GẶP GỠ LIÊN TÔN: TẠO NÊN MỐI LIÊN KẾT GIỮA NHỮNG KHÁC BIỆT

Written by xbvn on Tháng Chín 5th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đại giáo sĩ Hồi giáo Nasaruddin Umar chào đón, hôm 5/9/2024, tại đền thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta trong một cuộc gặp gỡ dưới dấu hiệu tình huynh đệ giữa Kitô hữu và người Hồi giáo ở Indonesia. Một tuyên bố chung đã được ký kết nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các tôn giáo, thúc đẩy đối thoại khi đối mặt với khủng hoảng, và để bảo vệ Công trình Tạo dựng.

Đây là một trong những cuộc gặp gỡ quan trọng nhất trong chuyến dừng chân ở Indonesia của Đức Thánh Cha Phanxicô. Cuộc gặp gỡ liên tôn, trong đền thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta, đền thờ lớn nhất châu Á, cụ thể hóa tinh thần đối thoại giữa các tôn giáo khác nhau cùng tồn tại hòa bình trong nước này. Ngay từ đầu bài phát biểu của mình, để nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa người Kitô hữu và người theo đạo Hồi, Đức Phanxicô nhắc lại rằng kiến ​​trúc sư thiết kế đền thờ là người Kitô hữu. Friedrich Silaban cũng là người thiết kế sân vận động Gelora Bung Karno, nơi Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ hôm nay. Việc một người Kitô hữu vẽ một đền thờ Hồi giáo “chứng minh sự kiện rằng rằng, trong lịch sử của quốc gia này và trong nền văn hóa mà chúng ta hít thở ở đó, đền thờ Hồi giáo, giống như những nơi thờ phượng khác, là những không gian đối thoại, tôn trọng lẫn nhau, chung sống hài hòa giữa các tôn giáo và những nhạy cảm tâm linh khác nhau”.

Đường hầm tình bạn

Nhưng đó không phải là tất cả. Có một bằng chứng cụ thể khác cho sự hòa hợp này: “đường hầm tình bạn”, nối liền đền thờ Hồi giáo Istiqlal với nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời, nằm ngay đối diện. Đến thăm đường hầm này cùng với vị đại giáo sĩ Hồi giáo, Nasaruddin Umar, Đức Thánh Cha, gợi lên ánh sáng khi nói với vị đại giáo sĩ này: “Khi người ta nghĩ đến một đường hầm, người ta dễ dàng tưởng tượng ra một con đường tối tăm có thể gây sợ hãi, đặc biệt nếu người ta ở một mình. Ở đây thì khác, vì mọi thứ đều được thắp sáng. Nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng các bạn là ánh sáng soi sáng nó, thông qua tình bạn, sự hòa hợp mà các bạn vun đắp, sự nâng đỡ mà các bạn mang lại cho nhau.”

Đức Phanxicô khai triển suy tư của mình về vai trò của các tôn giáo: “giúp mỗi người băng qua đường hầm với đôi mắt hướng về ánh sáng”, và từ đó nhìn nhận “một người anh em, một người chị em, những người mà chúng ta có thể chia sẻ cuộc sống và chúng ta nâng đỡ lẫn nhau”. Đường hầm này cho thấy tình bạn giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau có thể chống lại “nhiều dấu hiệu đe dọa” và “những thời kỳ đen tối”. Nó thúc đẩy “một cuộc gặp gỡ, một cuộc đối thoại”, và “có thể biến thành một trải nghiệm thực sự về tình huynh đệ, thành một đoàn người liên đới”.

Cùng nhau bước đi để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan

Trong ngôi đền thờ rộng lớn có sức chứa lên tới 250.000 người, đại giáo sĩ Nasaruddin Umar nhớ lại rằng tòa nhà không chỉ là nơi thờ phượng của người Hồi giáo, mà còn là “ngôi nhà vĩ đại cho nhân loại”, nơi “thường xuyên đón tiếp các hoạt động liên tôn, liên văn hóa và ngoại giao”.  Tiếp theo là sự khích lệ của Đức Thánh Cha để tiếp tục con đường này: cùng nhau bước đi “trong việc tìm kiếm Thiên Chúa và góp phần xây dựng những xã hội chào đón, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và tình yêu thương hỗ tương, có khả năng loại bỏ sự cứng nhắc, chủ nghĩa chính thống quá khích và chủ nghĩa cực đoan, vốn luôn nguy hiểm và không bao giờ có thể được biện minh”.

