“DILEXIT NOS”: CÁC TRƯỜNG PHÁI TU ĐỨC PHÁP ĐƯỢC VINH DANH TRONG THÔNG ĐIỆP MỚI
Trong thông điệp mới Dilexit nos, được xuất bản hôm thứ Năm ngày 24 tháng Mười, Đức Phanxicô đã trích dẫn không dưới mười tác giả người Pháp. Dù đôi khi người ta cho rằng ngài xa cách đối với nước Pháp, nhưng sự thật vẫn là ngài kín múc nhiều nơi các trường phái tu đức của nước này.
Bernard thành Clairvaux, Têrêsa thành Lisieux và thậm chí cả Michel de Certeau, trong thông điệp mới của ngài, Dilexit nos, Đức Thánh Cha Phanxicô vinh danh nhiều nhân vật tu đức người Pháp hoặc nói tiếng Pháp. Đối với một vị Giáo hoàng đôi khi được cho là thờ ơ với nước Pháp, số lượng tham chiếu có thể gây ngạc nhiên. Trong thông điệp của mình, ngài nhắc đến không dưới mười tác giả. Ngoài ba nhân vật trên đây, Đức Phanxicô còn trích dẫn Guillaume de Saint-Thierry, Phanxicô Salê, Jeanne de Chantal, Jean Eudes, Marguerite-Marie Alacoque, Claude La Colombière và Charles de Foucauld.
Một sự ưa thích Pháp của Giáo hoàng ít được biết đến?
Bằng cách dành một thông điệp về Thánh Tâm Chúa Giêsu, một lòng sùng kính đã được phát triển ở Pháp, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh sự gắn bó của ngài với nhiều bậc thầy tu đức người Pháp, điều này đã được thể hiện rõ ràng kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài trích dẫn nhà văn Léon Bloy trong bài giảng đầu tiên với tư cách là Giáo hoàng, và xuất bản tông thư nhân kỷ niệm 400 năm ngày sinh của triết gia Blaise Pascal, vào tháng 6 năm 2023. Một ảnh hưởng kín đáo đánh dấu linh đạo (tu đức) của Đức Thánh Cha Phanxicô và được đặc biệt nhấn mạnh trong Dilexit nos.
Sử gia Martin Dumont, tổng thư ký của Viện Nghiên cứu Tôn giáo tại Đại học Sorbonne, giải thích: “Chính Đức Giáo hoàng đã tuyên bố: ‘Linh đạo của tôi là Pháp’”. “Việc nhấn mạnh đến sự dịu dàng và lòng thương xót của Chúa Giêsu nơi Phanxicô Salê, Charles de Foucauld và Têrêsa thành Lisieux tương ứng nhiều với sự nhạy cảm của Đức Phanxicô hơn là sự nghiêm khắc có phần lạnh lùng của các bậc thầy tu đức người Tây Ban Nha như Têrêsa thành Avila và Gioan Thánh Giá.”
Người Pháp chiếm đa số trong thông điệp
Trong thông điệp mới của ngài, chính ở ba phần của chương thứ tư hoàn toàn dành cho ba tác giả này, trong đó có thêm Claude La Colombière, linh mục Dòng Tên, người thúc đẩy chính việc sùng kính Thánh Tâm sau những lần hiện ra ở Paray-le-Monial.
Đức Thánh Cha đã bày tỏ lòng yêu mến đặc biệt của mình đối với Têrêsa thành Lisieux, “vị thánh yêu thích” của ngài, vị thánh mà ngài đã dành một tông huấn vào tháng 10 năm 2023. Thánh nữ một lần nữa chiếm một vị trí đặc biệt trong Dilexit nos, một bản văn với cung giọng thường rất cá nhân. Martin Dumont phân tích: “Sự kín đáo, sự khiêm tốn và sự phong phú của đời sống chiêm niệm của thánh nữ khiến thánh nữ, một cách nghịch lý, trở thành một nhân vật truyền giáo lớn đối với Đức Giáo hoàng”.
