ĐỨC THÁNH CHA MUỐN XÂY DỰNG MỘT MẠNG LƯỚI TOÀN CẦU ĐỂ NÂNG ĐỠ CÁC LINH MỤC
Đức Phanxicô bày tỏ lòng biết ơn của mình, vào thứ Năm ngày 6/6/2024, đối với các thành viên của Bộ Giáo sĩ quy tụ tại Rôma, những người làm việc “thường xuyên trong im lặng và kín đáo” để phục vụ các thừa tác viên chức thánh và các chủng viện. Ngài đề xuất củng cố một số giáo huấn tại chủng viện, chăm lo ơn gọi cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới chống lại sự cô đơn, và để phổ biến những thực hành tốt trước sự suy giảm ơn gọi. Cuối cùng, ngài yêu cầu họ suy nghĩ về chức phó tế bác ái và phục vụ người nghèo.
Dưới đây là bài phát biểu của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tôi muốn chào đón anh chị em một cách trìu mến, và trước hết tôi muốn cảm ơn tất cả các thành viên của Bộ Giáo sĩ: anh chị em đã đến Rôma từ bốn phương trời của trái đất để cống hiến sự đóng góp quan trọng của anh chị em cho việc suy tư về thừa tác vụ chức thánh và cùng với anh chị em còn có các cố vấn của Bộ. Cảm ơn sự hiện diện của anh chị em. Và xin cảm ơn Đức Hồng y Tổng trưởng cùng các bề trên và quan chức khác của Bộ, trên hết vì công việc anh chị em làm hằng ngày, thường xuyên trong im lặng và kín đáo, để phục vụ các thừa tác viên chức thánh và các chủng viện.
Nhân dịp này, trước tiên tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn, tình cảm và sự gần gũi của tôi với các linh mục và phó tế trên toàn thế giới. Nhiều lần, tôi đã cảnh báo chống lại sự nguy hiểm của thói giáo sĩ trị và tính trần tục thiêng liêng, nhưng tôi biết rõ rằng đại đa số các linh mục làm việc với lòng quảng đại và tinh thần đức tin vì lợi ích của Dân thánh Chúa, gánh vác sức nặng nhiều khó khăn gian khổ và phải đối mặt những thách thức mục vụ và thiêng liêng đôi khi không dễ dàng.
Phiên họp toàn thể của anh chị em đặc biệt tập trung vào ba lĩnh vực đáng quan tâm: thường huấn linh mục, thăng tiến các ơn gọi, và chức phó tế vĩnh viễn. Tôi muốn nói ngắn gọn về từng chủ đề này.
Thường huấn. Đó là một chủ đề được nói đến rất nhiều, đặc biệt trong những năm gần đây, và đã được đề cập đến trong Ratio fundamentalis năm 2016. Linh mục cũng là một môn đệ theo Chúa và do đó, việc đào tạo họ phải là một cuộc hành trình thường xuyên; điều này càng đúng hơn nếu chúng ta xét rằng ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới được đánh dấu bằng những thay đổi nhanh chóng, trong đó những vấn đề mới và những thách thức phức tạp đòi hỏi một câu trả lời luôn luôn nổi lên. Vì vậy, chúng ta không thể tự dối mình rằng việc đào tạo trong chủng viện chỉ cần đặt nền móng vững chắc một lần và mãi mãi là đủ; đúng hơn, chúng ta được yêu cầu củng cố, tăng cường và phát triển những gì chúng ta có trong chủng viện, trong một tiến trình có thể giúp chúng ta trưởng thành về chiều kích nhân bản, trưởng thành về mặt thiêng liêng, tìm ra những ngôn ngữ thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng, khám phá những gì chúng ta cần.để giải quyết thỏa đáng những vấn đề mới của thời đại chúng ta.
