ĐỨC PHANXICÔ BỔ NHIỆM TÂN TỔNG TRƯỞNG BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN

Written by xbvn on Tháng Bảy 1st, 2023. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Hôm 1/7/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Víctor Manuel Fernández, người Argentina, làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Đức Cha sẽ nhậm chức vào tháng Chín. Trong lá thư gởi cho Đức tân Tổng Trưởng, Đức Thánh Cha nhắc ngài về ý nghĩa của sứ mạng của ngài, đó là giữ gìn đức tin bằng cách quan tâm đến Huấn quyền trong quá khứ và gần đây của Giáo hội.

Đức cha Víctor Manuel Fernández, Tổng Giám mục giáo phận La Plata ở Argentina, sẽ chính thức nhận nhiệm vụ vào giữa tháng Chín. Ngài kế vị Đức Hồng y Luis Francisco Ladaria Ferrer, 79 tuổi và điều hành Bộ từ năm 2017.

Sinh năm 1962 ở tỉnh Cordonban, Đức cha Fernández từng là khoa trưởng của Đại học Công giáo Argentina. Vào năm 2017, ngài được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Giám mục về đức tin và văn hóa của HĐGM Argentina và được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục giáo phận la Plata vào tháng 6 năm 2018.

Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong lá thư kèm theo việc bổ nhiệm, Đức Phanxicô giải thích ý nghĩa của sứ mạng của người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin, đó là gìn giữ đức tin. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng một Bộ như thế được hướng dẫn để làm việc nhằm củng cố giáo huấn về đức tin hơn là đưa ra những lời lên án luân lý ,  “đừng như những kẻ thù chỉ tay và lên án”.

« Bộ mà Đức Cha sẽ chủ trì đã biết đến những thời điểm khác trong đó các phương pháp vô đạo đức đã được sử dụng, » Đức Phanxicô viết như thế trong thư bằng tiếng Tây Ban Nha gửi cho người bạn Argentina của mình và được Vatican công bố. « Đây là những thời điểm thay vì thúc đẩy kiến ​​​​thức thần học, người ta lại theo đuổi những sai lầm có thể có về giáo lý. Những gì tôi mong đợi từ Đức Cha chắc chắn là rất khác. »

« Thật tốt khi nhiệm vụ của Đức Cha thể hiện rằng Giáo hội khuyến khích đặc sủng của các nhà thần học và nỗ lực của họ trong nghiên cứu thần học, với điều kiện là họ không hài lòng với một nền thần học của văn phòng, với một logic lạnh lùng và cứng nhắc tìm kiếm mọi thứ thống trị », Đức Phanxicô viết như thế, trước khi nhấn mạnh đến sự gắn bó của mình với « một tư tưởng có khả năng trình bày một cách thuyết phục về một Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và cứu độ ».

Đức Thánh Cha giải thích rằng việc gia tăng sự hiểu biết đức tin như thế cho phép làm việc cho công cuộc tân Phúc Âm hóa. Với việc thành lập gần đây một bộ phận kỷ luật  dành cho việc xử lý các vụ lạm dụng, Đức Thánh Cha yêu cầu Đức tân Tổng trưởng tập trung sứ mạng vào mục tiêu chính của Bộ là bảo vệ đức tin.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong lá thư : Bộ Giáo lý Đức tin cần trình bày một Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và giải thoát. Vị Tổng trưởng có nhiệm vụ bảo đảm rằng các tài liệu do Bộ xuất bản phải có một nền tảng thần học thích đáng, phù hợp với Huấn quyền trong quá khứ và gần đây hơn của Giáo hội.

Sự đoạn tuyệt ?

Theo nhật báo La Croix, với việc bổ nhiệm « vị trí chiến lược » này, Đức Thánh Cha đã « chọn lựa sự đoạn tuyệt », đã đặt « một nhà thần học người Argentina, một trong những người bạn thân nhất của ngài, và là người mà ngài ủy thác khuyến khích “nghiên cứu thần học”. Một sự mới mẻ triệt để ».

Sinh ở Argentina, nơi vị tân Tổng trưởng đã có mối quan hệ mật thiết với Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Cha đã thành lập vào giữa năm 1990 một trung tâm đào tạo giáo dân, trước khi điều hành, trong vòng 9 năm, Đại học Công giáo Argentina danh tiếng của Tòa Thánh. Trong số hàng trăm bài viết mà ngài là tác giả, người ta nhận thấy có một sợi chỉ xuyên suốt : cuộc đối thoại giữa thần học và nền văn hóa đương đại, cũng như tầm quan trọng dành cho các vấn đề xã hội.

Kể từ đầu triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, người cũng là chủ tịch của Hiệp hội thần học Argentina đã gia tăng các chuyến đi lại đến Rôma, để làm việc với Đức Thánh Cha Phanxicô. Một trong những người bạn của Đức Thánh Cha giải thích : « Khi Đức Giáo hoàng có một bản văn quan trọng phải viết, ngài đóng cửa một tuần với Đức cha Fernandez, và họ làm việc không mệt mỏi cho đến khi điều gì đó xuất ra ». Thần học gia người Argentina này cũng là một trong những nhân vật chính của Tông huấn Amoris Laetitia về gia đình vào năm 2016. Đức Cha cũng đã trải qua những ngày trước cuộc bổ nhiệm của mình, vào cuối tháng Sau, ở nhà Thánh Mátta để làm việc với Đức Thánh Cha.

