ĐỐI VỚI BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN DÒNG TÊN, « SỰ TỤC HÓA LÀ MỘT CƠ MAY »
Trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo La Croix, nhân dịp khai mạc « Năm Inhaxiô » ngày 20/5/2021, cha Arturo Sosa, Bề trên tổng quyền Dòng Tên, điểm lại những nét ưu tiên của Dòng Tên trên thế giới, và mối tương quan của ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô.
La Croix : Tại sao đã thiết lập « Năm Inhaxiô » ?
Cha Arturo Sosa : Năm Inhaxiô, được mở vào dịp kỷ niệm 500 năm Inhaxiô Loyola bị thương ở trận chiến Pamplona, đối với tôi, không phải là một năm tưởng niệm. Nó nằm trong một tiến trình được bắt đầu cách đây 5 năm.
Vào năm 2016, chúng tôi đã bày tỏ nguyện vọng tham dự vào một thừa tác vụ hòa giải cao cả dựa trên công lý, đức tin và tình liên đới với người nghèo. Và tôi phải nói rằng đại dịch Covid-19 đã củng cố nhu cầu này. Như Inhaxiô đã thấy cuộc đời của mình được thay đổi nhờ vết thương, vì lúc đó Thiên Chúa đã đột nhập vào ngài, nên chúng ta có thể nói rằng vết thương của chúng ta, đó là đại dịch. Đó là một cơ hội mà Thiên Chúa nắm lấy để đến với chúng ta, và mở ra một con đường mà chúng ta không bao giờ nghĩ tới.
La Croix : Ngày nay, đâu là những ưu tiên của Dòng ?
Cha A. Sosa : Chúng là những ưu tiên mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra vào năm 2019. Trước tiên, cổ võ sự phân định và việc linh thao, bằng cách giúp mỗi người gặp gỡ Chúa Giêsu-Kitô. Thứ hai, bước đi bên cạnh những người bị gạt ra bên lề thế giới này, bằng cách hiện diện bên cạnh những người rời bỏ nhà cửa, quê hương của họ, hay những người cô thân cô thế. Cùng với họ, chúng tôi có bổn phận tham gia vào cuộc đấu tranh cho công lý. Cả ở đó nữa, mục tiêu này càng trở nên cấp bách hơn do cơn đại dịch, càng làm gia tăng những bất bình đẳng khắp nơi trên thế giới.
Ưu tiên thứ ba : chúng tôi phải đồng hành với các bạn trẻ để giúp đỡ họ xây dựng một tương lai tràn đầy hy vọng. Những tháng vừa qua, họ đã chứng kiến các kế hoạch của họ, những ước mơ của họ, thế giới của họ sụp đổ… Chúng tôi phải lắng nghe họ. Sau cùng, chúng tôi phải ra sức bảo vệ công trình tạo dựng của Thiên Chúa và trả lời cho thách đố to lớn này của nhân loại là trả lời cho sự biến đổi khí hậu.
La Croix : Làm thế nào Dòng Tên đương đầu với sự tục hóa nơi nhiều xã hội tây phương ?
Cha A. Sosa : Theo quan điểm của tôi, sự tục hóa là một cơ may. Nó tạo ra một không gian tự do, vì nó khuyến khích sự nổi lên các xã hội đa nguyên. Điều đó có nghĩa rằng chúng chấp nhận tốt hơn những khác biệt về văn hóa, ý thức hệ, nhưng cả tôn giáo nữa. Đối với Dòng Tên, đó cũng là một xã hội trong đó chúng ta có thể đề nghị những bài linh thao, vì đó là một công cụ nhằm giúp đỡ mọi người đưa ra những chọn lựa tự do.
Điểm tích cực khác, theo tôi : tiến trình này phá vỡ mối liên hệ giữa văn hóa và tôn giáo, vốn đã bó buộc các tín hữu của các thế hệ đã qua không được chọn lựa cách tự do đức tin của họ. Nhưng tôn giáo không phải là một dữ kiện văn hóa. Đó là một chọn lựa bắt nguồn từ sự tự do của con người, một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa phát xuất vừa từ sự tự do của bạn vừa từ một kinh nghiệm cá nhân. Đối với Giáo hội Công giáo, đó là một sự thay đổi sâu xa vì từ nay Giáo hội sẽ được bao gồm những tín hữu ý thức về chọn lựa của họ. Các cộng đồng Kitô hữu sẽ sống động hơn nhiều. Theo nghĩa này, điều đó có thể là một cơ may.
La Croix : Ngày nay làm thế nào Cha kêu gọi các ơn gọi ? Các bạn trẻ của Dòng Tên là ai ?
