ĐỨC HỒNG Y STANISLAW RYLKO NÓI VỀ BỨC LINH ẢNH « ĐỨC BÀ BẢO VỆ DÂN THÀNH RÔMA »
Vương cung thánh đường Đức Bà Cả là Đền Thờ tôn kính Đức Maria cổ kính nhất không chỉ của Rôma nhưng còn cả Tây phương. Được xây dựng bởi Đức Giáo hoàng Libère vào thế kỷ IV, tiếp đến được phục hồi và mở rộng bởi Đức Sixtô III dịp công đồng Êphêsô năm 431, công đồng đã xác định tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Vương cung thánh đường này là Vương cung thánh đường duy nhất trong các Vương cung thánh đường của Giáo hoàng còn bảo tồn nguyên vẹn các cấu trúc nghệ thuật cổ Kitô giáo nguyên thủy, dù đã được làm phong phú thêm bởi những lần bổ sung tiếp theo…
Mỗi năm, vào Chúa Nhật cuối cùng của tháng Giêng, Vương cung thánh đường đón mừng việc cử hành lễ Di chuyển linh ảnh « Salus populi Romani » (« Đức Bà bảo vệ dân thành Rôma »), để tạ ơn hình ảnh thánh này… Người dân Rôma nhìn thấy nơi linh ảnh này Đức Trinh Nữ của họ, Đức Trinh Nữ Rôma của họ, linh ảnh được yêu mến nhất và được tôn kính nhất, đến độ đồng hóa linh ảnh này với một cái bảo đảm, tức là một khiên che thuẫn đỡ cho thành phố. Trong nhà nguyện Phaolô, nơi linh ảnh được gìn giữ, luôn có người cầu nguyện và Vương cung thánh đường nằm trong số những nơi được người dân Rôma và khách hành hương lui tới nhất.
Để hiểu tầm quan trọng thiêng liêng của bức ảnh này, cần phải nói rằng đó là một linh ảnh, và một linh ảnh rất cổ kính. Linh ảnh (icône) không bao giờ là một hình ảnh (image), nhưng là một lời mời gọi vượt qua sự biểu lộ đơn giản của nó để đi vào một chiều kích khác, như chiếc cầu giữa con người và Thiên Chúa. Đó là bí mật sây xa nhất của nó. Tiếp đến, linh ảnh là một sự hiện diện, theo nghĩa nó làm cho hiện diện những gì nó biểu thị. Do đó, chúng ta có thể nói về một biểu tượng thần bí đặc biệt của các linh ảnh, vốn cho phép chúng ta trải nghiệm một cuộc gặp gỡ thật sự với Thiên Chúa, với Đức Maria và với các thánh. Còn nữa, các linh ảnh đang nhìn. Các linh ảnh được nhìn, nhưng chúng cũng đang nhìn. Trong các linh ảnh, cái nhìn của Chúa Giêsu, của Mẹ Ngài, rất nghiêm trang, xuyên thâu và, đồng thời, dịu dàng và tràn đầy yêu thương. Đó là một cái nhìn có khả năng biến đổi cuộc sống. Cuối cùng, cần nói thêm rằng mỗi linh ảnh, được bao quanh bởi lòng đạo đức bình dân, là một lời mời gọi cầu nguyện, vì nó củng cố đức tin và đức cậy của các thế hệ tín hữu mà, trong suốt dòng lịch sử, đứng trước linh ảnh, đã cầu nguyện và không bị thất vọng.
Phần mở đầu này là cần thiết để hiểu hiện tượng thiêng liêng của linh ảnh « Salus populi Romani » và lòng sùng kính phi thường, tình yêu của dân Thiên Chúa, ôm lấy nó từ bao thế kỷ.
Hình ảnh thuộc về truyền thống các linh ảnh được gán cho thánh Luca, nhưng trên thực tế theo những nghiên cứu gần đây, nó là tác phẩm của một tác giả vô danh có niên đại giữa thế kỷ IX và thể kỷ XII. Nó mô tả Đức Maria bồng Con của mình, người Con này, một tay chúc lành và tay kia cầm cuốn sách. Đó là Đức Trinh Nữ Hodigitria, nghĩa là Đức Trinh Nữ chỉ ra con đường của Chúa Kitô, Con của Mẹ. Khuôn mặt của Mẹ Thiên Chúa và của Hài Nhi Giêsu đẹp cuốn hút : ánh mắt của các ngài nhìn chúng ta bằng một tình yêu sâu xa. Trong tay trái, Đức Maria cầm một chiếc khăn tay, sẵn sàng lau khô nước mắt của những ai đến khóc và cầu xin sự giúp đỡ của Mẹ. Các chữ cái tiếng Hy Lạp ở trên nền là từ viết tắt của « mèter theoù », « Mẹ Thiên Chúa », theo định tín của công đồng Êphêsô.
