra cho Giáo hội. Khi tôi đọc thấy điều đó nơi những trang cuối của cuốn « Méditation sur l’Eglise » của cha de Lubac – anh em hãy đọc bốn trang cuối – tôi đã không thể tin được : nhưng làm sao thế được – lúc đó tôi vẫn còn ở Buenos Aires – , làm sao điều đó xảy ra được ? Tính trần tục thiêng liêng này là gì ? Nó rất tinh tế, nó rất tinh tế, nó xâm nhập vào chúng ta mà chúng ta không nhận ra được.

Bản văn trích dẫn một người cha tinh thần của dòng Biển Đức [Dom Anchaire Voinier], de Lubac đón nhận bản văn này và nói : « Đó là điều xấu xa tồi tệ nhất có thể xảy đến cho Giáo hội, và thậm chí tồi tệ hơn thời các Giáo hoàng tư tình ». Tôi cũng đã nói điều này vào ngày hôm kia với các tu sĩ dòng Claret…Người ta thấy rằng nhật báo Osservatore Romano đã sợ bản văn này, mà không phải là của tôi, nó là của de Lubac, và ngài đã nói : « tồi tệ hơn thời của các Giáo hoàng  tư tình ». Nhật báo đã sợ sự thật này, tôi hy vọng rằng Osservatore sẽ sửa lại cho đúng. Tính trần tục thiêng liêng thật là kinh khủng : nó xâm nhập vào tôi.

Chính trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói điều đó, khi Ngài nói về « những con quỷ được nuôi nấng tốt », « những con quỷ được nuôi nấng tốt », bởi vì Chúa Giêsu nói như thế này : khi thần ô uế đã bị trục xuất khỏi tâm hồn của một người, nó bắt đầu đi lang thang ở những nơi hoang vắng và rồi nó « buồn chán », « nó thất nghiệp », và nó nói : « Tôi sẽ quay lại xem ngôi nhà của tôi thế nào ». Nó quay lại và thấy rằng mọi sự sạch sẽ, mọi sự ngăn nắp và, Chúa Giêsu nói : « Nó đi rủ thêm bảy quỷ tồi tệ hơn cả nó và chúng xâm nhập. Và cái kết của người này còn tồi tệ hơn lúc đầu ». Nhưng bảy quỷ này xâm nhập như thế nào ? Không phải như những tên trộm, không phải ; chúng rung chuông, chào hỏi và xâm nhập dần dần, chúng xâm nhập dần dần và bạn không nhận ra rằng chúng đã chiếm hữu ngôi nhà của bạn. Đó là tinh thần trần tục. Nó xâm nhập từ  từ, thậm chí nó đi vào lời cầu nguyện, nó xâm nhập. Anh em hãy chú ý điều đó. Đó là điều xấu xa tồi tệ nhất có thể xảy đến cho Giáo hội và, nếu anh em không tin tôi, anh em hãy đọc các trang cuối của cuốn « Méditation sur l’Eglise » của cha de Lubac. Anh em hãy giữ mình khỏi tính trần tục thiêng liêng.

Chúng ta hãy nhớ rằng lòng trung tín của Tin Mừng không phải là sự vững chắc của một nơi, nhưng là sự vững chắc của tâm hồn ; nó không hệ tại ở chỗ khước từ sự thay đổi, nhưng là thực hiện những thay đổi cần thiết để đáp ứng những gì Chúa yêu cầu chúng ta, ở đây và bây giờ. Và, do đó, lòng trung tín đòi hỏi một cam kết vững chắc vào các giá trị của Tin Mừng, và của đặc sủng riêng, và từ bỏ những gì ngăn cản trao hiến điều tốt nhất của bản thân cho Chúa và cho tha nhân.

Trong viễn cảnh này, tôi khuyến khích anh em cùng nhau giữ tình bạn với Thiên Chúa, đời sống huynh đệ cộng đoàn và sứ mạng, như chúng ta đọc thấy trong các văn kiện chuẩn bị của Công nghị của anh em. Tình bạn với Chúa, đối với thánh Têrêsa, đó là sống hiệp thông với Ngài, không chỉ cầu nguyện, nhưng biến cuộc sống thành một lời cầu nguyện, đó là bước đi – như Tu Luật của anh em nêu rõ – « in obsequio Iesu Christi » (trong sự vâng phục Chúa Giêsu Kitô), và thực hiện điều đó trong niềm vui.

Một điều khác mà tôi muốn nhấn mạnh : niềm vui. Thật không đẹp khi thấy những người nam hay nữ sống đời thánh hiến với một khuôn mặt đám tang. Thật không đẹp, không đẹp. Niềm vui phải đến từ nội tâm : niềm vui này là sự bình an, biểu hiện của tình ban. Một điều khác mà tôi đã nói rất nhiều trong Tông huấn về sự thánh thiện : óc hài hước. Xin đừng đánh mất óc hài hước. Trong Tông huấn « Hãy vui mừng hoan hỉ », tôi đã lồng vào trong chương này một lời cầu nguyện của thánh Thomas More để cầu xin óc hài hước. Hãy cầu xin điều đó, điều đó sẽ giúp ích cho anh em. Luôn luôn với niềm vui của những người khiêm tốn này, đón nhận những điều bình thường, hằng ngày của cuộc sống để sống trong niềm vui. Trong viễn cảnh này, tôi khuyến khích anh em cùng nhau giữ tình bạn với Thiên Chúa, đời sống huynh đệ cộng đoàn và sứ mạng, như tôi đã nói.