Cha A. Sosa : Không phải chúng tôi kêu gọi, nhưng là Chúa ! Chúng tôi, chúng tôi cầu nguyện. Ngày nay, điều đã thay đổi là cách thức các bạn trẻ khám phá Dòng Tên : chẳng hạn qua những cuộc tập hợp lớn hay qua Internet.
Điều khó khăn là thiết lập một loại hồ sơ của 3000 bạn trẻ của Dòng Tên hiện đang được đào tạo. Họ rất đa dạng, do nguồn gốc văn hóa hay tuổi tác. Ở Châu Âu và ở Hoa Kỳ, người ta vào Dòng muộn hơn nơi các nước khác. Chúng ta không còn ở thời kỳ mà 70% tu sĩ Dòng Tên đến từ các nền văn hóa tây phương. Chẳng hạn, hiện nay chúng tôi có 1000 bạn trẻ ở Ấn Độ, ở Sri Lanka và Bangladesh. 600 bạn trẻ Dòng Tên đến từ Châu Phi.
La Croix : Ngày nay chúng ta đang sống trong một thời điểm lịch sử, mà Đức Giáo hoàng, cũng như Cha, là một tu sĩ Dòng Tên thuộc Châu Mỹ Latinh. Điều đó có tạo nên một sự gần gũi đặc biệt giữa Dòng Tên và ngài không ?
Cha A. Sosa : Từ lâu nay, Dòng Tên luôn có tương quan rất gần gũi với Đức Giáo hoàng. Dòng Tên được thành lập để phục vụ Đức Giáo hoàng. Nhưng tôi phải thú nhận rằng không ai từng dự đoán một tu sĩ Dòng Tên được bầu làm Giáo hoàng ! Giữa chúng tôi, Đức Giáo hoàng và Dòng Tên, có mối tương quan vừa rất tôn trọng vừa rất huynh đệ.
Một mặt, Đức Giáo hoàng biết rằng ngài có thể được kể vào số các tu sĩ Dòng Tên. Nhưng ngài đã để cho Dòng Tên hoàn toàn tự do trong việc quản trị của Dòng. Chúng tôi không có mối liên hệ đặc quyền : về phần thôi, tôi sẽ gặp ngài khi tôi cần trình bày cho ngài một vấn đề đặc biệt, nhưng không có bất kỳ đường dây đỏ (hay trắng !) bí mật nào giữa chúng tôi, mà có thể tạo nên đường dây trực tiếp. Để có một cuộc hẹn với ngài, như tất cả mọi người, tôi phải ngang qua các thư ký của ngài.
La Croix : Phải chăng Đức Phanxicô có một phương thức Dòng Tên để cai quản Giáo hội ?
Cha A. Sosa : Chắc chắn rằng cách thức làm việc của ngài giống với cách thức mà chúng ta thấy nơi các tu sĩ Dòng Tên. Chẳng hạn, nơi chúng tôi, người nào đưa ra một quyết định thì phải hoàn toàn đảm nhận nó. Nhưng để đạt đến đó, người ấy phải trải qua hai giai đoạn quan trọng. Trước khi đưa ra một quyết định, tôi tham khảo ý kiến của các thành viên của Hội đồng tổng quyền, bằng cách lưu tâm đến sự đa dạng địa lý, tư tưởng của họ, etc. Tiếp đến, cũng cần phải lắng nghe Chúa Thánh Thần, qua việc cầu nguyện. Loại cai quản này, được gợi hứng bởi nền linh đạo, là loại mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đang thực thi.
La Croix : Phải chăng ngài đang thay đổi Giáo hội ?
Cha A. Sosa : Vâng, dĩ nhiên. Nhưng ngài làm điều đó mà không cần che giấu, ngài đã thành lập các nhóm làm việc, đưa ra các biện pháp…Không phải là không có khó khăn, ngài đã bắt đầu thay đổi Giáo triều Rôma, chẳng hạn bằng cách cổ võ công việc giữa các Bộ hay một cuộc cải cách truyền thông. Ba thông điệp mà ngài đã ký cho thấy một sự gắn bó với tính hiệp hành, với sự phân định…Chắc chắn, đó là những phương pháp vốn dựa vào linh đạo Inhã, nhưng chúng cũng bén rễ sâu trong Vatican II.
La Croix : Đức Giáo hoàng sẽ đến Marseille, ở cuộc hội ngộ gia đình Inhaxiô vào ngày lễ Các Thánh Nam Nữ không ?
Cha A. Sosa : Tôi không biết. Ngài đã được mời và chúng tôi sẽ rất vui sướng nếu ngài có mặt ở đó. Hiện giờ chúng tôi không có tin tức gì.
La Croix : Đôi khi các tu sĩ Dòng Tên có danh tiếng là những người quyền lực và ảnh hưởng. Cha nghĩ gì về hình ảnh này ?