Bức linh ảnh này gắn liền với Đền thờ Đức Bà Cả. Từ năm 1256, nó được đặt ở gian giữa của Vương cung thánh đường, trước khi được di chuyển vào năm 1613 vào nhà nguyện thánh Phaolô được Đức Phaolô V xây dành cho linh ảnh này. Dân thành Rôma đã chạy đến với Đức Trinh Nữ để dâng cho ngài tất cả các nhu cầu của mình, đặc biệt trong các trận dịch hạch, thiên tai hay chiến tranh, khi linh ảnh được rước kiệu trên các đường phố của thành phố. Chẳng hạn, các biến cố quan trọng nhất của đời sống tôn giáo và đời sống dân sự đã vang vọng trước linh ảnh « Salus populi Romani ». Vào năm 1931, nhân kỷ niệm 1500 năm công đồng Êphêsô, Đức Piô XI đã tổ chức ở Rôma một hội nghị đặc biệt để tôn kính « Đức Bà bảo vệ dân thành Rôma ». Đức Piô XII đã bày tỏ lòng tôn kính nhân dịp công bố tín điều Đức Mẹ Lên Trời vào năm 1950, và vào năm 1954, dịp năm Thánh Mẫu đầu tiên, ngài đã đặt vương miệng cho linh ảnh. Đức Gioan-Phaolô II đã giao phó linh ảnh cho giới trẻ trong Ngày quốc tế giới trẻ ở Rôma vào năm 2000. Ngài loan báo vào buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 13/4/2003 : « Từ nay, với Thánh Giá, bức linh ảnh này sẽ đồng hành với Ngày quốc tế giới trẻ. Nó sẽ là dấu chỉ sự hiện diện mẫu tử của Đức Maria, bên cạnh giới trẻ, được mời gọi như thánh Gioan Tông đồ, đón nhận Mẹ trong cuộc sống của mình ».
« Salus populi Romani là một trong những bức linh ảnh về Đức Maria nổi tiếng nhất và được phổ biến nhất, thường dưới những danh xưng khác nhau…Bản sao chính thức đầu tiên của nó được thực hiện vào năm 1569 với sự đồng ý của Đức Piô V, theo yêu cầu của Francesco Borgia, Bề trên tổng quyền dòng Tên và nhờ sự hỗ trợ của ĐHY Charles Borromée, linh mục tổng quản của Vương cung thành đường. Bản sao này được cất giữ trong phòng của thánh Stanislas Kostka, ở nhà thờ Thánh Anrê ở Quirinal. Francesco Borgia trao một bản sao của linh ảnh cho tất cả các tu sĩ dòng Tên đi truyền giáo. Matteo Ricci mang đến Trung quốc và tặng cho hoàng đế Trung quốc.
Đức Thánh Cha Phanxicô rất gắn bó với linh ảnh này. Khi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, lúc viếng thăm Rôma, ngài không quên thăm Vương cung thánh đường. Khi vừa được bầu làm Giáo hoàng, ngài lập tức đến Vương cung thánh đường Đức Bà Cả để phó dâng cho « Đức Bà bảo vệ dân thành Rôma » triều đại giáo hoàng của mình và cầu nguyện trước linh ảnh mỗi lần trước và sau các chuyến tông du quốc tế của mình, qua việc dâng hoa cho Đức Mẹ. « Danh hiệu đẹp đẽ » như danh hiệu của linh ảnh « để Đức Maria báo hiệu sức khỏe cho chúng ta, Mẹ là sức khỏe của chúng ta » và những gì Đức Giáo hoàng đã nói vào ngày 4/5/2013, chưa đầy hai tháng sau khi được bầu làm Giáo hoàng : « Mẹ là người mẹ ban cho chúng ta sức khỏe trong quá trình trưởng thành, ban cho chúng ta sức khỏe để đương đầu và vượt lên những vấn đề, ban cho chúng ta sức khỏe để làm cho chúng ta trở nên tự do trong những chọn lựa dứt khoát của chúng ta ; người mẹ dạy cho chúng ta trở nên phong nhiêu, mở ra cho sự sống và luôn tràn đầy điều thiện, tràn đầy niềm vui, tràn đầy hy vọng, không bao giờ mất hy vọng, trao ban sự sống cho tha nhân, sự sống thể lý và tinh thần »….
(Cập nhật thêm: Ngày Chúa Nhật 15/3/2020, Đức Phanxicô đã đến cầu nguyện trước linh ảnh này để cầu nguyện cho nhân loại sớm vượt qua cơn đại dịch covid 19. Sau khi xuất viện vào tháng 7/2021 vừa qua, ngài cũng đã đến tạ ơn Đức Mẹ.)
—————–
Tý Linh lược dịch
(nguồn: ZENIT , 26/1/2018; hình ảnh: internet)
Tags: các thánh-nhân vật, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỰ THÀNH THAI VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MARIA