“ĐỐI VỚI NGƯỜI DO THÁI CHÚNG TÔI, THIÊN CHÚA ĐÃ “NHẬP THỂ” TRONG LỜI THÁNH KINH”
Vài ngày trước vụ thảm sát xảy ra ở Israel, giáo sĩ Rivon Krygier đã dành cho nhật báo La Croix cuộc phỏng vấn này. Giáo sĩ nói với chúng ta, những dòng sau đây, không có mối liên hệ trực tiếp đến các sự kiện hiện tại, tuy nhiên vẫn giữ được ý nghĩa tâm linh của chúng, ngay cả vì những sự kiện bi thảm.
La Croix : Ngài đọc Thánh Kinh như thế nào ?
Rivon Krygier : Chúng ta hãy làm rõ ngay từ đầu rằng Thánh Kinh Do Thái không giống với Thánh Kinh Kitô giáo. Ngay cả một số sách của Cựu Ước cũng không được đưa vào quy điển Do Thái, chẳng hạn như hai cuốn sách Maccabê. Tuy nhiên, chúng vẫn là đối tượng của lễ hội Hanukkah kỷ niệm lễ cung hiến Đền thờ. Thánh Kinh Do Thái chứa Kinh Torah – mà người Kitô hữu gọi là Ngũ Kinh -, các sách Ngôn sứ và các Tác phẩm thánh. Và, như bạn biết, không có Tân Ước.
Cách đọc Thánh Kinh của chúng tôi không bao giờ là cách đọc đơn giản, theo nghĩa đen, mà chủ yếu là vấn đề giải thích, đặt vào viễn cảnh. Nó hệ tại tìm kiếm trong văn bản bất cứ điều gì không minh nhiên nhưng ngụ ý, hoặc bất cứ điều gì được kết nối với các phần hoặc yếu tố khác của toàn bộ Thánh Kinh, trong một mạng lưới, để tạo nên một nhận xét có tính cộng hưởng.
La Croix : Ngài đọc một mình hay trong cộng đoàn ?
Rivon Krygier : Theo truyền thống Do Thái, chúng tôi không bao giờ đọc Thánh Kinh một mình. Ngay cả khi tôi nghiên cứu văn bản một mình, tôi cũng nghiên cứu thông qua những nhà chú giải tập trung xung quanh nó. Đó là một cuộc đối thoại tuyệt vời giữa bản văn đang nói và tất cả những ai, từ Mạc Khải, đã đọc những câu này và giải thích chúng.
Việc đọc công khai là rất phổ biến. Nó cũng được tìm thấy trong các sách Tin Mừng. Chúa Giêsu đến Hội đường vào sáng thứ Bảy, đưa ra lời chú giải. Khi chúng ta đưa Kinh Torah ra khỏi tủ thánh, đó là một kiểu lặp lại Mạc Khải. Kinh Torah ẩn dật đột nhiên trở nên hữu hình, dễ tiếp cận. Chúng tôi chuyền nó trong đám rước, chúng tôi đặt nó lên bàn, chúng tôi mở Sefer, cuộn sách. Toàn thể cộng đồng nghe thấy tiếng nói, lời Chúa nói với mình. Sau đó, một người có trình độ học vấn không nhất thiết là giáo sĩ được mời đến để đưa ra lời giải thích từ truyền thống. Đó là một bài tập tâm linh và trí tuệ.
La Croix : Đâu là tính đặc thù của kinh nghiệm này ?
Rivon Krygier : Nó gây bối rối vì những chú giải khác nhau không giải thích được văn bản. Chúng làm cho nó phức tạp hơn. Chúng tạo thành một kho lưu trữ khổng lồ có sẵn cho phép có nhiều góc nhìn về văn bản, với các quan điểm khác nhau, đôi khi trái ngược nhau. Một yếu tố quan trọng của Do Thái giáo là chúng tôi không nhất thiết phải giải quyết mâu thuẫn. Ngược lại, chúng tôi muốn tiếp cận văn bản với nhiều quan điểm như vậy để không giảm thiểu nó vào một chiều kích duy nhất.
Do đó, nhà chú giải sẽ kín múc từ bản văn và từ những chú giải những yếu tố sẽ soi sáng cho mình về cuộc sống ngày nay, về những vấn đề luân lý, tâm linh, vốn có thể vượt xa vấn đề về ý nghĩa nguyên thủy của bản văn. Việc tìm kiếm sự mạch lạc và cộng hưởng, tính liên tục giữa văn bản và thời đại đương đại của chúng ta, là một thách thức thường xuyên.
La Croix : Chẳng hạn, ngài lập nên mối liên hệ nào giữa văn bản Thánh Kinh và cuộc sống đương đại?
