ĐỨC PHANXICÔ CẢNH GIÁC NHỮNG CÁM DỖ THUỘC CHỦ NGHĨA DÂN TÚY, ĐỒNG NGHĨA VỚI “SỰ PHỦ NHẬN”

Written by xbvn on Tháng Bảy 9th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Khi đến Trieste, miền bắc nước Ý, Đức Phanxicô đã bày tỏ mối quan ngại vào Chúa Nhật ngày 7/7/2024 về tình trạng dân chủ, “đang gặp khủng hoảng”. Ngài phê bình “nền văn hóa vứt bỏ” và mời gọi người Công giáo tham gia chính trị.

Trước 1.200 người tham gia Tuần lễ Xã hội Ý, vào Chúa Nhật ngày 7 tháng Bảy, Đức Phanxicô cho thấy một hình thức quan ngại ngấm ngầm đối với nền dân chủ – chủ đề của Đại hội mà ngài được mời tham dự. “Rõ ràng là nền dân chủ không còn sức khỏe tốt trong thế giới ngày nay,” Đức Thánh Cha Phanxicô lo ngại nói. Trước khi nói thêm: “Lợi ích của con người đang bị đe dọa.” Đức Phanxicô nói tiếp, một lời cảnh báo vượt xa “bối cảnh của Ý”. Bên ngoài nước Ý, không thiếu những mối lo ngại, một nguồn tin của Vatican nói với La Croix vài ngày trước chuyến đi của Đức Giáo hoàng tới Trieste, đặc biệt là trích dẫn các cuộc bầu cử lập pháp sớm được tổ chức ở Pháp cùng ngày, cũng như chiến dịch hiện tại của Mỹ giữa một Donald Trump bị tòa án kết án và một Joe Biden suy yếu vì tuổi tác.

Đức Giáo hoàng đã liên kết cuộc khủng hoảng này với tất cả “sự loại trừ xã ​​hội”. Ngài nhấn mạnh: “Mỗi khi một người bị gạt ra ngoài lề xã hội, thì toàn bộ cơ thể xã hội sẽ phải chịu đau”. Ngài lên án, một lần nữa, “nền văn hóa vứt bỏ”, mà theo ngài, đang ảnh hưởng đến các xã hội ngày nay. “Văn hóa vứt bỏ tạo ra một thành phố không có chỗ cho người nghèo, trẻ sắp sinh, người mong manh, bệnh tật, trẻ em, phụ nữ, giới trẻ.

Chủ nghĩa dân túy và người thổi sáo

Đối mặt với hoàn cảnh này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “những cám dỗ thuộc ý thức hệ và chủ nghĩa dân túy” không phải là một giải pháp. “Các ý thức hệ rất hấp dẫn. Chúng ta có thể so sánh chúng với người thổi sao thành Hamelin. Chúng quyến rũ nhưng sẽ dẫn bạn đến chỗ phủ nhận ý kiến của mình”. Một quy chiếu đến truyền thuyết ở Đức ra đời vào thế kỷ XIV, trong đó một người thổi sáo hứa sẽ đuổi lũ chuột xâm chiếm một thành phố. Nhưng khi tiếng sáo vang lên, chính những đứa trẻ trong làng lại đi theo ông và mất tích mãi mãi.

Trước các tham dự viên Tuần lễ xã hội, Đức Phanxicô ca ngợi những người ra quyết định chính trị thúc đẩy “tỷ lệ sinh, việc làm, trường học, dịch vụ giáo dục, khả năng tiếp cận nhà ở, khả năng đi lại cho tất cả mọi người và sự hội nhập của người di cư”. Ngài nói tiếp, các nhà lãnh đạo chính trị không bao giờ được mất liên lạc với những người mà họ cai trị. “Một chính trị gia không có mùi của nhân dân là một nhà lý luận. Ông ta đang thiếu điều chính yếu”, Đức Thánh Cha ứng biến, sử dụng một trong những cách diễn đạt yêu thích của ngài, thường được dùng với các giám mục, luôn được mời gọi nhận biết “mùi chiên của mình”. Đức Thánh Cha giải thích: “Một chính trị gia có thể giống như một người mục tử đi trước người dân, giữa họ và sau họ. Trước mặt người dân để đánh dấu đường đi một chút; giữa người dân, để cảm nhận họ; sau người dân để giúp đỡ những người đến sau.”

“Tại sao chúng ta vẫn vô cảm trước những bất công của thế giới? »

Ngài ca ngợi sự dấn thân chính trị của người Công giáo trong lĩnh vực chính trị, kêu gọi họ đừng giới hạn đức tin của mình trong phạm vi “riêng tư”. Đức Phanxicô nêu rõ: “Điều này không có nghĩa là tham vọng được lắng nghe, nhưng trên hết là phải có can đảm đưa ra các đề xuất về công lý và hòa bình trong cuộc tranh luận công khai. Chúng ta có điều muốn nói, nhưng không phải để bảo vệ các đặc quyền. Chúng ta phải là tiếng nói tố cáo và đề xuất trong một xã hội thường không có tiếng nói và có quá nhiều người không có tiếng nói.”

Những người không có tiếng nói này, ngài sẽ nhắc lại sự tồn tại của họ trong bài giảng của mình, trong thánh lễ được cử hành hai giờ sau đó tại Quảng trường Unità d’Italia ở Trieste: “Chúng ta, đôi khi công phẫn một cách không cần thiết đối với quá nhiều điều nhỏ nhặt. Thay vào đó, thật tốt khi chúng ta tự hỏi: tại sao, khi đối mặt với sự ác đang hoành hành, với cuộc sống bị sỉ nhục, các vấn đề việc làm, nỗi đau khổ của người di cư, chúng ta đã không công phẫn? Tại sao chúng ta vẫn vô cảm và thờ ơ trước những bất công của thế giới? Tại sao chúng ta không để tâm đến hoàn cảnh của các tù nhân mà, cũng từ thành phố Trieste này, đang vang lên như một tiếng kêu đau khổ? ”  

Tý Linh

(theo Loup Besmond de Senneville, nhật báo La Croix)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31