ĐỨC GIOAN XXIII VÀ ĐỨC PHAOLÔ VI CÓ PHẢI LÀ ĐẶC VỤ CỦA CIA KHÔNG?

Written by xbvn on Tháng Ba 29th, 2025. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Một tài liệu của CIA được Donald Trump giải mật gần đây báo cáo các cuộc gặp giữa hai Đức Giáo hoàng và cựu giám đốc cơ quan, John McCone. Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI, có phải là những gián điệp? Hàng tuần, đặc phái viên thường trực của “La Croix” tại Vatican sẽ đưa các bạn vào hậu trường của quốc gia nhỏ nhất trên thế giới.

Mikael Corre

Vào ngày 1 tháng 6 năm 1973, một nhân viên CIA đã gửi một bức thư cho sếp của mình. Sau “cuộc trò chuyện gần đây của họ”, nhân viên này đã tìm kiếm trong trí nhớ của mình và trong hồ sơ của cựu giám đốc cơ quan này từ năm 1961 đến năm 1965, John McCone, để tìm các hoạt động “có thể được hiểu là ví dụ về các hoạt động vượt quá hiến chương CIA”. Ngày hôm đó, khi ông viết rằng cơ quan này, chẳng hạn, đã ăn trộm lãnh sự quán Pháp ở Washington vào năm 1962, hoặc thậm chí “tiêm chất gây ô nhiễm” vào đường của Cuba để vận chuyển đến Liên Xô, đặc vụ Walter Elder có lẽ đã không tưởng tượng được rằng Nhà Trắng sẽ giải mật báo cáo của ông vài thập niên sau đó.

Tài liệu này, có thể đọc ở đây, trên thực tế là một phần trong 77.153 trang báo cáo mật được chính quyền Trump công bố từ ngày 18 đến ngày 26 tháng Ba. Mục tiêu? Đặc biệt, cho biết“sự thật” về vụ ám sát John F. Kennedy, một trong những nỗi ám ảnh của những người theo thuyết âm mưu và của tổng thống Mỹ đương nhiệm. Hiện tại, có rất ít tiết lộ về chủ đề này. Nhưng việc công bố khối tài liệu này không phải là không có sự quan tâm, bắt đầu từ đoạn này, số 16, được New York Times phát hiện ở cuối ghi chú của Walter Elder về “các hoạt động đặc biệt” của CIA.

Walter Elder viết: “Cuối cùng, điều này sẽ phản ánh việc giáo dục Tin Lành của tôi về ‘Trung Đông’: mối quan hệ của (cựu giám đốc cơ quan) McCone với Vatican, bao gồm cả Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và Đức Giáo hoàng Phaolô VI, có thể khiến nhiều giới phải cau mày.”

Các nhà sử học “bị khuấy động”?

Thứ Năm, ngày 27 tháng Ba, biên tập viên Patrick Cohen, người đọc tờ New York Times, đã bạo miệng tuyên bố trong chuyên mục của ông trên France inter rằng tiết lộ “bùng nổ” nhất về các tài liệu được chính quyền Trump giải mật chính là ghi chú này của Walter Elder, trong đó “gợi ý các mối liên hệ đặc quyền giữa giám đốc CIA từ năm 61 đến 65, John McCone, và Vatican, bao gồm cả Gioan XXIII và Phaolô VI. Ý tưởng cho rằng hai vị Giáo hoàng đã có thể, nếu không phải là đặc vụ, thì ít nhất là người cung cấp thông tin, cho các cơ quan của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, đã khuấy động cả một cộng đồng các nhà sử học,” biên tập viên này đã phóng đại như thế trong khi tuyệt vọng trước những tin giả lan truyền xung quanh vụ ám sát Kennedy.

Trên thực tế, những gì đoạn văn này tiết lộ, trước hết đó là việc giống như chống Công giáo vẫn có thể tồn tại trong chính quyền Mỹ vào đầu những năm 1970. Việc thông tin được viết trong một ghi chú được đánh dấu là “MẬT” và “THÔNG TIN MẬT”, một mặt, không nhất thiết ngụ ý rằng thông tin đó là sự thật, thậm chí nó cũng không thực sự bí mật…

Trong trường hợp này, các mối liên hệ giữa Vatican và CIA nói chung và với giám đốc John McCone nói riêng đều được biết đến. Ông này đã đến Rôma với tư cách là đại diện chính thức của Hoa Kỳ vào năm 1961 để dự thánh lễ long trọng được cử hành tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của Đức Gioan XXIII.

Và John McCone trở lại Vatican vài năm sau đó, thỉnh cầu một cuộc phỏng vấn với Đức Gioan XXIII, theo yêu cầu của Kennedy. Cảnh này được sử gia người Đức Hansjakob Stehle kể lại trong cuốn Eastern Politics of the Vatican, 1917-1979.

“Việc thương nghiệp các linh hồn”

Do đó, chúng ta đang ở sau tháng 4 năm 1963. Người Mỹ đang lo lắng về chuyến công du gần đây của đặc phái viên từ Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức cha Casaroli, tới Hungary và Tiệp Khắc – chuyến đi đầu tiên kể từ năm 1945. Và John McCone cũng chuyển tải đến Đức Thánh Cha sự dè dặt của chính quyền Kennedy liên quan đến thông điệp Pacem in terris của ngài, vốn có nguy cơ – người ta tin như thế, bên kia Đại Tây Dương – khuyến khích các linh mục Nam Mỹ tham gia các phong trào cộng sản.

Chính phủ Hoa Kỳ có thiện cảm với người cộng sản không?” Đức Gioan XXIII đã hỏi McCone trong cuộc phỏng vấn này.

– “Tất nhiên là không”, ông ta trả lời.

– “Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Liên Xô.”

– “Nó khác nhau. Có những lý do thực tế, như thương nghiệp.”

– “À, Giáo hoàng cũng có hình thức thương nghiệp riêng của mình. Việc thương nghiệp các linh hồn”, Đức Giáo hoàng trả lời. “Ngài phải nghĩ đến hạnh phúc của người Công giáo ở Đông Âu. Ngài phải làm việc vì hòa bình. Đây là những động cơ của ngài để duy trì đường dây liên lạc với thế giới cộng sản.”  

Về nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm khác là Đức Phaolô VI, hay để hiểu rõ hơn về mối liên hệ của hai vị Giáo hoàng với CIA, cũng như KGB của Nga, BND của Đức hay SDECE của Pháp, tôi để cho các bạn đọc bản tổng hợp tuyệt vời của Yvonnick Denoël, Les Espions du Vatican (1). Chính cuốn sách này đã cho phép tôi biết đến cuộc đối thoại được trích dẫn ở trên đây.

—————————————-

(1) Les Espions du Vatican. De la Seconde Guerre mondiale à nos jours, Éd. du Nouveau Monde, 654 p., 11,90 €.

——————————————————

Tý Linh

(theo Mikael Corre, La Croix)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30