Rivon Krygier : Chúng tôi vừa bắt đầu chu kỳ đọc sách Sáng Thế Ký. Trong những chương đầu tiên có tranh chấp giữa Cain và Abel, mà chúng ta không biết lý do của nó. Chắc chắn, chúng ta có thể nghĩ rằng Cain ghen tị với Abel vì Chúa chấp nhận lễ vật của em trai ông chứ không phải lễ vật của ông. Nhưng không có gì được nói rõ ràng. Tại một thời điểm, văn bản nói: “Cain đã nói với Abel…” và như có khoảng trống. Ngay sau đó, văn bản nói thêm rằng Cain đã giết Abel. Khoảng trống này trong văn bản mở ra một lĩnh vực giải thích tuyệt vời. Do đó, nhà chú giải giáo sĩ cổ đại, Midrash, đã cố gắng nhét lời vào miệng Cain.
Ông đã nói gì với Abel? Điều gì gây ra vụ giết người mang tính biểu tượng đầu tiên trong lịch sử? Một số giáo sĩ Do Thái nói rằng họ tranh giành cùng một người phụ nữ, những người khác nói rằng họ tranh giành đất đai. Một trong những vấn đề là họ đang tranh cãi về việc xây dựng ngôi đền thờ ở đâu – trên đất của Cain hay trên đất của Abel? Khoảng trống để lại gợi ý rằng những lời trao đổi là cuộc đối thoại của những người điếc.
La Croix : Người Do Thái xem Kinh Torah như thế nào: đó có phải là tiếng nói, lời của Thiên Chúa không?
Rivon Krygier : Theo quan điểm truyền thống, văn bản được mạc khải. Một câu rất hay trong Thánh Kinh (được đọc bằng tiếng Do Thái) nói rằng tại Sinai “dân chúng đã nhìn thấy những tiếng nói”. Đó là một hình thái văn phong ám chỉ kinh nghiệm siêu nhiên về Mạc Khải: Lời Chúa được diễn tả và cô đọng bằng những chữ có hình dạng. Ngày nay, chúng tôi vẫn nhìn thấy những tiếng nói vì khi nhìn vào những từ ngữ trong văn bản, chúng vang vọng trong trái tim và tâm hồn chúng tôi.
Tuy nhiên, một bản văn Thánh Kinh không bao giờ nói một mình. Ngay cả khi tôi cho rằng chính Thiên Chúa đã nói, đã đọc cho viết từng chữ, thì sẽ luôn có một người, một nhóm đọc và hiểu nó từ lăng kính của họ. Chính văn bản không nói lên tất cả mọi thứ. Cách phát âm (bằng tiếng Do Thái) sẽ quyết định ngữ pháp, cấu trúc, từ ngữ. Tuy nhiên, chúng tôi luôn có thể đọc lại văn bản bằng cách phát âm các từ một cách khác. Văn bản vẫn năng động. Vì thế, chính Lời Thiên Chúa, được trung gian bởi sự tiếp nhận của Môisê, các ngôn sứ và tín hữu, sẽ kéo dài đến vô tận.
La Croix : Việc tiếp tục cuộc đối thoại này với văn bản có phải là cách làm cho Kinh Torah tồn tại không?
Rivon Krygier : Tất nhiên rồi. Tồn tại, theo quan điểm từ nguyên, đó là “ra khỏi chính mình”. Từ lúc bản văn vang vọng trong cuộc sống của chúng tôi, tù lúc nó chất vấn chúng tôi, thì lúc đó Thiên Chúa sẽ lên tiếng. Người không còn là một sự trừu tượng nữa. Một cách nào đó, chúng tôi có thể nói rằng “Thiên Chúa đã trở thành Kinh Torah”, đã “nhập thể” trong lời của nó. Đó là sự trung gian mà qua đó chúng ta tiếp cận được Thiên Chúa.
Một nguyên tắc cổ xưa từ thời Mishnah (cơ sở cho luật truyền khẩu của Kinh Torah) nói rằng “Kinh Torah đến từ trời”. Hơi thở của Chúa xuyên qua nó. Nhưng trong Talmud, bộ sưu tập chính các bài chú giải tiếp theo, người ta tìm thấy một câu chuyện tuyệt vời kể về cuộc tranh cãi giữa các giáo sĩ về một chi tiết của lề luật.
Một người trong số họ tức giận nói: “Nếu tôi đúng, thì một kỳ công như thế hãy xảy ra,” và như thế ông tiếp tục tạo ra những kỳ công để chứng minh rằng mình đúng. Một giáo sĩ khác can thiệp: “Đủ rồi. Tất cả màn “pháo hoa” này đều không có giá trị”, và trích dẫn một câu trong sách Đệ Nhị Luật nói rằng “Kinh Torah không ở trên trời”. Nó đến từ trời, nhưng nó không còn ở trên trời nữa. Nó đã được giao phó cho chúng ta. Kinh Torah được mạc khải cũng vô ích, nhưng ý nghĩa của lời Thiên Chúa trở thành trách nhiệm của con người. Nó đang được tranh luận và phần lớn các giáo sĩ quyết định ý nghĩa của nó.
