ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI GIEO HY VỌNG CHO NHỮNG NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT

Written by xbvn on Tháng Mười Một 5th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Loan báo Chúa Kitô, sửa chữa những bất bình đẳng và gieo hy vọng: đây là ba khẩu hiệu mà ĐTC Phanxicô đã chỉ ra vào sáng thứ Hai 4/11/2024 cho các tham dự viên cuộc họp “Các Giáo hội, các bệnh viện dã chiến” diễn ra vào tuần này tại Rôma. Ngài kêu gọi “đi tìm kiếm” những người không đến nhà thờ và không từ chối sự giúp đỡ từ những người vô thần hoặc có niềm tin khác.

Chào đón, nhưng cũng đi gặp những người dễ bị tổn thương nhất, những người di cư và tỵ nạn, tìm cách giải quyết những bất công xã hội, đặc biệt những bất công ảnh hưởng đến người trẻ nhất và người già: Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một lộ trình chính xác lấy cảm hứng từ các chủ đề yêu thích của ngài cho các thành viên của cuộc hội ngộ lần thứ ba của Iglesias Hospital de Campaña (Các Giáo hội, các bệnh viện dã chiến) được tổ chức bởi hiệp hội Mensajeros de la Paz (Sứ giả hòa bình) của linh mục người Tây Ban Nha Ángel García Rodríguez.

Sau Madrid và Barcelona, ​​​​khoảng 50 thành viên của mạng lưới này đã gặp nhau ở Rôma từ Chúa Nhật. Đến từ nhiều hiệp hội khác nhau từ Tây Ban Nha, Ý, Jordan, Mexico và Argentina, họ thảo luận về kinh nghiệm làm việc với những người thiệt thòi nhất. Do đó, Đức Thánh Cha khuyên họ trước hết hãy chào đón, nhưng “cũng đi thăm” tất cả những người dễ bị tổn thương và tiếp tục nhìn thấy nơi họ “khuôn mặt của Chúa Kitô”, trích dẫn ví dụ ở Tây Ban Nha hoặc ở miền nam nước Ý về những người nghèo rao giảng Chúa Kitô ngay cả cho người Hồi giáo.

Việc chăm sóc người nghèo và người di cư được thể hiện rất rõ ràng nơi Đức Thánh Cha, người đã nhân cơ hội này để cảm ơn những người di cư vì “độ tuổi của chúng ta có hơi quá thể”, đề cập đến độ tuổi trung bình ở Châu Âu và khiển trách những người “có một con chó hoặc một con mèo nhưng không có con.” Ngài nói với các tham dự viên: “Một cách nào đó, những người di cư là những đứa con mà chúng ta mong muốn có được”.

Bất bình đẳng đối với trẻ em và người già

Liên quan đến việc sửa chữa những bất bình đẳng, Đức Phanxicô khẳng định rằng cần phải “khôi phục cơ cấu xã hội bằng cách sửa chữa những bất bình đẳng, không ai có thể thờ ơ trước nỗi đau khổ của người khác”. Lần này, ngài lấy ví dụ về những trẻ em được sử dụng vào một số công việc, rồi bị bỏ rơi, như phân loại rác, hái việt quất, hay những người già mà người ta nhốt trong các cơ sở lão khoa “như thể họ chẳng có gì để đóng góp cho xã hội vào lúc này”.

Do đó, đối mặt với tất cả những hoàn cảnh này, điều cần thiết là phải “gieo hy vọng”, và ở đó, Đức Thánh Cha đã nói về các nhóm trẻ em Ucraina đến thăm ngài. “Chúng không cười”, vì “chiến tranh đã cướp đi nụ cười của chúng”. “Đây là lý do tại sao tất cả những công việc anh chị em làm với những người tỵ nạn đều rất quan trọng,” Đức Thánh Cha khẳng định và đồng thời nhấn mạnh vào việc gieo hy vọng “vào mỗi người mà anh chị em chào đón, vào mỗi người dễ bị tổn thương”.

Niềm hy vọng nương tựa vào Chúa

Đức Thánh Cha cảnh báo, niềm hy vọng Kitô giáo này, đừng nhầm lẫn với sự lạc quan, “lớn hơn bất kỳ hoàn cảnh nào vì nền tảng của nó đặt nơi Thiên Chúa chứ không phải nơi con người”. Vì thế, “việc mang đến Tin Mừng không phải là một điều trừu tượng, một ý thức hệ bị thu gọn thành việc tuyên truyền”. Đó là điều được thể hiện “cụ thể trong sự dấn thân của người Kitô hữu với những người thiếu thốn nhất; đây là việc loan báo Tin Mừng đích thực”.

Trong khuôn khổ cụ thể này, không được từ chối sự giúp đỡ của ai đó với lý do họ chưa được rửa tội, họ là người vô thần hoặc là thành viên của một tôn giáo khác. Đức Thánh Cha nhắc lại, điều chính yếu, “ đó là phục vụ những người nghèo nhất” và khi làm như vậy, những người này “phục vụ Chúa Giêsu ngay cả khi họ không tin vào Người”.

Tý Linh

(theo Xavier Sartre –Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31