Luôn nhìn sâu

Tiếp tục bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha đề xuất hai định hướng. Định hướng thứ nhất: “Luôn nhìn sâu” để đi tìm kiếm điều hiệp nhất vượt lên trên những khác biệt. Đức Phanxicô gợi lên hai cấp độ hiện thực hóa các không gian của nhà thờ chính tòa và đền thơ: bề ngoài là những không gian dành riêng cho việc thờ phượng, với các nghi thức và thực hành của mỗi tôn giáo. Bên dưới là đường hầm, kết nối làm nổi bật nguồn gốc chung của mọi nhạy cảm tôn giáo, chẳng hạn như “cuộc gặp gỡ với thần linh” và “nỗi khao khát vô tận mà Đấng Tối Cao đã đặt trong trái tim chúng ta”. Đối với Đức Phanxicô, “bằng cách nắm bắt những gì chảy sâu trong cuộc sống của chúng ta, […] chúng ta khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều là anh em, tất cả đều là những người hành hương, tất cả đều đang trên hành trình hướng tới Thiên Chúa, vượt lên trên những gì khiến chúng ta khác biệt”.

Chăm sóc các mối quan hệ

Lời mời gọi thứ hai được Đức Thánh Cha gửi đến liên quan đến việc duy trì mối quan hệ giữa các tôn giáo. Tìm kiếm bằng mọi giá điểm chung giữa các học thuyết và tuyên xưng tôn giáo khác nhau không phải là ưu tiên. Ngược lại, cách tiếp cận như vậy cuối cùng có thể gây chia rẽ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh, điều quan trọng là “tạo nên mối liên kết giữa những khác biệt của chúng ta, đảm bảo vun trồng những mối liên kết tình bạn, sự quan tâm và sự hỗ tương”. Nghĩa là cởi mở với người khác, học hỏi truyền thống tôn giáo của mỗi người, biết cách giúp đỡ lẫn nhau. Đây là cách để chúng ta có thể cùng nhau bước đi để “bảo vệ phẩm giá con người, đấu tranh chống nghèo đói, cổ vũ hòa bình”.

Thăng tiến sự hòa hợp tôn giáo vì lợi ích của nhân loại

Đức Thánh Cha Phanxicô, đại giáo sĩ của Itsilqlal, cũng như đại diện của các tôn giáo khác có mặt trong nước, đã ký tuyên bố chung tập trung vào hai trục chính: “phi nhân bản hóa và biến đổi khí hậu”. Hình ảnh này gợi nhớ đến việc ký kết văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại được ký vào tháng 2 năm 2019 với đại giáo sĩ Al Fayyed tại Abu Dhabi. Tại Jakarta, văn bản có tựa đề “Thăng tiến sự hòa hợp tôn giáo vì lợi ích của nhân loại”, nó tố cáo “bạo lực và những xung đột phổ biến” thường được tạo ra bởi việc sử dụng tôn giáo làm công cụ; và “sự lạm dụng của con người đối với công trình sáng tạo, ngôi nhà chung của chúng ta” đã góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Để đối phó với cuộc khủng hoảng kép này, các nhà lãnh đạo tôn giáo ký kết cam kết thúc đẩy hiệu quả các giá trị chung của các truyền thống tôn giáo, nỗ lực thúc đẩy hòa giải, tôn trọng và tình liên đới huynh đệ.

Tuyên bố cũng đề cập đến sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ để đương đầu với khủng hoảng, xác định các nguyên nhân và thực hiện các biện pháp thích hợp. Vì chỉ có một gia đình nhân loại, nên tài liệu kêu gọi đối thoại liên tôn phải được công nhận là “một công cụ hiệu quả để giải quyết các xung đột địa phương, khu vực và quốc tế, đặc biệt là những xung đột do lạm dụng tôn giáo gây ra”. Cuối cùng, về mặt bảo vệ môi trường, tất cả những người có thiện chí đều được mời “hành động dứt khoát để bảo vệ sự toàn vẹn của hệ sinh thái và các tài nguyên của nó được thừa hưởng từ các thế hệ trước, điều mà chúng ta hy vọng sẽ truyền lại cho con cháu của chúng ta. »

Tý Linh

(theo Jean-Charles Putzolu – Vatican News)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Chín 2024
H B T N S B C
« Th8    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30