Ở Rôma, một số người vẫn còn nhớ cuộc phỏng vấn của Đức Cha với nhật báo Corriere della Sera, vào tháng 5/2015. Vào thời điểm đó, Đức Cha giải thích rằng Giáo triều Rôma « không thiết yếu ». « Đức Giáo hoàng cũng có thể sống bên ngoài Rôma, có thể có một Bộ ở Rôma và một Bộ ở Bogota, và có thể được kết nối bằng hội nghị truyền hình với các chuyên gia phụng vụ cư trú ở Đức ».

Tiểu sử

Đức Cha sinh ngày 18 tháng 7 năm 1962 tại Alcira Gigena, tỉnh Córdoba. Cha của ngài, ông Emilio, là một chủ cửa hàng ủng hộ Raúl Alfonsín, nhà lãnh đạo chính trị cấp tiến. Fernández vào chủng viện năm 1988, học triết học và thần học tại Đại Chủng viện Córdoba. Ngài được phong chức Phó tế vào ngày 21 tháng 12 năm 1985 và linh mục vào ngày 15 tháng 8 năm 1986 tại Río Cuarto, nơi ngài đã dành phần lớn sự nghiệp giáo sĩ của mình. Năm 1988, ngài lấy bằng Thần học với chuyên ngành Thánh Kinh tại Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Rôma, và ngài lấy bằng tiến sĩ Thần học tại Khoa Thần học của Đại học Giáo hoàng Công giáo Argentina năm 1990, với luận án về mối quan hệ giữa kiến ​​thức và cuộc sống nơi thánh Bonaventura. Tại Río Cuarto, ngài là Giám đốc dạy giáo lý và cố vấn cho các phong trào giáo dân từ năm 1989 đến năm 1997, ngài là người sáng lập và hiệu trưởng Khoa Khoa học và Triết học Thánh “Jesús Buen Pastor” và Viện Đào tạo Giáo dân của Giáo phận từ năm 1990 đến năm 1993. Ngài là linh mục của giáo xứ Santa Teresita từ 1993 đến 2000. Ông từng là huấn luyện viên và giám đốc nghiên cứu của chủng viện Rio Cuarto từ 1988 đến 1993 và từ 2000 đến 2007, và là đại biểu của phong trào đại kết từ 2003 đến 2005.

Vào cuối những năm 1990, ngài theo lời khuyên của Tổng Giám mục Buenos Aires Jorge Bergoglio và từ chối lời mời đứng đầu một học viện thần học ở Bogotá.

Ngài là chuyên gia của Ủy ban Đức tin và Văn hóa và Ban thư ký của việc thường huấn của Hội đồng Giám mục Argentina, độc giả của Ủy ban Giáo lý của Hội đồng Giám mục Argentina, thành viên của nhóm suy tư đã tư vấn cho Hội đồng Giám mục Argentina về việc cập nhật những đường hướng mục vụ, đồng thời là cộng tác viên của CELAM trong lĩnh vực suy tư thần học mục vụ, và cũng là khách mời và chuyên gia trong Ủy ban Biên tập của Đại hội đồng V của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh ở Aparecida năm 2007.

Ngài là giáo sư của nhiều môn học trong một số tổ chức. Ngài đã giảng dạy tại Khoa Thần học của PCUA, và cả tại Học viện Thần học Saint Anthony of Padua của dòng Phanxicô.

Ngài là đồng giám đốc của một số cuốn sách do Khoa Thần học của UCA xuất bản và là giám đốc của Tạp chí Thần học từ năm 2003 đến năm 2008. Ngài cũng chủ trì Hiệp hội Thần học Argentina từ tháng 9 năm 2007 đến tháng 12 năm 2009.

Ngài đứng đầu Khoa Thần học tại Đại học Công giáo Giáo hoàng Argentina (CUA) khi Đức Hồng y Bergoglio đề cử ngài làm hiệu trưởng vào ngày 15 tháng 12 năm 2009.Ngài đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 5 năm 2011, khi việc chỉ định ngài nhận được xác nhận từ Bộ Giáo dục Công giáo, cơ quan đã rút lại sự đồng ý của mình trong khi Đức Fernandez trả lời cho những phản đối đối với việc bổ nhiệm ngài từ Bộ Giáo lý Đức tin. Đức Bergoglio bực bội với sự chất vấn này đối với phán quyết của ngài và Đức Fernández nhận thấy quá trình này là thiếu tôn trọng khi ngài tới Rôma chỉ để Bộ Giáo lý Đức tin hủy một cuộc họp vào phút cuối.

Khi Đức Hồng y Bergoglio trở thành Giáo hoàng Phanxicô, ngài đã bổ nhiệm Đức Fernández làm Tổng Giám mục hiệu tòa Tiburnia vào ngày 13 tháng 5 năm 2013, và ngài được tấn phong giám mục vào ngày 15 tháng 6 năm 2013. Đức Cha là hiệu trưởng đầu tiên của trường đại học được phong làm Tổng Giám mục.

Tý Linh

(theo Vatican News , nhật báo La CroixWikipedia)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31