EMMANUEL FALQUE: “TRONG SỰ PHỤC SINH, CHÚNG TA SẼ TRỌN VẸN LÀ CHÍNH MÌNH”
Trong cuốn sách mới nhất của mình, La Chair de Dieu, triết gia Emmanuel Falque bắt đầu suy tư về tính chất thể của thân xác phục sinh trong thần học Kitô giáo, bằng cách đọc lại các sự kiện trong những ngày Tam Nhật Vượt Qua, đặc biệt là việc xuống âm phủ vào Thứ Bảy Tuần Thánh.
La Croix: Vào lễ Phục Sinh, các Kitô hữu kỷ niệm biến cố phục sinh của Chúa Kitô. Kinh Tin Kính khẳng định “sự sống lại của thân xác”. Tại sao tín điều này?
Emmanuel Falque: Kitô giáo là một tôn giáo của thân xác: Thiên Chúa trở thành thân xác trong sự Nhập Thể, Người ban thân xác mình trong Bí tích Thánh Thể, Người chết và sống lại trong thân xác của mình… Bức tranh của Caravaggio, Sự hoài nghi của thánh Thomas (1) , cho thấy thân thể rất xác thịt của Chúa Kitô phục sinh. Chúa Giêsu mở áo ra và cầm tay Tôma để cho ông chạm vào vết thương của Người. Dường như thánh Tôma tự hỏi: “Làm sao tôi có thể nghi ngờ được? » Quả thật, ông đã vắng mặt trong lần hiện ra đầu tiên với các môn đệ. Họ nhìn thấy Chúa Kitô, Đấng đã nói với họ: “Đừng sợ, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây. Chính Thầy đây mà” (Lc 24, 39).
Hiện ra “bằng xương bằng thịt” có nghĩa là gì? Có hai cách hiểu lối diễn đạt này, có thể có nghĩa là “đích thân con người” (“chính Thầy đây mà”) hoặc có thể nói về xương và thịt thật (“ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây “).
La Croix: Nhưng “thân xác thật” xuyên tường, ăn uống này là gì?
Emmanuel Falque: Các Giáo phụ và các nhà thần học thời Trung cổ đều tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này. Chúng ta chỉ có thể hiểu được “thân xác thật” của sự phục sinh của Chúa Kitô nếu trước tiên chúng ta hiểu được “thân xác thật” của Người trong việc Nhập Thể. Vấn đề Nhập Thể quyết định vấn đề Phục Sinh: trước tiên, cần phải tin rằng Chúa Giêsu có thân xác con người thực sự. Đối với một số Kitô hữu, đặc biệt là những người theo ảo thân thuyết, thân xác này chỉ là một hiện tượng bề ngoài.
Chúa Giêsu đã sống lại với thân xác nào, chúng ta sẽ sống lại với thân xác nào? Đối với thánh Tôma Aquinô, chúng ta sẽ phục sinh với dạ dày hoặc cơ quan sinh dục nhưng không sử dụng chúng. Thoạt nhìn, điều này khiến người ta mỉm cười, nhưng nó nói lên một điều gì đó rất sâu xa: chúng ta sẽ hoàn toàn là chính mình trong sự phục sinh. Do đó, chúng ta không thể hài lòng với “kinh nghiệm” về thân xác mà ngày nay chúng ta gọi là “xác thịt” trong triết học, để nghĩ về sự phục sinh. Vấn đề, đó là chúng ta không còn nói về thân xác trong tính chất thể của nó nữa. Vì thiếu phát triển một nền nhân học hiện đại về thân xác nhập thể, nên chúng ta cũng chưa phát triển được thần học về thân xác phục sinh.
La Croix: Vậy ngày nay nghĩ thế nào về thân xác?
Emmanuel Falque: Ngày nay người ta nói rất nhiều về thân xác chủ thể (corps sujet) hoặc thân xác được sống (corps vécu). Trong khi trước đây người ta giảm thiểu mọi thứ thành thân xác đối tượng (corps objet) hoặc thân xác mở rộng (corps étendu). “Thân xác duỗi ra” (corps épandu ) đứng giữa hai loại thân xác này. Nó không mất đi chiều kích sinh học nào, mà đôi khi người ta quên mất khi chỉ đề cập đến cách chúng ta trải nghiệm cơ thể mình. Vì vậy, Chúa Kitô phục sinh “bằng xương bằng thịt”, nghĩa là “đích thân con người” và cả bằng thân xác của Người. Chúa Giêsu không phải là tinh thần hay ma, Người là một “thân xác thật” được biến đổi và phục sinh. Vì thế, Người phải chết thực sự.