Tình bạn với Thiên Chúa trưởng thành trong thinh lặng, trong sự hồi tâm, trong việc lắng nghe Lời Chúa ; đó là điều cần phải nuôi dưỡng và gìn giữ ngày này qua ngày khác.

Hơi ấm của ngọn lửa bên trong này cũng giúp thực hành đời sống huynh đệ cộng đoàn. Đó không phải là một yếu tố phụ, nó là quan trọng. Đó là những gì mà chính tên của anh em nhắc nhớ : « Các Anh em không đi giày ». Bén rễ sâu trong tương quan với Thiên Chúa, Ba Ngôi Tình Yêu, anh em được mời gọi vun trồng các mối tương quan trong Chúa Thánh Thần, trong sự căng thẳng lành mạnh giữa sống một mình và sống với tha nhân, giữa việc chống lại chủ nghĩa cá nhân và việc tập thể hóa thế giới. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Đời sống cộng đoàn. Mẹ thánh Têrêsa khuyến khích « phong cách huynh đệ » (“el estilo de hermandad”). Đó là một nghệ thuật được học mỗi ngày : trở nên một gia đình hiệp nhất trong Chúa Kitô, « các anh em không đi giày của Đức Maria », lấy Thánh Gia Nadarét và cộng đoàn Tông đồ làm mẫu mực. Thánh Gia Nadarét : cảm ơn đã đề cập thánh Giuse, đừng quên ngài ! Cách đây một thời gian, một người trong anh em đã tặng cho tôi một hình ảnh nhỏ về thánh Giuse với một lời cầu nguyện, một lời cầu nguyện khiêm tốn nói rằng : « Xin hãy chấp nhận con như ngài đã chấp nhận Chúa Giêsu ». Một lời cầu nguyện đẹp. Tôi cầu nguyện như thế mỗi ngày. Lời cầu nguyện này xin thánh Giuse chấp nhận chúng ta và làm cho chúng ta tiến bộ mỗi ngày trong đời sống thiêng liêng, xin ngài như là người cha thiêng liêng của chúng ta, như ngài đã là người cha đối với Chúa Giêsu và trong Thánh Gia.

Từ tình bạn với Thiên Chúa và phong cách huynh đệ, anh em cũng được mời gọi suy nghĩ lại sứ mạng của anh em, với sự sáng tạo và lòng nhiệt huyết tông đồ cương quyết, bằng cách quan tâm nhiều đến thế giới hôm nay. Tôi muốn nhấn mạnh đến những gì tôi đã đề cập trên đây : cuộc canh tân sứ mạng này của anh em liên kết chặt chẽ với lòng trung tín với ơn gọi chiêm niệm : anh em hãy tìm cách thực hiện điều đó, nhưng được liên kết. Anh em không được bắt chước sứ mạng của các đặc sủng khác, nhưng trung thành với đặc sủng của anh em, để mang lại cho thế giới những gì Chúa đã ban cho anh em vì lợi ích của mọi người, tức là nước sự sống từ đời sống chiêm niệm. Quả thế, sứ mạng này không phải là trốn chạy thực tại, khép kín được bảo vệ trong một ốc đảo, nhưng là mở rộng tâm hồn và cuộc sống cho sức mạnh thực sự biến đổi thế giới, tức là cho tình yêu của Thiên Chúa. Chính trong việc cầu nguyện lâu giờ một mình mà Chúa Giêsu đã nhận được nhiệt huyết để « bẻ vỡ » cuộc sống của mình giữa dân chúng mỗi ngày. Và các thánh nam và thánh nữ cũng vậy : lòng quảng đại và sự can đảm trong sứ mạng tông đồ của các ngài là hoa trái của sự kết hiệp sâu xa của các ngài với Thiên Chúa.

Anh em thân mến, sự hài hòa giữa ba yếu tố này : tình bạn với Thiên Chúa, đời sống huynh đệ và sứ mạng, là một mục tiêu hấp dẫn, có khả năng thúc đẩy những chọn lựa hiện tại và tương lai. Xin Chúa Thánh Thần – chính Ngài là Đấng tạo nên sự hài hòa – soi sáng và hướng dẫn bước đi của anh em trên con đường này. Xin Đức Thánh Trinh Nữ  bảo vệ và đồng hành với anh em. Tôi hết lòng chúc lành cho anh em. Nhất là, anh em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Tôi cần lời cầu nguyện. Cảm ơn anh em !

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Anita Bourdin, ZENIT)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31