ĐỨC PHANXICÔ NHẮC LẠI TÍNH ƯU VIỆT CỦA SỰ NGHÈO KHÓ TRONG ĐỜI SỐNG TU TRÌ

Written by xbvn on Tháng Mười Một 13th, 2023. Posted in Ơn gọi, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

Thứ Hai, ngày 13/11/2023, Đức Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 50 nữ tu thuộc Dòng Nữ tu Người nghèo của Trường Đức Bà, quy tụ tại Tổng tu nghị ở Rôma cho đến ngày 17 tháng Mười Một, ngày kỷ niệm phong chân phước cho vị sáng lập của họ, Thérèse de Jésus Gerhardinger (được phong chân phước vào ngày 17 tháng 11 năm 1985 bởi Đức Gioan-Phaolô II ở Libăng). Dòng tu này chủ yếu dành riêng cho giáo dục và ngày nay quy tụ 1900 nữ tu trên khắp thế giới.

Cuộc đời của Chân phước Thérèse de Jésus là một chứng tá về đức tin có tính biến đổi, về lòng can đảm trong việc tạo ra những con đường mới và về sự cống hiến cho việc giáo dục giới trẻ,” Đức Thánh Cha nhấn mạnh và đồng thời ca ngợi phương pháp sư phạm “toàn diện” của nữ tu Thérèse de Jésus Gerhardinger, người Đức, sinh ra ở Ratisbonne.

Đào tạo tâm hồn

Thật vậy, ngoài việc hướng dẫn trí thức, nó còn bao gồm việc chăm sóc tinh thần và đào tạo những con người có lòng trắc ẩn, có trách nhiệm và lấy Chúa Kitô làm trung tâm, “nghĩa là đào tạo tâm hồn, để có lòng trắc ẩn”, Đức Phanxicô trình bày chi tiết và đồng thời khai triển ba con đường giáo dục, phục vụ và linh đạo.

Như chúng ta đọc trong Hiến pháp của quý chị em, Chân phước Thérèse “đã thành lập hội dòng trên Bí tích Thánh Thể, neo giữ cộng đoàn trong đức nghèo khó và dâng hiến hội dòng cho Đức Maria” (x. số 17-18). Và Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến việc lấy sự nghèo khó làm nền tảng: “Không có sự nghèo khó thực sự thì không có đời sống tu trì. Đức nghèo khó là chiếc neo của đời sống thánh hiến. Và nó không chỉ là một nhân đức, không, nó còn là người bảo vệ. Đừng quên điều đó”.

Nền tảng vững chắc này đã cho phép các Nữ tu Trường Đức Bà đi vào thế giới và làm chứng cho Tin Mừng, bằng cách làm cho Chúa Kitô trở nên hữu hình qua sự hiện diện đầy đức tin, hy vọng và bác ái của họ (x. Hiến pháp, số 4).

Trở thành những chứng nhân mang tính ngôn sứ

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đề cập chủ đề của Tổng tu nghị, “Trở thành những chứng nhân mang tính ngôn sứ cho sự hiệp thông phổ quát”, chẳng hạn nghĩ đến ngôn sứ Giêrêmia, mà “sứ mạng của ông là liên kết với dân Israel trong đau khổ của họ để giúp họ nhận ra và đáp lại tình yêu giao ước của Thiên Chúa” hay nghĩ đến thánh Phaolô, người đã nhắc nhở các Kitô hữu tiên khởi ở Rôma rằng “dù chúng ta tuy nhiều nhưng chúng ta chỉ là một thân thể trong Chúa Kitô” (Rm 12,5).

Với tư cách là những người nữ tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm, quý chị em từ lâu đã là những người tiên phong trong việc đón nhận chiều kích ngôn sứ của đời sống thánh hiến, vốn “tạo nên một ký ức sống động về cách thức Chúa Giêsu đã sống và hành động với tư cách là Ngôi Lời nhập thể trước nhan Chúa Cha và trước mặt anh em của Người” ( Tông huấn Vita consecrata, số 22)”, Đức Thánh Cha đã khai triển như thế và qua đó khuyến khích họ “tiếp tục là những chứng nhân can đảm của tình liên đới Tin Mừng, vào thời điểm mà nhiều người đang trải qua sự chia rẽ và mất đoàn kết”.

Nghệ thuật khó khăn của việc lắng nghe

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời các Nữ tu Trường Đức Bà lắng nghe. “Thật khó để học cách lắng nghe. Chúa cũng nói với chúng ta qua người khác. Hãy lắng nghe người khác, chứ không phải, trong khi người kia đang nói, và nghĩ:Tôi sẽ trả lời gì đây?” Không. Lắng nghe: điều đó đi vào trái tim và sau đó, nếu tôi muốn trả lời, tôi sẽ trả lời.” Theo ngài, lắng nghe chính là một nhân đức cần được phát triển trong đời sống thánh hiến và trong các cộng đoàn.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31