Cha A. Sosa : Thực sự người ta dùng tính từ « thuộc Dòng Tên » cho đủ thứ, và thậm chí đôi khi như một từ đồng nghĩa với giả hình hay thủ đoạn. Điều đó đôi khi được gắn liền với một quỹ đạo đặc biệt hay với những giai đoạn lịch sử, nhưng phần lớn đều thuộc huyền thoại. Dòng Tên không phải là một thể chế tìm kiếm quyền lực, nhưng là một Dòng cộng tác với Đức Giáo hoàng. Vào thời của ngài, thánh Inhaxiô thường nói rằng các tu sĩ Dòng Tên phải là một « dòng không đáng kể », một đàn chiên nhỏ bé. Tôi nghĩ rằng điều đó đã không thay đổi.
——————————
Dòng Tên trên thế giới
Theo con số trên trang web dongten.net, đến ngày 1 tháng 1 năm 2020, tổng số tu sĩ Dòng Tên trên toàn thế giới là 15,306 tu sĩ, trong đó có 11,049 linh mục, 974 tu huynh, 2,585 học viên (ứng viên linh mục) và 698 tập sinh, phục vụ tại 122 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới trong 74 Tỉnh Dòng, 4 Miền Độc lập và 6 Miền Phụ thuộc và 1 Sứ vụ được phân bố theo 9 Vùng (Assistancy): Phi Châu, Nam Mỹ Latinh, Bắc Mỹ Latinh, Nam Á, Châu Á – Thái Bình Dương, Trung và Đông Âu, Nam Âu, Tây Âu và Hoa Kỳ. Với tổng số tu sĩ này, Dòng Tên là dòng nam có số tu sĩ đông nhất trong Giáo Hội. Các tu sĩ của Dòng có mặt trong hầu hết các hoạt động của Giáo Hội (suy tư thần học, giảng thuyết, mục vụ giới trẻ, giúp Linh thao, truyền giáo…) cũng như của xã hội (giáo dục, truyền thông, phục vụ người tị nạn và di dân,…) nhằm phục vụ và thăng tiến con người. Họ là các thần học gia, các vị linh hướng, giáo sư, kỹ sư, nhạc sĩ, nhân viên xã hội, tâm lý gia, bác sĩ, luật sư, nhà báo, nhà truyền giáo…
Có 5600 tu sĩ Dòng Tên ở Châu Á (trong đó 4000 ở Ấn Độ), 5000 ở Châu Âu, 2600 ở Bắc Mỹ, 2400 ở Châu Mỹ Latinh và 1600 ở Châu Phi. 60% sinh viên và tập sinh đến từ Châu Phi và Châu Á.
————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(theo nhật báo La Croix)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NỮ TU SIMONA BRAMBILLA TRỞ THÀNH NỮ TỔNG TRƯỞNG ĐẦU TIÊN TẠI VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II SAU LỄ GIÁNG SINH: HÃY TRỞ THÀNH SỨ GIẢ CỦA NIỀM HY VỌNG
- ĐHY FILIPE NERI FERRÃO, TÂN CHỦ TỊCH CỦA FABC
- MỞ CỬA THÁNH CỦA VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH: NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CHO NĂM THÁNH
- CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG VÀ CÁC NĂM THÁNH: VIỆC MỞ CỬA THÁNH TRONG LỊCH SỬ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: THIÊN CHÚA CHỌN SINH RA CHO CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: HỌC KHÁM PHÁ SỰ VĨ ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỰ NHỎ BÉ
- NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÃNH NHẬN ƠN TOÀN XÁ TRONG NĂM THÁNH
- ÂN XÁ NĂM THÁNH, CƠN MƯA LÒNG THƯƠNG XÓT CHO MỌI NGƯỜI
- CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ CẢ
- ĐỨC PHANXICÔ: NĂM THÁNH LÀ CƠ HỘI KHAI MỞ CÔNG TRƯỜNG TÂM HỒN CỦA CHÚNG TA
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA : THÁNH GIA NADARÉT, MẪU GƯƠNG ĐỐI THOẠI VÀ LẮNG NGHE
- PHÓ CHÁNH ÁN TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO: TÒA GIẢI TỘI, CỬA THÁNH CHO TÂM HỒN
- VĂN PHÒNG PHỦ GIÁO HOÀNG : THÔNG TIN ĐẶT VÉ THAM DỰ CÁC BUỔI TIẾP KIẾN CHUNG VÀ CÁC NGHI LỄ
- MỞ CỬA THÁNH ĐỀN THỜ LATÊRANÔ: “GIEO NIỀM HY VỌNG VÀ XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ”
- ĐỨC PHANXICÔ MỞ CỬA THÁNH TẠI NHÀ TÙ REBIBBIA: “HÃY BÁM LẤY NIỀM HY VỌNG”
- LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2024: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