“ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ DỒN HẾT NĂNG LƯỢNG VÀO VIỆC HÒA GIẢI THẾ GIỚI”

Written by xbvn on Tháng Tư 23rd, 2025. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Sau khi Đức Phanxicô qua đời, Valérie Régnier, thuộc cộng đồng Sant’Egidio, đã ca ngợi sự quan tâm của một “nhà ngôn sứ – nhân văn” thực sự đối với những người nghèo nhất và mối quan tâm của ngài trong việc đặt họ vào trung tâm của Giáo hội. Ngài luôn thể hiện sự quan tâm của mình đối với những người tỵ nạn chiến tranh, và đấu tranh chống lại tệ nạn này, “mẹ của mọi nghèo khổ”.

Giáo hội có thể là hình mẫu cho hòa bình trên thế giới,” Đức Phanxicô đã viết trong văn bản huấn quyền đầu tiên của mình, tông huấn Evangelii Gaudium. Trên thực tế, trong suốt nhiệm kỳ giáo hoàng của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dành toàn bộ năng lượng của mình để cố gắng hòa giải thế giới. Với một phương pháp: đưa người nghèo trở lại trung tâm suy tư và hành động của Giáo hội, của các xã hội và của các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt chú ý đến những người tỵ nạn là nạn nhân của nguyên nhân sâu xa nhất của mọi đói nghèo, đó là chiến tranh.

Chính ngài với tư cách là người quan sát chăm chú thế giới và nỗi thống khổ của nó, tràn đầy lòng trắc ẩn sâu xa đối với những người nam, người nữ và trẻ em bị ném vào con đường lưu vong vì xung đột, thường xa vời với sự chú ý của giới truyền thông, ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã có thể đưa ra chẩn đoán sáng suốt về tình trạng thế giới như chúng ta biết ngày nay. Ngài là một trong những người đầu tiên nói về “một cuộc chiến tranh thế giới phân mảnh“, ngay trước khi chủ nghĩa dân tộc và chiến tranh tái diễn ở châu Âu, cái nôi của hai cuộc chiến tranh thế giới. Và ngài cảnh báo về thái độ phổ biến là loại bỏ những người dễ bị tổn thương nhất, lên án “nền văn hóa vứt bỏ“.

Đức Phanxicô đã đưa lòng thương xót trở lại vị trí trung tâm của kinh nghiệm Kitô giáo, theo nghĩa từ nguyên và tận căn của sự nhạy cảm của trái tim trước nỗi đau khổ của người khác. Ngài không bao giờ ngại để cho trái tim của mình lên tiếng, như khi ngài bày tỏ “sự xấu hổ” trước số phận của những người di cư và tỵ nạn đã chết ở Địa Trung Hải, trong chuyến tông du đầu tiên của ngài bên ngoài Rôma, đến Lampedusa vào ngày 8 tháng 7 năm 2013, nơi ngài lên án “sự thờ ơ toàn cầu“. Ngài không bao giờ che giấu cảm xúc của mình, như vào ngày 8 tháng 12 năm 2022, tại Rôma, trong lời kêu gọi thông thiết cho hòa bình ở Ucraina, ngài đã không thể ngăn được nước mắt. Không phải ngẫu nhiên mà ngài chọn mở cánh cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót vào ngày 8 tháng 12 năm 2015, tại Bangui, Cộng hòa Trung Phi, một quốc gia bị tàn phá bởi nhiều năm xung đột chết chóc.

Một nhà ngôn sứ-nhân văn

Sự quan tâm liên tục của ngài đối với các nạn nhân chiến tranh và người di cư cùng những lời kêu gọi không ngừng về lòng hiếu khách đối với họ không chỉ là sự nhạy cảm cá nhân: đó là tiếng kêu của một nhà ngôn sứ – nhà nhân văn thúc đẩy bởi khát vọng hòa bình cho các gia đình chạy trốn bạo lực hoặc nghèo đói cùng cực. Đức Phanxicô biện hộ cho việc chào đón người ngoại kiều như một đòi hỏi Tin Mừng và một hành động công lý.

