ĐỨC LÊÔ XIV: PHÊRÔ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGƯỜI CHĂN DẮT ĐƠN ĐỘC, CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT THỦ LĨNH Ở TRÊN NHỮNG NGƯỜI KHÁC
Một đám đông hơn 200.000 tín hữu tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô và Đại lộ Hòa giải đã tham dự thánh lễ khai mạc triều đại giáo hoàng của Đức Lêô XIV vào Chúa Nhật, ngày 18/5/2025. Ngài đã vạch ra con đường để cùng nhau bước đi, với tất cả các Kitô hữu, tất cả các tôn giáo và tất cả những người thiện chí, để xây dựng hiệp nhất và hòa bình.
Từ rạng sáng, các tín hữu đầu tiên đã có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô để tìm một chỗ có thể chứng kiến Đức tân Giáo hoàng chủ tế thánh lễ khai mạc sứ vụ. Một đám đông đa ngôn ngữ, pha trộn nhiều nền văn hóa và màu da, đã đi khắp các con phố quanh Vatican trong những ngày trước đó, nhiều người nói tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha, đến từ Hoa Kỳ và Peru, hai quốc gia của hai quốc tịch của Đức Hồng y Robert Francis Prevost, người được bầu làm Giáo hoàng vào thứ Năm, ngày 8/5/2025. Sáng Chúa Nhật, họ nằm trong số những người đầu tiên ở rào chắn chờ cảnh sát và hàng nghìn tình nguyện viên mở đường vào Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Họ muốn đứng ở phía trước, càng gần bàn thờ càng tốt, ngay sau 156 phái đoàn quốc tế từ 149 quốc gia, cùng với đại diện của bảy tổ chức quốc tế, và không xa với rất nhiều phái đoàn đại kết và các tôn giáo khác đến để chào mừng khoảnh khắc lịch sử này của Giáo hội Công giáo Rôma.
Cùng nhau xây dựng hoà bình
Sự hiện diện liên tôn này không thoát khỏi Đức Giáo hoàng, người đã chìa tay ra trong bài giảng của mình vì “con đường phải trải qua” có thể là con đường cùng nhau với “các Giáo hội Kitô anh em, với những người theo các con đường tôn giáo khác, với những người nuôi dưỡng sự khắc khoải tìm kiếm Thiên Chúa, với tất cả những người nam và người nữ thiện chí, để xây dựng một thế giới mới, nơi hòa bình ngự trị“.
Buổi sáng của Đức Giáo hoàng bắt đầu bằng cuộc đắm mình giữa đám đông trên xe giáo hoàng từ 9g00 sáng, đi qua các lối đi của Quảng trường Thánh Phêrô và lãnh thổ Ý cho đến cuối Đại lộ Hòa Giải giữa Vatican và lâu đài Sant’Angelo. Đây là lần đầu tiên Đức Leo XIV đắm mình giữa đám đông hành hương, mỉm cười, chào đón các tín hữu và được đám đông hoan nghênh. Sau đó, xe của giáo hoàng mất hút dưới “arco delle campane” (vòm chuông), lối đi có mái vòm ở bên trái của vương cung thánh đường dẫn đến phòng thánh.
Trước mộ của thánh Phêrô
Bên ngoài, đám đông theo dõi thánh lễ trên màn hình lớn. Đức Giáo hoàng dừng lại một lát trước mộ của Thánh Phêrô, ngay bên dưới bàn thờ Tuyên Xưng trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Ngài đi cùng với các thượng phụ của các Giáo hội Đông phương. Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ theo đoàn rước đến bàn thờ cử hành tại quảng trường trước Vương cung thánh đường, đi qua gian giữa và đi dưới tấm thảm lớn mô tả cảnh đánh bắt cá kỳ diệu vì, bước theo Chúa Kitô, Đức Giáo hoàng cũng là “người đánh cá người”.
Ngay trước cuộc rước, hai phó tế đặt chiếc nhẫn ngư phủ và dây pallium lên bàn thờ, những biểu tượng này sẽ được trao cho Đức tân Giáo hoàng sau khi công bố Tin Mừng. Bên cạnh bàn thờ là Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành từ đền thánh Đức Mẹ Genazzano; Đền thánh thuộc Dòng Thánh Augustinô được Đức Giáo hoàng viếng thăm hai ngày sau khi được bầu, trong chuyến đi đầu tiên của ngài ra khỏi Vatican.
