ĐỨC PHANXICÔ GIỚI HẠN VIỆC CỬ HÀNH THÁNH LỄ THEO CÔNG ĐỒNG TRENTÔ

Written by xbvn on Tháng Bảy 16th, 2021. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Phụng vụ, Thế Giới, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

Lấy làm tiếc sự kiện một số tín hữu đã lợi dụng khả năng cử hành thánh lễ theo công đồng Trentô để rồi cho rằng Vatican II « đã phản bội Truyền Thống và « Giáo hội đích thực » », Đức Phanxicô đã quyết định bãi bỏ Tự sắc « Summorum pontificum » mà Đức Bênêđíctô XVI đã ban hành năm 2007. Việc cử hành thánh lễ tiền công đồng Vatican II từ nay sẽ được điều chỉnh cách chặt chẽ và phải được cho phép nhặt.

Đó là một sự hạn chế rất nghiêm túc đối với việc cử hành theo sách lễ trước Vatican II – còn gọi là sách lễ của thánh Piô V, năm 1962 do Đức Gioan XXIII phổ biến, hay còn gọi là theo công đồng Trentô – mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định đưa ra qua Tông thư dưới hình thức Tự sắc được công bố ngày 16/7/2021. Có tựa đề trong  tiếng Latinh « Traditionis custodes » (« Những người giữ gìn truyền thống »), văn bản huấn quyền này đến bãi bỏ Tự sắc “Summorum pontificum”, được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI ban hành năm 2007.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích trong một lá thư gởi cho các Giám mục, kèm theo Tự sắc mới này : khả năng cử hành thánh lễ của thánh Piô V « trước hết được thúc đẩy bởi ước muốn tạo điều kiện cho việc chữa lành cuộc ly giáo với phong trào của Đức cha Lefebvre ». Và chắc chắn không phải để « nghi ngờ » hay « giảm thiểu uy thế » của cuộc cải cách phụng vụ theo tinh thần của công đồng Vatican II. Thế nhưng, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, dựa vào một cuộc điều tra năm 2020 của các Hội đồng Giám mục, việc mở rộng tự do này đã « bị khai  thác để nới rộng hố ngăn cách, củng cố những khác biệt và khuyến khích những bất đồng làm tổn thương Giáo hội, ngăn chặn con đường của Giáo hội và khiến Giáo hội gặp nguy cơ chia rẽ ». Mục tiêu hiệp nhất do đó đã « bị coi  thường cách nghiêm trọng ».

« Những khẳng định thiếu cơ sở và không thể bảo vệ được »

Đức Phanxicô tuyên bố : « Tôi rất buồn bởi sự kiện rằng việc sử dụng công cụ sách lễ Rôma năm 1962 thường có đặc điểm là từ chối không chỉ việc cải cách phụng vụ, nhưng còn cả chính Công đồng Vatican II, bằng cách, qua những khẳng định thiếu cơ sở và không thể bảo vệ được, cho rằng Công đồng đã phản bội Truyền Thống và ‘Giáo hội đích thực’”. “Mối liên hệ chặt chẽ giữa việc chọn lựa các cử hành theo các sách phụng vụ trước Công đồng Vatican II và việc từ chối Giáo hội và các cơ chế của Giáo hội nhân danh cái được gọi là ‘Giáo hội đích thực’ xuất hiện càng ngày càng rõ ràng trong những lời nói và thái độ của nhiều người ». Một ghi nhận không thể chấp nhận được bởi Đức Phanxicô, và ngài đã nhận thấy « nhu cầu can thiệp ».

Và sự can thiệp này không phải là nửa vời. Trở lại với Tự sắc « Summorum pontificum » vốn đã cho phép các sách phụng vụ tiền công đồng được coi như là một « lối diễn đạt ngoại thường » của « lex orandi » (luật cầu nguyện) của Giáo hội, Đức Phanxicô xác lập rằng những sách lễ mới, do Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II ban hành, từ nay là « lối diễn đạt duy nhất » của « lex orandi » của Giáo hội. Đang khi Đức Bênêđíctô XVI đã thiết lập hai hình thức của một cùng một nghi lễ, thì Đức Phanxicô qui định rõ rằng từ nay chỉ có một hình thức « duy nhất ». Đức Phanxicô nhìn nhận : « Để  bảo vệ sự hiệp nhất của Thân Thể Chúa Kitô, tôi bó buộc phải thu hồi năng quyền được các vị tiền nhiệm của tôi ban cho ».

Tuy nhiên, việc sử dụng các sách tiền công đồng không hoàn toàn bị cấm, nhưng nó phải phục tùng « thẩm quyền chuyên biệt » ban phép – hay không – bởi Giám mục sở tại. Dù « canh chừng không cho phép thành lập các nhóm mới » gắn bó với thánh lễ của thánh Piô V, nhưng Đức Giám mục sẽ có trách nhiệm, khi các nhóm như thế đã tồn tại rồi, chỉ cho họ những nơi chốn quy tụ vì thánh lễ – « không phải nơi các nhà  thờ của các giáo xứ và không thành lập các giáo xứ tòng nhân mới ». Và điều này, với một điều kiện chặt chẽ : những nhóm này « không được chối bỏ tính hữu hiệu và hợp pháp của cuộc cải cách phụng vụ ».

Trường hợp các cộng đoàn Ecclesia Dei

Đối với các nhóm này, việc cử hành sẽ được giới hạn chặt chẽ. Các bài đọc sẽ được công bố bằng ngôn ngữ bản xứ và, để chủ tọa họ, Giám mục sẽ chỉ định một linh mục « đặc trách các buổi cử hành này và chăm sóc mục vụ cho các nhóm tín hữu này ». Cả ở đây nữa, cũng phải thận trọng : « Linh mục này phải thích hợp với trách nhiệm này, biết sử dụng sách lễ Rôma trước cuộc cải cách năm 1970, có hiểu biết đủ về tiếng Latinh (…), được thúc đẩy bởi một đức ái mục tử sống động và ý thức về sự hiệp thông Giáo hội ». Khi các giáo xứ được thành lập cho các tín hữu gắn bó với thánh lễ của công đồng Trentô, thì Giám mục sẽ phải canh chừng cách đặc biệt để các giáo xứ này phải « hữu hiệu cho sự tăng trưởng thiêng liêng của chúng ».

Đối với các linh mục không do Đức Giám mục chỉ định, thì khả năng cử hành theo hình thức Trentô từ nay đặc biệt bị hạn chế. Giờ đây họ sẽ phải xin phép của Giám mục và, trong trường hợp các linh mục chịu chức sau khi công bố Tự sắc “Traditionis Custodes” này, Tòa Thánh sẽ phải được hỏi ý kiến. Đằng sau quy định của Tự sắc này vốn có hiệu lực ngay lập tức : các cộng đoàn cho đến nay tùy thuộc ủy ban Ecclesia Dei phải chịu sự kiểm soát của Bộ các Dòng đời sống thánh hiến và các hội đời sống tông đồ. Bộ này sẽ có trách nhiệm « canh chừng việc tuân giữ » các chuẩn mực mới này.

Tý Linh

(theo nhật báo La Croix)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31