La Croix: Trong Tam Nhật Vượt Qua của người Công giáo, cái chết của Chúa Kitô kéo dài suốt Thứ Bảy Tuần Thánh. Tại sao ngày này Người xuống âm phủ (enfers)?
Emmanuel Falque: Đối với người Công giáo, Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày của sự thinh lặng, của sự vắng mặt. Âm phủ là nơi của sự vắng mặt (ab-sens) này, của sự vô nghĩa (non-sens) trong cuộc sống của chúng ta. Đó là nơi của “sự im lặng vĩ đại trên trái đất” (2).
Thứ Bảy Tuần Thánh không phải là ngày phán xét cuối cùng. Chúa Giêsu không xuống âm phủ để tẩy sạch tội lỗi của chúng ta. Âm phủ, inferos, “bên dưới” trong tiếng Latinh, không phải là địa ngục (Enfer, inferna). Âm phủ là Sheol của người Do Thái hay Hadès của người Hy Lạp, nơi ở của người chết. Chúa Giêsu xuống đó để nối kết với tất cả chúng ta trong những gì mà tôi gọi là “những chấn thương” và để nâng chúng ta lên khỏi đó.
Địa ngục là nơi cô đơn tuyệt đối, nơi cô đơn nguyên thủy. Nỗi đau khổ do chấn thương gây ra không thể chia sẻ với người khác, ngoại trừ với Chúa Kitô. Trong âm phủ, chúng ta chẳng là gì cả, bị mọi người lãng quên. Vào Thứ Bảy Tuần Thánh, Chúa Kitô đến để làm cho chúng ta không còn bị lãng quên nữa. Sơ Marie-Aimée Manchon đã viết rất đúng : “Có điều còn tồi tệ hơn là không là gì cả, đó là không là gì đối với bất cứ ai” (3).
La Croix: Ông đang nói về những chấn thương nào ?
Emmanuel Falque: Tôi đang nói về “ngoại hiện tượng”, chấn thương này dữ dội đến mức khiến tôi hoàn toàn chết ngất, đến mức thế giới không còn xuất hiện với tôi nữa và tôi không còn xuất hiện với chính mình nữa. Như một bệnh tật, một sự chia ly, cái chết của một đứa con, một thảm họa thiên nhiên hoặc một đại dịch. Đây là những biến cố mà không ai chịu trách nhiệm, kể cả Thiên Chúa, nhưng lại rơi vào chúng ta, tạo ra những lỗ hổng trong cuộc sống của chúng ta và trở thành cấu thành của chính chúng ta.
Đây là lý do tại sao tôi nghĩ rằng trong sự phục sinh, chúng ta sẽ giữ những “chấn thương” này. Chúng ta sẽ được thoát khỏi tội lỗi, vốn không cấu thành nên chúng ta, nhưng chúng ta sẽ giữ lại dấu vết của những chấn thương có lẽ đã “tạo nên” chúng ta suốt cuộc đời chúng ta. Giống như Chúa Kitô, chúng ta sẽ mang dấu tích của những vết thương mà chúng ta đã phải chịu, nhưng lần này không phải chịu đựng chúng nữa.
La Croix: Thân xác của Chúa Kitô trong ngôi mộ trở thành gì?
Emmanuel Falque: Vào Thứ Bảy Tuần Thánh, Chúa Kitô xuống âm phủ với linh hồn của Người để gặp các linh hồn ở Âm phủ. Thân xác của Người phải ở trong mộ và có thể bị phân hủy, ngay cả khi Người sống lại, bởi vì Người phải chết thực sự. Nếu không, Người đã không trải nghiệm thân xác vật chất này, vốn là cát bụi và trở về cát bụi. Nếu không, Người đã không phải là người thực sự.
La Croix: Linh hồn không có thể xác là gì?
Emmanuel Falque: Ngày nay, người ta không còn nói nhiều về linh hồn nữa. Tuy nhiên, đây là một vấn đề quan trọng trong thần học, bởi vì chúng ta phải là một cái gì đó hoặc ai đó giữa lúc chết và lúc sống lại sau cùng của thân xác mà Kinh Tin Kính khẳng định.