Chúng tôi không chỉ đơn giản là người tiếp nhận mà còn là diễn viên, đối tác của lời này. Điều này hàm ý không ở lại trong sự vâng phục thụ động hay chủ nghĩa bảo thủ kiên quyết, nhưng hàm ý không ngừng tự đặt câu hỏi về sự thích đáng, về sự tương hợp với thực tại.
La Croix : Chúng ta có thể đọc Thánh Kinh theo cách tương tự sau Shoah (nạn diệt chủng người Do Thái) không?
Rivon Krygier : Bất kỳ nhà thần học nghiêm túc nào cũng không thể bỏ qua Shoah. Dân tộc Do Thái vẫn còn bị tổn thương nặng nề đến nỗi, đến thế hệ thứ tư, chúng tôi vẫn còn bị ghi dấu lâu dài. Nhưng khi chúng tôi là người Do Thái và là người thừa kế Thánh Kinh, chúng tôi không có quyền để mình bị nhốt kín trong chấn thương. Nếu có một giới răn, thì đó là “Ngươi hãy thoát khỏi chấn thương”. Điều này phải làm tăng thêm ý chí kiên cường và chiến đấu của chúng tôi, không ảo tưởng nhưng với quyết tâm, để nhân loại trở nên huynh đệ hơn. “Chúng ta đọc Thánh Kinh để giải phương trình tình huynh đệ” theo công thức đanh thép của một trong những người thầy của tôi, Léon Ashkénazi.
Nguyên tắc lớn của Do Thái giáo, đó là chúng tôi ở trong thế giới để phục vụ Thiên Chúa. Điều quan trọng, đó không phải là những ân huệ mà Thiên Chúa sẽ ban cho chúng tôi, mà là những gì chúng tôi sẽ làm với lời của Người bằng cách cố gắng nâng cao bản thân về mặt đạo đức và tâm linh hướng về Người. Trong Sáng Thế Ký, một trong những câu hỏi đầu tiên Thiên Chúa hỏi con người là: “Ngươi đang ở đâu?” ” Bạn đang ở đâu? Đây là câu hỏi lớn không ngừng thách thức chúng tôi, mời gọi chúng tôi mở Thánh Kinh ra và “nhìn thấy những tiếng nói”.
——————————————————————-
Một giáo sĩ Do Thái thuộc cộng đồng Massorti, dấn thân vào cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo
Người Pháp gốc Bỉ, Rivon Krygier, từ ba mươi năm qua, là giáo sĩ Do Thái của cộng đồng Massorti Adath Shalom, vốn có “ơn gọi là dung hòa giữa truyền thống và hiện đại” trong đạo Do Thái.
Ông nghiên cứu Do Thái giáo tại Viện Mayanot, rồi tại Đại học Do Thái ở Jerusalem, và chọn chủng viện giáo sĩ.
Đã kết hôn và là cha của hai đứa con, ông cũng dấn thân vào cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo. Sự nhạy cảm mà ông có được từ lịch sử của cha mẹ mình, cả hai đứa trẻ đều được che giấu trong Thế chiến thứ hai. Ông làm chứng : “Cha tôi đã được cứu bởi một linh mục, người đã che giấu và chuyển ông ấy đi hết nơi này đến nơi khác. Khi còn nhỏ, tôi rất cảm động khi biết rằng vị linh mục này đã liều mạng sống mình. Sau đó, khi tôi đến Yad Vashem, Bảo tàng Shoah ở Giêrusalem, cái cây đầu tiên mà tôi sụp mình xuống ở lối đi Những Người Công Chính Giữa các Quốc gia mang tên ngài”. Đồng thời nói thêm rằng, khi còn nhỏ, ông cũng nghe bạn bè nói rằng ông đã giết Chúa Giêsu.
Những trải nghiệm khác nhau này khiến ông tò mò muốn tìm hiểu chủ nghĩa bài Do Thái này và muốn gặp gỡ các Kitô hữu. Trong mắt ông, Vatican II là “một sự kiện quan trọng”. “Việc một tôn giáo ở cấp độ cao nhất trong các tổ chức của mình có khả năng đặt vấn đề về những mặt quan trọng trong thần học của mình là một niềm hy vọng đáng kinh ngạc. Việc Giáo hội Công giáo đã làm điều này khiến tôi cảm động đến tận sâu thẳm nhất. ”
—————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : nhật báo La Croix)
Tags: các thánh-nhân vật, Đối-thoại-liên-tôn
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI 2025: CHIA SẺ NIỀM HY VỌNG TRONG LÒNG ANH CHỊ EM MỘT CÁCH HIỀN HÒA
- PHỎNG VẤN ĐHY KOOVAKAD, NGƯỜI VỪA ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM TỔNG TRƯỞNG BỘ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