ĐỨC THÁNH CHA GỞI THÔNG ĐIỆP HY VỌNG ĐẾN DÂN TỘC TRUNG QUỐC

Written by xbvn on Tháng Tám 9th, 2024. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Tỉnh Dòng Tên Trung Quốc, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng Trung Quốc là “một dân tộc vĩ đại” vốn “không được lãng phí di sản của mình”. Ngài không che giấu mong muốn được đến thăm đất nước châu Á này, đặc biệt là đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn được dâng kính Đức Maria Phù hộ các Giáo hữu.

Cuộc phỏng vấn với Đức Phanxicô được thực hiện bởi Tỉnh Dòng Tên Trung Quốc.

“Thông điệp hy vọng” và phép lành cho tất cả người dân Trung Quốc là trọng tâm của cuộc phỏng vấn mà Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Cha Pedro Chia, giám đốc văn phòng báo chí của Tỉnh Dòng Tên Trung Quốc, trong Thư viện của Dinh Tông Tòa. Cuộc phỏng vấn – được đăng tải trên mạng xã hội – diễn ra vào ngày 24 tháng Năm, ngày kỷ niệm Đức Trinh Nữ Maria Phù hộ các Giáo hữu, bổn mạng của đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn ở Thượng Hải. Và chính đền thánh này là nơi mà Đức Thánh Cha muốn đến.

Tiếp nối di sản của mình

Tại đất nước châu Á này, Đức Phanxicô muốn gặp gỡ các giám mục địa phương và “dân Thiên Chúa vốn rất trung thành”. Ngài lưu ý: “Đó là một dân tộc đã trải qua nhiều điều và vẫn trung thành”. Đặc biệt, đối với giới trẻ Công giáo Trung Quốc, Đức Thánh Cha nhắc lại khái niệm hy vọng, ngay cả khi “đối với tôi, dường như thật trùng ý khi đưa ra một thông điệp hy vọng cho một dân tộc là những bậc thầy của niềm hy vọng” và “sự kiên nhẫn chờ đợi”. Và đó “là một điều rất đẹp. Trung Quốc là một dân tộc vĩ đại”, vốn “không được lãng phí di sản của mình”, Đức Phanxicô khuyên và đồng thời mời gọi nước này “phát huy di sản của mình một cách kiên nhẫn”.

Những phê bình và phản kháng

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cũng tập trung vào triều đại giáo hoàng của mình, được thực hiện với sự cộng tác, lắng nghe và tham khảo ý kiến ​​của những người đứng đầu các Bộ và tất cả mọi người. Ngài nói: “Sự phê bình luôn giúp ích, ngay cả khi nó không mang tính xây dựng”, bởi vì “nó luôn hữu ích, nó khiến bạn phải suy nghĩ về cách hành động”. Và “đằng sau sự phản kháng có thể có sự phê bình tốt”. Đôi khi cần phải “chờ đợi và chịu đựng”, thậm chí “cách đau đớn”, như khi có sự phản kháng “chống lại Giáo hội, như trường hợp hiện nay”, từ phía “các nhóm nhỏ”. Đức Thánh Cha nhắc lại: “Những giây phút khó khăn hoặc phiền muộn luôn được giải quyết bằng sự an ủi của Chúa”.

Chiến tranh và những thách thức khác

Liên quan đến nhiều “thách thức” gặp phải cho đến nay trên ngai tòa thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến “thách thức to lớn” của đại dịch, cũng như “thách thức hiện tại” của chiến tranh, đặc biệt là ở Ucraina, Miến Điện và Trung Đông. Ngài giải thích: “Tôi luôn cố gắng giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại, và khi điều đó không hiệu quả”, Giám mục Rôma sử dụng “sự kiên nhẫn và khiếu hài hước”, theo lời dạy của thánh Thomas More.

Những khủng hoảng cá nhân trong quá khứ

Ở cấp độ cá nhân, Đức Phanxicô nhớ lại đã trải qua một số “cuộc khủng hoảng” trong đời sống tu trì của mình với tư cách là một tu sĩ Dòng Tên. Ngài giải thích rằng đó là một sự kiện bình thường, “nếu không thì tôi đã không phải là con người”. Khi đó, các cuộc khủng hoảng được vượt qua theo hai cách: chúng được vượt qua “như một mê cung”, từ đó chúng ta thoát ra “từ trên cao”, và “chúng ta không bao giờ thoát ra khỏi đó một mình, nhưng được giúp đỡ, đồng hành”, bởi vì “để mình được giúp đỡ là điều rất quan trọng”. Đức Phanxicô tâm sự: “Tôi cầu xin Chúa ơn được tha thứ, để Ngài kiên nhẫn với tôi”.

Linh thao, người nghèo, giới trẻ, ngôi nhà chung

Đức Thánh Cha đề cập đến bốn ưu tiên tông đồ phổ quát của các tu sĩ Dòng Tên, được xác định vào năm 2019 cho 10 năm tới: thúc đẩy việc linh thao và sự phân định, bước đi với người nghèo và những người bị loại trừ, đồng hành với người trẻ trong việc tạo dựng một tương lai hy vọng, và chăm sóc ngôi nhà chung. Ngài nói, đây là bốn nguyên tắc “được tích hợp” vốn không thể tách rời, đồng thời nhấn mạnh rằng việc đồng hành, phân định và công việc truyền giáo là những nền tảng của Dòng Tên.

Óc giáo sĩ trị và tính trần tục, hai tai họa của Giáo hội

Sau đó, hướng về tương lai của Giáo hội, Đức Phanxicô nhắc lại rằng, theo một số người, Giáo hội sẽ “luôn luôn nhỏ bé hơn” và sẽ phải “canh chừng để không rơi vào tai họa của óc giáo sĩ trị và tinh thần trần tục thiêng liêng” vốn là, theo lời của Đức Hồng y de Lubac được Đức Thánh Cha trích dẫn, “điều xấu tồi tệ nhất có thể tấn công Giáo hội, thậm chí còn tệ hơn cả thời đại của các giáo hoàng tư tình”. Cuối cùng, với người sẽ là người kế vị ngài trên ngai tòa Thánh Phêrô, Đức Phanxicô nhắc lại tầm quan trọng của việc cầu nguyện, bởi vì “Chúa nói trong lúc cầu nguyện”.

Tý Linh

(theo Isabella Piro – Vatican News)

Tags: , , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31