Một nhân vật quan trọng khác đối với giáo hoàng: Charles de Foucauld. Đức Phanxicô nhắc đến thánh nhân ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của ngài trong tông huấn Evangelii gaudium vào ngày 24 tháng 11 năm 2013, rồi phong thánh cho thánh nhân vào ngày 15 tháng 5 năm 2022. Thánh Phanxicô Salê là đối tượng của một tông thư nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày ngài qua đời, có tựa đề Totum amorisest, ngày 28 tháng 12 năm 2022. Trong thông điệp Dilexit nos, thánh nhân được nêu bật như một người thúc đẩy một nền tu đức nhạy cảm khi đối mặt với một số sự cứng nhắc thái quá: “Chúng ta có thể thấy trong suy nghĩ của vị thánh tiến sĩ này, khi đối mặt với một nền luân lý nhiệm nhặt và một lòng đạo đức tuân thủ đơn thuần, Trái Tim Chúa Kitô được trình bày như một lời kêu gọi tin tưởng hoàn toàn vào hành động huyền nhiệm của ân sủng Người.”
Làm thế nào giải thích những ảnh hưởng Pháp này của Đức Thánh Cha Phanxicô. Theo cha David Gilbert, trưởng khoa lịch sử tại Học viện Công giáo Paris, chúng chủ yếu xuất phát từ quá trình đào tạo ở Dòng Tên của ngài, qua đó ngài đã đối chiếu với các tác giả như Michel de Certeau và Claude La Colombière, được trích dẫn trong thông điệp, cũng như Gaston Fessard, người có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng xã hội của ngài. Các tài liệu tham khảo của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bao gồm các tu sĩ Dòng Tên khác như Henri de Lubac và Louis Lallemant.
—————-
Tý Linh
(theo Paul Carpenter, nhật báo La Croix)
Tags: các thánh-nhân vật, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- CHÚA NHẬT ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC LÊÔ XIV VỚI CÁC TÍN HỮU VÀ TẠI MỘ THÁNH PHÊRÔ
- TỪ LÊÔ XIII ĐẾN LÊÔ XIV, VẤN ĐỀ XÃ HỘI MỚI
- MẬT NGHỊ: VÀ CÁC HỒNG Y BẮT ĐẦU PHÁT BIỂU NGAY SAU ĐÓ
- ĐỨC LÊÔ XIV TẠI MỘT ĐỀN THÁNH CỦA DÒNG THÁNH AUGUSTINÔ VÀ TẠI MỘ ĐỨC PHANXICÔ
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV CHO HỒNG Y ĐOÀN : « NGÀY NAY GIÁO HỘI TRAO CHO MỌI NGƯỜI DI SẢN HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA MÌNH »
- CHÂN DUNG, KHẨU HIỆU VÀ HUY HIỆU CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV
- BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN DÒNG AUGUSTINÔ: ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV ‘THỰC SỰ GẦN GŨI VỚI MỌI NGƯỜI’
- TÌM HIỂU DÒNG THÁNH AUGUSTINÔ CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- “NGÀI ĐÃ CÓ MỘT TỶ SỐ TUYỆT VỜI” TẠI MẬT NGHỊ
- XÓA MÌNH ĐI ĐỂ CHÚA KITÔ Ở LẠI
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV NGÀY 9/5/2025
- TIỂU SỬ ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV
- THÁNH LỄ KHAI MẠC TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC LÊÔ XIV VÀO NGÀY 18 THÁNG 5
- “GIÁM MỤC LÀ MỘT MỤC TỬ GẦN GŨI VỚI DÂN CHÚNG, KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI QUẢN LÝ”
- ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV KÊU GỌI HÒA BÌNH VÀ GIẢI TRỪ VŨ TRANG TRÊN THẾ GIỚI
- HABEMUS PAPAM
- GIỮA SỰ TRANG NGHIÊM VÀ LONG TRỌNG, MẬT NGHỊ BẮT ĐẦU
- KHÓI ĐEN ĐẦU TIÊN XUẤT HIỆN TỪ ỐNG KHÓI NHÀ NGUYỆN SISTINE
- THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO VIỆC BẦU CHỌN GIÁO HOÀNG : « CẦU NGUYỆN LÀ THÁI ĐỘ DUY NHẤT THÍCH HỢP »
- MẬT NGHỊ: ĐỨC GIÁO HOÀNG ĐƯỢC BẦU NHƯ THẾ NÀO?