Trong đạo Công giáo, chúng ta tin vào sự hiệp thông của các thánh và lời cầu nguyện cho người quá cố. Giáo hội Công giáo cho rằng linh hồn tồn tại sau khi chết. Người ta thường chỉ trích Giáo hội, và cách sai lầm, về một cái nhìn nhị nguyên về con người. Trên thực tế, ngày nay cần phải suy nghĩ lại vấn đề linh hồn, giống như chính thánh Tôma Aquinô đã suy nghĩ lại vào thời ngài khi đọc Aristote.
Đối với Aristote, có ba cấp độ linh hồn: linh hồn thực vật (thức ăn và sinh sản), linh hồn cảm giác (cảm xúc, chuyển động) và linh hồn trí tuệ (suy nghĩ). Khi chúng ta chết, thánh Tôma Aquinô sẽ nói rằng chỉ còn lại linh hồn trí tuệ và tách khỏi thể xác. Nhưng nó lưu giữ trong nó mọi dấu vết của linh hồn thực vật và linh hồn cảm giác của chúng ta.
Vì vậy, chính toàn bộ cách hiện hữu của chúng ta mới là sống động với Thiên Chúa. Ngay cả khi không có thân xác, linh hồn vẫn giữ được một “mối liên kết” với nó. Tương tự như vậy, nó duy trì mối liên kết với tất cả những người mà nó đã ở gần kề. Các thánh ở với Thiên Chúa trong toàn bộ hữu thể của họ, điều mà ngày nay chúng ta gọi là nhân vị. Nhưng cái còn lại vẫn chưa phải là thân xác sống lại. Linh hồn ở cùng Chúa trong khi chờ đợi sự sống lại cuối cùng thì chưa trọn vẹn.
La Croix: Làm thế nào Giáo hội ngày nay có thể nói về sự sống lại của thân xác?
Emmanuel Falque: Chúng ta phải quay trở lại với những lời của thánh Phaolô: “Nhưng có người sẽ nói: kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? » (1 Cr 15, 35).
Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nói về một thân xác có cùng bản chất nhưng được biến đổi hoàn toàn (§ 999). Chúng ta có thể dịch nó sang ngôn ngữ triết học đương đại bằng cách nói rằng sự phục sinh cuối cùng, đó là sự kết hợp của thân xác (sinh học) với xác thịt (được sống): thân xác mà tôi có trở thành thân xác mà tôi là. Sự phục sinh không mở ra phía bất tử phi hiện thực. Toàn bộ thực tại sinh học của chúng ta được đảm nhận và biến đổi.
————————————-
(1) Bức tranh này được vẽ vào năm 1603 vào thời kỳ Phản Cải cách, đang được lưu giữ tại Cung điện Sanssouci ở Potsdam (Đức).
(2) Pseudo-Épiphane, « Bài giảng cho ngày Thứ Bảy Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh ».
(3) Alentour du verset, Ad Solem, 2019.
—————————
Về Emmanuel Falque :
7 /11/ 1963. Sinh (Neuilly-sur-Seine).
4 /4/1980 (Thứ Sáu Tuần Thánh). Trở lại tại Assidi. Chịu ảnh hưởng của linh đạo Phanxicô.
13 /7/ 1985. Kết hôn với nhà phân tâm học Sabine Fos-Falque. Họ có với nhau bốn đứa con.
1988. Thạc sĩ Triết học.
1989-2001. Thành viên của cộng đồng Chemin-Neuf. Ảnh hưởng của linh đạo Inhaxiô .
1993. Thạc sĩ Thần học (Centre Sèvres).
1994. Tiến sĩ Triết học (Paris IV-Sorbonne).
1995. Giảng dạy ở Học viện Công giáo Paris và Chủng viện Orléans.
2009-2015. Khoa trưởng của phân khoa triết học của Học viện Công giáo Paris.
2013. Xuất bản Passer le Rubicon, philosophie et théologie : nouvelles frontières.
2014-2021. Các tác phẩm về hiện tượng học (như Le Combat amoureux, Éthique du corps épandu et Hors phénomène).
2015. Thành lập Mạng lưới Quốc tế về Triết học Tôn giáo (INPR), một mạng lưới các triết gia và thần học trẻ đến từ Châu Âu và bên kia Đại Tây Dương.
2022-2023. Chức giáo sư Étienne Gilson ở Học viện Công giáo Paris.
——————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : nhật báo La Croix)
Tags: Phục-sinh
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