Ngài cũng chỉ cho chúng ta một con đường rõ ràng: hòa bình không phải là một điều không tưởng. Đây là một công trường dành cho tất cả mọi người, dựa trên một trái tim được tìm lại và một công việc kiên nhẫn có khả năng đảo ngược lôgic của chiến tranh và được ngài mô tả trong thông điệp Fratelli tutti như là sự quan tâm đến những người mong manh nhất, tình bạn xã hội, đầu tư vào đối thoại với mọi người – từ các khu phố đến các dân tộc – và nhận thức rằng “mọi thứ đều hư mất trong chiến tranh“. Đây cũng là một hành động công lý dựa trên nguyên tắc ius pacis, “quyền được hòa bình”, khẳng định nhu cầu giải quyết xung đột mà không cần bạo lực.

Đối mặt với những cú sốc di cư xảy ra trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, hậu quả cay đắng của quá trình toàn cầu hóa cam chịu chiến tranh như một phương tiện quản lý xung đột, cũng như của cuộc khủng hoảng khí hậu và bất công kinh tế, sự dấn thân của Đức Phanxicô không phải là một tư thế đạo đức dễ dãi hay một sự hòa giải rời rạc, mà là bằng chứng của lòng can đảm thực sự. “Lòng can đảm thực sự là lòng can đảm của lòng trắc ẩn,” ngài nhắc nhớ vào ngày 7 tháng 10 năm 2021, tại lễ bế mạc cuộc gặp gỡ quốc tế thường niên vì hòa bình do Sant’Egidio tổ chức.

Một phong cách Kitô đặc trưng

Lời kêu gọi hòa bình, cầu nguyện và nước mắt không bao giờ là sự cam chịu, nhưng là điều kiện để bắt đầu cuộc cách mạng của lòng trắc ẩn và sự dịu dàng, vốn là cuộc cải cách vĩ đại của Đức Phanxicô đối với Giáo hội và thế giới. Đời sống Kitô hữu không chỉ là sự tuân thủ giáo lý hay thực hành đơn thuần, mà là cuộc gặp gỡ biến đổi với nỗi đau khổ của người khác, đưa người trải nghiệm nỗi đau khổ đó vào thế giới và vào lịch sử.

Gặp gỡ người nghèo, chào đón người tỵ nạn, giúp đỡ những người gặp khó khăn một cách nhưng không sẽ giúp giải thoát bản thân khỏi những lo lắng và oán giận hời hợt vốn nuôi dưỡng nhiều xung đột lớn nhỏ và giúp chúng ta tiếp cận được điều cốt yếu: tình yêu đích thực và nhưng không. Người nghèo là chủ thể tích cực, có khả năng giúp chúng ta khám phá lại ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống. Sự hiện diện của họ cho chúng ta thấy điều thực sự quan trọng, vượt ra ngoài ảo tưởng về tiêu tụ và quyền lực.

Vì vậy, trong suốt triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, một phong cách Kitô đã xuất hiện, không chỉ đơn thuần là thẩm mỹ, mà còn là sự phản ánh của một sự thay đổi sâu sắc về mặt nhân học, một “quá trình” mà Đức Giáo hoàng rất yêu thích. Dấu hiệu khả thi của một sự hoán cải cá nhân có thể trở thành một cuộc cách mạng ngay khi nó được vun trồng, ngay khi nó lan rộng ra toàn thể Giáo hội và xa hơn nữa. Một Giáo hội được chữa lành khỏi chứng điếc trước tiếng kêu của người nghèo, được cứu khỏi căn bệnh thờ ơ, và dấn thân tìm kiếm hòa bình, trong lịch sử và sự biến đổi thế giới.

Đây chính là một trong những điểm mạnh nhất trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô: không từ bỏ việc loan báo niềm vui của Tin Mừng và hình dung cũng như thể hiện những giải pháp thay thế cụ thể cho chiến tranh.

——————————–

 Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Valérie Régnier, nhật báo La Croix)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30