Việc trao những phẩm hiệu này được thực hiện theo một nghi thức rõ ràng. Ba vị Hồng y từ ba đẳng, phó tế, linh mục và giám mục, trao dây pallium và chiếc nhẫn ngư phủ cho Người kế vị Thánh Phêrô và đọc lời cầu nguyện xin Chúa phù trợ người được chọn, thông qua sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, để Đức Giáo hoàng có thể thực hiện sứ vụ của mình theo đặc sủng đã nhận được.
Đoàn chiên không còn thiếu mục tử nữa
Những lời đầu tiên trong bài giảng của Đức Lêô XIV bày tỏ lòng tri ân chân thành tới người tiền nhiệm của ngài là Đức Phanxicô. Cái chết của ngài “khiến lòng chúng ta tràn ngập nỗi buồn và, trong những giờ phút khó khăn này, chúng ta đã cảm thấy mình giống như đám đông mà Tin Mừng nói rằng họ ‘như bầy chiên không có người chăn dắt’.” Sau đó, liên quan đến mật nghị, Đức Thánh Cha đã kể rằng các Hồng y, “đến từ nhiều hoàn cảnh và kinh nghiệm khác nhau”, “đã phó thác vào tay Chúa mong muốn bầu người kế vị mới của Thánh Phêrô, Giám mục Rôma, một mục tử có khả năng gìn giữ di sản phong phú của đức tin Kitô giáo và, đồng thời, có tầm nhìn xa để trả lời các vấn đề, các mối lo âu và thách thức của ngày nay“. Ngài nói tiếp, sau đó Chúa Thánh Thần biết cách lên dây các nhạc cụ.
Tình yêu và hiệp nhất
“Tôi đã được chọn mà không có công trạng gì, và với sự lo sợ và run rẩy, tôi đến với anh chị em như một người anh em muốn trở thành người phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em, đồng hành cùng anh chị em trên con đường tình yêu của Thiên Chúa, Đấng muốn tất cả chúng ta được hiệp nhất trong một gia đình duy nhất.” Đức Lêô XIV đã nêu rõ cách tiếp cận này, với tất cả sự khiêm nhường: “Giáo hội Rôma chủ trì lòng bác ái và quyền bính thực sự của Giáo hội Rôma là lòng bác ái của Chúa Kitô. Vấn đề là không bao giờ giam hãm người khác thông qua sự thống trị, tuyên truyền tôn giáo hoặc các phương tiện quyền lực, nhưng vấn đề là luôn luôn và chỉ là yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương.” Đức Lêô XIV giải thích, vai trò của Người kế vị Thánh Phêrô là “chăn dắt đàn chiên mà không bao giờ nhượng bộ trước cám dỗ trở thành một người chăn dắt đơn độc hoặc một thủ lĩnh được đặt lên trên những người khác.”
Cũng trong tinh thần khiêm nhường và phục vụ này mà Đức Giáo hoàng đã ngỏ lời với các Hồng y vào thứ Bảy, ngày 10 tháng Năm: “Sự hiện diện của anh em nhắc nhở tôi rằng Chúa, Đấng đã giao phó cho tôi sứ mạng này, không để tôi đơn độc gánh vác trách nhiệm. Trên hết, tôi biết rằng tôi luôn luôn có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Người, sự giúp đỡ của Chúa, và nhờ Ân sủng và Sự quan phòng của Người, trông cậy vào sự gần gũi của anh em”.