Ở đây tôi muốn nhắc lại rằng Thánh Kinh đã nói: “Vae soli – khốn thay cho kẻ ở một mình khi bị ngã và không có ai nâng dậy” (Gv 4, 10). Điều này quan trọng biết bao đối với vị linh mục: cuộc hành trình không thể được thực hiện một mình! Tuy nhiên, thật không may, nhiều linh mục quá cô đơn, không có ân sủng đồng hành, không có ý thức thuộc về, giống như một chiếc phao cứu sinh trong biển cả thường xuyên giông bão của đời sống cá nhân và mục vụ. Dệt nên một mạng lưới bền chặt các mối quan hệ huynh đệ là một nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình thường huấn: các giám mục, các linh mục với nhau, các cộng đoàn trong mối quan hệ với các mục tử của họ, các tu sĩ nam nữ, các hiệp hội, các phong trào: điều cần thiết là các linh mục phải cảm thấy “như ở nhà”. Anh chị em, với tư cách là một Bộ, đã bắt đầu dệt nên một mạng lưới toàn cầu: Tôi kêu gọi anh chị em, hãy làm mọi việc để đảm bảo rằng làn sóng này tiếp tục và sinh hoa trái trên khắp thế giới. Hãy làm việc một cách sáng tạo để mạng lưới này được củng cố và hỗ trợ các linh mục. Anh chị em có một vai trò quan trọng cho việc này!
Chăm lo cho ơn gọi. Một trong những thách thức lớn đối với Dân Thiên Chúa là sự kiện rằng, ngày càng nhiều khu vực trên thế giới, ơn gọi thừa tác vụ linh mục và đời sống thánh hiến đang giảm sút mạnh mẽ, và ở một số quốc gia, ơn gọi hầu như đang chết dần. Nhưng ơn gọi hôn nhân, với ý thức dấn thân và sứ mạng mà nó đòi hỏi, cũng đang gặp khủng hoảng. Vì vậy, trong Sứ điệp mới đây về Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi, tôi muốn mở rộng tầm nhìn đến toàn bộ các ơn gọi Kitô hữu, và tôi đặc biệt đề cập đến ơn gọi cơ bản là làm môn đệ, như là hệ quả của Bí tích Rửa tội. Chúng ta không thể cam chịu sự kiện là đối với nhiều người trẻ, giả thuyết về việc hiến dâng mạng sống một cách triệt để đã biến mất khỏi chân trời. Thay vào đó, chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ và quan tâm đến các dấu hiệu của Chúa Thánh Thần, và anh chị em cũng có thể thực hiện nhiệm vụ này nhờ vào Hội Giáo hoàng về Ơn gọi Linh mục (*). Tôi mời gọi anh chị em hãy kích hoạt lại thực tại này, theo cách phù hợp với thời đại chúng ta, có lẽ bằng cách kết nối với các Giáo hội địa phương và xác định những thực hành tốt để lưu hành. Đây là một nhiệm vụ quan trọng!
Cuối cùng là chức phó tế vĩnh viễn. Điều này đã được Công đồng Vatican II đưa vào lại và, trong nhiều thập niên qua, nó đã được đón nhận rất đa dạng. Tuy nhiên, ngay cả ngày nay, các vấn đề vẫn thường được đặt ra về căn tính cụ thể của chức phó tế vĩnh viễn. Như anh chị em đã biết, Báo cáo Tổng hợp của Khóa họp đầu tiên của Thượng hội đồng Giám mục thường lệ, vào tháng Mười năm ngoái, đã khuyến nghị “tiến hành đánh giá việc thực hiện thừa tác vụ phó tế sau Công đồng Vatican II” (Báo cáo Tổng hợp 11 g) , và cũng kêu gọi một sự tập trung mang tính quyết định hơn, trong số những nhiệm vụ khác nhau của các phó tế, vào việc phục vụ bác ái và phục vụ người nghèo (4 p và 11 a). Đi kèm với những suy tư và phát triển này là một nhiệm vụ khá quan trọng đối với Bộ của anh chị em. Tôi khuyến khích anh chị em làm việc vì điều này và triển khai tất cả các lực lượng cần thiết.
Anh chị em thân mến, xin cảm ơn anh chị em một lần nữa. Hãy luôn làm việc để dân Thiên Chúa có được những mục tử theo lòng Chúa Kitô mong ước và có thể lớn lên trong niềm vui làm môn đệ. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ và mẫu mực của mọi ơn gọi, đồng hành cùng anh chị em. Tôi cũng đồng hành cùng anh chị em bằng lời cầu nguyện của tôi. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.
————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : vatican.va)
————————————————–
(*) Hội Giáo hoàng về Ơn gọi Linh mục là Hội chủ yếu nhằm bảo vệ, cổ vũ và giúp đỡ các ơn gọi linh mục. Nó được Đức Thánh Cha Piô XII thành lập trong Tông thư Cum Nobis, ban hành dưới hình thức Tự sắc ngày 4 tháng 11 năm 1941. (ctcnd)
Tags: Phanxicô-I, tính trần tục
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