Một Giáo hội mở ra với thế giới và truyền giáo
Do đó, cùng với Hồng y đoàn, “những cộng sự viên thân cận nhất” của Đức Giáo hoàng, cùng với đoàn dân những người đã chịu phép rửa tội, Đức Lêô XIV mong muốn hiện thực hóa “mong muốn lớn đầu tiên” của ngài: “Một Giáo hội hiệp nhất, dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông, trở thành men cho một thế giới hòa giải“, trong khi thời đại của chúng ta đang phải chịu đựng “quá nhiều bất hòa, quá nhiều vết thương do lòng thù hận, bạo lực, định kiến, nỗi sợ hãi người khác, do một mô hình kinh tế khai thác tài nguyên của Trái đất và gạt những người nghèo nhất ra bên lề xã hội“. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo hội phải là men của sự hiệp nhất, hiệp thông và tình huynh đệ. “Trong Chúa Kitô duy nhất, chúng ta là một,” Đức Lêô XIV đã nói như vậy, lấy lại khẩu hiệu “In illo uno unum” lấy cảm hứng từ bài giảng của thánh Augustinô, bởi vì chính khi trở thành men trong sự hiệp nhất của Chúa Kitô, mà Giáo hội được kêu gọi trở thành “thừa sai” và “mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người”, mở rộng vòng tay với thế giới, mà không khép mình trong “nhóm nhỏ” của mình, cũng không cảm thấy “trỗi vượt hơn thế giới”. Đức Lêô XIV kết luận rằng sự hiệp nhất “không xóa bỏ sự khác biệt, nhưng coi trọng lịch sử cá nhân của mỗi người và văn hóa xã hội và tôn giáo của mỗi dân tộc“.
Tý Linh
(theo Jean-Charles Putzolu – Vatican News)
Tags: Lêo XIV
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NHỮNG LỜI PHÁT BIỂU CUỐI THÁNH LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ PHÊRÔ CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- BÀI GIẢNG THÁNH LỄ NHẬM CHỨC CỦA ĐỨC LÊ Ô XIV
- ĐỨC LÊÔ XIV: PHÊRÔ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGƯỜI CHĂN DẮT ĐƠN ĐỘC, CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT THỦ LĨNH Ở TRÊN NHỮNG NGƯỜI KHÁC
- VIDEO TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- ĐỨC LÊÔ XIV: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI THÚC ĐẨY ĐỐI THOẠI
- ĐHY PAROLIN: HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO CÓ THỂ CHỮA LÀNH NHỮNG CHIA RẼ TOÀN CẦU
- SỰ MỚI MẺ NÀY ĐƯỢC ĐỨC LÊÔ XIV MONG MUỐN CHO LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ CỦA MÌNH
- THÁNH LỄ KHAI MẠC TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC LÊÔ XIV, MỘT PHỤNG VỤ GIỮA CÁC NGHI LỄ VÀ BIỂU TƯỢNG
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC LÊÔ XIV CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH : BỎ LẠI XUNG ĐỘT ĐẰNG SAU VÀ CHỌN THEO MỘT CON ĐƯỜNG MỚI
- ĐHY PAROLIN : TRONG SUỐT MẬT NGHỊ, ĐỨC LÊÔ XIV “KHÔNG BAO GIỜ MẤT ĐI NỤ CƯỜI NHẸ NHÀNG CỦA MÌNH”
- NỮ TU OONAH O’SHEA ĐƯỢC BẦU LÀM CHỦ TỊCH UISG
- ĐỨC LÊÔ XIV, “MỘT GIÁO HOÀNG VÌ HÒA BÌNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT”
- GIÁO DỤC: ĐỨC LÊÔ XIV KHUYẾN KHÍCH ƠN GỌI TU TRÌ LA SAN
- NHỮNG KHUÔN MẶT CỦA HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA ĐỨC LÊÔ XIV Ở PERU
- ĐỨC LÊÔ XIV TIẾP KIẾN NHÀ VÔ ĐỊCH QUẦN VỢT JANNIK SINNER
- VĂN PHÒNG BÁO CHÍNH TÒA THÁNH ĐƯA RA LỜI GIẢI THÍCH CHÍNH THỨC VỀ HUY HIỆU CỦA ĐỨC LÊÔ XIV
- NƠI Ở CỦA CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG QUA NHỮNG BIẾN ĐỘNG CỦA LỊCH SỬ
- “VIỆC BẦU ĐỨC LÊÔ XIV ĐÁNH DẤU BƯỚC NGOẶT TRONG TƯ TƯỞNG XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI”
- PHẬT TỬ VÀ KITÔ HỮU TRONG CUỘC ĐỐI THOẠI GIẢI THOÁT CHO THỜI ĐẠI CHÚNG TA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV GỬI CÁC CHUYÊN VIÊN TRUYỀN THÔNG : HÃY CHỌN LỰA CON ĐƯỜNG TRUYỀN THÔNG HÒA BÌNH